“HÔN NHÂN ĐỒNG TÍNH”
tuyên bố ủng hộ của Obama
và những hoang mang tiếp theo
tuyên bố ủng hộ của Obama
và những hoang mang tiếp theo
JB. Đặng Minh An 11/5/2012
Hôm thứ Tư, Obama, người đã từng viện dẫn
Kinh Thánh để chống lại việc coi “hôn nhân đồng tính” ngang hàng với hôn nhân
truyền thống - giữa một người nam và một người nữ - trong cuộc tranh cử tổng thống
4 năm về trước, thì nay lại cũng viện dẫn Kinh Thánh để ủng hộ cho “hôn nhân đồng
tính”.
Giải thích cho lập trường bất nhất này của
mình, Obama nói rằng tư duy của mình đã “tiến hóa”. Obama đã nói với một giọng
điệu thương cảm rất điêu luyện về kịch nghệ, chỉ chút xíu nữa là rơi nước mắt.
Trước diễn biến này, Đức Hồng y Timothy
Dolan, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, đã ra tuyên bố chỉ trích lập trường của
Tổng thống Barack Obama về hôn nhân đồng tính. Ngài nói rằng ngài cầu nguyện
cho tổng thống và chính quyền của ông "hành động một cách đúng đắn để duy trì
và bảo vệ hôn nhân như sự hợp nhất của một người đàn ông và một người nữ."
Đức Hồng Y cho rằng ý kiến của tổng thống
về hôn nhân đồng tính "theo sau những hành động khác đã được thực hiện bởi
chính quyền Hoa Kỳ đang làm xói mòn hoặc xem thường ý nghĩa độc đáo của hôn
nhân."
Ngài nói, "Chúng ta không thể im lặng
khi đối mặt với những lời nói hay hành động làm suy yếu định chế hôn nhân, là nền
tảng của xã hội chúng ta”
Tuy nhiên, quan điểm của Đức Hồng Y
nhanh chóng bị “chết ngộp” trong vô số những bài tường thuật trên thế giới về
quan điểm liên quan đến vấn đề này của ba “thần học gia Công Giáo” đang giảng dạy
tại các học viện thần học của Dòng Tên tại Hoa Kỳ.
Theo Catholic World News, ba nhà thần học
Paul Lakeland của Fairfield University, Daniel Maguire trường đại học
Marquette, và Frank Parella của Đại học Santa Clara - đã nhanh chóng lên án
quan điểm về “hôn nhân đồng tính” của Đức Hồng Y Dolan và Hội Đồng Giám Mục Hoa
Kỳ.
Daniel Maguire nói: "[Đức Hồng y
Timothy] Dolan và Hội nghị Công giáo Hoa Kỳ đang giải thích sai lạc giáo huấn
Công giáo, và đang cố gắng để trình bày quan điểm thiểu số mang phong cách
riêng của họ như là quan điểm của Giáo Hội Công Giáo."
"Các giám mục chắc chắn sẽ đứng về
phía [Đức Hồng y Timothy] Dolan và Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Nhưng về vấn đề
này, họ đang ly giáo về luân lý trong một Giáo Hội đã thay đổi theo chiều hướng
có một cái nhìn nhân đạo hơn về quyền của những người mà Thiên Chúa đã làm cho
đồng tính."
Daniel Maguire, một cựu linh mục Dòng
Tên, đã xuất ra để lập gia đình nói tiếp: "Hầu hết các nhà thần học Công
giáo chấp nhận hôn nhân đồng tính và người Công giáo nói chung không có quan điểm
khác biệt với những người khác về vấn đề này". Maguire cũng là một người bảo
vệ kiên quyết phá thai hợp pháp.
Trong khi đó, “thần học gia” Parella cho
biết ông thấy "không tìm thấy gì trong các sách Tin Mừng" là cơ sở hướng
dẫn Giáo Hội phản đối “hôn nhân đồng tính”.
Trong khi đó, “thần học gia” Lakeland nói rằng “chẳng
có cơ sở thần học nào biện minh cho lập trường của các giám mục Hoa Kỳ phản đối
‘hôn nhân đồng tính’”
Từ Vatican, Đức Tổng Giám Mục Thomas
Wenski đang trong chương trình adlimina cho biết ngài tin rằng Obama hỗ trợ cho
hôn nhân đồng tính là một động thái chính trị cố ý gây ra một sự phân tâm trong
chiến dịch bầu cử năm nay.
Đức Cha Thomas Wenski cho rằng Obama đã
cố ý hướng dư luận chú ý đến vấn đề “hôn nhân đồng tính” mà quên đi những thảm
hại về kinh tế trong 4 năm cầm quyền của mình.
Ngài nói: "Cần lưu ý đến thời điểm
cụ thể mà tổng thống nêu lên lập trường này. Tuần trước, báo chí đã nói rằng trọng
tâm của cuộc bầu cử này sẽ là nền kinh tế. Và tôi nghĩ rằng nền kinh tế đã
không được cải thiện theo chiều hướng mà mọi người đã hy vọng.”
Giáo Hội đang đứng trước những khó khăn
nhất định khi những lập trường đứng đắn của mình lại bị chính các “thần học
gia” phê phán là “bảo thủ” và “phi nhân bản”.
Chúng tôi xin trích thuật dưới đây tài
liệu chính thức của các Giám Mục Hoa Kỳ về các kết hiệp đồng tính.
Dẫn Nhập
Ngày nay một trào lưu đang lớn mạnh muốn
đưa những mối quan hệ thường được gọi là sống chung đồng tính lên ngang hàng về
mặt luật pháp với hôn nhân. Tình trạng này thách đố những người Công Giáo - và
tất cả những ai tìm kiếm sự thật - phải nghĩ sâu xa về ý nghĩa của hôn nhân, mục
đích của nó và giá trị của nó đối với những cá nhân, gia đình và xã hội. Suy niệm
về vấn đề này, qua sự vận dụng cả lý trí và đức tin, là một khởi đầu thích hợp
và là khuôn khổ cho sự bàn bạc hiện nay.
Chúng tôi, các Đức Giám Mục Hiệp Chủng
Quốc Hoa Kỳ, xin được đưa ra nơi đây những sự thật căn bản để giúp hiểu biết
giáo huấn Công Giáo về hôn nhân và giúp đề cao hôn nhân cũng như tính chất
thánh thiêng của nó.
1. Hôn
nhân là gì?
Hôn nhân, như đã được thiết lập bởi
Thiên Chúa, là một sự kết hiệp trung tín, độc quyền và suốt đời giữa một người
nam và một người nữ được kết hiệp trong một một cộng đoàn mật thiết của đời sống
và tình yêu. Họ dâng hiến hoàn toàn chính họ cho nhau và cho bổn phận diệu kỳ
là đem con cái của họ vào trong thế gian này và nuôi dưỡng chúng. Ơn gọi hôn
nhân được đan sâu trong tâm trí con người. Nam cũng như nữ. Tuy nhiên, như đã
được tạo dựng, họ tuy khác biệt nhưng đã được tạo ra cho nhau. Sự bổ túc lẫn
nhau này, bao gồm cả sự khác biệt về giới tính, lôi kéo họ lại với nhau trong một
sự kết hiệp yêu thương lẫn nhau và luôn mở ngõ cho sự sản sinh con cái (x. Sách
Giáo Lý Công Giáo - SGLCG- số 1602-1605).
Những sự thật về hôn nhân này hiện hữu
theo trật tự tự nhiên và có thể lĩnh hội dưới ánh sáng của lý trí con người. Những
sự thật này đã được xác nhận trong Mạc Khải Thánh Thiện của Thánh Kinh.
2. Đức
tin nói với chúng ta điều gì về hôn nhân?
Hôn nhân xuất phát từ bàn tay từ ái của
Thiên Chúa, Đấng đã tạo nên cả người nam và người nữ giống hình ảnh thánh thiện
của Ngài (x. Kn 1:27). Người đàn ông "lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và
cả hai thành một xương một thịt" (Kn 2:24). Người đàn ông nhận người đàn
bà như là "xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi!" (Kn 2:23). Thiên
Chúa chúc phúc cho hai người nam nữ và ra lệnh cho họ "Hãy sinh sôi nảy nở
thật nhiều" (Kn 1:28). Chúa Giêsu cũng đã lập lại những lời dạy trong Sách
Khởi Nguyên khi nói: "Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế,
người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương
một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt."
(Mc 10:6-8).
Những đoạn Thánh Kinh này giúp chúng ta
hiểu chương trình của Thiên Chúa dành cho hôn nhân. Đó là một sự kết hiệp mật
thiết trong đó những người phối ngẫu, như những con người bình đẳng với nhau,
ban tặng chính mình cho nhau hoàn toàn và đầy thương yêu. Qua món quà trao tặng
nhau là chính mình, họ hợp tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản con cái và
chăm sóc cho chúng.
Hôn nhân vừa là một cơ chế tự nhiên, vừa
là một sự kết hiệp thánh thiêng bởi vì nó bắt rễ từ chương trình tạo dựng thánh
thiện của Thiên Chúa. Thêm vào đó, Giáo Hội dạy rằng hôn nhân hợp pháp của những
người đã chịu phép Rửa Tội là một bí tích - một thực tại cứu độ. Đức Giêsu Kitô
đã biến hôn nhân thành một biểu tượng cho tình yêu của Ngài đối với Giáo Hội
(x. Eph 5:25-33). Điều này nghĩa là một cuộc hôn nhân bí tích làm cho thế giới
thấy, theo khía cạnh nhân loại, những điều gì đó về tình yêu trung tín, sáng tạo,
phong phú và cho đi của Đức Kitô. Một hôn nhân chân thật trong Chúa với ơn sủng
của Ngài sẽ mang đến sự thánh thiện cho những người phối ngẫu. Tình yêu của họ
một khi được diễn tả nơi sự trung tín, nhiệt thành, sinh sản, quảng đại, hy
sinh, tha thứ, và chữa lành sẽ đem tình yêu của Thiên Chúa đến cho gia đình, cộng
đoàn và xã hội của họ. Ý nghĩa Kitô Giáo này xác nhận và củng cố giá trị nhân bản
của sự kết hiệp hôn nhân (SGLCG số 1612-1617; 1641-1642).
3. Tại
sao hôn nhân chỉ tồn tại giữa người nam và người nữ?
Cấu trúc tự nhiên của tính dục con người
khiến cho người nam và người nữ trở nên những đối tác bổ túc lẫn nhau trong việc
di truyền sự sống con người. Chỉ có sự kết hiệp giữa người nam và người nữ mới
diễn tả sự bổ khuyết tính dục theo ý Chúa định cho hôn nhân. Cam
kết vĩnh viễn và độc quyền của hôn nhân là bối cảnh cần thiết cho sự thể hiện
tình yêu đôi lứa mà Thiên Chúa đã định nhằm di truyền sự sống con người và xây
đắp mối giây ràng buộc giữa người chồng và người vợ. (x SGLCG số 1639-1640).
Trong hôn nhân, người chồng và người vợ
ban tặng hoàn toàn chính họ cho nhau trong nam tính và nữ tính của họ (SGLCG số
1643). Họ bình đẳng như những con người, nhưng khác biệt nam và nữ để bổ sung lẫn
nhau qua sự khác biệt tự nhiên này. Sự bổ khuyết độc đáo này khiến cho mối giây
ràng buộc hôn nhân, là trung tâm điểm của đời sống hôn nhân, có thể thực hiện
được
4. Tại
sao kết hiệp đồng tính không thể so sánh với hôn nhân?
Có những lý do cho thấy kết hiệp đồng
tính trái ngược với bản chất của hôn nhân: nó không dựa trên sự bổ khuyết tự
nhiên của người nam và người nữ; nó không hợp tác với Thiên Chúa trong việc tạo
dựng sự sống mới; và mục đích tự nhiên của kết hiệp lứa đôi không thể đạt được
qua hôn nhân đồng tính. Những người trong mối liên hệ đồng tính không thể tiến
vào một sự kết hiệp hôn nhân phu phụ. Do đó, là sai lầm khi đánh đồng quan hệ của
họ với hôn nhân.
5. Tại
sao đối với xã hội điều quan trọng là phải bảo tồn hôn nhân như một kết hiệp
duy nhất giữa một người nam và một người nữ?
Vượt trên thời gian, và những khác biệt
rất xa về văn hóa và tín ngưỡng, hôn nhân luôn là căn bản của gia đình. Đến lượt
mình, gia đình là đơn vị căn bản của xã hội. Vì vậy, tuy hôn nhân là một quan hệ
riêng tư, nó có một ý nghĩa đại chúng.
Hôn nhân là khuôn mẫu căn bản cho những
mối quan hệ nam nữ. Nó đóng góp cho xã hội bởi vì nó tạo ra khuôn mẫu theo đó
những người nam nữ sống phụ thuộc vào nhau và cam kết tìm kiếm điều tốt đẹp cho
nhau trong suốt cuộc đời.
Kết hiệp hôn nhân cũng đem lại những điều
kiện tốt nhất để nuôi dạy trẻ em: chẳng hạn, quan hệ vững bền và yêu thương của
một người mẹ và một người cha chỉ hiện hữu trong hôn nhân. Nhà nước đúng đắn
khi nhìn nhận mối quan hệ này như là một định chế công cộng trong luật của mình
bởi vì quan hệ này tạo ra một đóng góp độc đáo và thiết yếu cho thiện ích
chung.
Luật pháp đóng một vai trò giáo dục vì
chúng hình thành khuôn mẫu tư duy và hành vi, đặc biệt về những điều mà xã hội
cho phép và được chấp nhận. Thành thử, khi ban cho những kết hiệp đồng tính một
tình trạng pháp lý ngang bằng với hôn nhân nó cũng công khai ban một sự chuẩn
thuận cho hành vi đồng tính luyến ái và coi đó như một điều vô thưởng vô phạt về
mặt luân lý.
Khi hôn nhân được tái định nghĩa sao cho
những quan hệ khác được ngang bằng với nó, định chế hôn nhân bị hạ giá và bị
suy yếu hơn nữa. Việc làm suy yếu định chế căn bản này ở mọi cấp độ và bởi các
thế lực khác nhau đã khiến cho xã hội phải trả một giá quá đắt.
6. Có phải
từ chối hôn nhân của những người đồng tính là thể hiện một sự phân biệt bất
công và một sự thiếu tôn trọng họ như những con người không?
Việc phủ nhận tình trạng pháp lý của các
kết hiệp đồng tính không phải là bất công bởi vì hôn nhân và các kết hiệp đồng
tính là những thực tại khác biệt nghiêm trọng. Thực ra, chính công lý đòi hỏi
xã hội phải hành động như thế. Để giữ ý định của Thiên Chúa dành cho hôn nhân,
trong đó quan hệ tính dục có vị trí đúng đắn và độc quyền, không phải là xúc phạm
đến phẩm giá của những người đồng tính. Những người Kitô hữu cần phải là chứng
tá cho toàn bộ sự thật luân lý và chống lại, như một điều vô luân, cả những
hành vi đồng tính luyến ái lẫn việc kỳ thị bất công những người đồng tính.
Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo khuyến
khích những người đồng tính luyến ái "được chấp nhận với sự tôn trọng,
lòng thương yêu, và sự tế nhị" (số 2358). Sách Giáo Lý cũng khuyến khích
tình bằng hữu thanh sạch "Sự khiết tịnh được biểu lộ cách cao thượng nơi
tình bằng hữu với tha nhân. Dù nó được nảy nở giữa những người cùng giới hay
khác giới, tình bằng hữu đem lại một sự tốt đẹp cao cả cho mọi người". (số
2347).
7. Những
người đang sống trong các mối quan hệ đồng tính có đáng được hưởng những phúc lợi
xã hội và kinh tế dành cho các cặp vợ chồng không?
Nhà nước có trách nhiệm đề cao gia đình,
bắt rễ từ hôn nhân. Do đó, nhà nước đúng đắn khi chỉ cấp cho những cặp vợ chồng
các quyền lợi và phúc lợi mà không nới rộng cho những kết hiệp khác. Nói cho
cùng, sự ổn định và phát triển của xã hội tùy thuộc vào sự ổn định và phát triển
của đời sống gia đình lành mạnh.
Việc nhìn nhận hợp pháp hôn nhân, bao gồm
cả những phúc lợi đi liền với nó không chỉ là vì chuyện riêng tư cá nhân, nhưng
còn là vì sự cam kết xã hội của vợ chồng trong việc làm thăng tiến xã hội. Sẽ
là sai lầm khi định nghĩa lại hôn nhân vì muốn cung ứng các phúc lợi cho những
ai không thể chính đáng bước vào đời sống hôn nhân.
Nhiều phúc lợi hiện nay những người sống
trong các loại kết hiệp đồng tính đã có thể nhận được bất kể tình trạng hôn
nhân. Chẳng hạn, các cá nhân có thể đồng ý sở hữu tài sản chung với người khác,
và họ có thể chỉ định ai là người thừa kế di chúc hay ai là người có quyền quyết
định trong việc chăm sóc sức khoẻ cho họ một khi họ đau yếu liệt lào.
8. Dưới
ánh sáng của giáo huấn Công Giáo về sự thật và vẻ đẹp của hôn nhân, người Công
Giáo nên làm gì?
Không thể có sự tách biệt giữa đức tin của
ta với đời sống dù là trong phạm vi riêng tư hay công cộng. Tất cả mọi người
Công Giáo phải hành động theo đức tin của họ với một lương tâm trưởng thành
theo Thánh Kinh và Thánh Truyền. Qua tiếng nói và lá phiếu của họ, họ nên đóng
góp cho sự hưng thịnh của xã hội, cũng như phê phán đời sống xã hội qua những
tiêu chí của lý trí đúng đắn và sự thật Tin Mừng. Thi hành bổn phận công dân có
trách nhiệm là một nhân đức. Dự phần trong tiến trình xã hội là một bổn phận
luân lý. Đây là một điều cấp thiết dưới ánh sáng của nhu cầu cần phải bảo vệ
hôn nhân và chống lại việc đánh đồng về mặt luật pháp giữa hôn nhân và các loại
kết hiệp đồng tính.
Chính những cặp vợ chồng, qua chứng tá của
tình yêu trung tín và cho đi, là những trạng sư tốt nhất cho hôn nhân. Qua
gương sáng của họ, họ là những nhà giáo đầu tiên của thế hệ tiếp theo về thế
giá của hôn nhân và nhu cầu phải bảo vệ nó. Như những nhà lãnh đạo của gia đình
- mà Công Đồng Vaticanô II đã gọi là "một giáo hội tại gia" (Hiến Chế
Ánh Sánh Muôn Dân số 11), các cặp vợ chồng nên đem những ơn huệ cùng như những
nhu cầu của họ đến với Giáo Hội rộng lớn hơn. Nơi đó, với sự trợ lực của những
cặp vợ chồng khác và những mục tử cũng như những cộng tác viên, họ có thể củng
cố cam kết của họ và nuôi dưỡng bí tích hôn nhân của họ suốt đời.
Kết luận
Hôn nhân là một định chế căn bản của
loài người và xã hội. Dù hôn nhân bị chi phối bởi luật dân sự và Giáo Luật, hôn
nhân không xuất phát từ Giáo Hội hay nhà nước, nhưng từ Thiên Chúa. Do đó, cả
Giáo Hội lẫn nhà nước đều không có quyền thay đổi ý nghĩa và cấu trúc cơ bản của
hôn nhân.
Hôn nhân, với bản chất và những mục đích
được thiết lập bởi Thiên Chúa, chỉ có thể là sự kết hiệp giữa một người nam và
một người nữ và phải được giữ nguyên như thế trong luật pháp. Trong một thể thức
không giống bất kỳ một thứ quan hệ nào khác, hôn nhân tạo ra một sự đóng góp độc
đáo và không thể thay thế được cho thiện ích chung của xã hội, đặc biệt thông
qua việc sinh sản và giáo dưỡng con cái. Sự kết hiệp suốt đời giữa một người
nam và một người nữ trở thành một điều tốt cho chính họ, gia đình, cộng đoàn và
xã hội của họ. Hôn nhân là một ơn sủng phải được tán dương và bảo vệ.
Đức Ông. William P. Fay
Tổng Thư Ký Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ
Second Vatican Council.
Pastoral Constitution on the Church in the Modern World (Gaudium et Spes), nos.
47-52. December 1965. Available online at www.vatican.va.
Catechism of the Catholic Church, nos. 369-373, nos. 1601-1666,
and nos. 2331-2400. Washington, DC: United
States Conference of Catholic
Bishops-Libreria Editrice Vaticana, 2000.
Pope John Paul II. On the Family (Familiaris Consortio). Washington, DC: United States
Conference of Catholic Bishops, 1982.
Congregation for the Doctrine of the Faith. Considerations
Regarding Proposals to Give Legal Recognition to Unions Between Homosexual
Persons. July 2003. Available online at www.vatican.va.
United
States Conference of Catholic Bishops. Follow
the Way of Love: A Pastoral Message of the U.S. Catholic Bishops to Families. Washington, DC: United States
Conference of Catholic Bishops, 1993.
United
States Conference of Catholic Bishops.
Faithful Citizenship: A Catholic Call to Political Responsibility. Washington, DC: United States
Conference of Catholic Bishops, 2003.