Bài 11. ĐỨC THỜ PHƯỢNG
ĐIỀU RĂN THỨ NHẤT
73. Đức thờ phượng là gì?
Thiên Chúa sáng tạo và là chủ tuyệt đối của mọi loài, tất cả hiện hữu của chúng ta là bởi Chúa, Chúa rút tay lại chúng ta trở về hư không ngay tức khắc.
Theo lẽ công bằng, chúng ta phải "tôn kính và tuyệt đối quy phục Thiên Chúa vì nhận biết tính hư vô của thụ tạo, không thể hiện hữu nếu không bởi Thiên Chúa". [1]
Đó là đức Thờ Phượng, là nhận biết sự cao trọng của Thiên Chúa với bao việc làm vĩ đại của Ngài, và diễn tả sự quy phục của chúng ta đối với Ngài.
Chỉ một mình Thiên Chúa là đối tượng duy nhất cho lòng tôn thờ của chúng ta. Chúng ta không thể dành cho một ai khác, dù là cho Đức Mẹ Maria, sự tôn thờ mà chúng ta dành cho Thiên Chúa, một mình Thiên Chúa.
74. Chúng ta phải làm gì để thờ phượng Chúa?
Với kinh Magnificat, Đức Mẹ đã diễn tả tâm tình thờ phượng một cách tuyệt vời, là nhận biết sự cao trọng của Thiên Chúa với tâm tình quy phục: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi... vì Đấng Toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, Danh Người thật chí thánh chí tôn...” (Lc 1,46-55)
Tâm tình đó là kiểu mẫu cho lòng thờ phượng của chúng ta, mà chúng ta muốn bày tỏ qua các việc thờ phượng.
75. Các việc thờ phượng là gì ?
Đó là những việc để bày tỏ lòng tôn thờ Chúa, nhằm "ca ngợi, chúc tụng, hạ mình khiêm tốn tuyên xưng với lòng biết ơn rằng Thiên Chúa đã làm những việc trọng đại và Danh Ngài chí thánh" [2] Các việc thờ phượng có thể quy về trong các việc thờ lạy, cầu nguyện, dâng hy lễ, và giữ những điều khấn hứa với Chúa.
- Thờ lạy Thiên Chúa, nghĩa là nhận biết Ngài là Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hoá và Cứu Độ, là Chúa và Chúa tể của mọi loài đang hiện hữu, là Tình Yêu vô biên và hay thương xót: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, và thờ lạy một mình Ngài mà thôi" (Lc 4,8) [3]
Việc tôn thờ chính thức của Hội Thánh là phụng vụ, gồm có việc cử hành các bí tích và các giờ kinh phụng vụ.
Cử hành phụng vụ là kết hợp với Chúa Giêsu mà tôn thờ Chúa Cha. Trong đó, thánh lễ là việc thờ phượng long trọng nhất, được đặt ở trung tâm đời sống Giáo Hội. Khi tham dự và nhận lãnh các bí tích khác, (Giao Hoà, Thêm Sức, Hôn Phối …) cũng là lúc chúng ta diễn tả tâm tình thờ lạy, và nuôi dưỡng lòng tin vào Chúa. Tâm tình thờ phượng Chúa còn được bày tỏ qua những cử chỉ, hành vi mang ý nghĩa tôn thờ, như làm dấu, quì gối, cúi đầu …
- Cầu nguyện: “Các hành vi tin, cậy, mến, mà điều răn thứ nhất truyền dạy, được chu toàn trong kinh nguyện. Nâng tâm hồn lên tới Chúa là cách diễn tả việc chúng ta thờ lạy Ngài: lời kinh ca ngợi và tạ ơn, lời kinh chuyển cầu và cầu xin. Cầu nguyện là điều kiện hết sức cần thiết để có thể tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa" [4]
- Hy lễ: là cách thế tốt đẹp nhất để diễn tả sự quy phục hoàn toàn vào Thiên Chúa. Đức Kitô xuống trần gian không phải để làm theo ý Người, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Người.
Do đó "chỉ có một hy lễ trọn hảo duy nhất là hy lễ Đức Kitô đã dâng trên thập giá, bằng sự tận hiến cho tình yêu của Chúa Cha và để cứu độ chúng ta. Khi chúng ta kết hợp mình với hy lễ của Người, chúng ta có thể biến cuộc đời mình thành hy lễ dâng lên Thiên Chúa" [5]
"Mọi công việc được thực hiện để được gắn bó với Thiên Chúa trong sự hiệp thông thánh thiện và như vậy chúng ta có thể được hạnh phúc, đều là hy lễ đích thực". [6]
- Giữ lời hứa và lời khấn: Các bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, Hôn Phối Và Truyền Chức Thánh luôn kèm theo những lời hứa. Ngoài ra, do lòng đạo đức cá nhân, các Kitô hữu cũng có thể hứa với Chúa để thực hiện một vài việc đạo đức … và trung thành tuân giữ các điều đã hứa để tỏ lòng quy phục hoàn toàn vào Chúa.
76. Khấn là gì?
Các lời khấn là một việc đạo đức thường gặp nơi giáo hữu Việt Nam. Ở đây chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về các lời khấn, như là một việc thờ phượng.
Khấn là hứa với Chúa, một cách ý thức và tự do, sẽ làm một việc lành, mà việc lành đó là có thể làm được, và là việc tốt hơn. Ví dụ: Khấn lần hạt 50 mỗi ngày trong một tháng hoặc suốt đời, khấn đi tu, khấn sống độc thân, v.v...
"Lời khấn tức là lời hứa, có suy nghĩ và tự do, với Thiên Chúa về một điều thiện khả thi và tốt hơn; vì thuộc về nhân đức thờ phượng, lời khấn phải được thực hiện" [7]
Khấn, hứa với Chúa những điều tốt là cách nói lên lòng kính trọng và yêu mến chúng ta dành cho Chúa. Đặc biệt là những lời khấn dòng, qua đó các tu sĩ muốn dành cả cuộc sống cho việc thờ phượng Chúa, "muốn theo sát hơn và tỏ lộ cách rõ ràng sự tự huỷ của Đấng Cứu Độ, khi chấp nhận sự nghèo khó trong sự tự do của con cái Thiên Chúa và từ bỏ ý riêng" [8]
Khấn là một lời hứa, hứa với Chúa, chứ không phải là một việc dốc lòng, hay một dự định. Việc quyết tâm hay dốc lòng thì không có sự trói buộc luân lý nghiêm ngặt phải giữ. Nói cách khác, không giữ điều mình dốc lòng tự nó không phải là tội. Trái lại, nếu cố ý không giữ lời khấn hứa thì mắc tội khinh thường Danh Chúa.
77. Những yếu tố làm nên một lời khấn là gì?
- Với Chúa: Lời khấn là một hành vi tôn thờ nên chỉ thuộc về Chúa, chúng ta không thể khấn với Đức Mẹ hay các thánh. Người ta cũng thường dùng kiểu nói “xin khấn Đức Mẹ”, là có ý xin Đức Mẹ bảo trợ đặc biệt cho lời cầu nguyện của mình.
- Điều khấn phải tốt, và là điều tốt hơn: Không thể khấn ăn cắp, vì đó là điều xấu; cũng không thể khấn đi chơi, khấn lập gia đình, vì đó không phải là điều tốt hơn, trừ khi việc đó giúp ta tránh được điều xấu hơn, như giúp ta tránh bè bạn xấu, tránh dịp tội...
- Có thể thực hiện được: Phải khấn những gì mình có thể làm được trong hoàn cảnh bình thường, nhưng có một biến cố ngoại ý nào làm cho lời khấn trở thành không thể thực hiện được thì không phải giữ lời khấn đó nữa. [9]
- Có ý thức: Người khấn phải hiểu biết đầy đủ về điều mình khấn là gì, về trách nhiệm phải giữ lời khấn, và mục đích của lời khấn. [10]
- Có tự do: Một lời khấn sẽ không thành sự, và không buộc phải giữ, nếu một người do bị cưỡng ép, bị đe dọa hay bị lường gạt, mà khấn. [11]
78. Có những loại lời khấn nào?
Có sáu thể thức thường gặp của lời khấn:
- Lời khấn là công, nếu được Bề trên hợp pháp chấp nhận nhân danh Giáo Hội; đối lại là lời khấn tư.
- Lời khấn là trọng thể nếu được Giáo Hội nhìn nhận là trọng thể (như lời khấn giữ đức khó nghèo, vâng lời, khiết tịnh, trong một dòng tu); đối lại là lời khấn đơn thường.
- Lời khấn là tòng nhân, nếu người khấn hứa đích thân thi hành; lời khấn là tòng vật, nếu hứa một đồ vật gì; lời khấn là hỗn hợp, nếu có dính líu tới bản chất vừa của lời khấn tòng nhân vừa của lời khấn tòng vật. [12]
79. Ích lợi và sự ràng buộc của lời khấn là thế nào?
Lời khấn làm cho các việc tốt lành chúng ta làm trở nên cao quí và đẹp lòng Chúa hơn: khi bố thí cho người nghèo, chúng ta được hưởng công trạng tự nhiên của một việc lành; còn khi giữ lời khấn bố thí, chúng ta dâng lên Chúa chẳng những việc lành đó, mà còn cả sự tự do của chúng ta nữa.
Nhưng hãy cẩn thận, đừng khấn hứa một cách quá dễ dàng, vì lời khấn hứa luôn được gắn với bổn phận phải giữ. Bình thường, đọc kinh thì ta được thêm công trạng, không đọc thì thôi; còn khi đã khấn, việc không giữ lời khấn lại trở nên một điều xúc phạm đến Chúa.
Khấn hứa là một việc thánh thiện. Ta được tự do khấn hay không; nhưng một khi ta đã tự ràng buộc mình thì ta phải thực hiện như điều ta đã khấn. Vì thế, trước khi khấn hứa điều gì, ta nên bàn hỏi với cha linh hướng; còn nếu đã lỡ khấn rồi mà thấy khó giữ được lời khấn cho trọn, ta có thể xin cha linh hướng chỉ dẫn và giúp ta được miễn chuẩn hay đổi lời khấn. [13]
80. Chỉ thờ phượng Chúa trong lòng có được không ?
Chúa dựng nên chúng ta là hồn và xác. Vì thế, chúng ta có bổn phận tôn thờ Thiên Chúa trong lòng, và cả nơi thân xác nữa. Việc thờ phượng bên ngoài là kết quả của lòng tôn thờ bên trong; và cũng góp phần tác động lên tâm tình bên trong giúp ta dễ thêm lòng tôn thờ Chúa hơn.
Ta không thể nói rằng mình kính trọng ai trong lòng mà không hề có một cử chỉ nào tỏ ra lòng kính trọng đó.
81. Những tội nào nghịch với Đức Thờ phượng?
"Điều răn này cấm sự mê tín và thái độ vô đạo. Sự mê tín, một cách nào đó, là sự thái quá một cách lệch lạc về tôn giáo (tôn thờ lệch lạc). Vô đạo (thiếu lòng tôn thờ) là một thiếu sót nghịch với nhân đức thờ phượng". [14]
82. Tôn thờ lệch lạc là như thế nào?
Mê tín (tôn thờ lệch lạc) là sự lệch lạc trong cảm thức tôn giáo và ngay trong cách thể hiện cảm thức này.
a. Tội thờ ngẫu tượng: Là tội tôn thờ các vật thụ tạo như là chính Thiên Chúa, coi mặt trời, mặt trăng, sấm sét, mưa gió, đều là những vị thần có quyền năng...
Ngày nay trong bối cảnh văn minh, khoa học, con người ít còn tin tưởng và tôn thờ các ngẫu thần của thời xưa; nhưng họ lại có những ngẫu tượng khác, đó là của cải, tính ham mê khoái lạc, tính vô tiết độ... thay thế chỗ của Mercury (thần lanh lợi, tiền bạc), Bacchus (thần rượu chè), Venus (thần ái tình)... Trong cách nhìn này, Chúa Giêsu đã nói: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Mt 6,24), và thánh Phaolô đã ví von: “Chúa tể của họ là cái bụng” (Rm 16,18).
b. Tội mê tín: là tôn thờ Chúa theo những hình thức mê tín, không đúng thật, như đồn thổi những phép lạ, các mạc khải tư, chuyện Đức Mẹ hiện ra … không đúng với sự thật; hoặc thờ lạy Chúa bằng những nghi lễ khác thường và tin rằng có hiệu lực ban ơn hơn bình thường.
Mê tín còn là tôn thờ cách hão huyền, như thắp nhiều nến để được nhiều ơn; phải đọc kinh này, kinh kia, mới được; coi ảnh tượng này “linh” hơn ảnh tượng khác …
Một hình thức mê tín là tin dị đoan: dựa vào các biến cố ngẫu nhiên để rút ra điềm may, rủi, như tin ngày lành tháng tốt, tin gặp người này thì hên dễ bán được hàng, gặp người kia thì xui không u đầu cũng sứt trán, v.v...
c. Bói toán và ma thuật:
"Thái độ đúng đắn của Kitô hữu cốt tại việc phó thác mình một cách đầy tin tưởng trong tay Chúa Quan Phòng về những gì liên quan đến tương lai, và từ bỏ mọi thứ tò mò không lành mạnh về vấn đề này". [15]
"Cậy nhờ Satan hay ma quỷ, gọi hồn người chết hay những thực hành khác, … Coi tử vi, chiêm tinh, xem chỉ tay, giải mộng, xin xăm, bói toán quá khứ vị lai, đồng bóng, là những hình thức biểu lộ ý muốn thống trị thời gian, lịch sử, và cuối cùng là (thống trị) con người, và đồng thời, biểu lộ ước muốn liên minh với các thế lực bí ẩn". [16]
- Ma thuật hay pháp thuật được dùng để "chế ngự các sức mạnh bí ẩn, bắt chúng phục vụ mình và nắm được quyền lực siêu phàm trên người khác – dù là để chữa bệnh – đều nghịch lại nhân đức thờ phượng cách nghiêm trọng. Các việc này càng đáng lên án hơn, khi có dụng ý làm hại người khác, hay cậy nhờ đến sự can thiệp của ma quỷ. Mang bùa cũng là điều đáng trách. Chiêu hồn thường gồm các thực hành bói toán và ma thuật ". [17]
83. Tội thiếu lòng tôn thờ Chúa là những tội nào?
Sự vô đạo (thiếu lòng tôn thờ Chúa) có ba hình thái là vô tôn giáo, vô thần, và chủ thuyết bất khả tri.
1. Vô tôn giáo: có ba tội chính yếu của vô tôn giáo là thử thách Thiên Chúa, phạm thánh và mại thánh.
a. Thử thách Thiên Chúa là dùng lời nói hay việc làm để thử sự tốt lành và sự toàn năng của Thiên Chúa … như lơ là, không lúc nào nhớ đến Chúa, hoàn toàn bỏ hết các việc đạo đức như đọc kinh, cầu nguyện ... bỏ cả lễ Chúa Nhật … Sự thử thách như vậy làm tổn thương lòng tôn kính và tin tưởng mà chúng ta phải dành cho Đấng Tạo Hoá và là Chúa của chúng ta: “Anh em đừng thách thức Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em" (Đnl 6,16)
b. Phạm thánh là xúc phạm hay có thái độ bất xứng đối với các bí tích và các hành động phụng vụ khác, và cả đối với các người, các đồ vật và các nơi đã được thánh hiến cho Thiên Chúa. Sự phạm thánh là một tội nghiêm trọng, đặc biệt khi phạm đến bí tích Thánh Thể.
- Phạm đến người đã được hiến dâng cho Chúa, là phạm đến những người bởi chức thánh hay lời khấn trọn đời trong một dòng tu, như các tu sĩ, thầy phó tế, linh mục hay các phẩm chức khác trong Giáo Hội.
- Phạm đến vật đã được hiến dâng cho Chúa, là:
* Các bí tích, nghi lễ của Giáo Hội, (như rước lễ phạm thánh v.v...)
* Chén lễ và các đồ dùng trong việc thờ phượng (dùng chén lễ để nhậu nhẹt, dùng áo lễ để mặc đi ngủ...)
* Di hài các thánh, ảnh thánh, nước thánh (đập phá vì khinh thường...)
* Tài sản của Giáo Hội (ăn trộm, phá hại tiền công đức, tiền lễ, của chung...)
- Phạm đến nơi đã được thánh hiến, như nhà thờ, nghĩa trang, nhà nguyện, ... dùng những nơi đó vào mục đích trần tục; hoặc có những hành vi bất xứng tại đó, như dùng làm chỗ chơi giỡn, giải trí, làm nơi phạm tội, nơi đánh giết nhau... Nếu có hành động lăng nhục và gương xấu nặng trong nhà thờ làm cho nơi đó ra ô uế, thì phải cử hành nghi lễ đền tạ, rồi mới được cử hành thánh lễ trở lại như thường lệ.
c. Mại thánh là buôn bán những điều thiêng liêng, còn gọi là tội Simonia, từ câu chuyện pháp sư Simon muốn mua quyền lực thiêng liêng ông ta trông thấy nơi các thánh tông đồ, nhưng Phêrô trả lời: “Tiền bạc ngươi hãy bị huỷ hoại đi với ngươi, vì ngươi đã tưởng lấy tiền bạc mà mua được hồng ân Thiên Chúa” (Cv 8,20).
Ơn thánh được ban phát nhưng không, như Chúa Giêsu đã dạy: “Các ngươi đã nhận được nhưng không, thì cũng hãy ban tặng nhưng không” (Mt 10,8). Vì thế, mọi hành vi buôn bán ơn thánh đều phạm tội mại thánh. Có những hình thức mại thánh như:
- Buôn bán bí tích, phép lành, ân xá, chức vụ thánh...
- Buôn bán những của cải vật chất có kèm theo các ơn thiêng, như bán ảnh tượng, tràng hạt đã làm phép, với giá cao hơn những vật chưa làm phép...
"Có nhiều người đương thời với chúng ta không hề nhận ra hoặc khước từ cách minh nhiên mối tương quan mật thiết và sống động kết hợp con người với Thiên Chúa, cho nên vô thần phải được kể là một trong những vấn đề hệ trọng nhất trong thời đại này" [19]
Vô thần là vấn đề hệ trọng cho thế giới vì chủ nghĩa vô thần hôm nay là vô thần thực tiễn, coi con người "là mục đích cho chính mình, là người duy nhất làm nên và điều khiển lịch sử riêng của mình". Đối với họ, tôn giáo ngăn cản công cuộc giải phóng kinh tế và xã hội khi "nêu lên cho con người niềm hy vọng vào cuộc sống hão huyền mai hậu" [20]
3. Chủ thuyết bất khả tri có nhiều hình thức. Nói chung, chủ thuyết này không phủ nhận Thiên Chúa, nhưng cho rằng không thể chứng minh, xác nhận hay phủ nhận về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Chủ thuyết bất khả tri rất thường tương đương với sự vô thần thực hành. [21]
84. Có được thờ kính tổ tiên không?
Chúng ta phải tôn kính, tỏ lòng hiếu thảo, biết ơn cha ông đã qua đời, như xin lễ, cầu nguyện, và giữ những tập tục chính đáng của dân tộc, nhưng không được thờ phượng các Ngài như thờ Chúa, cụ thể là:
- Những lễ nghi mang tính tự nhiên nhằm nhớ ơn, tuyên dương công trạng, và tỏ lòng hiếu thảo... đều là những việc tốt, nên làm: lập bàn thờ tổ tiên có chưng hoa trái theo phong tục, đốt đèn nhang trước di ảnh người quá cố... nhưng không được làm cao trọng hơn bàn thờ Chúa, Đức Mẹ, hay các thánh.
- Những nghi lễ có tính cách tôn giáo để thờ lạy người quá cố, đem hương hồn người quá cố về hưởng các lễ vật... rõ ràng là không hợp với giáo lý Công Giáo. Người tín hữu không được tham dự, nếu cần phải tham dự vì phép xã giao thì chỉ được hiện diện cách thụ động như một người khách.
[1] GLCG 2097
[2] GLCG 2097
[3] GLCG 2096
[4] GLCG 2098
[5] GLCG 2100
[6] Thánh Augustinô, De civitate Dei, 10, 6
[7] Giáo luật, điều 1191, 1
[8] Hiến chế tín lý Lumen Gentium, 42
[9] X. Giáo luật, 1191, §1
[10] X. Giáo luật, 1191, §2
[11] X. Giáo luật, 1191, §3
[12] Giáo luật, 1192
[13] X. Giáo luật, 1197
[14] GLCG 2110
[15] GLCG 2115
[16] GLCG 2116
[17] GLCG 2117
[18] GLCG 2125
[19] Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 19
[20] Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 20