LỄ MÌNH MÁU CHÚA
NĂM B
Xh 24,3-8; Dt
9,11-15; Mc 14,12-16.22-26
BÀI ĐỌC I: Xh 24,3-8
Ngày ấy, khi từ núi Xi-nai xuống, 3 ông Mô-sê xuống thuật lại cho dân mọi lời của
Đức Chúa và mọi điều luật. Toàn dân đồng thanh đáp: "Mọi lời Đức Chúa đã
phán, chúng tôi sẽ thi hành."4
Ông Mô-sê chép lại mọi lời của Đức Chúa. Sáng hôm sau, ông dậy sớm, lập một bàn
thờ dưới chân núi và dựng mười hai trụ đá cho mười hai chi tộc Ít-ra-en.5 Rồi ông sai các thanh niên trong dân Ít-ra-en
dâng những lễ toàn thiêu, và ngả bò làm hy lễ kỳ an tế Đức Chúa.6 Ông Mô-sê lấy một nửa phần máu, đổ vào những
cái chậu, còn nửa kia thì rảy lên bàn thờ.7
Ông lấy cuốn sách giao ước đọc cho dân nghe. Họ thưa: "Tất cả những gì Đức
Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và tuân theo."8 Bấy giờ, ông Mô-sê lấy máu rảy lên dân và nói:
"Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời
này."
ĐÁP CA: Tv 115
Đ. Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu
thánh danh Đức Chúa. (c 13)
12 Biết lấy chi đền đáp Chúa bây
giờ vì mọi ơn lành Người đã ban cho? 13 Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu
thánh danh Đức Chúa.
15 Đối với Chúa thật là đắt giá
cái chết của những ai trung hiếu với Người. 16 Vâng lạy Chúa, thân này là tôi tớ, tôi tớ Ngài,
con của nữ tỳ Ngài, xiềng xích trói buộc con, Ngài đã tháo cởi.
17 Con sẽ dâng lễ tế tạ ơn, và
kêu cầu thánh danh Đức Chúa. 18 Lời khấn nguyền với Chúa, tôi xin giữ trọn,
trước toàn thể dân Người.
BÀI ĐỌC II: Dt 9,11-15
Thưa anh em, 11 nhưng Đức Ki-tô đã đến làm
Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai. Để vào cung thánh, Người đã đi
qua một cái lều lớn hơn và hoàn hảo hơn, không do bàn tay con người làm nên,
nghĩa là không thuộc về thế giới thọ tạo này.12 Người đã vào cung thánh không
phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, Người vào chỉ
một lần thôi, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta.13 Vậy nếu máu các con dê, con
bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh
hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch,14 thì máu của Đức Ki-tô càng
hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng hữu thúc đẩy, Đức Ki-tô đã tự hiến
tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm
chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên
Chúa hằng sống.
15 Bởi vậy, Người là trung gian của một Giao Ước
Mới, lấy cái chết của mình mà chuộc tội lỗi người ta đã phạm trong thời giao
ước cũ, và đem lại cho những ai được Thiên Chúa kêu gọi quyền lãnh nhận gia
nghiệp vĩnh cửu Thiên Chúa đã hứa.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Ga 6,51
Hall-Hall: Chúa
nói: Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn
đời. Hall.
TIN MỪNG: Mc 14,12-16.22-26
12 Hôm ấy, nhằm ngày thứ nhất
trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với
Đức Giê-su: "Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu?
" 13 Người sai hai môn đệ đi, và
dặn họ: "Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các
anh. Cứ đi theo người đó.14
Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: "Cái phòng
dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu?15 Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh
một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng: và ở đó, các anh hãy
dọn tiệc cho chúng ta."16 Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành, các ông thấy
mọi sự y như Người đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua.
22 Đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời
chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Anh em hãy cầm lấy, đây là
mình Thầy."23
Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều
uống chén này.24
Người bảo các ông: "Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người.25 Thầy bảo thật anh em: chẳng
bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu
mới trong Nước Thiên Chúa." 26 Hát thánh vịnh xong, Đức Giê-su và các môn đệ
ra núi Ô-liu.
NUỐT TRỌN ĐẤNG YÊU
TA!
Để diễn tả tình liên
đới giữa Thiên Chúa với loài người, Thánh Kinh dùng những tương quan: Chủ -Tớ (x.
Lc 19,11-27); Bạn – Hữu (x. Ga 15,15); Cha – Con (x. Lc 15,11-32); Phu – Thê (x.
2Cr 11,2). Trong bốn tương quan ấy, thì hai tương quan “Cha- Con” và “Phu –Thê”
là thắm thiết bền chặt nhất.
Tuần vừa qua lễ Chúa
Ba Ngôi, Hội Thánh đã giúp chúng ta suy niệm về Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Thánh
Thần dạy chúng ta biết gọi Thiên Chúa là “Abba – Cha ơi” (x. Rm 8,15); thì Chúa
nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, chúng ta được dự tiệc Thánh Thể, để ta được
thực sự là Hiền Thê của Tân Lang Giêsu, khởi đi từ Bí tích Thánh Tẩy (x. 2Cr
11,2). Đây là đỉnh cao tương quan Giao Ước tình yêu Thiên Chúa ký kết với dân
Ngài.
Chúng ta muốn cảm
nghiệm tình yêu cao cả Thiên Chúa dành cho mọi người Công Giáo. Ta hãy tìm
hiểu:
·
Ý nghĩa Giao Ước trong máu.
·
Hiến tế của Chúa Giêsu trổi vượt hơn mọi hiến tế.
I. Ý NGHĨA GIAO ƯỚC TRONG MÁU.
Giao ước là đôi bên
thề hứa với nhau thi hành một lý tưởng đôi bên cùng có lợi. Để bảo chứng cho
Giao ước đó được triệt để thi hành, bên nào lỗi lời thề, bên đó bị phân thây
(máu chảy).
Thực vậy, trước khi
Chúa lập Giao Ước với Abraham: Ông phải bỏ quê hương lên đường tới miền đất mới
Chúa chỉ cho, dù tuổi vợ chồng ông đã hết thời sinh nở, mà chưa có một người
con nào, Chúa cũng hứa ban cho ông một dòng giống đông đúc như sao trời như cát
biển. Để làm chứng lời Giao Ước này có giá trị, Chúa bảo ông Abraham bắt một số
con vật xẻ đôi đặt thịt chúng thành hai bờ, rồi ông sẽ thấy dấu ngọn đuốc đi
qua giữa những con vật phân thây (x. St 15), đó là dấu Chúa không bao giờ lỗi
Giao Ước mà Ngài đã lập với ông Abraham.
II. HY TẾ CHÚA GIÊ-SU TRỔI VƯỢT HƠN MỌI LỄ TẾ.
Dù ông Êlya sát tế con
bò dâng lên Chúa theo luật Môsê ở núi Karmel, đã thắng lễ tế của 450 tiên tri
thờ thần Baal, và thừa thắng xông lên ông đã diệt hết bọn tiên tri ngoại giáo
thờ ngẫu tượng ấy! (x. 1V 18,20t) Nhưng lễ tế làm theo luật Môsê hay bất cứ lễ
tế nào ngoài Giáo Hội Công giáo đều thua xa từ hình thức, nội dung đến hiệu quả:
1- Khác nhau về chủ tế.
Chủ tế ngoài Kitô giáo
là người phàm, dù tầm cỡ như ông Môsê (x. Xh 24, 8: Bài đọc I), thì cũng chẳng
chủ tế nào thiệt gì đến bản thân. Thua xa Chủ Tế trong Kitô giáo là chính Chúa
Giêsu, Giám mục hay Linh mục khi dâng lễ “trong cương vị Đức Ki-tô là Thủ Lãnh”
chủ sự cộng đoàn (x. Hiến Chế Phụng Vụ số 7; Giáo Lý Hội Thánh số 1348; 1369).
Tất cả đều phải hy sinh, có khi phải thiệt mạng sống như Đức Giê-su (x. Lc
22,19; Cl 1,24); hoặc ít ra là lao động cần cù vất vả trong việc bổn phận như
người đội vò nước đang về nhà chỉ cho các môn đệ Đức Giê-su căn phòng để Thầy
trò ăn lễ Vượt Qua tại đó và trong bữa tiệc ấy Đức Giê-su lập Bí tích Thánh Thể
(x. Mc 14,12-16: Tin Mừng).
2- Khác nhau về của lễ.
Của lễ ngoài Ki-tô
giáo là vật chất như chiên cừu bò lừa (x. Xh 24,5: Bài đọc I). Thua xa của lễ
trong Ki-tô giáo là chính Chúa Giê-su Phục Sinh và những người được Ngài cứu độ
đã trở nên Thân Thể Mầu Nhiệm của Chúa Ki-tô (x. Giáo Lý Hội Thánh số 1367;
1370; 1396; 1407). Và như vậy Đức Giê-su Ki-tô vừa là Chủ Tế, vừa là Lễ Vật Con
Chiên Thiên Chúa (x. Ga 1,29), vừa là Bàn Thờ (x. GLHT số 1410; Kinh Tiền Tụng
Thứ Năm Phục Sinh).
3- Khác nhau về xuất xứ.
Bàn thờ ngoài Kitô giáo là sáng kiến của loài
người làm bằng vật chất, như ông Mô-sê dùng 12 trụ đá xếp lại thành bàn thờ (x.
Xh 24,4: Bài đọc I). Và từ trên mặt đất này tế lễ cho vị thần, thua xa bàn thờ
trong Kitô giáo là dấu chỉ Chúa Giêsu đang hiện diện giữa cộng đoàn tín hữu (x.
GLHT số 1383). Bàn thờ này phát xuất từ tận cung thánh trên trời, được Hội
Thánh làm hiện tại hóa trên dương thế (x. Dt 9,11-12: Bài đọc II).
4- Khác nhau về hiệu quả.
Các kiểu tế tự cầu
khẩn ngoài Ki-tô giáo, vị tư tế chỉ là người phàm làm trung gian giữa thần minh
với đồng loại, xin vị thần ban ơn đáp ứng nhu cầu thân xác của dân. Thua xa Hy Lễ
trong Hội Thánh Công giáo, vị Tư Tế Giêsu lại là Chúa, trực tiếp ban ơn cho dân
Ngài phần hồn cũng như phần xác (x. Dt 1,1). Cụ thể được bốn ơn này:
a- Được tạ ơn
Chúa:
Đức Kitô dâng lên Chúa Cha toàn thể công trình sáng tạo, đặc biệt là những
người đã được cứu chuộc qua mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Ngài. Nhờ Ngài,
Hội Thánh có thể dâng Hy Tế Tạ Ơn, và ca ngợi vì tất cả chân thiện mỹ Thiên
Chúa đã thể hiện qua việc tạo dựng muôn vật kỳ diệu trong vũ trụ, để làm quà
tặng cho con người. Đặc biệt nhất là Chúa Cha tặng ban Con Một để cứu thế gian
thoát tay tử thần (x. Ga 3,16; GLHT số 1359). Lời Tạ Ơn ấy không thêm gì cho Chúa,
nhưng đem lại cho chúng ta ơn cứu độ muôn đời nhờ Đức Ki-tô (x. Lc 17,15-19 và
Kinh Tiền Tụng Tạ Ơn trong Thánh lễ). Như thế, hơn hẳn lễ tế ngoài Kitô giáo
chỉ lấy một số vật chất dâng vị thần như ông Môsê truyền cho dân giết bò tế lễ
tạ ơn Chúa đã cứu dân thoát nô lệ Ai Cập, và là dấu dân quyết tâm thi hành mọi
điều Thiên Chúa phán dạy (x. Xh 24,3-8: Bài đọc I).
b- Được thoát
tội và cả hồn xác được sống lại vinh quang: “Với tư cách là một hy tế, Bí tích Thánh Thể
được dâng lên, để nhờ Bánh và Rượu đã trở nên Mình và Máu Thánh Chúa Kitô dâng
lên Chúa Cha để đền tội cho người sống cũng như kẻ chết, và để đạt được những
ơn lành hồn xác từ Thiên Chúa” (GLHT số 1411 và 1414; Dt 9,14: Bài đọc II),
giúp chúng ta xa lánh tội, gìn giữ ta không phạm tội trọng (x. GLHT số 1395;
1416). Nhất là dù chúng ta có chết cách nào, Chúa Giêsu Thánh Thể cũng cho
chúng ta được sống lại vinh hiển như Ngài trong ngày cánh chung (x. Ga 6,54;
1Ga 3,2). Bởi vì “Chúa nói: “Tôi là Bánh
Hằng Sống từ trời xuống, ai ăn Bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6,51:
Tung Hô Tin Mừng). Hơn hẳn ông Môsê xưa kia xin Chúa mưa manna cho dân ăn hằng
ngày, mà vẫn phải chết (x. Xh 16), và cho dù họ có lấy máu chiên bò rảy trên
dân, đó chỉ là dấu Thiên Chúa thánh hóa dân khỏi nhiễm uế, thua xa Máu Chúa
Kitô thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta
xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống (x. Xh 24,8: Bài đọc I; Dt 9,13-14:
Bài đọc II).
c- Được nuốt
Đấng Phục Sinh:
Lúc Đức Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, Ngài cầm lấy bánh dâng lời chúc tụng và
nói với các môn đệ: “Anh em hãy cầm lấy
mà ăn vì này là mình Thầy” (Mc 14,22: Tin Mừng). “Ăn thịt Chúa Giêsu” không phải là ăn miếng thịt của Ngài mà là đón nhận lấy chính Chúa Giêsu Phục Sinh. Nói tắt: “Nuốt trọn Đấng yêu
ta vào lòng”. Như thế, khi rước Lễ, ta được nên một trong Chúa Giêsu, cùng một
xương thịt, cùng một sự sống thần linh, cho ta trái tim giống Chúa Giêsu, nâng
đỡ sức lực ta trên đường lữ hành tại thế, làm cho ta khao khát cuộc sống vĩnh
cửu, và ngay từ bây giờ liên kết ta với Hội Thánh trên trời, với Đức Trinh Nữ
Maria và các thánh (x. GLHT số 1419; Dt 2,11.14; Ga 6,57; Gl 2,20).
d- Được nhận
Giao Ước Mới: Đức Giêsu cầm chén rượu và
nói: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước đổ ra
vì muôn người” (Mc 14,24: Tin Mừng). Giao Ước được Đức Giêsu lập bằng máu
của Ngài: vì tội ta phản bội Chúa, đáng lẽ ta bị phân thây như những con vật mà
ông Abraham đã xẻ đôi (x. St 15). Nhưng Đức Giêsu lại tình nguyện gánh lấy tội
ta, nên Ngài như con chiên hiền lành bị phanh thây đền tội cho ta (x. Ga 1,29;
Is 53), và như thế Giao Ước bằng máu trong cuộc Tử Nạn của Đức Giêsu đã trở
thành Di Chúc ban cho ta hết ơn này đến ơn khác (x. Dt 9,16; Ga 1,16).
Do đó nếu ta tái phạm tội mà không trông cậy vào
lòng thương xót của Chúa, thể hiện qua việc xưng tội và rước Lễ, thì chính ta
đã xé Di Chúc (Chúc Thư) Chúa đã lập với ta, Satan sẽ phanh thây ta, chứ nó không
có quyền gì đối với Chúa Giêsu Phục Sinh.
Theo luật Bí tích Hôn Phối, sau khi vợ chồng ký
giao ước Hôn Phối trước xã hội và Hội Thánh, lại ăn ở trao thân cho nhau, thì
Hôn Phối ấy đã hoàn hợp và không có cách nào tháo gỡ được (x. Giáo Luật số
1061); Cũng thế, mỗi khi ta dự Lễ cách trọn vẹn nghe Lời và rước Lễ, thì Chúa
Giêsu trao thân cho ta, và ta trao thân cho Ngài, cuộc đính hôn của ta với Tân
Lang Giê-su đạt đỉnh cao sự hoàn hợp. Lúc ấy ta được nghe tiếng Ngài nói với ta:
“Không bao giờ Ta bỏ ngươi” (x. Is
49,15b), vì “Ta đã yêu là yêu đến cùng!”
(Ga 13,1).
Vậy “tôi
xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu danh Đức Chúa, tôi lấy biết lấy chi đền
đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Ngài đã ban cho” (Tv 115: Đáp ca).
THUỘC LÒNG.
Chúa Giêsu nói: “Ai
ăn Ta nó sống nhờ Ta, như Ta sống nhờ Cha Ta” (Ga 6,57).
Linh
mục GIUSE ĐINH QUANG THỊNH