Nghiên cứu _ một vài hiện tượng tôn giáo và phân tâm học


I.                   ALFRED ADLER VÀ “CHÍ HÙNG BÁ” 
Phần II. ĐỐI CHIẾU HIỆN TƯỢNG
Chúng ta có quá nhiều sự kiện, nơi trẻ em, nơi người cao tuổi, ngoài xã hội, trong lịch sử, văn chương, cả trong đời sống tu trì, tôn giáo… để đối chiếu, để minh họa cho lý thuyết của Alfred Adler.
1.      Nơi trẻ em
Thông thường người ta quan niệm tuổi thơ là tuổi đơn sơ, vô tội; các cháu không hề quan tâm đến việc thắng bại, hơn thua. Thực tế chứng minh ngược lại. Ở trẻ em, khuynh hướng vượt thắng, nhu cầu tự thể hiện, đã xuất hiện và phát triển rất sớm. Để bảo trẻ nhỏ làm một việc gì theo ý người lớn, người ta có hai cách: hoặc là khen, hoặc là chê. Khen nó, vuốt việc tự ái của nó, nó sẽ làm. Hoặc khích nó, chê nó không làm được, nó cũng sẽ làm. Khuynh hướng vượt thắng rõ ràng biểu lộ rất sớm nơi trẻ nhỏ.
Theo Adler, cái ý chí quyền lực xuất hiện rất sớm, ngay ở tuổi thiếu thời, song nó bị cản trở. Chính địa vị thấp bé, thua sút của đứa nhỏ trong xã hội người lớn, làm phát sinh nơi chúng mặc cảm tự ti. Trẻ thơ do đó, phản ứng lại bằng những huyền thoại, tưởng tượng, bằng cách rút lui vào những trò chơi giả tưởng: làm tướng, làm vua, làm công chúa, làm hoàng tử v.v. hầu kiếm lấy một thỏa mãn tưởng tượng cho lòng tự ái bị thương tổn.
Chúng ta cũng dễ thấy: để kích thích sự học tập của tuổi trẻ, nhà trường nào cũng phải sử dụng đến phương pháp dùng điểm số, xếp thứ vị, chế độ khen thưởng, học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, học sinh xuất sắc; trường giỏi, trường chuyên, trường điểm v.v. Sự kiện này chứng tỏ rằng khuynh hướng vượt thắng đã manh nha nơi trẻ em và ảnh hưởng rất nhiều đến các sinh hoạt của tuổi trẻ.
2.      Nơi người cao tuổi
“Tuổi trẻ nhìn về tương lai, tuổi già sống với quá khứ.” Câu nói đó đúng gần như một định luật. Người trẻ nào mà không nghĩ đến tương lai, không đặt cho mình một tương lai? Làm linh mục, làm soeur, làm bác sĩ, kỹ sư, làm thầy giáo, thương gia, một căn nhà, một mảnh bằng v.v. Còn người già? Quả thật, người già nào cũng thích nói chuyện quá khứ, hoặc quá khứ của đời mình, hoặc của thời mình.
Cái quá khứ ấy xét về mặt nào cũng đầy ắp kỷ niệm, luôn đẹp, luôn hay, luôn có giá trị, luôn đáng trân trọng đối với chủ thể mang quá khứ ấy. Cái khổ cái sướng, cái vui cái buồn, cái lao đao khó nhọc, cái dũng cảm anh hùng… bất cứ cái gì “đời tao trước kia (vui, buồn, sướng khổ, khó nhọc, long đong, can đảm v.v.) hơn nhiều!” Cho thấy thật rõ: cái khuynh hướng vượt thắng, muốn hơn người không bao giờ già đi cả, không bao giờ tàn lụi trong con người, dẫu khi thể chất con người đã già đi, đã tàn lụi!
3.      Trong xã hội
Lá cờ đầu, lẵng hoa, huy chương, huân chương, bằng khen, rồi tiên tiến, tiến bộ, cá nhân xuất sắc, anh hùng lao động, các mẹ anh hùng, cháu ngoan, rường cột, làm chủ tập thể, dân tộc anh hùng, màu cờ sắc áo v.v. những vật dụng ấy, những từ ngữ ấy, xuất hiện trong xã hội để làm gì nếu không phải là để khơi dậy cái chí hùng bá nơi mỗi cá nhân, nơi một tập thể, nơi một dân tộc?
Nếu được kích động đúng mức thì một cá nhân, có thể là một anh thợ máy chuyên cần, có thể là một cô thôn nữ chất phác, có thể là một cô cậu bụi đời… bỗng một hôm nào đó trở thành một nhân vật lịch sử, với những đức tính quả cảm phi thường, trở thành những con người của huyền thoại. (NVT, VTS, KĐ, LVT…)
Có biết bao dân tộc, thậm chí chỉ là những bộ lạc rất nhỏ, đã chiến đấu trường kỳ, đầy gian khổ, để xác lập sự hiện hữu của mình, muốn có tên mình trên bản đồ thế giới. Lấy ví dụ: dân tộc Caren, đúng hơn phải nói là bộ lạc vì nhỏ lắm. Caren, để đạt được cái lý tưởng tự trị, đã chiến đấu trong rừng sâu, hơn một nửa thế kỷ rồi, đã chết đi vài thế hệ, vẫn đang chấp nhận gian khổ để tự khẳng định sự hiện hữu của bộ lạc mình. Rồi bộ lạc Tamil, chết bao nhiêu ngàn người rồi, dai dẳng đã bao nhiêu thập niên, cũng là một bằng chứng khác. Tây Tạng của Đức Đạt Lai Lạt Ma nữa, nửa thế kỷ rồi, tranh đấu để làm gì? Cái chí hùng bá như vậy đó!
4.      Trong lịch sử
Đọc lịch sử Trung Quốc trong các tác phẩm cổ điển, như Đông châu Liệt Quốc, Tam Quốc Chí, Thủy Hử chẳng hạn, ta thấy đầy dẫy những mẫu hình tiêu biểu cho cái chí hùng bá nơi các nhân vật trong truyện. Chỉ xin kể mẩu chuyện Gia Cát Lượng khai thác cái chí hùng bá thế nào nơi một vị tướng đã cao tuổi. Sách kể rằng có một lần Khổng Minh cùng với quân sĩ bị bao vây rất ngặt, thậm chí đến con chim cũng không bay lọt được ra ngoài.
Ông họp tướng sĩ lại và nói: “Tình thế rất nguy ngập. Cần có một vị tướng tài giỏi và can đảm phi thường mới phá được vòng vây. Tiếc thay Vân Trường và Trương Phi không có mặt…”! Khổng Minh than thở và bỏ lửng câu nói ở đó! Bỗng một vị tướng già đứng dậy, mặt đỏ gay, râu tóc dựng ngược, giọng nói uất ức như bị tắc nghẽn: “Nếu quân sư không chê tôi là người bất tài, xin quân sư cho tôi được cầm quân phá giặc!”  Khổng Minh đáp: “Xin lão tướng gắng công giúp cho!” Hoàng Trung mặt hầm hầm, thét quân ra trận. Khổng Minh quay vào, tay khẽ quạt, miệng mỉm cười, bảo quân sĩ chuẩn bị ăn mừng chiến thắng. Khổng Minh đang dụng kế “khích tướng”!
Lịch sử phương Tây cũng để lại không biết bao nhiêu trường hợp có thể hỗ trợ biện minh cho lý thuyết của Adler. Ai cũng biết Démosthène (385-322 AC) là nhà hùng biện trứ danh của Hy lạp thời cổ. Ngược đời thay, ông trở thành nhà hùng biện vì ông… rụt lưỡi, nói cà lăm. Có ai tin được như thế không? Vậy mà chính vì mặc cảm tự ti, nói năng thiên hạ không hiểu mà Démosthène đã sáng chiều ra bờ biển, bỏ đá cuội vào mồm để tập nói cho rõ, thuyết giảng giữa tiếng sóng vỗ gió gào, để át cho được tiếng ồn ào của quần chúng. Và cuối cùng con người mang khuyết tật nơi cơ quan phát âm thanh quản gì đó đã trở thành nhà đại tài hùng biện của mọi thời.
Chính Alfred Adler cũng là một minh chứng sống động nữa cho lý thuyết của ông. Xuất thân từ một gia đình tiểu thương ở ngoại ô thành Vienne, thể trạng thấp bé, gầy gò, nhưng như thể để bù lại, đã tỏ ra rất năng động, nuôi mộng trở thành bác sĩ y khoa. Một lần đi học về, kém quá về môn toán, cha giận toan cho đi học đánh giày, lập tức ông thủ chí vươn lên và cuối năm đứng đầu cả lớp. Học xong y khoa, ông chuyên về nội thương, rồi tâm bệnh. Theo Freud, rồi bỏ Freud, để lập ra thuyết mới, có nhiều điểm đối lập với thuyết của thầy.
Đứng trên lập trường của Adler, theo quan điểm của ông, ta có thể nhìn ra và giải thích rất nhiều sự kiện lịch sử khác: Napoléon, muốn làm hoàng đế của châu Âu đã tuyên chiến với cả châu Âu; Hiro Hito với thuyết Đại Đông Á của mình và Hitler, chắc chắn ông này đã chịu ảnh hưởng thuyết siêu nhân của Nietzsch, đã có tham vọng thiết lập một dân tộc siêu đẳng, gồm tất cả những siêu nhân, đi khai hóa và thống trị thiên hạ. Xin nhớ là Hitler và đặc biệt Napoléon là những con người chưa đạt được chiều cao trung bình của dân tộc họ. (Quý vị có thể liên tưởng tới ai đó trong cuộc đời, có thể dẫn ra làm chứng cho cái thuyết của Adler được không? Tôi nghĩ là nhiều lắm.)
Có một thời chúng ta nghe nói đến hai chữ “bành trướng.” Đó là từ ngữ được nhắc tới lần đầu ở Bắc Kinh, khi Trung Quốc cho rằng đế quốc Liên Xô có tham vọng bành trướng. Về sau tiếng bành trướng lại được các nước khác áp dụng cho chính nhà cầm quyền Bắc Kinh: “Bọn bành trướng Bắc kinh”.
Sự thực thì thế nào? Sự thực là, hoặc chính trị (ý thức hệ), hoặc kinh tế, hoặc văn hóa, hoặc quân sự… quốc gia nào cũng có tham vọng bành trướng cả.
Trước kia Liên Xô giúp các nước Đông Âu; Trung Quốc giúp Việt Nam; Việt Nam giúp Lào, giúp Campuchia; Mỹ giúp Nam Triều Tiên, giúp Nam Việt Nam… Thời trước Việt Nam lấn chiếm và tiêu diệt dân tộc Hời, dân tộc Chàm. Vị tướng nào lấn chiếm được đất đai nước khác thì được cho là có công mở mang bờ cõi, được gọi là Khai Quốc Công Thần. Hiện nay, Nhật Bản viện trợ Việt Nam và các nước nghèo Nam Á, Pháp tài trợ Festival Huế v.v. và v.v. Thực chất những sự kiện đó là gì nếu không phải là bành trướng, mà nói nhẹ đi là gây ảnh hưởng? Quốc gia nào, cá nhân nào cũng mang trong bản thân mình cái chí hùng bá, cái não trạng chauvain đó cả.
Nói đến cá nhân, chúng tôi liên tưởng tới một nhân vật thật độc đáo, thật tiêu biểu: ông Đặng Tiểu Bình. Đây là con người đã dám di ngược lại với “người cầm lái vĩ đại” là Mao Trạch Đông, để đến nông nỗi phải lâm vào cảnh tù đày lao lý, và khi “người cầm lái vĩ đại” đã chìm xuống suối vàng, đã gạt được người kế vị là Hoa Quốc Phong ra khỏi chính trường, ông Đặng trở thành con người quyền uy nhất nước.
Chúng tôi muốn giới hạn, chỉ đề cập duy nhất một biến cố: biến cố Thiên An Môn 1989. Các nhà chính trị, các lý thuyết gia có những giải thích của họ, qui trách cho thủ tướng Lý Bằng, cho phe chủ trương cứng rắn, mấy năm trước đây có quyển sách trắng nói thế nọ thế kia, và mới nhất tháng 7.2007 vừa rồi, ở Hồng Kông, bà Đặng Linh, con gái ông Đặng công khai quả quyết với báo chí rằng “đó là quyết định của tập thể” v.v.
Chúng tôi chỉ muốn đứng trên quan điểm phân tâm học trường phái Adler để giải thích biến cố đó. Phong trào đòi dân chủ đã bùng nổ công khai ở Bắc Kinh từ tháng 5.1988. Có cả hàng triệu người tham gia xuống đường. Không sao, kể cả thời điểm có cuộc viếng thăm lịch sử của Tổng bí thư Gorbachop. Nhưng ngày 02 tháng 6, giữa rừng người biểu tình có một băng rôn không lớn lắm, trên băng rôn này người ta đọc thấy mấy chữ: “Ông Đặng Tiểu Bình ơi, cảm ơn ông! Xin chào ông.” Ý nói: “Xin cảm ơn ông về những chính sách cải cách kinh tế, chính trị mà ông đã đem lại cho người dân. Nhưng xong rồi, xin giã từ ông, ông nghỉ đi là vừa!”
Theo chúng tôi, đó là nguyên nhân của tất cả cơ sự. Ông Đặng Tiểu Bình bị động nọc. Ngay hôm sau, quân đội và xe tăng tràn vào thành phố. Ngày tiếp đó, ngày 4 tháng 6, súng nã vào dân như nã vào bia ở sân bắn! La ó ai thì được, nhưng xúc phạm đến ông Đặng thì không! Tuyệt đối không đối với con người quyền uy nhất nước ấy.
Tưởng cũng cần lưu ý điều này: ông Đặng Tiểu Bình là lãnh tụ của một quốc gia, xét về dân số, lớn nhất trong các quốc gia trên thế giới (tỉ ba người), xét về tầm vóc cơ thể, lại là một lãnh tụ thấp bé nhất trong các lãnh tụ. Khi sang công du Hoa Kì, tới bang Texas, ông cũng đội mũ rộng vành, cũng cưỡi ngựa kiểu cai bồi, nhưng báo chí đều đăng tải và in hình: người ta phải bế ông lên lưng ngựa, vì ông quá nhỏ, chỉ cao – không rõ có chính xác không – 1 mét 46 phân! Có phải là cái nhỏ về thân thể đã một phần, làm ông thủ chí vươn lên tới cái lớn về tinh thần, về bản lĩnh rất hiếm thấy ấy không?
5. Trong Văn chương.
Trong Văn chương, trước tiên là văn chương bình dân, cái danh dự, cái thể diện, cái địa vị rất được coi trọng, coi trọng hơn cái vật chất, hơn của cải: “Tiếng chào cao hơn mâm cỗ.” Tôi nghe truyện có một cụ già thuộc bậc trưởng thượng, không được mời lên mâm trên, đã vùng vằng tức giận đi thẳng về nhà không dự tiệc nữa. Tôi cũng nghe có một cha, trưởng ban hay trưởng tuyến gì đó, trong buổi văn nghệ, không được nêu tên, giới thiệu, đã bực bội cầm xắc đứng dậy: “Xin lỗi, tôi có việc gấp cần phải về..” Thực sự không có gì gấp cả mà chỉ là vì bị chạm tự ái, không được nêu tên, không được giới thiệu. Đúng là “một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp.”
Những người thua sút về sắc đẹp, về thể chất vẫn kiếm ra được những lý lẽ để vuốt ve tự ái:
“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”
Hoặc:       
“Người đẹp duyên lặn vào trong,
Bao nhiêu người xấu duyên bong ra ngoài”.
Phải chăng đó chính là cái bù trừ tinh thần mà người xưa ở phương tây cũng đã từng nói đến:
“Nigra sum sed formosa: Em đen nhưng em đẹp”
Nhắc tới chí hùng bá, khuynh hướng vươn lên, nhu cầu tự thể hiện trong văn chương, chúng ta không thể không kể đến danh nhân Nguyễn Công Trứ, người mà trong buổi hàn vi đã bực dọc than thở: “có lẽ ta đâu mãi thế này”!
Than thở không đồng nghĩa với buông trôi, phó mặc, mà than thở để thủ chí vươn lên:
Nhân sinh nhất nam tử.
Yếu vi thiên hạ kỳ.
Trót sinh ra thì phải có chi chi
Chẳng lẽ tiêu hao ba vạn sáu?!”
Xét cho cùng thì “ yếu vi thiên hạ kỳ”, làm chuyện người khác, là mẫu số chung trong tính tình của mọi người, bất chấp yếu tố thời gian và không gian, bất chấp giới tính, trình độ.
Dân gian vẫn thường nói:
Ở đời muôn sự của chung.
Hơn nhau một tiếng anh hùng mà thôi”.
(Nhân đọc mấy chữ của Nguyễn Công Trứ “Yếu vi thiên hạ kỳ”, làm chuyện khác người, xin được mở một ngoặc đơn nho nhỏ, cho vui, về một vài cử điệu trong thánh lễ đồng tế: Việc giang tay khi đọc kinh Lạy Cha: có vị giang tay rộng hết mức, có vị giơ cao hẳn lên đầu, có vị chỉ đặt tay trước ngực... Việc ôm hôn bình an (accolade) trong ngày truyền chức: ôm chầm lấy nhau, vít cổ xuống, đập thùm thụp vào lưng, cười nói như ở ngoài sân chứ không phải là đang trên cung thánh… Lại có cha thích thay đổi, thêm bớt một vài chữ trong  bản dịch Nghi Thức Thánh Lễ đã được ban hành… Chung quy cũng tại cái “Yếu vi thiên hạ kỳ” cả. Các cụ ngày xưa bảo: “Thủ thường hơn trác lạc.” Người bình dân nói: “Xấu đều hơn tốt lõi.” ( Ngày xưa chữ đỏ chỉ rất rõ: 2 tay người nhận bình an giơ ra đỡ lấy cùi chỏ người trao bình an; người trao bình an đặt 2 tay lên 2 vai người nhận bình an và 2 người áp má trái...)
6. Trong Kinh Thánh
Theo cách nhìn của Adler, có một vùng đất rất hấp dẫn, rất thú vị để bước vào, đó là những câu chuyện trong Thánh Kinh. Có rất nhiều chuyện nhưng ta chỉ nêu hai giai đoạn làm ví dụ, một trong Cựu ước, một trong Tân ước.
Trong Cựu ước ai cũng biết chuyện Đavid giao đấu tay đôi với Goliath. Thoạt trông thấy nhau, hai đối thủ đã không tiếc lời hạ nhục, mạt sát nhau. Người đọc có cảm tưởng na ná như đang đọc các nhân vật của Homère, hay trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung, hoặc hình ảnh và bình dân, thôn dã hơn một tí, như đang xem hai con gà chọi xòe cánh, nghiêng mình, gáy liên tục xáp vào nhau.
Sách Samuel đoạn 17 kể lại rằng: Thấy Đavid cầm gậy và ná xông tới, Goliat khinh dể thét lớn: “Tao là chó hay sao mà mày cầm gậy đến với tao?... Đến đây với tao, tao sẽ đem thịt mày làm mồi cho chim trời và dã thú” (1Sm 17, 43-44). Đavid đáp lại Goliat: “Mày mang gươm, mang giáo, cầm lao mà đến với tao. Còn tao, tao đến với mày nhân danh Đức Chúa các đạo binh… Ngay hôm nay,… tao sẽ hạ mày và làm cho đầu mày lìa khỏi thân. Ngay hôm nay, tao sẽ đem xác chết của quân đội Philitinh làm mồi cho chim trời và dã thú…” (1Sm 17, 45-46).
Kết quả cuộc chiến tay đôi là Đavid đã chiến thắng vẻ vang, toàn dân khải hoàn, xuống đường ca múa. Các phụ nữ, thiếu nữ Israel nhảy múa reo hò: “Saul giết một ngàn, Đavid giết một vạn” (1Sm 18,6-9). Trời đất! Câu hát chết người, suýt chết người! Saul bị động nọc. Câu ca đó đã coi thường nhà vua, tôn vinh người chiến sĩ dưới trướng. Ý chí quyền lực bị thương tổn, Saul quyết giết Đavid, chàng trai trẻ mà nhà vua đã hết lòng thương mến, đã đối xử như con.
Trong Tân ước, chỉ xin lấy một chuyện: Chuyện bà Zêbêđê xin cho hai con được ngồi bên hữu bên tả Chúa. (Mt 20, 20-23). Theo Mc thì chính hai ông Giacôbê và Gioan xin thẳng Chúa, chứ không phải nhờ mẹ như trong Mt. (x.Mc 10, 32-45). Hai ông này sẵn sàng chấp nhận mọi thứ, mọi điều kiện, dầu phải uống chén đắng, dầu phải “chịu phép rửa như Thầy sắp chịu”, miễn sao được địa vị cao, ngồi bên tả bên hữu. (Mt 20,20-22). Lời xin này đã làm cho mười người bạn nghĩa thiết, nói theo danh từ thời đại là mười đồng chí tức tối, bực dọc (Mt 20, 24; Mc 10,41).
Cũng xin lưu ý là lời thỉnh cầu được đưa ra trong giờ phút hết sức bi đát, khi Chúa vừa báo tin, Người sắp lên Giêrusalem để chịu tử hình. (Mt 20, 18-19; Mc 10, 33-34). Vậy thì động lực nào đã làm cho hai người này, không quan tâm tới cái chết cận kề của sư phụ, bỏ quên tình cảm thân thiết như ruột thịt, của mười huynh đệ kia? Hỏi thêm nữa: động lực nào đã làm cho mười người anh em kia ấm ức, tức tối đối với hai người bạn đã ba năm nối khố? Chỉ có thể là nó, là khuynh hướng vượt thắng, cái ý chí quyền lực, cái tham vọng hơn người mà Adler đã chủ trương đó vậy!
7. Trong đời tu, trong tôn giáo.
Rồi nếu quay cái nhìn phân tâm học trường phải Alder vào lãnh vực đời tu, tôn giáo, ta sẽ thấy có rất nhiều hiện tượng, thật đáng nghi ngờ. Đây là lãnh vực chúng tôi để tâm quan sát nhiều hơn nên đã thấy được nhiều chi tiết tỉ mỉ, thú vị.
Trước tiên là một tiểu tiết vui vui về từ ngữ được dùng, để kích thích những ai đi tu, nam giới. Một cậu bé được vào Trường Thử, Probatorium, hay Tiểu chủng viện thì được gọi là Chú, lên các lớp cao hơn thì gọi là Thầy, các chủng sinh đi thử, đi thực tập thì gọi là Thầy Giảng, vào Đại chủng viện gọi là Thầy Đại Chủng Sinh, Thầy Già (Gp Vinh), lên các lớp trên ở Đại Chủng Viện thì gọi là Cụ (Cụ Bốn, Cụ Năm, Cụ Sáu), chịu chức Linh mục rồi thì không gọi là Thầy nữa mà gọi là Thầy Cả, là Cha, trên Thầy Cả là Đức Thầy, trên Cha là Đức Cha hay Cha Cả, trên hết là Đức Thánh Cha! Trong ý hướng đề cao, tôn vinh một người, động viên một ai đó, ngôn ngữ Việt Nam tỏ ra thật phong phú, khó có ngôn ngữ nào sánh kịp!
Ai cũng biết cách đây bốn, năm mươi năm, có những phong trào phản kháng đã nổi lên đây đó trong Giáo hội, kéo theo hậu quả tất nhiên, là khủng hoảng phục tùng: trên không nghe dưới, dưới không nghe trên (đất không nghe trời, trời không nghe đất). Chẳng còn thấy được đâu là chuẩn mực cho nhân đức hoặc đối thoại nữa. Bề trên thì bảo rằng quyền bính đến từ chức vụ và do đó, đến từ Thiên Chúa. Những người phản kháng, ngược lại, cho rằng họ đang thi hành sứ mạng tiên tri, những người đi trước thời cuộc. Nếu chẳng đặng đừng, những người này có bị áp dụng kỷ luật thì họ lại hân hoan tuyên bố “số phận của mọi ngôn sứ đều bạc bẽo như thế cả!” rõ ràng là ai cũng muốn khoèo Thiên Chúa về phía mình, làm đồng minh cho mình.
Nét chung nhất trong các phong trào phản kháng là điểm này: giáo dân thì phê phán, chê bai linh mục, linh mục thì phê phán giám mục, thậm chí cả Giáo hoàng. Giáo dân muốn bắt linh mục làm theo ý họ, linh mục đòi Giám mục làm theo ý mình. Tu sĩ đòi bề trên làm theo ý bề dưới. Tựu trung, mọi người đều muốn, làm một người khác to hơn mình! Khi không đạt được con người khác lớn hơn mình đó, họ trưng dẫn cả hàng trăm lý do bù trừ cho con người nhỏ bé của họ: Bề trên không thấy được khả năng, đánh giá sai, bề trên thành kiến, cục bộ, phân biệt đối xử, trù dập người tài, không muốn một ai nổi nang trổi vượt, bề trên ưa khen, thích nịnh, chỉ dùng những ai khéo ton hót, giỏi nịnh nọt.
Chúng ta đang nói về tâm trạng của những người bất mãn gần như chung thân, tự đánh giá mình cao hơn địa vị mình đang đứng, tự cảm thấy mình không được trọng dụng, sinh ra u uất hoặc nổi loạn. Xin nhớ rằng người bất mãn đó có thể là một linh mục, suy nghĩ về giám mục của mình, mà cũng có thể là một giáo dân suy nghĩ về cha xứ, hay một tu sĩ suy nghĩ về bề trên của họ.
Thí dụ, có những người không được thượng cấp tin dùng, chỉ vì tính tình quá bộc trực. “Trung ngôn nghịch nhĩ.” Lời nói thẳng là lời nói khác với ý ta, đụng tới bản ngã của ta, khiêu khích bản lĩnh của ta, tất yếu nó sẽ bị dội lại, bị đẩy ra. Hai ý chí chạm nhau, do cùng một động lực quyền lực thúc đẩy, quyền lực nào mạnh hơn sẽ thắng, ý chí kia sẽ rút lui về với chính mình, tìm bù trừ trong những biện minh, bất cứ lúc nào có cơ hội.
Ngược lại, những lời nói thuận với tai ta, hợp với ý ta, thì ta thích nghe, thích nhận. Biết người khác nịnh mà mình cứ thích. Lịch sử kim cổ cũng như thực tế đời thường cho thấy: đâu cũng có những nịnh thần, thời nào cũng có những thái giám, dù rằng không ai thích bị đánh giá là dùng nịnh thần, dùng thái giám.
Một chuyện đáng phân tích thêm là tình trạng “con ông cháu cha, népotisme.” Đó là tình trạng sủng ái con cháu, trọng dụng “người nhà”, cất nhắc cháu chắt lên những địa vị then chốt quan trọng. Theo Larousse, népotisme thường thấy nơi hàng Giáo phẩm, nơi các bậc chức sắc trong Giáo hội. Freud cho rằng đó là thể hiện của một nhu cầu rất tự nhiên: không có con thì yêu cháu, không con cháu phần xác thì con cháu thiêng liêng, không có vợ để an ủi nâng niu, thì tìm nâng niu an ủi nơi những người thân cận.
Adler không đồng ý với giải thích đó và quả quyết rằng, hiện tượng “sủng ái con cháu”, thực chất là một thể hiện của ý chí quyền lực, muốn bành trướng quyền lực của mình ra trong không gian, và kéo dài quyền lực ấy trong thời gian, để khi mình không có mặt thì quyền lực vẫn hiện diện, khi mình qua đi, thì quyền lực vẫn còn, vẫn tồn tại, vẫn kéo dài.
Nhân tiện cũng xin nhắc qua: ngày xưa ngai báu vua chúa thường là cha truyền con nối, “con vua thì lại làm vua, con sãi giữ chùa thì quét lá đa.” Ngày nay chế độ phong kiến mai một dần, trừ  một vài quốc gia còn giữ lại một cách tượng trưng, có tính biểu tượng như Nhật Bản, Thái Lan, Anh Quốc và vài nước nhỏ Bắc Âu, Tây Á. Tuy nhiên, dưới một hình thái mới, ý chí quyền lực, tham vọng kéo dài quyền lực vẫn còn, gia đình Gandhi ở Ấn Độ, gia đình Bhutto ở Pakistan, gia đình họ Tưởng ở Đài Loan, họ Kim ở Bắc Hàn, họ Lý ở Singapore, v.v. (Không rõ trong Giáo hội mình có tình trạng “sủng ái con cháu”, “con ông cháu cha” như Larousse nói không nhỉ? Chúng tôi không dám lạm bàn hoặc khẳng định gì hết).
Chúng ta trở lại với đời sống người tu hành, theo cái nhìn của Adler với hai khái niệm chính yếu: mặc cảm tự ti ước muốn bù trừ. Học hành không bằng người thì nói mình giỏi hoạt động, hoạt động kém thì bảo cần nắm vững giáo lý, kém giáo lý thì cho là cần đời sống thiêng liêng v.v. Trong bất cứ tình huống nào, người ta cũng kiếm ra được một hai lý do, để biện minh cho tình trạng thua kém của mình.
Chính tôi đã được nghe tận tai, một linh mục Miền Bắc kể lại một cách không giữ gìn rằng: “Ở Miền Bắc chúng tôi vẫn thường nói với nhau, mình học hành không bằng các cha Miền Nam thì ít là về đạo đức mình phải hơn họ” (sic). Những nữ tu Miền Bắc cũng vẫn thường động viên nhau như thế. Nhận mình đạo đức hơn người khác, thật là điều khó kiểm chứng.
Cũng có khi người ta dựa trên cái khuynh hướng vượt thắng đó, có sẵn nơi bản tính con người, mà thôi thúc kẻ khác làm việc tốt, lo điều thiện. Phương pháp này, có thể gọi là “khích tướng” trong tam thập lục kế của người Trung Hoa, tỏ ra không phải là không hiệu nghiệm. Ngoài xã hội có nhiều cuộc thi đua, việc gì cũng thi đua được: thi đua yêu nước, thi đua học tập, thi đua nộp thuế v.v. Mục đích là để người dân đem hết tài năng, khả năng mình có ra mà thi thố, cống hiến cho xã hội.
Nhớ lại trong Giáo hội, thánh Augustinô cũng đã có lần nói câu này: “việc ông nọ bà kia làm được sao tôi không làm được, quod isti istae cur non ego?” có lẽ không ai phủ nhận khía cạnh “khích tướng” này trong lãnh vực giáo dục, hoặc dùng người.
Có một hiện tượng khá ngược đời, chúng ta cũng nên nhìn cho kỹ để thấy rõ chân tướng của nó. Chúng ta chứng kiến hay nghe nói có một số linh mục, hoặc tu sĩ, hoặc nữ tu, nâng niu một đôi dép cũ, đội một chiếc mũ đã lâu đời, mặc chiếc áo vá vai, chiếc quần bạc màu ra trước công chúng… Phải nói đó là cách sống không bình thường. Nhưng để làm gì vậy? Để đồ dùng và quần áo cũ kỹ đó, thông báo cho thiện hạ biết, chủ nó là người sống đơn sơ, khó nghèo, khiêm nhượng, không quan tâm tới cái vật chất, phần xác!.
Đúng ra họ rất quan tâm tới phần xác: những linh mục, tu sĩ này quan tâm tới chiếc áo bạc màu, tới mái tóc bờm xờm, tới đôi dép mòn gót cũng như những linh mục, tu sĩ kia quan tâm tới “mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao” tới mái tóc mượt mà, tới nếp ủi của quần áo…, không bao giờ đi qua gương kính mà không nhìn vào. Cả hai đều muốn “yếu vi thiên hạ kỳ” hết, đều muốn vượt trội hơn người khác, về một khía cạnh nào đó. Nghịch lý mà nói thì những linh mục, tu sĩ lôi thôi đó đang… kiêu ngạo trong khiêm nhường, hay đúng hơn, trong cung cách, trong bộ áo, trong cái vỏ khiêm nhường.
Suy nghĩ thêm chúng ta có thể khẳng định rằng: khiêm nhường là một nhân đức rất lạ: người ta sẽ mất nó, ngay khi người ta nghĩ mình có nó! Người ta sẽ hết khiêm nhường ngay khi người ta nghĩ rằng mình khiêm nhường! Tại sao? Bỏi vì khiêm nhường là một nhân đức. Nhân đức là điều tốt lành. Tự đánh giá mình tốt lành, nhân đức, là người không còn khiêm nhường nữa. Nói theo phân tâm học, hay tâm lý học chiều sâu thì “khiêm nhường chỉ là một hình thái kiêu ngạo, nhưng làm cho người khác ít khó chịu hơn mà thôi.” Chúng tôi không biết có nhà đạo đức nào phản đối câu nói này không?
Xin nói thêm một chuyện khác, nhẹ nhàng hơn chuyện các dịp lễ mừng: mừng Bổn mạng, mừng Ngân khánh, mừng Kim khánh, mừng Khánh thành công trình vv. Tu sĩ, linh mục cũng như giám mục thôi. Có vị chủ trương mừng thật lớn: in thiệp, báo tin, mời đông khách, treo cờ xí, viết khẩu hiệu, thuê đội kèn, đặt tiệc nhà hàng, kêu thợ chụp hình, quay video v.v. không thiếu điều gì long trọng có thể làm được mà không làm.
Ngược lại có vài vị chủ trương không làm gì hết, nhưng lại giải thích khá nhiều. Giải thích rằng: “phải đơn sơ, khó nghèo, phải trở về với nếp sống của Giáo hội thời sơ khai. Để những tiền tài chi phí đó mà giúp đỡ người nghèo, cần nội tâm chứ không cần hình thức, phô trương bên ngoài mà trong lòng rỗng tuếch thì cũng chẳng ích gì v.v.” Cả hai mẫu người xem ra đối nghịch nhau đó, thật là khó tin, đều hành động, đều bị thúc đẩy bởi cùng một động lực như nhau: khuynh hướng vượt thắng người khác.
Hình như trong các dịp mừng: Bổn mạng, Ngân khánh, Kim khánh, Khánh thành v.v. không bài diễn văn nào mà không chất đầy những công lao, những vất vả, những nhọc nhằn của người được mừng. Người viết diễn văn phải kể cho hết mọi thành công, moi cho ra những việc tốt, dù là rất nhỏ, để kể, để phóng đại. Đẹp lòng lắm, dù sau đó người được mừng có nhún nhường, nói vài lời phủ nhận trước công chúng. Đúng là nhắc đến thành công thì vờ vĩnh chối từ, nhưng trong bụng rất vui, mà nếu nói tới thất bại thì buồn phiền, khó ngủ.
Có một vài chuyện thuộc loại internos, không biết có nên nói ra hay không, chuyện cha chính cha phó, chuyện thuyên chuyển linh mục, hay là chuyện cha cũ cha mới. Tôi do dự khá lâu để rồi sau cùng quyết định viết nốt ra đây. Bởi đây cũng là một thể hiện rõ nét của cái gọi là chí hùng bá mà chúng ta đang đề cập, đang đem thực tế ra để đối chiếu.
Trước hết là chuyện cha chính cha phó. Đó đây người ra thấy có cha phó, muốn tỏ uy quyền với giáo dân, đã hành xử bốc đồng, vượt quyền cha chính, âm thầm hay công khai chê bai cha chính. Ngược lại cũng có cha chính, sống quyền bính với cha phó, không cho cha phó làm một việc gì, thậm chí có khi làm mất thể diện cha phó trước giáo dân, trước đoàn thể. Nếu cha phó cộc cằn thì đỏ mặt, cự lại gây gương xấu. Nếu Ngài hiền lành thì nhẫn nhịn, nín thinh, nhưng để bụng. Hậu quả thế nào? Nhà xứ hai người ở mà lặng lẽ im lìm, không tiếng cười, không trò chuyện, ngột ngạt, nặng nề kể cả bữa ăn. Tương quan chính phó đáng lẽ là tương quan huynh – đệ, thì lại trở thành tương quan mẹ chồng – nàng dâu. Còn đâu nữa ý nghĩa cảm động của câu Thánh vịnh mà các cha đã hát ngày trước trong Chỉnh viện: “Ngọt ngào tốt đẹp lắm thay, anh em được sống vui vầy bên nhau.” (Tv133,1).
Chuyện internos thứ hai là chuyện cha cũ cha mới. Một cha xứ mới tới, thường là rất năng nổ, rất nhiệt tình. Ngài lo về cơ sở, về vật chất, về tinh thần, về đoàn hội… làm rất nhiều việc. Có một câu nói đầy kinh nghiệm của dân gian, mà nếu trích dẫn ra đây thì tôi nghĩ là vô phép với các cha, nên xin vui lòng bỏ trong ngoặc đơn. Phân tâm học lắm khi cũng phải dùng những từ ngữ sỗ sàng, trần trụi. Xin lỗi, câu nói trong ngoặc đơn đó là “Lăng xăng như thằng mới đến.” (Tôi xin lỗi rồi nên chắc chắn không ai bực mình về câu nói).
Ngài làm để tạo uy tín, để thu phục lòng dân. Thực tế cũng đã thấy rất nhiều nơi: cha xứ mới tới chỉnh trang cung thánh, xây dựng tượng đài, sửa sang đường sá, đào cây sống trồng cây chết, thay đổi giờ giấc, kinh kệ,… thậm chí có cha đã ngấm ngầm chạy vật liệu cả trước khi về nhận xứ, khách quan mà nhìn thì nhà thờ, nhà xứ chưa cần thiết phải xây dựng lại, cung thánh như trước cũng được rồi, kinh kệ có gì sai quấy đâu mà phải thay đổi gấp gáp như vậy? Thế mà cha xứ mới vẫn cứ thay đổi. Không nhất thiết phủ nhận ý tốt có thể có nơi cha xứ mới, nhưng cũng có thể đặt câu hỏi: Phải chăng có một động lực nào đó, đang ngấm ngầm thúc đẩy ngài hành động như vậy?
Đối với cha xứ cũ thì sao? Khi nghe tin những công trình xưa kia của mình, đã bị cha mới đập phá, thay đổi, tự nhiên ngài cảm thấy xót xa. Một vài người ở xứ cũ có cảm tình với cha thì hay đưa chuyện. Đưa chuyện thì nói một chiều, cho hợp với ý cha: chê cha mới chuyện này chuyện khác. Cha xứ cũ phụ hoạ từ xa, khiến cha mới đôi khi cũng khó làm việc.
Đã có khá nhiều trường hợp cha đã nhận xứ mới rồi mà lòng vẫn mang một tâm trạng u hoài nghĩ về xứ cũ. Vinh quang ngày xưa không còn. Tự ái bị thương tổn. Có cái gì đó làm cho Ngài tức tức trong ngực. Bác ái huynh đệ không thắng được lòng ghen tức. Cha cũ, cha mới mỗi lần gặp nhau vẫn có cái gì đó ngượng ngập không tự nhiên, bằng mặt mà không bằng lòng. Chẳng qua cũng tại cái khuynh hướng gốc trong lòng, cái chí hùng bá, cái khát vọng muốn vượt trội, muốn hơn người đang nổi lên ở cả hai phía.
Cũng có những giáo sĩ, tu sĩ hoặc giáo dân, bình thường thì cáo bệnh, trùm chăn, nhưng khi trao cho một việc gì đó có chức, có phận, có danh giá thì lại trở nên năng nổ, nhiệt tình, hăng hái có mặt khắp nơi, tích cực trong hết mọi việc. Thế đó, cái tôi muốn được xác lập, muốn được khẳng định.
Có một điểm đáng lưu ý trong đời sống tu trì: đó là một số linh mục, tu sĩ trẻ, có lẽ không nhiều, coi thường các bậc đàn anh, đàn chị quá đáng. Tôi đã nghe một số cha trẻ, mới được thụ phong, gọi thái độ bất kính đàn anh đó bằng hai chữ ‘cào bằng”, nội dung giống như câu nói đáng sợ của một cha trẻ miền Tây “chịu chức rồi thì thằng nào cũng như thằng nào.” Các bậc lớn tuổi, có chút mặc cảm, chuyện thời sự không biết nhiều nên yên lặng bỏ qua. Lớp linh mục, tu sĩ đàn em – ngoài sự năng nổ và nhiệt tình rất đáng ca ngợi của tuổi trẻ thì thực chất vốn liếng thần học, đời sống đạo đức, có lẽ không có gì nhiều để mà coi thường đàn chị, đàn anh.
Ngược lại, theo như Đức Cha Già Giuse Trịnh Chính Trực nhận xét: nhìn vào đời sống thiêng liêng truyền thống: đời sống bí tích, đời sống cầu nguyện, lòng sùng kính Thánh Thể, sùng kính Đức Mẹ, tôn kính bề trên, thái độ giữ gìn đức trinh khiết v.v. quả thực có một khoảng cách khá xa mà các linh mục, tu sĩ trẻ khó lòng theo kịp các linh mục, tu sĩ lớp trước.
Theo chúng tôi nghĩ: những việc đạo đức truyền thống vừa kể, có thể xem là hành lang an toàn rất vững chắc của ơn gọi sống đời thánh hiến. Tất nhiên, thời mới mẫu mã mới, vật liệu xây dựng mới, nhưng hành lang an toàn thì thời nào cũng cần. Dường như lớp trẻ, giáo sĩ cũng như nam nữ tu sĩ, không quan tâm gì nhiều tới hành lang an toàn này, không xác tín để trông lên hai bên đường mà đi. Đáng tiếc!.
Kết luận
Vì đã quá dài rồi tôi không viết phần phê bình hay nhận định lý thuyết của Adler nữa. Tôi đã cố ý viết dài phần trưng dẫn hiện tượng là vì chủ tâm muốn đối chứng với phần lý thuyết, một lý thuyết có thể hữu ích cho đời sống tu đức của những ai muốn lợi dụng nó để biết rõ bản thân mình cũng như để hiểu thêm tâm lý sâu thẳm của người khác.
Cách giải thích sâu sắc, tinh tế và bao quát của Adler tôi đã cố gắng vận dụng, sử dụng, khi xen vào các sự kiện một vài suy nghĩ có tính hiện sinh, nhưng không quên đi tính tu đức mà sự kiện mang tới. Tôi muốn kết hợp cái nhìn phân tâm, tự nhiên, với cái nhìn nội tâm, siêu nhiên, làm sao để những khám phá của khoa phân tâm không gây xáo trộn, không gây hoang mang nhưng hữu ích cho cuộc sống của người linh mục, người tu sĩ.
Với ý tưởng minh thị như vậy, chúng ta có thể đi tới hai hệ luận tu đức thực hành sau đây: hệ luận thứ nhất đối với người khác, hệ luận thứ hai dành cho chính mình.
1. Hệ luận thứ nhất. Thể diện là cái ai cũng có, ai cũng đòi được có, nó nằm trong bản tính con người, người lãnh đạo cũng như người được lãnh đạo, ngoài đời thường cũng như trong thánh đường, trong tu viện. Xúc phạm thể diện người khác là xúc phạm tới chính con người.
Nghe đâu có cha đã dùng tòa giảng để mạt sát giáo dân, xúc phạm nặng nề thể diện của họ và cũng từ đó phát sinh bất mãn, chống đối, thậm chí đi tới bỏ đạo, bỏ Giáo hội. Thật đáng buồn.
2. Hệ luận thứ hai. Nếu cái chí hùng bá là bản năng gốc, giật dây và chi phối mọi hành vi, mọi động trạng của con người như Alfred Adler chủ trương và như cuộc đời minh chứng thì đòi hỏi của Tin Mừng “sống khiêm tốn, vâng phục”, phải chăng là điều bất khả, là một sự mệnh vô phương? Chúng ta có câu trả lời mạc khải của Chúa Giêsu: “Đối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì mọi sự đều có thể được” (Mt 20, 26).
“Có thể được”, nhưng đòi hỏi phải thanh luyện trong đau đớn, khổ sở “Bởi vì như Đức Kitô, dầu là Con Thiên Chúa, cũng đã phải trải qua nhiều khổ đau mới học được thế nào là vâng phục.” (Dt 5, 8-10).
Lm. Aug. Hoàng Đức Toàn, BMT.



I.              SIGMUND FREUD VÀ “LIBIDO”

II.            ALFRED ADLER VÀ “CHÍ HÙNG BÁ”