Mark Link _ Lời Chúa thứ sáu tuần 12 thường niên

THỨ SÁU – TUẦN 12
Bài đọc 1 Năm lẻ
Thiên Chúa phán bảo Abram rằng Saray sẽ sinh một con trai,] Abram phục mình sấp mặt xuống và cười, ông nói trong lòng: “Há người trăm tuổi lại có con?” (Kn 17,17).
Đoạn Kinh thánh hôm nay làm cho chúng ta phải nhìn lại. Khi Thiên Chúa nói rằng Saray sẽ sinh một con trai, Abram đã làm gì? Ông có ca ngợi Thiên Chúa vì quyết định kỳ diệu đó không? Ông có tạ ơn Chúa vì Ngài đã chúc phúc dồi dào cho ông không? Ông có vội vã chạy đi báo cho Saray không? Không! Abram đã cười và tự nhủ: “Há người trăm tuổi lại có con?” Phản ứng của Thiên Chúa đối với sự hoài nghi của Abram giống như một thách thức. Ngài làm như không biết, như thể một bậc cha mẹ đầy yêu thương bỏ qua sự dại dột của đứa con chưa chín chắn.
Tôi kiên nhẫn ra sao đối với hành vi ngốc nghếch của những người thiếu nhạy cảm và chưa chín chắn?
Kiên nhẫn là khả năng kìm hãm con chiến mã lại khi bạn cảm thấy thích tốc độ.

Bài đọc 1 Năm chẵn
Tháng năm, mồng bảy tháng ấy, tức năm mười chín đời vua Nabucô - đônôsor, Nơbu - zarađan, quan đại thần của vua đến Giêrusalem. Ông đã đốt Đền thờ, đền vua và tất cả nhà cửa ở Giêrusalem, triệt hạ các tường lũy quanh Giêrusalem. Dân còn sót lại trong thành, Nơbuzarađan đã bắt đi đầy. (2V 25,8-11)
“Ngày định mệnh” của người Giuđa bắt đầu vào năm 587 trước Công nguyên. Cho đến nay, thời điểm đó vẫn còn in sâu trong lòng người Do thái. Nó đánh dấu năm mà thành thánh và nơi thánh thiêng nhất trở thành một đóng tro tàn. Những người sống sót sau tai họa khủng khiếp này thì bị đưa đi đày và giam cầm ở Babylon.
Triết gia Santayana nói rằng những kẻ không học biết từ quá khứ đã phải gặp lại quá khứ đó. Sự sụp đổ của thành thánh dạy tôi bài học gì? Dạy cho cộng đoàn Kitô giáo hiện nay điều gì?
Lịch sử là một hệ thống những lời cảnh báo trước (Norman Cousins).

Bài Tin Mừng:
[Một người phong hủi nói với Chúa Giêsu,] “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Chúa Giêsu giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi.” Lập tức anh được sạch bệnh phong hủi (Mt 8,2-3).
Một giáo viên hóa học kể với một người bạn chuyện ông ta đã đi nghỉ mát như thế nào. Với chi phí riêng của mình, ông bay đến Ấn độ, đến những vùng quê và dạy những người phong hủi chế ra thuốc mỡ từ các loài thực vật địa phương để làm dịu căn bệnh của họ. Người bạn vô cùng xúc động và nói: “Điều đó nói cho tôi chính tình yêu Chúa Giêsu dành cho những người phong hủi.”
Một phụ nữ thổ dân người Úc nói: “Nếu bạn đến giúp tôi, bạn đang lãng phí thời giờ của bạn. Nhưng nếu bạn đến vì sự tự do của tôi và của bạn, thì chúng ta hãy hợp tác với nhau.” Lời nhận xét của người phụ nữ mời gọi tôi tự hỏi: Bà ta có ngụ ý gì khi nói như thế và điều đó áp dụng vào tôi như thế nào?
Cuộc sống chúng ta không chỉ phụ thuộc bản thân, nhưng còn phụ thuộc vào những người cần đến chúng ta (Elie Wieses).