NGHỆ THUẬT DẪN DỤ
“Tôi luôn luôn rán kiếm mồi hợp với sở thích của
cá.” (Lloyd George)
Một hôm hai cha con triết gia R.W. Emerson
muốn dụ một con bê vào chuồng. Nhưng họ mắc phải cái lỗi thông thường chỉ nghĩ tới cái họ muốn.
Cho nên cha kéo con đẩy. Tai hại thay! Con bê cũng như họ, chỉ nghĩ tới cái nó
muốn thôi; chân nó bám vào đất, cứng ngắc, không chịu rời đồng cỏ. Người ở gái
thấy tình cảnh đó. Chị không biết nghệ thuật viết sách, viết tùy bút như
Emerson, nhưng ít nhất trong trường hợp này, chị cũng có nhiều lương tri hơn
triết gia Emerson, chị nhử con bê, đưa ngón tay vào mõm con vật như mẹ cho con
bú và con vật ngoan ngoãn theo ngón tay chị mà vào chuồng.
Chúng ta ưa trái cây, nhưng không hiểu vì một
lẽ bí mật gì, loài cá không yêu trái cây, mà lại ưa trùng. Vì vậy khi đi câu,
chúng ta không nghĩ đến cái chúng ta thích, mà chỉ nghĩ đến cái mà cá thích
thôi. Chúng ta không móc trái cây vào lưỡi câu để nhử chúng, mà lại mắc vào đó
một con sâu hay một con cào cào.
Tại sao ta không dùng chiến thuật đó với
người khác? Khi người ta hỏi thủ tướng Lloyd George: tại sao ông nắm được quyền
hành lâu, mà ông khác thì bị lật đổ, bị bỏ rơi, ông đáp: “Tôi luôn luôn rán kiếm mồi hợp với sở thích của cá.”
Tại sao ta cứ luôn luôn nói tới cái mà
chúng ta muốn! Thực là vô ích, ngây thơ và vô lý. Đã đành cái gì ta thích ta để
ý tới luôn, nhưng chỉ có một mình ta để ý tới nó, vì những người khác họ cũng
chỉ nghĩ tới cái họ thích thôi, không cần biết ta thích cái gì.
Cho nên chỉ có một cách dẫn dụ người khác
theo mình là: lựa cách nói sao lời yêu cầu của mình hợp với sở thích của họ và
chỉ cho họ đạt được sở thích đó.
Andrew Carnegie hồi nhỏ chỉ được học có 4
năm, nhưng vì ông sớm hiểu bí quyết trên, nên hồi bắt đầu kiếm ăn, mỗi giờ ông
làm được có 4 xu, mà tới sau này tính ra ông đã quyên vào những việc từ thiện tới
365 triệu mỹ kim.
Ông có hai đứa cháu làm cho mẹ lo lắng nhiều
lắm, vì gửi đi học xa, mà không. bao giờ chịu viết thư về nhà, mặc dầu mẹ đã viết
nhiều thư cho chúng. Ông có cách không buộc trả lời, chúng cũng trả lời lập tức.
Ông viết một bức thư ngọt ngào rồi tái bút: “Gởi
cho mỗi cháu 5 đồng.” Rồi Ông làm bộ quên không gửi tiền, tức thì có thư hồi
âm liền, trong đó hai cháu cám ơn chú Andrew thân yêu và... và gì nữa, chắc bạn
đã đoán được.
Lm. Đỗ Đình Tiệm & Lm. Phạm Minh Công