Mark Link _ Lời Chúa thứ sáu tuần 14 thường niên

THỨ SÁU – TUẦN 14
Bài đọc 1 Năm lẻ
Giuse thắng xa giá tới Gôsen để gặp cha mình. Vừa xuất hiện trước mặt cha, ông liền ôm chầm lấy cha và khóc ròng nơi cổ cha (St 46,29).
Cách biểu lộ tình cảm dễ thương này hơn hẳn so với cách biểu lộ tình cảm của những thành viên trong gia đình thời nay, đặc biệt giữa cha và con trai. Chẳng hạn cách đây không lâu, một người cha viết cho Ann Landers về đứa con trai đã chết của ông: “Điều tôi hối tiếc hơn cả trong đời là đã giữ khoảng cách với con trai tôi. Tôi tin rằng chẳng nam nhi chút nào khi những người nam biểu lộ tình cảm với nhau. Tôi đã đối xử với con tôi theo kiểu cha với con trai, và giờ đây tôi nhận ra đó quả là một sai lầm khủng khiếp.”
Trong gia đình, tôi cảm thấy dễ bày tỏ tình cảm với ai nhất? Tại sao?
Con cái cho chúng ta cơ hội để làm những bậc cha mẹ chúng ta luôn mong ước (Nancy Semalin).

Bài đọc 1 Năm chẵn
Thiên Chúa phán: “Sự phản phúc của chúng ta sẽ chữa lành. Ta sẽ hết lòng yêu thương chúng. Ta sẽ là sương móc cho Israel” (Hs 14,5-6).
Trong bài “Hãy sơn lại chiếc xe đời bạn” có một câu: “Tôi đã lạc đường đến nỗi Chúa cũng không tìm thấy tôi nữa.” Câu này cũng có thể được dùng để mô tả dân Israel trong giai đoạn lịch sử của nó khi ngôn sứ Hôsê nói tiên tri. Dân Israel đã lạc xa Thiên Chúa cũng như lạc xa giao ước của họ với Ngài. Họ đã lạc xa, hoàn toàn lầm lạc, nhưng Thiên Chúa vẫn cố tìm kiếm họ.
Tôi có nhớ đã bao giờ tôi lạc bước xa Chúa và thấy mình lầm lạc tới độ cả Thiên Chúa cũng không tìm thấy tôi? Thực sự, Thiên Chúa tìm thấy tôi như thế nào?
Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ,
Cứu những tâm thần thất vọng ê chề (Tv 33,18).

Bài Tin Mừng:
[Chúa Giêsu nói:] “Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói… Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát” (Mt 10.16.22).
Đồng tiền thời La Mã cổ có hình con bò đang chăm chú nhìn vào bàn thờ và cái cày. Bên dưới hình này có khắc chữ: “Sẵn sàng cho cả hai.” Vào thời La Mã, bò không những là con vật để chuyên chở, mà còn là vật hiến tế. Nó phải sẵn sàng, dù cuộc sống ngắn ngủi kết thúc bằng cái chết hay một cuộc sống lâu dài cực khổ. Những kitô hữu La Mã đầu tiên rất giống với con bò La Mã. Họ phải sẵn lòng cho dù cuộc sống ngắn ngủi kết thúc bằng cái chết (tử đạo) hoặc một cuộc sống lâu dài cực khổ (chứng nhân cho Chúa).
Số phận của những Kitô hữu La Mã thời xưa cũng dễ dàng trở thành số phận của các kitô hữu thời nay. Tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để chấp nhận số phận đó chưa?
Tai họa cơ bản duy nhất có thể xảy đến, đó là chúng ta cảm thấy rằng thế gian này là nhà của mình. (Malcom Muggeridge)