CÁC TẦNG TRỜI MỞ RA
“Thầy còn nhớ con không…?”
Tôi giật mình nhận ra
người đàn ông áo quần nhếch nhác
Người đàn ông gầy gò
ngồi sau tủ thuốc ven đường.
Đó là mấy câu từ bài thơ ‘Có một chiều tháng Năm’ của thi sĩ Đỗ Trung Quân. Chỉ qua vài câu thơ đơn giản mà chân tình, thi sĩ đã khéo léo nói lên tâm tình tôn kính và quí mến của người học trò dành cho người thầy cũ.
Ngày xưa thầy dạy học trò biết làm người, biết đứng thẳng, mà nay vì thời thế mà thầy phải giấu mình sau tủ thuốc lá bán lẻ,
Đỗ Trung Quân ngỡ ngàng trước thầy giáo cũ … không dám nhận mình là thầy giáo của cậu học trò áo quần bảnh bao.
Dù thầy có từ chối, dù đáng vẻ bên ngoài có tầm thường, nhưng trò làm sao quên được vẻ đẹp cao quí của tâm hồn người thầy đã gieo vào lòng trò những bài học làm người chẳng bao giờ cũ.
Gioan Tẩy Giả ngỡ ngàng trước Chúa Giêsu: “Chúng tôi phải được Ngài rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi sao?”
Tại sao? Tại sao?
Thế nhưng đây mới là phép rửa mà Chúa muốn thực hiện cho nhân loại, phép rửa của lòng mến, của sự khiêm hạ phục vụ: “Người sẽ xét xử chư dân. Người sẽ không lớn tiếng, không thiên vị ai; không ai nghe tiếng Người ở công trường. Người không bẻ gẫy câu lau bị giập, không dập tắt tim đèn còn khói …
Công việc của Chúa là “lo đặt công lý trên địa cầu”, vậy thì công lý nào lại dẫn Chúa xếp hàng với những người tội lỗi xin chịu phép rửa?
Công lý là những gì chính đáng, những gì phải lẽ, là điều đúng, mà đã nói đến đúng là phải nói đến lề luật. Vậy lề luật nào đã dẫn Chúa đứng xếp hàng với người tội lỗi?
Đó là luật tình yêu: bởi tình yêu mà tên của Chúa Cứu Thế là Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta; bởi tình yêu mà “Người đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỉ ám” (Cv 10,38); cũng bởi tình yêu mà Người đã hạ mình“chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15).
“Yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”. Chính bởi yêu thương mà Thiên-Chúa-nhập-thể đã bước xuống sông Giođan để chịu phép rửa với chúng ta, và vì chúng ta. Chúa đã giải thích cho Gioan Tẩy Giả: “vì chúng ta cần chu toàn bổn phận như thế”.
Đó là bổn phận yêu thương, điều đó đã làm đẹp lòng Chúa Cha, Ngài phán từ trời cao: “Ta hài lòng về Người”.
Có một Đức Giám mục đến ban bí tích Thêm Sức cho một số tân tòng tại một xứ đạo. Để kiểm tra một chút ngài hỏi những người sắp lãnh nhận bí tích: “Làm sao có thể biết ngay được ai là người có đạo?”
Sau một thoáng chần chừ, một cánh tay giơ lên: “Thưa Đức Cha, đó là sống yêu thương nhau”.
Đức Cha toan nói là sai vì ý ngài muốn hỏi họ về dấu thánh giá, nhưng ngài đã kịp trả lời: “Đúng”.
Cả cuộc đời Đức Kitô là một bài giảng về tình yêu Thiên Chúa, lấy tình yêu làm công lý mà Ngài phải “lo đặt trên địa cầu”, bắt đầu bằng việc chia sẻ thân phận thấp hèn của chúng ta, và các tầng trời mở ra.
Cũng thế, khi tôi sống yêu thương, trời mở ra, và Chúa đến ở cùng tôi: “Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy”. (1Ga 4,16)