Lễ Thánh Thể _ máu giao ước

MÁU GIAO ƯỚC
 (Lễ Mình Máu Chúa Kitô năm B)
“Đây là máu Thầy, máu Giao ước, đổ ra vì muôn người” (Mc 14,25). Là Kitô hữu Công giáo, chúng ta tin nhận tính cao cả, tầm quan trọng của Bí Tích Thánh Thể. Toàn thể Giáo Hội tuyên xưng Bí tích Thánh Thể là nền tảng và là trung tâm của đời sống Kitô hữu. Khi trao ban chính máu thịt của mình cho chúng ta thì Chúa Kitô đã dùng chính máu thịt của mình làm của lễ giao hoà nhân loại chúng ta với Thiên Chúa.

“Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em…” Bằng nghi lễ rảy máu lên bàn thờ và trên dân chúng, Môsê đã cử hành lễ giao ước giữa Thiên Chúa với dân được tuyển chọn (x.Xh 24,6-8). Nội hàm của giao ước như sau: phía Thiên Chúa, Người chính thức chọn dân Israel làm dân riêng và sẽ chúc phúc, gìn giữ, bảo vệ họ. Còn phía dân thì họ phải tuân giữ các huấn thị Thiên Chúa truyền dạy. Vai trò của máu trong lễ nghi ký kết giao ước muốn nói lên sự hiệp thông trọn vẹn giữa hai bên ký kết và cùng hàm ý thêm rằng nếu bên nào lỗi ước thì sẽ bị chết.
Thiên Chúa luôn trung thành với lời đã hứa, còn con người thì hay đổi thay. Và Thiên Chúa đã cho thiết lập lễ xá tội để điều chỉnh lại mối tương quan giữa Người với dân phản bội. Khi dân hay một ai đó phạm tội thì phải lấy máu dê bò bôi lên các góc của bàn thờ. Người có tội lẽ ra đáng phải chết nhưng Thiên Chúa lại cho dùng loài vật đền thay kẻ có tội khi họ biết sám hối ăn năn. Máu dê bò được bôi trên các góc của bàn thờ vừa nói lên việc Thiên Chúa chuẩn nhận sự sám hối của kẻ có tội đồng thời nói lên việc Thiên Chúa cho phép tội nhân nối lại mối tương quan thông hiệp với Người.
Chúng ta tin nhận rằng máu cực thánh Chúa Kitô đã hoàn tất giá trị cũng như ý nghĩa của máu các loại dê bò thời Cựu ước. Máu Chúa Kitô đổ ra chính là giao ước mới giữa Thiên Chúa và toàn thể nhân loại. Máu Chúa Kitô là của lễ đền tội thay cho toàn thể nhân loại. Máu Chúa Kitô đổ ra là phương thế để nhân loại được giao hoà và hiệp thông với Thiên Chúa. Hệ quả tất yếu đó là con người nhận được ơn tha thứ, được trở về làm con cái Thiên Chúa. Cùng với tác giả thư gửi tín hữu Do Thái chúng ta mạnh mẽ khẳng định: “Nếu máu các con dê, con bò, nếu nước tro của xác bò cái, đem rảy lên mình những kẻ nhiễm uế còn thánh hoá được họ, nghĩa là cho thân xác họ trở nên trong sạch, thì máu của Đức Kitô càng hiệu lực hơn biết mấy. Nhờ Thánh Thần hằng thúc đẩy, Đức Kitô đã tự hiến tế như lễ vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Máu của Người thanh tẩy lương tâm chúng ta khỏi những việc đưa tới sự chết, để chúng ta xứng đáng phụng thờ Thiên Chúa hằng sống” (Dt 9,12..).
Thánh Thể là Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Chúa Kitô tự nguyện trao ban máu thịt của Người cho nhân loại chúng ta để liên đới với chúng ta trong tội chúng ta đã phạm. “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em”. Người trao ban máu thịt của Người để chúng ta được hiệp thông với sự sống thần linh. Khi được hiệp thông với sự sống Thiên Chúa thì chúng ta được giao hoà với Thiên Chúa và hệ quả là được thứ tha mọi tội lỗi. “Này là Máu Thầy đổ ra cho muôn người được tha tội”.
Khi lập Bí Tích Thánh thể vào đêm Tiệc Ly là lúc Chúa Kitô quyết định dứt khoát lần cuối cùng là tự dâng hiến sự sống của mình để đền tội thay cho nhân loại và thông ban sự sống thần linh cho loại người chúng ta. Hội Thánh nhìn nhận quyết định cuối cùng này (lập Bí Tích Thánh Thể) mang giá trị đủ đầy của Hy Tế Thập Giá cứu độ mà Chúa Kitô thực hiện trên đồi Gôngôta. Chính vì thế Hội Thánh dạy rằng mỗi lần Hy Tế Thánh Thể được cử hành trên bàn thờ là hiện tại hoá hy tế Thập Giá của Chúa Kitô.
Cần khẳng định rằng Chúa Kitô lập Bí Tích Thánh Thể trên hết, trước hết không phải để chúng ta cung nghinh rước kiệu hay để chiêm ngắm trong các giờ chầu. Bí Tích Thánh Thể được lập ra là để chúng ta tiếp nhận, rước lấy. “Hãy nhận lấy mà ăn”, Hãy nhận lấy mà uống”. Đón nhận Thánh Thể hay còn gọi là rước lễ là để cho Chúa Kitô liên đới với chúng ta trong tội chúng ta đã phạm. Nói nôm na là chúng ta phạm tội và Chúa Kitô tự nguyện nhận lấy hậu quả thay chúng ta. Là người anh cả, Chúa Kitô nhận thay mọi hậu quả tội lỗi của đàn em nhân loại. Đón nhận Thánh Thể là đi vào trong tương quan hiệp thông với Thiên Chúa, được giao hoà với Thiên Chúa được nhận làm con của Thiên Chúa, nhờ và trong Chúa Kitô, Đấng chúng ta được chung phần sự sống.
Cũng như Hy tế thập giá, Thánh Thể có ra là vì tội lỗi nhân loại chúng ta. “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13). Có thể khẳng định không sợ sai lầm rằng bí Tích Thánh Thể là mầu nhiệm Tình yêu cao cả nhất, vì qua đó Thiên Chúa cho chúng ta được hiêp thông sự sống thần linh. Và hiệu quả của sự hiệp thông này về phương diện tích cực là chúng ta được giao hoà với Thiên Chúa, về phương diện tiêu cực là chúng ta được thứ tha mọi tội lỗi.
Trước khi bí tích Hoà Giải xuất hiện và hình thành thì nhiều giáo phụ đã khẳng định chân lý này. “Mỗi lần chúng ta rước lễ, chúng ta loan truyền Chúa đã chịu chết. Nếu chúng ta loan truyền cái chết của Chúa, thì cũng loan truyền ơn tha tội. Nếu mỗi lần Máu của Người đổ ra, là đổ ra để tha tội, thì tôi phải luôn lãnh nhận Máu Người, để Người luôn tha tội cho tôi. Tôi là kẻ luôn phạm tội, nên tôi phải luôn có một phương dược” (Ambrôsiô). Công đồng Triđentinô, một Công đồng nghiêng về hộ giáo, chống lại ảnh hưởng của anh em Tin lành, đã đề cao bí tích Hoà Giải nhưng cũng đã khẳng định: “Trong bữa Tiệc Ly, trong đêm bị nộp, Chúa Kitô đã để lại cho Hiền Thê yêu dấu của Người là Hội Thánh Một Hy tế hữu hình (như bản tính con người đòi hỏi); trong hy tế hữu hình này, hy tế đẫm máu được thực hiện một lần duy nhất trên thập giá được hiện diện, và việc tưởng niệm hy tế đẫm máu đó sẽ còn mãi cho đến ngày tận thế, và sức mạnh cứu độ của hy tế đó sẽ được áp dụng để tha thứ các tội lỗi chúng ta phạm hằng ngày” (DS 1740 – GLCG chung số 1366).
Nhờ Chúa đến mà chúng ta nên xứng đáng chứ không phải chúng ta xứng đáng rồi Chúa mới ngự đến. “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con…” Lời tuyên xưng trước khi hiệp lễ nhắc nhớ chúng ta chân lý này. Tuy nhiên để Thánh Thể Chúa phát sinh hiệu quả cho người lãnh nhận thì cần phải có đức tin. “Đây là mầu nhiệm đức tin”. Lời tung hô sau nghi thức “Truyền phép” nhắc nhớ chúng ta điều kiện tất yếu không thể thiếu này. Các trang tin mừng cho thấy, trong ba năm Chúa Giêsu đi rao giảng, rất nhiều người đã tiếp xúc trực tiếp với Người, nhưng hiệu quả chỉ đến với những ai có lòng tin. Đây là điều kiện và nhiều tín hữu thành Côrintô đã không có, vì thế thánh Phaolô khẳng định rằng họ sẽ lãnh lấy án phạt khi rước Thánh Thể Chúa. “Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình” (1Cr 12,29). Hội Thánh dạy chúng ta khi đang ở trong tình trạng trọng tội thì không được rước Thánh Thể. Giáo lý dạy rằng chúng ta phạm tội trong là khi chúng ta lỗi giới răn của Chúa trong một điều nặng với sự hiểu biết, ý thức hoàn toàn và tự do hoàn toàn (x.GLCG chung số 1857-1859). Thiết nghĩ rằng người đã ở trong tình trạng này thì không còn đức tin nữa.
“Này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì anh em”. “Này là Máu Thầy, Máu giao ước mới, đổ ra cho anh em và nhiều người được tha tội”. Bí tích Thánh Thể được lập nên, vì chúng ta là kẻ có tội. Đã một thời Kitô hữu chúng ta tôn thờ Thánh Thể Chúa một cách lệch lạc khi xem Thánh Thể là bảo vật vô giá chỉ dành cho những tâm hồn thánh thiện. Người ta ngại ngần rước Thánh Thể và chỉ dám rước lễ một lần ngay sau khi xưng tội. Vô tình người ta xem Thánh Thể như là món quà cao quý chỉ dành để tặng thưởng những ai xứng đáng. Và như thế người ta cũng vô tình quên chân lý rằng cử hành Bí Tích Thánh Thể là hiện tại hoá Hy tế thập giá của Chúa Kitô, Hy tế cứu độ, ban ơn tha thứ. Hội Thánh đã chấn chỉnh thái độ này.
Việc “chầu Thánh Thể” là do Hội thánh lập, việc “cung nghinh Thánh Thể” là do Hội Thánh lập. Tất thảy là để giúp chúng ta yêu mến mà chuyên chăm rước lấy Thánh Thể Chúa. Đã và đang có nhiều nơi tổ chức chầu Thánh Thể rất long trọng cả phần trang trí lẫn lễ nghi, đã có nhiều xứ, nhiều họ cung nghinh, rước kiệu Thánh Thể rất long trọng với cờ xí, trống kèn “oành tráng”, thế mà số người rước Thánh Thể thì quá ít. Xin đừng quên khi lập Bí Tích Thánh Thể thì Chúa Kitô minh nhiên truyền: “Hãy nhận lấy mà ăn; Hãy nhận lấy mà uống”. Và cũng đang có đó nhiều nơi cử hành phần “hiệp lễ” cách qua loa, thiếu trang nghiêm. Ngay cả việc “phải” duy trì đĩa hứng Thánh Thể trong phần trao Thánh Thể cho tín hữu mà Hội Thánh dạy cũng như bị nhiều mới loại bỏ, cho dù Hội Thánh dùng hạn từ “phải” nghĩa là bắt buộc (Huấn Thị Redemptionis Sacramentum – 25-3-2004 - Sô 93). Chuyện lấy phụ làm chính và xem chính là phụ đang tồn tại trong các cử hành phụng vụ.
Để kết thúc những dòng chia sẻ này xin kể câu chuyện bịa như thật: Một cuộc chiến tranh lạnh xảy ra giữa cha xứ với cộng đoàn dòng tu đang giúp xứ ấy. Tại anh, tại ả, tại cả và hai. Nhưng có lẽ phần nặng nghiêng về ông cha xứ thiếu tế nhị trong lời ăn tiếng nói. Hai bên đều biết cảnh tình phải nhìn mặt mà khó bằng lòng. Biết mình thế cô, cộng đoàn dòng tu bèn tìm cách hoà giải. Dịp thuận tiện đến. Nhân kỷ niệm 10 năm ngày Hội dòng hiện diện với giáo xứ qua cộng đoàn nhỏ này. Quý Sơ trân trọng mời cha xứ dùng tiệc. Đến giờ cả nhà hồi hộp trông bóng cha xứ, Ngài đây rồi. Mọi sự sẽ qua. Vào phòng cơm, cha xứ nhìn bàn cơm. “Trời ơi mâm cao cỗ đầy! Thịt heo rừng nè. Lông ba sợi chụm lại thì đích thực là đặc sản rừng rồi! Nào sò huyết chưng sả thơm quá! Biển, rừng có đủ. Sơn hào hải vị tuyệt vời." Quý sơ phởi lởi tấm lòng, hy vọng băng giá sẽ tan. Nhưng sau một hồi tung hê đầy mỹ từ văn hoa, ông cha xứ quay lưng chắp tay sau mông đi về, không dùng bữa. Dĩ nhiên điều tự nhiên xảy ra sau lưng ngài đó là những tiếng lầm bầm: “Đồ ông cha lựu đạn! Ông cha mát! Ông cha…!”
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột