Mark Link _ Lời Chúa thứ năm tuần 32 thường niên

THỨ NĂM –TUẦN 32
Bài đọc 1 Năm lẻ
 Đức Khôn ngoan rực rỡ hơn mặt trời… So với Đức Khôn ngoan, ánh sáng còn kém xa. (Kn 7,29. 30)
Một bài thơ cổ mô tả một người đàn ông nằm dưới gốc cây sồi giữa cánh đồng bí. Đôi mắt ông lướt từ những trái bí lớn trên thân cây nhỏ bé đến những quả sồi bé nhỏ trên nhánh cây lớn. Ông tự nhủ: “Thiên Chúa hẳn đã sai lầm! Lẽ ra Ngài phải đặt trái bí trên nhánh cây lớn và đặt quả sồi nơi những thân leo.” 
Ông chợt thiếp đi, hoàn toàn hài lòng với nhận xét khôn ngoan của mình. Vài phút sau, ông chợt thức dậy, vì một quả sồi rơi trượt qua mũi ông. Ông xoa mũi và tự nhủ: “Có lẽ cách của Thiên Chúa khôn ngoan hơn cả.”
Điều gì tôi thường tự hỏi liên quan đến sự khôn ngoan của Thiên Chúa quan phòng thế giới này?
Cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn của loài người (1Cr 1,25).

Bài đọc 1 Năm chẵn
Tôi van xin anh cho đứa con Ônêximô, đứa con tôi đã sinh ra trong cảnh xiềng xích… Tôi xin gửi nó về cho anh, xin anh đón nhận nó như người ruột thịt của tôi. Xin anh hãy đón nhận chính tôi (Pl 10. 12. 17)
Philemon là một kitô hữu sống ở Côrintô. Ông có một nô lệ bỏ trốn tên là Ônêximô. Phaolô gặp Ônêximô ở Rôma, dạy dỗ và rửa tội cho anh ta vào năm 62 sau công nguyên. Lá thư Phaolô viết cho Philemon để xin ông tha thứ cho Ônêxi mô và đón nhận anh ta trở lại không như một nô lệ, mà như một người anh em. Đây là một trong những lá thư ngắn nhất của Phaolô, nhưng cũng là một trong những lá thư nồng nàn nhất.
Từ quan điểm thực tế, thư của thánh Phaolô gửi cho Philemon thách thức tôi điểm lại mối quan hệ của tôi đối với những người đã gây đau khổ cho tôi, vì đã đối xử bất công với tôi.
Nếu bạn phải chịu đựng bất công do người khác gây ra, hãy thật lòng tha thứ cho họ, để không còn hai con người xấu xa nữa.

Bài Tin Mừng
[Chúa Giêsu nói: “Nước Trời không đến theo cách người ta có thể thầy được”] Người ta sẽ không nói: “Ở đây hay ở kia”, vì Nước Trời đang ở giữa các ông” (Lc 17,21)
Một cô bé bốn tuổi đang cùng ông nội đứng bên một cái giếng đã có từ lâu đời. Họ vừa múc nước lên để uống. Cô bé hỏi: “Nội ơi, Chúa sống ở đâu?” Cụ già nâng cô bé lên miệng giếng và nói: “Hãy nhìn xuống giếng và cho nội biết cháu tháy gì?” Thấy bóng mình dưới nước, cô bé trả lời: “Cháu thấy chính cháu.” Lúc đó cụ già nói: “Đó chính là nơi Thiên Chúa sống trong cháu. Nước Trời cũng giống như thế: nó ở trong lòng con người, nơi tình yêu ngự trị.”
Tôi tin tưởng sâu sắc đến mức nào lời thánh Phaolô: “Anh em là đền thờ của Thiên Chúa” (1Cr 3,16).
Chính sự hiện diện của Thiên Chúa giúp tôi nối kết với bạn sâu xa trong lòng tôi. (Sách Talmud)