Bài 21. CHỚ LÀM SỰ DÂM DỤC
ĐIỀU RĂN THỨ SÁU VÀ THỨ CHÍN
158. Điều răn thứ sáu và thứ chín dạy ta những gì?
“Điều răn thứ sáu đề cập đến mọi lãnh vực về tính dục của con người”, [1] cấm những hành vi chiều theo các dục vọng sai trái của tính dục: “Ngươi không được ngoại tình” (Xh 20,14); còn điều răn thứ chín cấm những tư tưởng và ước muốn bởi các dục vọng tính dục sai trái: “Ngươi sẽ không mê muốn vợ của đồng loại” (Xh 20,17).
“Khi tạo dựng con người theo hình ảnh mình … có nam có nữ, Thiên Chúa khắc ghi vào bản tính ấy ơn gọi, cùng với khả năng và trách nhiệm sống yêu thương và hiệp thông”. [2] Đó là điều Chúa muốn trong đời sống tính dục.
Trong đời sống tính dục, “mỗi người, nam cũng như nữ, phải nhìn nhận và chấp nhận phái tính của mình. Sự khác biệt và bổ sung cho nhau về thể xác, tinh thần và tâm linh hướng đến đời sống hôn nhân và gia đình. Sự hoà hợp của đôi vợ chồng và của xã hội tuỳ thuộc phần nào vào việc hai bên nam nữ bổ túc, đáp ứng và nâng đỡ nhau”. [3]
160. Sống khiết tịnh là gì?
Đời sống phái tính “ảnh hưởng trên toàn bộ con người, cả xác và hồn. Phái tính đặc biệt liên quan đến đời sống tình cảm, khả năng yêu thương và truyền sinh, nói chung mọi tương quan với người khác”. [4]
Vì thế, những sai trái trong đời sống phái tính ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống con người. “Đức Giêsu đã đến trả lại cho thụ tạo tình trạng tinh tuyền nguyên thuỷ của chúng. Trong Bài Giảng Trên Núi, Người đã giải thích chính xác ý định của Thiên Chúa: “Anh em đã nghe luật dạy người xưa rằng: ‘chớ ngoại tình’. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: ‘Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì đã ngoại tình trong lòng với người ấy rồi” (Mt 19,6). [5]
“Sống khiết tịnh là làm chủ phái tính, nhờ đó thống nhất được đời sống thể lý và tinh thần. Phái tính cho thấy con người thuộc về thế giới vật chất và sinh học, nhưng khi được hội nhập vào tương quan giữa người với người, trong đó người nam và người nữ hiến thân cho nhau trọn vẹn và vĩnh viễn, phái tính mới có giá trị thực sự nhân linh. ”. [6]
161. Đời sống tính dục có những sai trái nào?
Các hành vi tính dục là quan hệ xác thịt, diễn tả và thực hiện tình hiệp thông yêu thương giữa hai vợ chồng, và thực hiện việc sinh sản con cái, hoa trái của tình yêu đó. Tự bản chất, các hành vi tính dục là tốt lành và thánh thiện, hai điều răn thứ sáu và thứ chín được Thiên Chúa đặt ra là để bảo vệ sự thánh thiện đó của các hành vi giới tính.
Tất cả những gì xúc phạm đến ý định của Thiên Chúa đã muốn khi sáng tạo đời sống giới tính đều lỗi phạm đến điều răn thứ sáu và thứ chín.
162. Các sai lỗi trong đời sống tính dục là gì?
Các sai trái trong đời sống tính dục được phân chia thành hai loại chính là:
1. Xúc phạm đến đức khiết tịnh, là những hành vi coi trọng sự thoả mãn khoái lạc xác thịt hơn tình hiệp thông yêu thương và mục đích truyền sinh.
2. Xúc phạm đến phẩm giá hôn nhân, là những hành vi không chỉ phạm đến đức khiết tịnh mà còn phạm đến giao ước hôn nhân cũng như đời sống gia đình nữa.
163. Các tội xúc phạm đến đức khiết tịnh là gì?
Đó là những tội: mê dâm dục, thủ dâm, gian dâm, khiêu dâm, mại dâm và thú dâm.
1. Mê dâm dục là “ham muốn sai trái hay hưởng thụ vô độ khoái lạc tình dục. Khoái lạc tình dục trở thành sai trái khi con người chỉ tìm hưởng thụ để thoả mãn chính mình, chứ không nhằm mục đích truyền sinh và kết hợp trong tình yêu”. [7]
2. Thủ dâm là “cố tình kích thích cơ quan sinh dục nhằm gây khoái lạc tình dục. Dựa theo truyền thống ngàn đời và bất biến, huấn quyền cũng như cảm thức luân lý của các tín hữu không ngần ngại khẳng định rằng, thủ dâm tự bản chất là một hành động sai trái nghiêm trọng, vì tự ý sử dụng khả năng tình dục ngoài quan hệ vợ chồng bình thường, dù với động lực nào đi nữa, cũng là sai mục đích”.
Thế nhưng, “để phán đoán đúng đắn về trách nhiệm luân lý của đương sự, cũng như đưa ra một đường hướng mục vụ, chúng ta cần lưu ý đến tình trạng thiếu trưởng thành tình cảm, áp lực của các thói quen, tâm trạng lo âu cũng như những yếu tố khác về tâm lý xã hội. Các nhân tố này có thể làm trách nhiệm luân lý của đương sự được giảm khinh ngay cả đến mức tối thiểu”. [8]
3. Tà dâm là “quan hệ xác thịt ngoài hôn nhân giữa một người nam và một người nữ. Đây là lỗi nặng, xúc phạm đến nhân phẩm và phái tính con người, vốn qui về lợi ích của đôi vợ chồng, cũng như sinh sản và giáo dục con cái. Ngoài ra, tà dâm còn là một gương xấu nghiêm trọng khi làm băng hoại giới trẻ”. [9]
4. Khiêu dâm là “cố ý phơi bày những hành vi tình dục thầm kín thực sự hay mô phỏng ấn phẩm khiêu dâm, xúc phạm đến đức khiết tịnh vì làm biến chất hành vi ân ái là việc trao ban thầm kín của vợ chồng với nhau; chúng làm tổn thương nặng nề phẩm giá của những người dự phần (diễn viên, kẻ kinh doanh, khán giả), vì người này trở thành đối tượng cho một thú vui thô lỗ và là nguồn lợi bất chính cho người kia”. [10]
Phổ biến văn hoá dâm ô là tội của người nói, hát, kể, viết những lời hay những chuyện khiêu dâm; người vẽ tranh ảnh, đóng phim tuồng dâm ô, người buôn bán, cho thuê băng nhạc, băng đĩa video “đen”, chiếu phim sex.
Tội này có thể trở nên nặng hơn tùy theo tính chất khiêu dâm của nội dung; số người xem, nghe; và khả năng phạm tội của người xem và nghe: Một câu chuyện được kể ra sẽ nặng tội hơn nếu dùng những lời khêu gợi hơn, hoặc kể cho một số đông hơn, hoặc kể cho một đứa trẻ ngây thơ hơn...
Phổ biến văn hoá dâm ô là tội rất nặng vì tác hại vô cùng lớn lao của nó. Không thể chấp nhận được những lời bào chữa như: “Chỉ cho vui thôi mà” vì lòng có đầy thì lưỡi mới nói ra, hoặc phân bua: “Mấy chuyện này thì có đáng gì”, vì không ai có thể chặn lại tác hại của một câu chuyện tục tĩu đã kể, của một phim “đen” đã chiếu, để khỏi làm nhơ uế bao tâm hồn, nhất là những trẻ thơ yếu đuối.
5. Mại dâm là “xúc phạm đến phẩm giá của người bán dâm vì họ biến thành trò vui xác thịt cho người mua dâm. Kẻ mua dâm phạm tội nặng nơi bản thân: họ vi phạm đức khiết tịnh đã cam kết khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, và làm ô uế thân xác là đền thờ Chúa Thánh Thần. Mại dâm là một đại hoạ cho xã hội, thường là phụ nữ hành nghề, nhưng cũng có đàn ông, trẻ em cũng như thiếu niên (trong hai trường hợp cuối, tội thêm nặng vì gây gương mù, gương xấu). Mại dâm bao giờ cũng là tội nặng; nhưng trách nhiệm của kẻ mại dâm có thể giảm khinh vì túng bấn, bị hăm doạ hay áp lực xã hội”. [11]
6. Hiếp dâm “là dùng bạo lực bắt kẻ khác quan hệ nhục dục với mình. Đây là tội phạm đến đức công bằng và bác ái. Hiếp dâm xúc phạm nặng nề đến quyền được tôn trọng, quyền tự do và toàn vẹn thể lý cũng như tinh thần của nạn nhân, gây thương tổn nghiêm trọng có thể kéo dài cả cuộc đời của nạn nhân. Hiếp dâm tự nó là một hành vi xấu xa, tội này lại càng nặng nề hơn nữa khi cha mẹ hay người giáo dục lạm dụng thân xác các em được uỷ thác cho họ”. [12]
7. Thú dâm: là phạm tội với thú vật. Đây là một tội rất nặng nề, vì là một hành vi thác loạn đến nỗi đánh mất cả phẩm giá của con người. Đây là tội tà dâm nặng hơn cả, luật Cựu Ước dạy phải giết chết kẻ đó:”Người nào để cho thú vật đồng sàng, tất phải chết, và các ngươi sẽ giết chết con vật ấy” (Lv 20,15).
164. Lỗi đức khiết tịnh trong tâm tưởng là gì?
1. Nhìn xem: Tất nhiên, chúng ta không có lỗi gì khi thấy những hình ảnh xấu xa, khi nhìn người khác phái trong lúc nói chuyện. Nhìn ngắm vẻ đẹp vì vẻ đẹp cũng không có tội gì, như các nhà phê bình, thưởng lãm nghệ thuật tranh ảnh; nhưng hãy hết sức cẩn thận: nếu việc nhìn xem đó có thể dẫn đến nguy hiểm phạm tội thì chúng ta không thể nói là không có tội: vua Đavít đã phạm tội ngoại tình và giết người chỉ vì một cái nhìn thiếu thận trọng.
Việc nhìn ngắm trở nên tội lỗi khi có sự chủ ý nhìn ngắm để thỏa mãn khoái lạc nhục dục, dù là nhìn ngắm người, tranh ảnh hay đồ vật, như cái nhìn đáng nguyền rủa của hai lão già đối với nàng Susanna, được kể lại trong sách tiên tri Đanien.
2. Suy tưởng: Để thành một lỗi phạm trong tư tưởng, cần có ba yếu tố:
- Tư tưởng hay hình dung một điều xấu.
- Sự thích thú tự nhiên theo bản năng.
- Sự chiều theo: Tư tưởng, dù xấu xa đến đâu, cũng chỉ trở nên tội khi có sự ưng thuận của ý chí. Nếu chỉ bị tư tưởng xấu tấn công mà thôi thì không phải là tội vì ngay cả các thánh cũng nhiều phen gặp phải như thế. Trái lại, các ngài còn lập được công phúc khi xua đuổi chúng ra khỏi tâm trí mình. Chúng ta chỉ có tội nếu cố ý duy trì hình ảnh xấu để tìm sự thích thú trong suy tưởng đó.
3. Ước muốn: Ước muốn là yếu tố căn bản cho mọi hành vi nhân linh. Một hành vi không có chủ ý thì không có tội; ngược lại, một ước muốn phạm tội cũng có tội như là đã phạm, dù không thể thực hiện được ước muốn đó, vì “ai nhìn xem một phụ nữ để thỏa lòng dục thì đã ngoại tình với nó trong lòng rồi” (Mt 5,28). Bởi đó, để biết mình rõ hơn, chúng ta cũng nên xét cả những ước muốn phạm tội nữa.
165. Các tội xúc phạm đến phẩm giá hôn nhân là gì?
Tội phạm đến phẩm giá hôn nhân là: ngoại tình, ly dị, đa thê, loạn luân, tự do kết hôn, và đồng tính luyến ái.
1. Ngoại tình là “thất tín của vợ chồng. Khi hai người nam nữ có quan hệ tính dục với nhau, dù là nhất thời mà trong đó có ít nhất một người đã kết hôn thì cả hai phạm tội ngoại tình. Đức Kitô lên án tội này ngay cả khi chỉ là một ước muốn (x. Mt 5,27-28). Điều răn thứ sáu và Tân Ước tuyệt đối cấm tội ngoại tình”. [13]
2. Ly dị “là một xúc phạm nghiêm trọng đối với luật tự nhiên. Ly dị cố ý phá vỡ khế ước đã được đôi phối ngẫu tự do ưng thuận, để sống với nhau cho đến chết”. [14]
Ly dị là một tội nặng vì nó xúc phạm đến tính chất cũng như mục đích đã được chính Thiên Chúa đặt ra tự ban đầu cho giao ước hôn nhân. Chúa Giêsu xác lập lại một cách rõ ràng và mạnh mẽ: “Ai rẫy vợ mình và cưới người khác là phạm tội ngoại tình, và ai cưới người vợ bị chồng rẫy cũng phạm tội ngoại tình” (Lc 16,18).
Giáo luật khoản 1141 cũng xác định: “Một cuộc hôn nhân thành nhận và hoàn hợp không thể được tháo gỡ do bất cứ quyền bính nhân loại nào, trừ lý do tử vong”.
Tuy nhiên “nếu một trong hai vợ chồng là nạn nhân vô tội của phán quyết ly dị do toà án dân sự, người này không vi phạm luật luân lý”. [15]
* Trong những hoàn cảnh đặc biệt, khi “việc ly hôn về phần đời là phương cách duy nhất còn lại để bảo đảm một số quyền lợi chính đáng, chăm sóc con cái hoặc bảo vệ gia sản, thì có thể tạm chấp nhận mà không lỗi về luân lý”. [16]
3. Đa thê là việc một người đàn ông kết hôn với hơn một người vợ. Có nơi đa thê là một phong tục trong xã hội. “Tuy vậy, đa thê không phù hợp với luật luân lý, tuyệt đối nghịch lại với sự hiệp thông giữa vợ chồng: trực tiếp chối bỏ kế hoạch của Thiên Chúa đã được mạc khải cho ta từ buổi đầu, nghịch với phẩm giá bình đẳng của người nữ và người nam, cả hai hiến thân cho nhau trong một tình yêu trọn vẹn, duy nhất và độc hữu”. [17] Xã hội hiện đại không chấp nhận hôn nhân đa phu và đa thê, phù hợp với giáo lý của Giáo hội.
4. Loạn luân là có “quan hệ tính dục giữa những người họ hàng cùng huyết tộc hoặc họ hàng gần, ở một bậc cấm kết hôn với nhau”. [18]
- Họ ruột (kể cả con nuôi): Cấm kết hôn giữa hai người có họ theo hàng dọc (trực hệ) ở mọi đời, và theo hàng ngang (bàng hệ) đến hết cấp thứ bốn.
- Họ kết bạn: Cấm kết hôn giữa hai người có họ kết bạn theo hàng dọc với nhau ở mọi đời: Không được kết hôn với cha chồng hay con rể, hoặc kết hôn với mẹ vợ hay con dâu.
“Loạn luân phá vỡ những tương quan gia đình và cho thấy một sự thoái hoá trở về thú tính”. [19] Đó là tội nặng vì xúc phạm nghiêm trọng đến đức hiếu đễ và đến những mối quan hệ trong gia đình.
Ngoài ra, những cuộc kết hôn loạn luân cũng là lý do của nhiều bệnh tật nghiêm trọng nơi con cái.
“Có thể gọi là loạn luân, các lạm dụng tính dục do những người trưởng thành đối với trẻ con hoặc thiếu niên đã được uỷ thác cho họ. Người phạm tội này phải chịu trách nhiệm gấp đôi: một mặt vì gây gương xấu xâm phạm đến sự toàn vẹn thể lý và luân lý của các người trẻ, và để lại hậu quả tai hại suốt đời, mặt khác vì họ lỗi trách nhiệm giáo dục của mình”. [20]
5. Tự do sống chung là khi “một người nam và một người nữ sống như là vợ chồng nhưng không chịu tiến hành hôn nhân chính thức theo luật”. [21]
Sống chung kiểu này luôn là tội nặng vì nó phá hủy lòng chung thủy là tính chất nền tảng của hôn nhân. Họ sống chung với nhau như vợ chồng nhưng không ràng buộc phải chung thủy với nhau. Chính quan niệm về một tình yêu thiếu tinh thần trách nhiệm và sự tin tưởng lẫn nhau này là nguyên cớ cho những tội khác, như vợ lớn vợ bé, sự đòi hỏi quyền thử nghiệm khi có ý định kết hôn …
6. Đồng tính luyến ái “là những liên hệ giữa những người nam hay nữ cảm thấy bị lôi cuốn tính dục với người đồng phái nhiều hơn với người khác phái”. [22]
Truyền thống Giáo Hội luôn coi hành vi đồng tính luyến ái là thác loạn từ bản chất. Chúng nghịch lại với mục đích của hôn nhân là bổ khuyết lẫn nhau và ban tặng sự sống.
Tuy vậy, “đừng quên một số người đã có khuynh hướng đồng tính luyến ái thâm căn … Chúng ta phải đón nhận họ với lòng tôn trọng, thông cảm, và tế nhị, tránh đối xử bất công”. [23]