Giáo lý Công giáo - Mười Điều Răn

Bài 25. SỐNG TINH THẦN NGHÈO KHÓ
(ĐIỀU RĂN VII & X)
194.          Tinh thần cốt yếu của điều răn 7 và 10 là gì?
          Chúng ta biết rằng Chúa dựng nên và ban của cải cho chúng ta làm phương tiện sinh sống cho cuộc sống tự nhiên trên trần gian này (xem câu 174). Của cải sẽ trở thành vô giá trị nếu không được sử dụng, thậm chí còn trở thành tai họa nếu bị sử dụng sai mục đích. Thiệt hại đáng nguyền rủa của lòng tham là làm đảo lộn ý nghĩa và giá trị của cải:
          Lòng tham biến tiền của từ vị trí đầy tớ con người trở thành cứu cánh và ngẫu tượng mà con người tìm kiếm để tôn thờ, thế chỗ của Thiên Chúa.
          Điều răn 7 và 10 của Cựu Ước nhằm đặt tiền của trở lại vị trí đúng thực của nó. Tinh thần cốt yếu của hai điều răn đó chính là tinh thần nghèo khó của Tân Ước: Ai muốn theo Chúa phải “từ bỏ mọi của cải của mình” (Lc 14,33) và coi tinh thần nghèo khó là mối phúc đầu tiên: “Hạnh phúc thay những người có tinh thần nghèo khó” (Mt 6,24).
          Chúa dựng nên vạn vật cho chúng ta hưởng dùng, tinh thần nghèo khó không đề cao sự túng thiếu hay cảnh cùng cực, nhưng là đề cao việc dứt bỏ lệ thuộc vào của cải: “Các ngươi không thể làm tôi Thiên Chúa và tiền của được” (Mt 6,24).
          Đó là tinh thần được thánh Phaolô diễn giải một cách rõ ràng, khi ngài dạy phải làm lụng cho có của cải: “Chúng tôi đã truyền dạy cho anh em là: Ai không muốn làm việc thì đừng ăn” (2 Tx 3,10), nhưng không được tìm kiếm của cải vì của cải: “Hãy. . . mua như không cầm giữ: hưởng thế gian như không tận hưởng. Vì bộ dạng thế gian này đang qua đi” (1 Cr 7,30-31). 
HOME