VĂN
HÓA XIN LỖI
Nhìn vào người Nhật,
người Hàn, chúng ta mới nhận ra rằng đã từ rất lâu rồi chưa được nghe lời xin lỗi
nào từ những người có trách nhiệm sau khi xẩy ra sự cố.
Tuần qua, tai họa
ập đến Vũng Áng. Giàn giáo công trình đổ sập khiến 13 người thiệt mạng và hàng
chục người khác bị thương. Sau sự cố, đại diện nhà thầu từ Hàn Quốc đã cúi đầu
xin lỗi các nạn nhân và nhân dân Việt Nam.
Mất mát về sinh
mạng là không thể bù đắp, và dù lỗi thuộc về ai và có bồi thường gì đi chăng nữa,
hậu quả để lại vẫn quá tang thương. Thế nhưng cái cúi đầu của họ phần nào đó thể
hiện tinh thần dám nhận trách nhiệm của người đứng đầu, cho thấy sự hối lỗi trước
vong linh của những người đã khuất.
Hành động này
làm tôi nhớ đến hình ảnh cúi đầu của Đại sứ và nhà thầu Nhật Bản trong vụ sập cầu
Cần Thơ tám năm về trước. Năm ngoái, họ tiếp tục quay lại Cần Thơ để xin lỗi và
tưởng niệm.
Những việc tưởng
như rất bình thường trong văn hóa Bắc Á lại trở nên bất thường ở Việt Nam. Nhìn vào người Nhật, người Hàn, chúng ta mới nhận ra rằng đã từ rất lâu rồi
chưa được nghe lời xin lỗi nào từ những người có trách nhiệm sau khi xẩy ra sự
cố. Và đó hẳn nhiên không phải bởi những công trình, chính sách ở Việt Nam đều
hoàn hảo. Thay vào đó, chúng ta có “cây cầu tạo hình chữ V”, “đường cong mềm mại”, “lỗi đánh máy”, hay “rút kinh nghiệm và
kiểm điểm sâu sắc”. Cả một kho tàng ngôn ngữ được sử dụng chỉ để tránh từ mà chúng ta thường
dạy trẻ con từ bé: "Xin lỗi".
Câu chuyện chặt
cây ở Hà Nội có lẽ là một ví dụ điển hình. Mặc dù chưa có kết luận thanh tra cuối
cùng về sai phạm, cơ quan chức năng thủ đô đã nhận khuyết điểm và thiếu sót do
"nóng vội". Vậy nhưng khi hành động chặt cây đã tạm dừng, cán bộ bị đình chỉ để
phục vụ điều tra, môi trường và cảnh quan thủ đô bị phá huỷ, vẫn chưa có một lời
xin lỗi nào chuyển đến người dân. Kể cả khi người ta phải âm thầm thay cây mới
giữa đêm trên đường Nguyễn Chí Thanh, dường như chưa ai thấy mình đã sai.
Câu chuyện, bởi
thế, đã không còn dừng lại ở việc đúng hay sai nữa, mà là thái độ ứng xử trước
sự cố. Theo tôi, chính việc không dám thẳng thắn thừa nhận sai lầm đã tác động
đến tâm lý ngại phát biểu ý kiến, đặc biệt là ý kiến khác biệt, phản biện,
trong xã hội. Như trong câu chuyện bộ quần áo mới của hoàng đế, khi người có quyền lực không nhìn vào sự thật
thì không ai dám lên tiếng, dù thực tế có thể rõ ràng như việc “hoàng đế cởi truồng”.
Mới đây, Đại học
Lâm Nghiệp thậm chí còn có văn bản yêu cầu cán bộ, học sinh nhà trường không
phát ngôn nếu không được phép. Bỏ qua câu chuyện bi hài do lỗi của “người đánh
máy”, tôi cho rằng đây là một hiện tượng đáng buồn. Một xã hội chỉ thực sự phát triển lành mạnh nếu việc tranh luận công
khai, minh bạch, có tính xây dựng được ủng hộ, đặc biệt là với những vấn đề hệ trọng
trong đời sống. Đó không phải là để chứng tỏ ai đúng ai sai, ai thắng ai thua,
mà là nhằm tìm ra những lựa chọn tốt nhất cho người dân và đất nước.
Con người không
phải là thánh thần, có thể phạm sai lầm, thậm chí là những sai lầm khủng khiếp.
Điều quan trọng là sau khi nhận ra những sai lầm đó, người ta hành xử ra sao.
Nguyên Thủ tướng Tây Đức Willy Brandt, trong lần đến thăm Warsaw, đã quỳ gối
trước đài tưởng niệm nạn nhân Do Thái trong Thế chiến Đệ nhị. Hành động đó đáng
giá gấp hàng nghìn lần số tiền bồi thường mà nước Đức bỏ ra, giúp hàn gắn vết
thương tưởng như không bao giờ lành với nước láng giềng. Hiện nay, Ba Lan và Đức
là hai đối tác thương mại lớn của nhau ở châu Âu.
Những cái cây mới
ở Hà Nội có lẽ rồi cũng mọc lên, con đường sẽ phủ xanh trở lại và người ta sẽ
quên đi những ngày tháng ba với hàng cây bị chặt. Người ta cũng có thể quên đi
việc sửa sai diễn ra như thế nào, nhưng điều đọng lại sẽ là cách Hà Nội thể hiện trách nhiệm của mình trong sự việc. Giá như có một cái cúi đầu
và lời xin lỗi, toàn bộ câu chuyện đã có thể khác đi, mối quan hệ giữa chính
quyền và người dân có thể có tiếng nói chung.
Phải sửa sai
sau khi làm sai là việc đương nhiên, nhưng điều chúng ta muốn thấy nhiều hơn là
thái độ tiếp thu chân thành và cầu thị. Muốn người dân hiểu và thông cảm, nhiều
khi chỉ cần một lời xin lỗi.
Nguyễn Khắc
Giang