GLCG _ đức mến

Bài 10. ĐỨC MẾN
ĐIỀU RĂN THỨ NHẤT
66.      Đức mến là gì?
          Đức mến là “nhân đức đối thần nhờ đó chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, và vì yêu mến Thiên Chúa, chúng ta yêu thương người khác như chính mình”. [1] 
          Đức mến là nhân đức cao trọng nhất trong ba nhân đức đối thần (tin, cậy, mến), vì:
           - Yêu thương là bản tính và sự sống Thiên Chúa, nên đức mến cũng phải là đặc tính và sự sống của con cái Thiên Chúa: Căn cứ vào điều này mà người ta phân biệt con cái Thiên Chúa với con cái ma quỷ: phàm ai không sống công chính thì không thuộc về Thiên Chúa; ai không yêu thương anh em mình, thì cũng vậy”.  (1Ga 3,10)      
- Thiên Chúa là Tình Yêu, nên luật yêu thương bao gồm tất cả mọi giới luật bởi Thiên Chúa. Giữ luật yêu mến là giữ tất cả, bỏ luật yêu mến là bỏ tất cả: “giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được đức tin chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì” (1Cr 13,2)
- Đức tin, đức cậy, sẽ qua đi, còn “đức mến không bao giờ mất được” (1Cr 13,8), và là tiêu chuẩn đánh giá cuộc sống: “Vào lúc đời xế bóng, bạn sẽ bị xét xử về tình yêu”. [2]
67.      Tại sao ta phải mến Chúa trên hết mọi sự?
          Đức mến có hai đối tượng: Thiên Chúa và con người. Nhưng xét cho cùng, thì Thiên Chúa mới là đối tượng sau hết của đức mến vì mến Chúa là lý do thúc đẩy chúng ta yêu người, và chỉ có ai mến Chúa thì mới thực lòng yêu người.
Chúng ta mến Chúa là vì Ngài đã dạy điều đó, Ngài đòi hỏi chúng ta phải yêu mến Ngài trên hết mọi sự.
Có người sẽ thắc mắc: “Tại sao tình yêu mà cũng bắt buộc?” Đúng là tình yêu thì không thể bắt buộc, nhưng Chúa dạy như thế là vì muốn chúng ta được hạnh phúc. Phần chúng ta, tự mình xem xét và quyết định, chúng ta cũng không thể không yêu mến Chúa trên hết mọi sự, vì:
- Chúa là Đấng thiện hảo vô cùng, và do đó cũng đáng yêu vô cùng. Không lời nào có thể diễn tả trọn vẹn vẻ đẹp của Thiên Chúa mà vẻ đẹp của muôn tạo vật do Ngài tác tạo chỉ là những hình bóng lờ mờ. Thánh Phaolô đã được phúc chiêm ngắm vẻ đẹp của thiên giới, và từ giờ phút đó Ngài không còn mong muốn nào hơn là được chiêm ngắm Thiên Chúa, Sự Thiện Hảo Tuyệt Đối.
           - “Đức tin vào tình yêu Thiên Chúa bao hàm ơn gọi và sự bắt buộc phải đáp lại tình yêu của Thiên Chúa bằng một đức mến chân thành”. [3]
Chẳng những vô cùng thiện hảo, Thiên Chúa còn là Đấng nhân từhết lòng yêu thương chúng ta. Ai đã cho chúng ta sự sống này cùng với sức khỏe, của cải, tài năng, tình yêu thương đầm ấm, và biết bao điều tốt lành chúng ta đang thụ hưởng trong từng giây từng phút? Ai đã thí mạng người con yêu quí duy nhất của mình để cứu chuộc chúng ta khỏi gánh nặng tội lỗi chúng ta đã mắc phải? Chính là Thiên Chúa, Đại Ân Nhân của chúng ta.
Lòng biết ơn phải thúc đẩy chúng ta yêu mến Đấng đã yêu thương chúng ta đến nỗi không có gì mà Ngài không làm cho hạnh phúc của chúng ta.
           - Cuối cùng chúng ta không thể không yêu mến Thiên Chúa nếu biết rằng hạnh phúc của ta tùy thuộc vào lòng mến đó, đời này cũng như đời sau: Không ai kính mến Thiên Chúa mà không có được hạnh phúc vĩnh cửu trong cuộc sống mai sau và cả sự an vui trong cuộc sống hôm nay, như chính Chúa đã hứa: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng...” (Mt 11,28).
68.      Ta phải kính mến Thiên Chúa như thế nào?
          Ta phải kính mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, và hết sức mình (x. Mt 22,37), nghĩa là kính mến Người với một lòng mến chân thực, trổi vượt, và sống động.
           - Chân thực: Ta phải yêu mến Chúa với một lòng mến từ đáy lòng, chứ không phải chỉ nơi miệng lưỡi.
           - Trổi vượt: Ta phải yêu mến Chúa trên hết mọi sự quí giá nhất trên đời, hơn mọi người thân, và hơn cả chính mình.
           - Sống động: Ta phải trung thành giữ các giới luật của Chúa và luật Hội thánh dạy nhân danh Chúa, siêng năng cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích, để biến tất cả cuộc đời ta thành những việc làm bởi lòng mến, từ việc ăn học, việc bổn phận cho đến sự chịu đựng đau khổ, thử thách trong đời.
69.      Tại sao ta phải yêu mọi người như chính mình?
Tình yêu của chúng ta dành cho Thiên Chúa và cho tha nhân là hai tình yêu khác nhau, nhưng lại liên kết với nhau một cách bất khả phân ly, vì “nếu ai nói ‘Tôi yêu mến Thiên Chúa’, mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối” (1Ga 4,20). Vì thế, sau khi nói đức mến là nhân đức giúp ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, ta phải thêm ngay “và yêu thương mọi người như chính mình”.
Ta phải yêu thương mọi người như chính mình, vì:
           - Chúa Giêsu nhiều lần dạy điều đó: “Còn điều răn thứ hai, cũng giống như điều răn ấy, là: nguơi phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,38).
           - Mọi người đều là hình ảnh Thiên Chúa, và được cứu chuộc bởi Máu Thánh Chúa Giêsu. Không thể nói rằng mình kính mến Chúa mà lại ghét hình ảnh của Ngài, cũng như không ai có thể vừa nói mình mến Chúa vừa ghét bỏ những người mà Chúa đã phải đổ máu ra để cứu chuộc.
           - Mọi người là con một Cha trên trời và cùng được mời gọi dự phần hạnh phúc Nước Trời. Không nhận người khác là anh em cũng là gián tiếp từ chối, không nhận mình là con một Cha trên trời.
           - Đức mến dành cho tha nhân chỉ dựa trên những lý do siêu nhiên chứ không liên can gì đến những lý do tự nhiên, như sắc đẹp, tài năng, lòng tốt... Vì thế, nếu ta yêu ai chỉ vì người đó đáng mến thì chưa phải là đức mến. Đức mến chân chính, với những lý do nêu trên, đòi ta phải yêu thương hết mọi người, dù đó là những người xấu tính, tội lỗi, những người có ác cảm hay thù nghịch với ta, ngay cả những người cố ý gây hại cho ta v. v...
70.      Thế nào là yêu mọi người như chính mình?
           - Trước hết, ta phải ước mong và làm điều tốt lành cho người khác: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt 7,12).
           - Ta phải thực tâm tha thứ lỗi lầm cho người khác; không thể chỉ tha thứ ngoài miệng mà thôi mà phải cố gắng xóa bỏ những ác cảm đối với người đó trong lòng mình. Ai không tha thứ cho ngươì khác là có tội về đức mến. Nếu không tha thứ, làm sao chúng ta có thể xin Chúa “tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.
           - Ta phải giúp đỡ mọi người khi họ cần đến, ngay cả khi họ là người thù nghịch với ta,  vì “nếu anh em chỉ yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?” (Mt 6,48).
           - Ta hãy cầu nguyện cho những người ta phải chịu trách nhiệm, rồi người thân thuộc. Đừng quên cầu nguyện cho kẻ thù nghịch với ta, như Chúa đã làm trên cây thập giá và cũng dạy ta làm như thế. Đó là lời cầu có giá trị như viên ngọc quý: “Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 6,44)
71.      Có những tội nào nghịch với đức mến Chúa?
          Hiểu theo nghĩa rộng thì mọi sự vi phạm các điều răn đều là tội nghịch với đức mến Chúa, nhưng có những tội sau đây thường được gọi là tội nghịch với đức mến Chúa, vì chúng trực tiếp xúc phạm đến tình yêu Chúa:
           - Lãnh đạm, “là thờ ơ hay từ chối không quan tâm đến tình yêu của Thiên Chúa”. [4]
           - Vô ơn, là tội quên lãng hay từ chối nhận biết tình yêu Chúa, nên chẳng bao giờ biết cám ơn Chúa vì những ơn lành Ngài ban, và đáp lại tình yêu Chúa.
           - Nguội lạnh, là do dự hay thờ ơ trong việc đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, người nguội lạnh có thể từ chối dấn thân theo đức mến. Dửng dưng trước tình yêu Chúa và lười biếng việc đạo đức.
- Tội oán trách Chúa: gặp điều bất hạnh thì cằn nhằn, trách móc, đập bể tượng ảnh và bỏ kinh lễ...
           - Và nặng nhất là căm ghét Thiên Chúa, là “do kiêu ngạo, chống lại tình yêu của Ngài, phủ nhận sự tốt lành của Ngài và cố ý nguyền rủa Thiên Chúa”. [5] Đây là tội của ma quỉ và của hỏa ngục, chúng luôn phỉ báng Giáo Hội, chê cười việc thờ phượng; chống lại và nguyền rủa Thiên Chúa.
72.      Các tội nghịch đức yêu người là gì?
          Tất cả các tội phạm đến bảy điều răn sau đều nghịch đức yêu người, nhưng có hai thứ tội sau đây xúc phạm nặng nề đến đức yêu người. Đó là xúc phạm đến sự sống thể lý và sự sống tâm linh của người khác: 
           - Thù ghét người khác, mong muốn làm hại người khác vì lòng thù ghét.
           - Quyến rũ người khác phạm tội bằng lời nói, áp lực, hay bằng gương xấu, dịp tội, như xúi đánh nhau, chiếu phim đồi trụy …




[1] Toát yếu GLCG, câu 388
[2] Thánh Gioan  Thánh Giá, Avisos y sentencias, 57
[3] GLCG 2093
[4] GLCG 2094
[5] GLCG 2094
tìm câu trong bài: 66 67 68 69 70 71 72
HOME