Một chút suy tư _ mùa thường niên


MÙA THƯỜNG NIÊN
Mỗi giờ trong ngày và mỗi mùa trong năm đều có một điều gì đó đặc biệt cho chúng ta, nhưng thường thường chúng ta không ứng trực để tiếp nhận tặng vật đó.
Rev. Ron Rolheiser, OMI
Trong quyển sách nhỏ với tựa đề Âm nhạc của Thinh lặng, David Steindl-Rast đã nhấn mạnh mỗi giờ trong ngày có điểm sáng và tính chất đặc biệt của nó đến như thế nào, và cách chúng ta chú tấm đến giây phút hiện tại khi chúng ta nhận ra và tôn trọng các “tác nhân đặc biệt” ẩn dấu trong mỗi giờ đó. Ông ấy đúng. Mỗi giờ trong ngày và mỗi mùa trong năm đều có một điều gì đó đặc biệt cho chúng ta, nhưng thường thường chúng ta không ứng trực để tiếp nhận tặng vật đó.
Có những mùa đặc biệt trong năm, chúng ta nắm bắt tặng vật đó dễ hơn. Dù đôi lúc do áp lực hay xao nhãng, chúng ta không chú tâm đến mùa cao điểm như mùa Giáng Sinh hay Phục Sinh, nhưng chúng ta đều biết các mùa này đặc biệt và có những “tác nhân” trong đó đang đòi chúng ta phải đón nhận. Khi có ai nói: “Năm nay tôi quá mệt và có quá nhiều áp lực nên không nghĩ đến lễ Giáng Sinh. Tôi bỏ lỡ dịp Giáng Sinh năm nay rồi!” là chúng ta hiểu ý nghĩa của câu này.
Và điều này không chỉ đúng với những mùa đặc biệt như Giáng Sinh và Phục Sinh. Nó cũng đúng, và có lẽ đặc biệt đúng với mùa mà chúng ta gọi là Mùa Thường Niên. Mỗi năm lịch Giáo hội để ra hơn ba mươi tuần cho cái gọi là “Mùa Thường Niên,” một mùa để chúng ta gặp gỡ các tác nhân hàng ngày, đều đặn, quen thuộc, đoán trước được và bình thường. Như những mùa lễ cao điểm, mùa này cũng có nghĩa là cho đời sống chúng ta một nét phong phú đặc biệt.
Nhưng chúng ta lại dễ dàng bỏ qua mùa này cũng như mục đích của nó. Khái niệm “Mùa Thường Niên” nghe có vẻ quá nhẹ cho dù chính chúng ta lại mong mỏi một cách vô thức ý nghĩa đích thực nó mang đến. Chúng ta có một “thời gian bình thường” nhỏ bé nhưng thật quý báu trong đời mình. Khi đời sống bị nhiều áp lực hơn, mệt mỏi hơn, bồn chồn hơn, có lẽ hơn bất kỳ điều gì, chúng ta mong mỏi có một “thời gian bình thường” im ắng, đều đặn, tĩnh mịch, và ở một nơi xa cách khỏi nhịp điệu hối hả của đời sống. Đối với nhiều người trong chúng ta, cụm từ “thời gian bình thường” sẽ làm chúng ta thở dài hỏi: “Đó là gì thế? Lần cuối tôi có một ‘thời gian bình thường’ trong đời là lúc nào?” Với nhiều người trong chúng ta, “thời gian bình thường” gần như có nghĩa là hối hả và áp lực, là “vòng quay bất tận,” là “cái cối xay.”
Nhiều thứ trong đời hợp lại chống “thời gian bình thường” này, không chỉ sự bận rộn cướp đi thời gian thư thái của chúng ta, mà còn những đau buồn, ám ảnh, mất sức khỏe, hay những gián đoạn khác, tất cả chúng như cười vào nhịp điệu cũng như công việc theo nếp, cướp đi ý thức về “thời gian bình thường” của chúng ta.” Đó chính là nguyên nhân suy sụp của người trưởng thành.
Tôi ngờ rằng, nhiều người trong chúng ta sẽ thấy khi còn nhỏ chúng ta nhìn khác hẳn về chuyện này. Khi còn nhỏ, tôi thường thấy chán. Gần như lúc nào, tôi cũng mong có một cái gì mới, một ai đến thăm nhà, một mùa đặc biệt để mừng lễ (sinh nhật, Giáng Sinh, Năm mới, Phục Sinh), hay gần như bất cứ chuyện gì lay tôi ra khỏi nếp sống thường nhật của “thời gian bình thường.” Nhưng đó là vì đối với một đứa trẻ, thời gian trôi quá chậm. Khi bạn bảy tuổi, một năm là cả một phần bảy cuộc đời bạn. Nó quá dài. Lúc trung niên và già hơn nữa, một năm chỉ là một mảnh nhỏ trong đời và thời gian trôi nhanh, quá nhanh đến nỗi khi đến một mức nào đó, có lúc bạn sẽ bắt đầu mong các dịp đặc biệt qua nhanh, khách về nhanh, các chuyện quấy rầy khuất mắt, để bạn chóng trở về nhịp sống bình thường. Nếp cũ chắc chắn là chán, nhưng chúng ta ngủ ngon hơn khi cuộc sống theo nề theo nếp bình thường.
Ngày nay, văn chương tôn giáo lẫn thế tục đều nói đến những khó khăn để tập trung vào giây phút hiện tại và trong việc gặp gỡ “hiện tại trần trụi” theo cách nói của Richard Rohr, hay “các tác nhân của một giờ” theo cách nói của David Steindl-Rast. Những gì văn chương nêu ra khác nhau về nội dung và ý nghĩa, nhưng cùng chung một điểm: Cực kỳ khó để chú tâm vào giây phút hiện tại, để thật sự ở trong hiện tại. Không dễ để sống trong “thời gian bình thường.”
Có một thành ngữ Trung Hoa vừa có ý chúc phúc vừa có ý nguyền rủa. Bạn có thể chúc cho ai đó: “Chúc bạn sống những giây phút lý thú!” Với một đứa trẻ, chúc như thế nghĩa là chúc lành, bởi đời sống cứ lặp đi lặp lại theo nếp. Thời gian trôi thật chậm trong suy nghĩ một đứa trẻ. Hầu hết trẻ con đã có đủ thời gian bình thường rồi.
Tuy nhiên, đối với hầu hết chúng ta là người lớn, thì đó lại là lời nguyền hơn là chúc phúc. Những áp lực, buồn phiền, đau bệnh, mất mát, đòi hỏi, và những việc chen vào tưởng như không dứt đang bủa vây đời sống chúng ta, dù có lẽ chúng không được xem là “giây phút lý thú,” nhưng thực sự chúng đối chọi với nếp sống bình thường, điều đặn, đoán trước được và bình thường. Và chúng tước đoạt “thời gian bình thường” khỏi chúng ta.
Giáo hội muốn chúng ta hãy chú tâm vào những mùa khác nhau của năm. Mùa Vọng, Mùa Chay, Mùa Giáng Sinh, Mùa Phục Sinh, Lễ Thăng Thiên, và Lễ Hiện Xuống. Ngày hôm nay, tôi xin nói rằng, cần phải đòi hỏi chúng ta chú tâm đặc biệt đến Mùa Thường Niên – “thời gian thông thường.” Thất bại trong việc chú tâm vào thời gian này có lẽ là thiếu sót phụng vụ lớn nhất của chúng ta đó.
Rev. Ron Rolheiser, OMI