Mark Link _ Lời Chúa thứ sáu tuần 9 thường niên

THỨ SÁU - TUẦN 9
Bài đọc 1 Năm lẻ
[Ánh sáng đã trở lại với Tôbia khi con trai ông chữa mắt cho ông theo lời thiên thần hướng dẫn. Tôbia tạ ơn Thiên Chúa và nói:] “Chúc tụng Thiên Chúa. Đáng chúc tụng thay Danh lớn lao của Ngài” (Tb 11,14).
Byron Dell lớn lên ở nông trại Nebraska. Khi được 8 tuổi, ông có một con ngựa tên là Frisky và đôi khi nó cũng hành động giống cái tên của nó (Frisky: sống động, nghịch ngợm). Một buổi sáng nọ, Byron đang chăn bò, thì Frisky bỗng hoảng sợ và lồng lên. Byron ôm ghì Frisky và cuối cùng đã chinh phục được nó. Đêm hôm đó, trước khi đi ngủ, cha của Byron đã quỳ gối dâng lời cảm tạ Chúa vì con của ông không hề hấn gì. Truyện này xảy ra cách đây 55 năm, nhưng Byron không sao quên được. Nó thúc đẩy ông sống cầu nguyện hằng ngày như một phần của đời mình.
Tôi đã quỳ gối cầu nguyện cùng với cha mẹ, con cái, anh chị em của tôi cách thoải mái như thế nào?
Cha tôi không bảo tôi phải sống như thế nào, nhưng ông chỉ sống và làm gương cho tôi (Clarence Budington Kelland).

Bài đọc 1 Năm chẵn
Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích trong việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính” (2Tm 3,16).
Có ba lối giải thích được đưa ra để chứng minh Thiên Chúa đã linh hứng cho cuốn Kinh thánh như thế nào. Thứ nhất, chính Thiên Chúa chịu trách nhiệm về nội dung cuốn sách, theo nghĩa Thiên Chúa đọc nó lên, cũng như một người lãnh đạo đọc một lá thư. Thứ hai, chính những người viết Kinh thánh chịu trách nhiệm theo nghĩa Thiên Chúa chỉ hướng dẫn họ một cách thụ động, tránh cho họ khỏi sai lầm. Thứ ba, Thiên Chúa và người viết Kinh thánh chịu trách nhiệm liên đới, theo nghĩa Thiên Chúa chủ động giúp họ đưa ra những chân lý tôn giáo mà Thiên Chúa muốn mặc khải. Mặc dù quá trình linh hứng vẫn còn có phần bí ẩn, nhưng hầu hết các học giả đều bác bỏ hai giả thuyết đầu, và về nguyên tắc công nhận giả thuyết cuối.
Tôi có nhìn nhận Kinh thánh thực sự là Lời Thiên Chúa thông qua ngôn ngữ con người không?
Qua những lời Kinh thánh, tôi tìm gặp được thực chất của mình sâu xa hơn bất cứ cuốn sách nào khác (Sam Taylor Coleridge).

Bài Tin Mừng
Khi giảng dạy trong Đền thờ, Cháu Giêsu lên tiếng hỏi: “Chính vua Đavít được thánh thần soi sáng đã nói: ‘Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con’. Chính vua Đavít gọi Đáng Kitô là Chúa Thượng, thì do đâu Đấng Kitô lại là con vua ấy được?” (Mc 12,35-37).
Chua Giêsu không phủ nhận Đấng Mêsia là hậu duệ của vua Đavít. Đúng hơn, Ngài khẳng định Đấng Mêsia vượt qua nguồn gốc loài người. Từ ngữ có nghĩa là Chúa trong tiếng Hy Lạp mà Chúa Giêsu sử dụng là kurios. Người Hy Lạp dành từ này cho Thiên Chúa. Nói khác đi, Đấng Mêsia không chỉ là con vua Đavít, nhưng còn là con Thiên Chúa. Ngài không chỉ là hậu duệ của Đavít, nhưng còn là Chúa của Đavít.
Cái gì thuyết phục tôi rằng Chúa Giêsu là “Chúa” của trời và đất?
Tôi khao khát Chúa Kitô. Ngài là tất cả của tôi (Charles Spurgeon).