Hiển thị các bài đăng có nhãn giaothua. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn giaothua. Hiển thị tất cả bài đăng

Tết Nguyên Đán _ lời chúc đầu năm

LỜI CHÚC ĐẦU NĂM
Niềm hạnh phúc của một tâm hồn trong sạch và có Chúa ở cùng cũng chính là niềm hạnh phúc mà chúng ta cầu chúc cho nhau trong năm mới Ất Mùi này.  
Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Lời Chúa Lễ Giao Thừa _ một lúc nào đó... giao thừa


Tết Nguyên Đán “Ất Mùi” – 2015
MỘT LÚC NÀO ĐÓ… GIAO THỪA
* ĐÓN GIAO THỪA – KHÉP CON TIM LẠI XUA MA QUỶ
* MỪNG NĂM MỚI – MỞ CỬA LÒNG RA ĐÓN CHÚA XUÂN
JM. Lam Thy ĐVD.

Tìm hiểu Lời Chúa _ Lễ Giao Thừa


THÁNH LỄ GIAO THỪA
CẦU BÌNH AN CHO NĂM MỚI
Ds 6, 22-27; 1Tx. 5, 16-26. 28; Mt 5, 1-10

Đêm giao thừa _ ước được trở về tuổi thơ


ƯỚC ĐƯỢC TRỞ VỀ TUỔI THƠ
Hãy sử dụng thời khắc hiện tại này thật ý nghĩa. Hãy sống như thể đây là giây phút cuối đời. Hãy trân trọng những người đang sống bên ta. Hãy dùng nó để xây dựng tình người, để kiếm tìm hạnh phúc.  
Lm Jos Tạ Duy Tuyền

Xuân Nhâm Thìn _ giây phút linh thiêng

Giây phút linh thiêng
Thi sĩ Hàn Mạc Tử đã viết một câu thơ rất ý nghĩa:" Giây phút linh thiêng đã khởi đầu…". Xuân về được bắt đầu bằng giây phút giao thừa. Người người, nhà nhà, mọi gia đình, mọi người đón chào giây phút linh thiêng khởi đầu một năm mới trước bàn thờ hương trầm nghi ngút bay. Giây phút kết nối giữa những ngày đã qua và những ngày mới bắt đầu. Người Kitô hữu tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi vì bao hồng ân Chúa ban và cầu sự an bình cho một năm mới đã ló rạng. Đây là khởi điểm của thời gian khiến con người gợi nhớ về sự sáng tạo mà Thiên Chúa trao ban cho vũ trụ, cho con người.
GIAO THỪA, ĐẤT TRỜI GIAO CẢM :
Thời gian đêm giao thừa rất linh thiêng, huyền nhiệm. Người ta nâng cốc chúc nhau sức khỏe, may mắn và bình an trong lúc đón chào Chúa xuân đến với hy vọng năm mới sẽ có những điều mới, an lành và hạnh phúc hơn. Năm mới đến có liên quan đến vận mệnh của từng con người. Riêng đối với người Kitô hữu, giây phút giao thừa, thời điểm bàn giao giữa năm cũ và năm mới còn mang ý nghĩa cao vời: con người sẽ nhớ tới Đấng là Mùa Xuân vĩnh cửu, Đấng tạo dựng đất trời, dựng nên con người. Đấng ấy là Thiên Chúa, là tình yêu. Đêm giao thừa làm cho người Kitô hữu nhớ đến Đấng Emmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng nhân loại, ở với con người, ở với mỗi người. Thiên Chúa đã sai Con của Người là Đức Giêsu tới trần gian cũng vào một đêm, đêm mà Con Thiên Chúa và loài người hợp nghĩa kết giao. Đêm mà các thiên thần loan báo cho các mục đồng, đại diện cho toàn nhân loại tin vui về việc Con Thiên Chúa đến với họ và ở lại với họ để ban an bình, và hứa với họ sẽ ở với họ cho tới ngày tận cùng thế giới.
VẪN LÀ GIÂY PHÚT LINH THIÊNG:
Giây phút giao thừa là thời điểm của một năm mới, là lúc trời đất giao hòa, là nơi Thiên Chúa gặp gỡ con người. Chính trong giây phút huyền diệu của đêm giao thừa, con người chỉ có thể nói lên:" Cúi xin Đấng tạo thành trời đất, xuống cho đoàn con muôn ngàn phúc cả từ núi thánh Sion"(Tv 133, 3) hoặc " Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa là Đấng dựng nên cả đất trời". Đón xuân về, trong giây phút giao thừa uy linh và huyền nhiệm, con người vẫn nhớ tới cảnh đoàn tụ, ấm cúng của gia đình, nhưng vẫn còn những gia đình, những kẻ thiếu may mắn không có điều kiện, cơ hội để đón giao thừa. Chúa là mùa xuân vĩnh cửu. Người Kitô hữu được mời gọi sống tin, yêu và sứ mạng của họ là loan báo Mùa Xuân vĩnh cửu cho mọi người.
Chúa là mùa xuân vĩnh cửu. Con người biết chia sẻ, biết quảng đại, biết cảm thông và loan báo Đức Giêsu Kitô, Đấng là mùa xuân bất tận cho người khác là họ đã sống giây phút linh thiêng nhất của một năm vì họ có Chúa ở cùng, và như vậy khi một tâm hồn có Chúa ở cùng là một trời xuân bất tận (thánh Gioan Vianney).
Lạy Thiên Chúa là Đấng vô thủy vô chung, là căn nguyên và cùng đích vạn vật, trong giờ phút giao thừa này, chúng con hướng tâm hồn lên Chúa. Cúi xin Chúa rộng ban cho chúng con một năm dồi dào phúc lộc, và đầy lòng hăng hái làm việc lành để tôn vinh Danh Thánh (Lời nguyện nhập lễ, thánh lễ giao thừa).
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, dcct.

SUY TƯ NGÀY XUÂN _ Phút giao mùa

PHÚT GIAO MÙA
Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu,
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ”,
Nếu chiều mùa xuân năm 1933, trước cái không gian huyền ảo thực hư của Đà Lạt, thi sĩ Hàn Mặc Tử đã ngẩn ngơ thốt lên những vần thơ ấy, thì chiều hôm nay, trong cái linh thánh của phút giao mùa khi những giờ cuối của năm cũ đang qua đi, nhường chỗ cho một năm mới sắp đến, thì hãy như nhà thơ, chúng ta hãy cùng mấp máy đôi môi: “Ôi lạy Chúa mở cho con đôi mắt, thấy tình yêu kỳ diệu Chúa khắp nơi.  Vâng, tình yêu Chúa quá ư kỳ diệu, vượt quá trí hiểu; bao hy sinh cùng lời cầu nguyện của các đấng sinh thành quả thật vô biên.
Tình yêu Chúa quá ư diệu kỳ khi “Con người là chi mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì mà Chúa phải lưu tâm?”, thì chúng ta, những người đang quỳ đây, biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Ngài đã ban cho…
Hồng ân tiếp nối hồng ân, mỗi ngày là một hồng ân: hồng ân bí tích, Mình Máu Chúa nuôi sống, bí tích Chúa ban ơn “cho con được sống và sống dồi dào”; hồng ân Lời Chúa, “Lời Chúa là đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi”; hồng ân quan phòng, Chúa ban cho cái ăn, cái mặc, cái để chia sẻ; hồng ân tha thứ, “bao lỗi lầm Chúa phủ che, tội ta làm Chúa ném thật xa”; hồng ân sức mạnh, bình an và niềm vui của Thánh Thần mà nếu không có, tưởng chừng như chúng ta không thể vượt qua, không thể đứng vững trước những tang tóc, nghịch cảnh và xúi quẩy.  Rồi kể sao cho xiết muôn ân huệ siêu nhiên cũng như tự nhiên Chúa ban cho Giáo Hội, cho giáo xứ, cho mỗi cộng đoàn, mỗi gia đình và mỗi người trong những tháng ngày qua.  Hãy tạ ơn Chúa, vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.
Thứ đến, công ơn bể trời của mẹ cha, “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, các đấng sinh thành còn sống hay đã qua đời mà qua lời cầu nguyện, qua bao mồ hôi nước mắt của các ngài, chúng ta có được ngày hôm nay.  Thế mà, “mẹ thương con biển hồ lai láng, con thương mẹ kể tháng kể ngày”.
Nhân ngày cuối năm, chúng ta cùng gẫm suy câu chuyện Cậu Bé và Cây Táo. Có cậu bé kia sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo.  Khi bắt đầu có trí khôn, cậu bé đồng thời cũng sớm nhận ra cây táo đã sừng sững sau vườn nhà mình tự bao giờ.  Cậu nào biết, ngày ngày, táo rợp bóng cho cậu cùng chúng bạn vui đùa.  Ngày kia, cậu thở than cùng cây táo, “Táo ơi, con buồn quá, con không có gì để chơi cả”. Táo trả lời, “Sao con không leo lên đây, chuyền từ cành nầy sang cành nọ, hái táo mà ăn cho thoả”. Thế là cậu bé rủ thêm chúng bạn ngày ngày leo trên thân táo; và không hơn gì các bạn tinh nghịch khác, một đôi lần, cậu bé dùng đá và gậy đánh vào cành, rạch vào thân… làm táo xây xát đớn đau. Leo lên leo xuống mãi cũng chán, cậu bé đòi táo cho đồ chơi khác, táo ra sức rợp bóng thật um tùm để chim chóc về làm tổ hầu chú bé và các bạn có thể lên bắt những chú chim nhỏ về nuôi. Và qua dòng thời gian, cậu bé lớn lên thật nhanh và hầu như quên hẳn cây táo giờ đây cũng già cỗi theo năm tháng.
Thế mà vào một ngày kia, giờ đã là một thanh niên, cậu bé trở lại khu vườn trước sự ngạc nhiên của cây táo, táo hỏi, “Con còn đến đây làm gì?”, người thanh niên đáp, “Ta cần tiền cưới vợ”. Suy nghĩ một hồi, táo đáp, “Thì con hãy chịu khó ngày ngày hái táo đem ra chợ bán để dồn tiền cưới vợ”. Bẵng một thời gian sống với vợ con, cậu ấy dường như không còn nhớ đến cây táo; rồi một hôm, cậu lại trở về, táo lại hỏi, “Ta còn gì để cho con nữa, con cần gì?”. “Ta cần dựng một căn nhà”. Táo nói, “Ta không còn đủ sức cho quả để con đem bán nữa, thôi con hãy chặt những cành lớn nơi ta để tạm dựng cho mình cùng vợ con một căn nhà”. Thế là cậu bắt đầu chặt không thương xót những cành lớn, vừa đem bán vừa dành đủ gỗ, dựng cho mình một căn nhà, mặc cho táo trơ trọi bên góc vườn tưởng chừng như không ai còn biết đến.
Vậy mà cũng người thanh niên ấy, một chiều kia lại trở về khu vườn, táo lúc này đã mù loà, tai không còn nghe, mắt không còn nhận ra cậu nữa, cậu phải lên tiếng thật to để thổ lộ rằng cậu đã chán ngấy căn nhà gỗ và phải dọn đi nơi khác.  Nghe được, táo vẫn hớn hở thì thào, “Thôi, thì con c đốn ngả thân ta, lấy gỗ đóng cho mình một chiếc thuyền để xuôi xuống miền nam sinh sống”. Và một lần nữa, cậu lại nhẫn tâm đốn hạ cây táo để thoả ý mình.
Lâu thật lâu, không biết mấy chục năm sau, cậu bé ngày xưa giờ đây tóc đã điểm hoa râm lại trở về bên gốc táo ngày nào, lần nầy không hiểu sao, cậu không nhận ra táo, nhưng táo lại trực giác nhận ra cậu. Người đàn ông ấy không còn đòi hỏi táo điều gì nữa vì táo đâu còn gì để cho, nhưng cậu bé ngày xưa giờ đây quá hối hận khi tìm về gốc táo, tựa lưng vào đó để gẫm suy cuộc đời. Và kìa, táo cảm thấy thật hạnh phúc khi vẫn còn là một chỗ tựa cho đứa con tội nghiệp của mình.
Anh Chị em, gốc táo ấy chính là hình ảnh của mẹ cha, đã một đời hy sinh miễn sao cho con được nên người, nên thánh. Niềm vui sướng và hạnh phúc của các đấng sinh thành chính là trở nên nơi nương tựa cho con cái, dù đã ngồi một chỗ như gốc táo già hay đã lão hoá đồng như một trẻ thơ, hoặc cho dù chỉ còn là nấm mộ lạnh ngoài nghĩa trang đìu hiu… Vậy chớ gì mỗi người chúng ta ngày càng biết kính trọng và yêu thương các đấng sinh thành, những gì đã mất hoặc chắc chắn một ngày kia chúng ta sẽ vĩnh viễn không còn.
Chớ gì những lời cuối năm cũng như đầu năm, cũng là những lời cuối đời của mỗi người chúng ta sẽ mãi mãi là “Tạ Ơn Chúa Vì Muôn Ngàn Đời Chúa Vẫn Trọn Tình Thương”.
Lm. Minh Anh (Gp. Huế)

SUY TƯ NGÀY XUÂN

THỜI GIAN

Mùa hè năm 1932 tại Los Angeles (Mỹ) có cuộc tranh giải thế vận hội về môn lội sải 400 mét. Người có nhiều hy vọng nhất để ghi tên vào bảng vàng là nhà vô địch Pháp J. Taris, vì lúc bấy giờ J. Taris đang giữ chức vô địch thế giới về hạng này. Nhưng rút cuộc khi về mức, một lực sĩ Mỹ, Buster Crabbe đã với tay trên mép hồ trước J. Taris vỏn vẹn một gang tay. 
           Báo chí và những nhà hâm mộ “con gà nòi Pháp” thất vọng kêu ầm lên: đó là mối hận lớn nhất trong đời thể thao của nhà vô địch không may.
          Trên dưới 1/10 sao, anh là một nhà vô địch, tên anh được khắc vào bảng vàng, đời sau còn nhắc nhở, hoặc anh chỉ là kẻ bại trận, chỉ đáng rước những lời an ủi, tên tuổi anh sẽ chìm dần trong quên lãng. Thể thao có những luật lệ khắt khe, nhưng không phải là không công bằng.
(Phạm cao Tùng,  Tôi có thể nói thẳng với anh, 1967, tr 5) 
                                                                                                   
***************************************
          Nếu bạn đang tuổi thiếu niên, bạn hãy dùng hết thời giờ để học và để làm việc, vì bạn phải sửa soạn cho đời sống tương lai. Tứ tuần, ngũ tuần mới học ngoại ngữ thì chỉ dùng được 20, 30 năm. Nếu học ngay từ 18, đôi mươi bạn dùng được gấp đôi thời gian trên. Hơn nữa, còn trẻ dễ học hơn khi trưởng thành, dễ sản xuất hơn là thu nhận. Bởi thế, không chỉ là làm việc suốt ngày đêm mà quên ăn quên ngủ. Không, bạn phải nghỉ ngơi cho đúng độ, nhưng đừng bao giờ vừa làm việc vừa chơi, như thế là “bạn bắt cá hai tay”, kết cuộc không được con nào!
Thời giờ thấm thoát thoi đưa,
Nó đi đi mãi có chờ đợi ai.
          Bạn đã thấy thời giờ đi mau chừng nào chưa, hay bạn còn đang ngồi mơ mộng, đang thêu dệt ảo tưởng cho tương lai?  Bạn đang làm thơ tả ánh trăng thu, hoa đào nở, hay bạn đang làm việc mà bạn cho là hữu ích cho đời bạn? Bạn hãy xắn tay áo lên làm việc, kẻo cái già xồng xộc nó thì tới nơi!
          Có lẽ bạn thắc mắc, tại sao không được bỏ phí thời giờ bằng cách chơi không hay giải trí vô ích? Cứ “chơi cho thỏa chí tang bồng đã sao”?
          Bạn lầm rồi!  Thời giờ và đời sống dương thế không phải là của bạn!  Thiên Chúa đã cho bạn mượn tất cả, và bạn phải trả lại Ngài một ngày kia đúng như khi bạn nhận. Ngày nào Chúa đòi, bạn không biết trước được. Nhưng chắc chắn bạn có thể chết bất cứ lúc nào. Nếu bạn nghĩ rằng mình còn lâu mới chết, mình còn đang “xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê” mà! Giả như ý nghĩ đó đúng, thì bạn cũng phải ý thức rằng: mỗi giờ là một bước đi gần đến sự chết… Nhưng bạn có thấy bao nhiêu người chết lúc 12, 15 hay 18 xuân xanh không?
          Bây giờ giả sử có một bác sĩ quả quyết là chỉ 7 ngày nữa bạn sẽ chết, bạn sẽ làm gì?  Chắc là bạn sửa soạn kỹ càng lắm: nào là lo xin lỗi người này kẻ khác, nào là thanh toán nợ nần, hay lo xưng tội để rửa sạch linh hồn… Làm gì thì làm, chắc bạn phải dùng tuần lễ ấy hơn những tuần lễ trước nhiều lắm!
          Bạn có biết một phần tư trẻ con chết dưới 7 tuổi, một nửa không sống tới 17 tuổi, 100 người mới có một hay hai người thọ tới 60, và 500 người mới có vài người thọ bát tuần. Và bạn hãy tưởng tượng mỗi phút có ít nhất hàng trăm người chết?
          Bạn có vặn ngược kim đồng hồ lại, giờ chết vẫn đẩy nó đi… Thời gian trôi nhanh lắm. Bạn hãy dùng nó hết sức của bạn. Nếu bạn đã bỏ phí thời gian qua để làm những việc vô ích, để hưởng lạc thú, để vùi đầu vào chốn chơi bời, trác táng, thì năm mới bạn hãy ngẩng đầu lên nhìn vào Thượng Đế, Đấng khoan nhân vô cùng. Như Charles de Foucauld, như Madeleine… bạn sẽ được hạnh phúc vô cùng của Thiên Chúa phú ban. Vì thế muốn sống khôn ngoan, bạn sẽ biết rằng, lúc nào bạn cũng gần cái chết. Nghĩ đến cái chết, không phải để bi quan, yếm thế, nhưng để vui tươi hơn, yêu đời hơn, lăn xả vào đời để làm việc hữu ích.
          Bạn ạ, chỉ có phút hiện tại mới thuộc về bạn. Bạn phải cố gắng dùng cái phút ấy cho nên. Chắc đã nhiều lần bạn vào thăm một nghĩa địa. Trên mỗi tấm mộ, người ta thường ghi người này thọ 80 tuổi, người kia 20 tuổi… Chắc bạn cho cô nàng 20 ấy sống ít quá! Sao mới nửa chừng xuân mà đã vội vàng ra đi?  Ít quá thật không?  Không, nếu cô ta đã sống trọn 20 năm cố gắng, sống theo ý muốn của Thiên Chúa: không bỏ phí một giây phút nào vô ích. Thiên Chúa không tính năm, tính tháng, nhưng Ngài cân những năm bạn đã sống.
          Lẽ tất nhiên ai chả muốn sống lâu. Ngày xuân, người ta hay chúc nhau “trăm tuổi bạc đầu râu”, muôn ngàn phúc, lộc thọ…  Nhưng bạn chớ quên rằng: đời sống thế gian lâu dài mấy rồi cũng có cùng. Bạn phải tìm một đời sống vô cùng và đời đời hạnh phúc, bằng cách sống tốt lành, đạo đức ở trần gian. Lắm khi bạn nghĩ: hoạt động để làm gì? Làm việc đạo đức, ích lợi chi, nếu một ngày kia sẽ phải chôn vùi dưới 3 thước đất!  Nhưng, bạn ơi, đàng sau cái chết, một đời sống đời đời đang chờ đợi bạn.
          Nói về thời gian thì không bao giờ hết. Nhưng chắc chắn một điều là thời gian đi nhanh lắm. Chiếc đồng hồ tinh vi nhất cũng chỉ chứng minh có một điều là: thời gian bay như tên. Vậy bạn phải làm gì?  Bạn hãy nắm lấy hiện tại, hãy lợi dụng từng phút của đời bạn để làm những việc hữu ích. Làm một việc gì không cần lắm, còn hơn nói rằng một nửa giờ không cần. Bạn có thể bắt chước nhà văn sĩ nọ đã lợi dụng thời gian 15 phút dọn cơm muộn của vợ, để viết một tác phẩm thời danh “Time is money” (Thời giờ là vàng). Tóm lại, bạn phải luôn nghĩ rằng, đời sống của bạn có cùng, sẽ có ngày bạn phải trả lại tất cả thời gian mà Thiên Chúa ban cho bạn.
Thiên Chúa sẽ ban cho bạn hạnh phúc vĩnh cửu nếu bạn biết dùng ngày giờ ở dương thế theo thánh ý của Ngài. Bạn đã sửa soạn chưa?  Vì Thiên Chúa đến bất ngờ như chớp phương đông lòe sang phương tây!  Chúc bạn một đời sống mới, nhất là biết dùng thì giờ vàng ngọc Thiên Chúa đã ban cho bạn.
          Năm hết Tết đến, mai vàng nở rộ khắp nơi, tô điểm cho ngày xuân thêm tươi đẹp, người ta chúc nhau được gặp nhiều may mắn:
Mai vàng nở khắp quê nhà,
An khang, thịnh vượng món quà chúc Xuân.
          Còn tôi sẽ chúc bạn hai chữ “Phúc đức”, một câu đối bằng chữ Nho, nghe cũng hay hay. Hy vọng trong năm mới này bạn được hạnh phúc tràn đầy, nhất là được tăng trưởng trên đường nhân đức:

Phúc mãn đường, niên tăng phú quí,  
Đức lưu quang, nhật tiến vinh hoa.
Phúc đầy nhà, năm thêm giầu có  
Đức ngập tràn, ngày một vinh hoa.
 

Viết theo GM Tihamer Toth
TV và Lm Giuse Đinh lập Liễm