THỨ HAI - TUẦN 19
Bài đọc 1 năm lẻ
[Có một số khách ngụ cư
giữa dân Israel, Môsê nói với dân:] “ Anh em phải yêu thương ngoại kiều, vì anh
em đã từng là ngoại kiều ở đất Ai-cập.” (Đnl 10,19)
Một cụ già
kiệt sức trên một con đường ở Brooklyn và được đưa đến bệnh viện thị trấn
Kings. Từ tấm địa chỉ nhàu nát trong túi cụ, các y sĩ lần ra tên của một nhân
viên cứu hộ trên biển có thể là con trai của cụ. Họ đã điện khẩn cấp đến doanh
trại. Khi người thanh niên đến, cụ già chìa tay ra một cách yếu ớt.
Người thanh
niên bắt lấy và giữ chặt tay cụ suốt bốn giờ liền cho đến khi cụ già qua đời. Sau khi cụ già tắt thở, người thanh niên mới hỏi: “Cụ già này là ai?” Các y sĩ
hỏi lại: “Đó không phải là cha của anh sao?” Anh ta đáp: “Không, nhưng tôi thấy
rằng cụ cần tình cảm của một người con, vì vậy tôi đã ở đấy với cụ.”
Tôi có thể nhớ lại một người
xa lạ đã giúp tôi một cách quảng đại không? Có khi nào tôi giúp đỡ một người
xa lạ không?
Chẳng ai một mình đi
suốt hành trình. Những gì chúng ta mang đến cho cuộc sống kẻ khác sẽ chan hòa
trong cuộc đời chúng ta. (Dewin Markham)
Bài đọc 1 năm chẵn
[Ngôn sứ Edekien viết:] “Có
lời Đức Chúa phán với tôi, con ông Bu-di, bên bờ sông Cơ-va.” (Ed 1,3)
“Thiên Chúa là
ai?”, đó là câu hỏi mà Thống đốc Mario Cuomo đặt ra trong cuộc hội thảo tại Nữu
Ước. Ông nói rằng sự hiểu biết của ông về Thiên Chúa xuất hiện khi ông đọc cuốn
“Cảnh vực thần linh” của Teilhard de Chardin. Nhà khoa học linh mục nổi tiếng
này nhấn mạnh rằng Thiên Chúa khởi sự công cuộc sáng tạo và để cho chúng ta
tiếp tục hoàn thành. Như vậy, Cuomo trả lời câu hỏi “Thiên Chúa là ai?” khi nói
rằng “Thiên Chúa là tiếng gọi thúc giục chúng ta tham gia vào công cuộc cải tạo
thế giới.”
Câu truyện về Cuomo và về
Edekien mời gọi tôi tự hỏi tôi cảm nghiệm Thiên Chúa đang nói với tôi khi nào
và ở đâu. Làm sao tôi chắc được Thiên Chúa thực sự nói với tôi?
Cầu nguyện là đối thoại,
chứ không phải độc thoại. Tiếng Chúa trả lời cho chúng ta là điều nhất thiết
phải có. (Andrew Murray)
Bài Tin Mừng
[Một ngày nọ, Chúa Giêsu
nói]: "Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và
ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy." Các môn đệ buồn phiền lắm. (Mt 17,22-23)
Vào thập niên
1960, hai vở kịch nổi tiếng về Chúa Giêsu: “Chúa Giêsu, siêu sao” và “Sức hấp
dẫn của Chúa”. Cả hai vở kịch đều có những cảnh và âm nhạc tuyệt vời, nhưng mỗi
vở mang ý nghĩa khác nhau. Vở kịch “Chúa Giêsu, siêu sao” kết thúc bằng cái
chết của Chúa Giêsu. Còn vở “Sức hấp dẫn của Chúa” kết thúc bằng sự sống lại
của Chúa Giêsu được thể hiện bằng hình ảnh các môn đệ vác Chúa Giêsu đi xuống
giữa hai hàng ghế và ca vang một cách vui vẻ “Vạn tuế Thiên Chúa.”
Trong bài đọc
hôm nay, các môn đệ đã trở nên “buồn phiền” bởi vì họ làm điều mà vở kịch “Chúa
Giêsu, siêu sao” đã làm. Đó là tách rời cái chết khỏi sự sống lại của Ngài.
Tôi thường có khuynh hướng
tách rời cái chết khỏi sự sống lại của Chúa Giêsu trong đời tôi như thế nào?
Chúng ta chết đi từng
ngày. Phúc cho kẻ sống tốt đẹp mỗi ngày. (Georgre McDonald)