PHÁN XÉT CHUNG
Hãy thuộc về Chúa
trong giây phút hiện tại, để rồi chúng ta sẽ thuộc về Chúa mãi mãi trong cuộc sống
vĩnh cửu, và chúng ta sẽ không còn lo sợ khi Chúa đển để xét xử chúng ta.
Bấy giờ Con Người sẽ ngự đến, đầy uy nghi
và cao cả. Đó là một vài nét chấm phá về ngày phán xét chung, ngày Chúa ngự đến
trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, ngày linh hồn chúng ta sẽ lộ hết
chân tướng.
Đúng thế, vào ngày lễ Giáng sinh năm 1541,
người ta mở tấm màn che phủ bức tranh khổng lồ của Michelangelo. Bức tranh về
ngày phán xét chung. Nếu được nhìn ngắm, hẳn chúng ta sẽ rùng mình khiếp hãi. Khuôn
mặt của Chúa Giêsu không còn là khuôn mặt của vị mục tử nhân lành, nhưng là khuôn mặt của một vị quan tòa oai nghiêm. Trong bức tranh, có đến hơn 300 hình ảnh:
nào là các thánh Tông đồ, nào là các thánh Tử đạo,nào các thánh Tiến sĩ, nào là
các Đức Giáo hoàng, nào là những người giáo dân… Theo tiếng kèn thiên sứ, những
người chết chỗi dậy và ra khỏi mồ. Cha mẹ âu yếm nhìn lại con cái của mình. Bạn
bè tay bắt mặt mừng. Thế nhưng, trong ánh mắt của họ hiện rõ một sự lo âu sợ hãi
vì số phận đời đời sắp được ấn định. Nhưng đó mới chỉ là một bức tranh do óc tưởng
tượng của nhà nghệ sĩ.
Nếu những điều Chúa tiên báo về số phận bi
thảm của Giêrusalem đã được thực hiện vào năm 70, khi tướng Titus đem quân vây
hãm và tàn phá, đến mỗi không còn hòn đá nào chồng trên hòn đá nào, thì những lời Chúa nói trước về ngày tận thế chắc
chắn cũng sẽ xảy ra. Thế
nhưng, có những người đã tự lừa dối mình khi nói: Thiên Chúa nhân lành, Ngài
không nỡ trừng phạt chúng ta trong lửa đời đời. Họ đã lầm. Đúng thế, lòng nhân
lành của Thiên Chúa không phải là một cái gì nhu nhược và yếu đuối, và bản thân
Ngài cũng không phải là kẻ thiếu khả năng, không thực hiện được những ý định của
mình. Mặc dù là một người cha giàu lòng thương xót, nhưng Ngài vẫn là một vị thẩm
phán công bằng, trừng trị những kẻ phản bội Ngài bằng án phạt hỏa ngục muôn kiếp.
Trong khi tạc một một bức tượng, nhà nghệ
sĩ thường dùng màn để che phủ, nhưng lúc đã tạc xong, ông ta sẽ vén bức màn đó
lên để mọi người chiêm ngắm. Trong ngày phán xét chung cũng vậy, bức màn che dấu cuộc đời chúng ta cũng sẽ được
vén lên và lúc đó câu
hỏi duy nhất được đặt ra cho mỗi người, đó là hình ảnh Thiên Chúa có rõ ràng và
sáng chói trong tâm hồn chúng ta hay không? Trong cuộc sống trần gian, chúng ta
đã dùng áo quần và son phấn cũng như địa vị xã hội để che dấu con người thực sự
và ngay cả những người bạn thân thiết nhất cũng không thể nào nhìn thấy khuôn mặt
thật của chúng ta. Nhưng khi giờ phán xét đến, tất cả bức màn ấy sẽ bị rơi xuống,
để chúng ta hiện nguyên hình trước tôn nhan Thiên Chúa. Mọi tư tưởng, mọi lời
nói và mọi việc làm của chúng ta, dù thầm kín nhất cũng sẽ bị phơi bày dưới ánh
sáng của Thiên Chúa. Chúng ta không thể nào chạy tội hay chối cãi được nữa. Đó
là một giây phút quyết liệt, giây phút đứng trước tòa án tối cao của Thiên
Chúa, Ngài sẽ không hỏi
chúng ta đã sống được bao nhiêu năm, nhưng sẽ hỏi chúng ta đã sống như thế nào?
Lúc bấy giờ sứ thần Chúa sẽ mở cuốn sổ cuộc
đời chúng ta. Bao nhiêu ngày là bấy nhiêu trang. Đây là những ngày chúng ta còn
thơ ấu với những trang được viết bằng nét chữ vàng ghi nhận những giờ kinh sốt
sắng, những lần rước lễ thật trang nghiêm và những tâm tình sám hối ăn năn. Sứ
thần Chúa tiếp tục mở những trang kế tiếp. Không một tư tưởng, không một lời
nói cũng như không một việc làm nào bị quên sót. Tất cả những việc tốt cũng như
những việc xấu.
Nhưng rồi nét mặt của vị sứ thần Chúa bắt đầu
buồn bã và chúng ta lo sợ. Trên những trang giấy ấy, đã xuất hiện những vết đen
đầu tiên, đó là những lầm lỗi của chúng ta. Tiếp đến là một trang đen kín, đó
là tội trọng đầu tiên chúng ta đã vấp phạm. Rồi lại đến những trang đen kín
khác và ngay cả trang cuối cùng cũng đen kín. Sứ thần Chúa bỏ đi, nước mắt chan
hòa và ma quỷ tiến đến. Nó thưa lên cùng Chúa: Lạy Chúa, là vị thẩm phán công
minh. Chính Chúa đã xuống thế làm người vì kẻ tội lỗi này. Chính Chúa đã chịu lạnh
rét nơi hang đá Bêlem cũng vì kẻ tội lỗi này. Chính Chúa đã sống nghèo hèn suốt
30 năm cũng vì kẻ tội lỗi này. Chính Chúa đã chịu đau khổ và chịu chết trên thập
giá cũng vì kẻ tội lỗi này. Thế nhưng, kẻ tội lỗi này vẫn ngoan cố, không chịu
phụng sự làm tôi Chúa, nhưng đã chạy theo tội lỗi. Vậy xin Chúa phán quyết xem: hắn thuộc về Chúa hay
là thuộc về tôi?
Bởi đó, hãy thuộc về Chúa trong giây phút
hiện tại, để rồi chúng ta sẽ thuộc về Chúa mãi mãi trong cuộc sống vĩnh cửu, và
chúng ta sẽ không còn lo sợ khi Chúa đển để xét xử chúng ta.
Sưu tầm
Kính lạy Người lần cuối – Lời Dâng 103
Kính lạy Người lần cuối,
Xin cho giác quan tôi trải rộng,
Tiếp xúc thế giới dưới chân Người.
Xin cho tâm trí tôi.
Như đám mây thu là là mọng nước,
Cúi khom trước cửa nhà Người.
Kính lạy Người lần cuối.
Xin cho âm điệu tôi hát rải rác nhiều lần
Tụ lại thành bài ca duy nhất,
Rồi tuôn chảy vào đại dương lặng trầm
Kính lạy Người lần cuối,
Ôi Thượng Đế!
Kính lạy Người lần cuối,
Như đàn hạc hoài hương,
Ngày đêm hối hả bay về tổ ấm trên núi cao,
Xin cho đời tôi phiêu du
Tới Quê Hương vĩnh cửu ngàn thu.