GLCG - tự do và trách nhiệm

Bài 2. TỰ DO VÀ TRÁCH NHIỆM

5.      Tự do là gì?
Là con người, được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, chúng ta có tự do. “Sự tự do đích thực là dấu chỉ tuyệt hảo của hình ảnh thần linh nơi con người”, [1] nhờ đó “mỗi người tự quyết định về chính bản thân mình.” [2]
6.      Có phải tự do là làm gì cũng được không?
 “Quyền sử dụng tự do là một đòi hỏi không thể tách biệt khỏi phẩm giá con người, đặc biệt trong lãnh vực tôn giáo và luân lý. Thực thi quyền tự do không có nghĩa là muốn nói gì thì nói, muồn làm gì thì làm.” [3]
Đúng thế, với tự do, người ta có “khả năng lựa chọn giữa điều tốt và điều xấu, nghĩa là có thể tiến tới sự trọn hảo hoặc có thể sai lỗi và phạm tội.” [4] Vì thế mỗi người phải chịu trách nhiệm về các việc làm tự do của mình.
7.      Trách nhiệm là gì?
Bởi quyền tự do, chúng ta có khả năng làm chủ từng chi tiết và tất cả cuộc sống mình, và phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình, là được thưởng công hay phải quy tội về những gì chúng ta muốn, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp.
           - Trực tiếp muốn: Là khi chủ ý muốn điều gì, như vua Đa-vít muốn giết người khi ra mật lệnh đặt tướng Uria vào chỗ chết để cướp vợ của ông ấy.
           - Gián tiếp muốn: Là khi thấy trước việc làm có thể gây ra một hậu quả nào đó, mình có thể tránh việc đó mà vẫn không tránh.
 “Một hậu quả xấu sẽ không bị quy tội, nếu nó không phải là mục đích hay phương tiện của một hành động cố ý, thí dụ một người bị thiệt mạng vì cứu người đang gặp nguy hiểm. Để một hậu quả xấu bị quy tội, hậu quả này phải có thể được thấy trước, và tác giả có khả năng tránh được hậu quả đó, thí dụ trường hợp làm chết người do lái xe trong tình trạng say rượu.” [5]
8.      Đâu là tương quan giữa tự do và trách nhiệm?
 “Tự do là nét đặc trưng của các hành vi nhân linh. Vì có tự do, con người phải chịu trách nhiệm về các hành vi mình chủ ý làm.” [6] 
Tự do là nguồn mạch “để được ca tụng hay bị khiển trách, nguồn mạch của công trạng hay tội trạng.” [7] Một hành vi xấu nhưng không có tự do thì không bị quy tội, ngược lại khi thiếu tự do chúng ta cũng không lập được công trạng gì cho mình (một người bố thí vì bị ép buộc thì chẳng lập được công trạng gì).
9.      Chúng ta có thể bị mất tự do không?
Sự không biết, bị áp lực, hay sợ hãi, và nhiều nguyên nhân khác có thể giảm bớt một phần hoặc làm mất hẳn tự do của chúng ta.
Vì thế, “việc quy tội và trách nhiệm của một hành động nào đó có thể được giảm thiểu hay được loại bỏ vì lý do không biết, do áp lực, do sợ hãi, và do các nguyên nhân khác về tâm thần và xã hội.” [8]
10.      Con người có thể làm ngược lại ý Chúa không?
Sự tự do Chúa ban để con người làm chủ mình lớn lao đến nỗi chúng ta có thể dùng nó để tuân phục, hoặc lạm dụng tự do mà bất tuân phục Thiên Chúa.
 “Ngay từ đầu lịch sử, con người đã bị thần Dữ cám dỗ nên đã lạm dụng tự do của mình”. [9] Thế nhưng, ngay khi lạm dụng tự do mà bất tuân phục Thiên Chúa và làm điều ác thì cũng là lúc chúng ta đánh mất tự do của mình mà làm nô lệ cho sự ác (cũng như một người được tự do hoặc là uống đến say mèm, hoặc là không uống rượu, nhưng khi uống đến say mèm thì anh ta lại trở nên nô lệ cho men rượu và không tự chủ được mình nữa).
Khi lạm dụng tự do, “trong chính con người đã có sự chia rẽ. Vì thế, tất cả cuộc sống con người, hoặc riêng rẽ, hoặc tập thể, đều biểu hiện như một cuộc chiến, dĩ nhiên là bi thảm, giữa tốt và xấu, giữa ánh sáng và tối tăm”. [10]
11.      Khi nào chúng ta được tự do thực sự?
Chúa dựng nên chúng ta theo hình ảnh Ngài. Vì thế, chính Chúa là khát vọng thâm sâu nhất trong lòng chúng ta, là hạnh phúc toàn hảo và tối hậu của chúng ta. Bởi đó mà chúng ta chỉ có tự do đích thực khi tuân phục Chúa:
 “Thiên Chúa đã muốn con người ‘tự quyết định lấy’ (Hc 15,14), để chính họ tự nguyện tìm kiếm Đấng Tạo Hóa của mình và tự do đạt tới sự hoàn hảo sung mãn và hạnh phúc bằng việc kết hợp với Ngài”. [11]
Khi tuân phục Chúa, khát vọng sâu thẳm nhất trong chúng ta được thỏa mãn: “Sự tự do đạt tới mức hoàn hảo khi nó được quy hướng về Thiên Chúa là sự thiện tối thượng.” [12]
Bất tuân Thiên Chúa là đánh mất nền tảng của đời mình, là đặt cuộc sống mình dưới quyền điều khiển của sự dữ, và không thể nào thỏa mãn được mình nữa. Như cánh diều chỉ có thể tự do bay bổng khi còn được ràng buộc với sợi dây, con người chỉ có thể được tự do thực sự khi chọn tuân phục Thiên Chúa.
[1] Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 17
[2] GLCG 1731
[3] GLCG 1747
[4] GLCG 1732
[5] GLCG 1737
[6] GLCG 1745
[7] GLCG 1732
[8] GLCG 1746
[9] Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 13
[10] Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 13
[11] Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 17
[12] GLCG 1744
 Tìm câu trong bài: 5 6 7 8 9 10 11
 HOME