Giáo lý Công giáo - Mười Điều Răn

Bài 25. SỐNG TINH THẦN NGHÈO KHÓ
ĐIỀU RĂN THỨ BẢY VÀ THỨ MƯỜI
189.          Tội tham lam là gì?
          Tham lam là tội thèm muốn của cải thái quá.
          Sự thèm muốn của cải tự chúng là điều hợp lý, vì của cải giúp ta thỏa mãn những nhu cầu có thực trong đời sống; nhưng khi sự thèm muốn này trở nên thái quá, nó làm cho chúng ta có những ham muốn bất chínhganh tị.
          Tham lam và ganh tị có thể đưa tới những việc làm tệ hại nhất. “Chính vì quỉ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian” (Kn 2,24) [1]

190.          Thế nào là những ham muốn bất chính?
          Sự giầu sang và quyền lực chúng mang lại làm cho người ta thèm muốn của cải vì của cải, chứ không phải vì giá trị sử dụng của chúng: “Người hà tiện không bao giờ no thỏa về tiền bạc” (Hc 5,9)
          Vì thế, người ta thèm muốn những điều không thuộc về mình, hoặc muốn có được chúng bằng những phương tiện bất chính: Đó là tội của “những nhà buôn bán mong hàng hóa khan hiếm và đắt đỏ, buồn phiền vì không được độc quyền để mặc sức mua rẻ bán đắt; những kẻ muốn người khác gặp hoạn nạn để thừa cơ thu lợi … những thầy thuốc mong cho người ta bệnh tật, những luật gia mong cho có nhiều vụ kiện cáo quan trọng …” [2]
191.          Thế nào là ghen tị bởi lòng tham?
          Là buồn phiền trước của cải người khác có được, làm như đó là của cải họ ăn trộm của mình. Đây là tội của ma quỉ, nó sinh ra thù ghét, nói xấu, vu khống, vui vì thấy người khác bị hoạn nạn, buồn khổ khi thấy mọi người được thịnh vượng hơn mình.
          “Ganh tị là một trong bảy mối tội đầu. Người ganh tị buồn phiền khi thấy kẻ khác có của cải và ước ao chiếm đoạt. Nếu ai, vì ganh tị, muốn cho người khác gặp hoạn nạn nặng nề, thì mắc tội nặng”. [3]
          "Muốn thắng được tính ganh tị, người tín hữu phải sống nhân hậu, khiêm nhường và phó thác vào Chúa quan phòng". [4]
192.          Đâu là thuốc chữa cho lòng tham?
          Thuốc chữa cho tội tham lam là tinh thần nghèo khó của Phúc Âm mà Chúa Giêsu rao giảng. "Để được vào Nước Trời, con người phải dứt bỏ lòng quyến luyến của cải. "Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó" (Mt 5,3) [5] Sống tinh thần nghèo khó là 
           - Xa tránh những tội xúc phạm đến đức công bằng, thực hiện sự công bằng trong việc quyết tâm đền trả tất cả mọi vi phạm của mình.
           - Dứt bỏ lòng quyến luyến tiền của, sự tham muốn của cải vô độ, và lòng ghen tị.
           - Sẵn lòng chia sẻ của cải cho người túng cực, và cho ích chung.
           - Sống phó thác cho sự quan phòng của Chúa, khi thịnh vượng cũng như lúc khó khăn.
          Tất cả tinh thần nghèo khó đó đã được minh họa cụ thể trong thái độ của ông Giakêu: “Còn ông Giakêu thì đứng mà thưa với Chúa rằng: Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi có cưỡng đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,8), và Chúa Giêsu đã chúc phúc: “Hôm nay ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (Lc 19,9).
193.          Tại sao chúng ta phải giúp đỡ người nghèo?
          Sẵn sàng chia sẻ của cải cho người túng cực là cách thế rất hiệu nghiệm để dứt bỏ lòng ham mê của cải; hơn nữa chúng ta có bổn phận giúp đỡ người nghèo, vì Chúa dạy: “Các ngươi đã nhận cách nhưng không thì cũng hay cho cách nhưng không” (Mt 10,8).
          Đây là bổn phận rất quan trọng vì Chúa dựa vào cách đối xử với người nghèo mà chọn lựa ai được vào Nước Trời (Mt 25, 31-36).
          Sử dụng của cải cách ích kỷ, không biết chia sẻ cho người cùng khốn, có thể trở thành tội nghiêm trọng như Chúa Giêsu đã nhấn mạnh trong dụ ngôn người phú hộ và Lazarô: Người phú hộ bị kết án rất nặng nề chỉ vì ăn uống xa xỉ trong khi Lazarô phải chết đói trước cửa nhà ông.
          Lòng yêu thương giúp đỡ không chỉ dành cho những người thiếu thốn về vật chất, như cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, lo cho người vô gia cư có chỗ trú ngụ. . . mà cho cả những người nghèo đói về tinh thần, văn hóa và tôn giáo, qua việc dạy dỗ, khuyên răn, an ủi, khích lệ, tha thứ và nhẫn nhục chịu đựng nhau.
          Mọi của cải chúng ta có ở đời này sẽ trở thành tài sản đích thực và vĩnh viễn của chúng ta khi nó được ban phát, chia sẻ cho người nghèo khó. Trong ý nghĩa này, chúng ta lại phải biết ơn những người nghèo khó, vì nhờ họ, chúng ta mua được thiên đàng bằng tiền bạc trần gian, đổi được sự sống đời đời với bao ân sủng bằng của cải hư nát, và có được sản nghiệp đời đời bằng những tài sản Chúa giao cho ta quản lý tạm thời.
194.          Tinh thần cốt yếu của điều răn 7 và 10 là gì?
          Chúng ta biết rằng Chúa dựng nên và ban của cải cho chúng ta làm phương tiện sinh sống cho cuộc sống tự nhiên trên trần gian này (xem câu 174). Của cải sẽ trở thành vô giá trị nếu không được sử dụng, thậm chí còn trở thành tai họa nếu bị sử dụng sai mục đích. Thiệt hại đáng nguyền rủa của lòng tham lam là làm đảo lộn ý nghĩa và giá trị của cải:
          Lòng tham biến tiền của từ vị trí đầy tớ con người trở thành cứu cánh và ngẫu tượng mà con người tìm kiếm để tôn thờ, thế chỗ của Thiên Chúa.
          Điều răn 7 và 10 của Cựu Ước nhằm đặt tiền của trở lại vị trí đúng thực của nó. Tinh thần cốt yếu của hai điều răn đó chính là tinh thần nghèo khó của Tân Ước: Ai muốn theo Chúa phải “từ bỏ mọi của cải của mình” (Lc 14,33) và coi tinh thần nghèo khó là mối phúc đầu tiên: “Hạnh phúc thay những người có tinh thần nghèo khó” (Mt 6,24).
          Chúa dựng nên vạn vật cho chúng ta hưởng dùng, tinh thần nghèo khó không đề cao sự túng thiếu hay cảnh cùng cực, nhưng là đề cao việc dứt bỏ lệ thuộc vào của cải: “Các ngươi không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được” (Mt 6,24).
          Đó là tinh thần được thánh Phaolô diễn giải một cách rõ ràng, khi ngài dạy phải làm lụng cho có của cải: “Chúng tôi đã truyền dạy cho anh em là: Ai không muốn làm việc thì đừng ăn” (2 Tx 3,10), nhưng không được tìm kiếm của cải vì của cải: “Hãy. . . mua như không cầm giữ: hưởng thế gian như không tận hưởng. Vì bộ dạng thế gian này đang qua đi” (1 Cr 7,30-31).


[1] GLCG, 2538
[2] Giáo lý Rôma 3,37
[3] GLCG, 2539
[4] GLCG, 2554