TRUYỀN GIÁO

KHẢO LUẬN VỀ SỨ MỆNH TRUYỀN GIÁO

II.        GỢI Ý VỀ MỘT GIÁO XỨ
VỚI ĐỊNH HƯỚNG TRUYỀN GIÁO

1. Về vai trò của giáo dân:
Khác với những quan niệm trước đây cho người giáo dân như bậc chót trong bậc thang phẩm giá của Giáo hội, Công đồng Vatican II và THĐGM thế giới năm 1987, đã khôi phục phẩm giá chân thực và cao trọng của người giáo dân, một phẩm giá ngang hàng với mọi thành phần dân Chúa. Ở đây cần phải nhắc lại giáo huấn của Công đồng: “Giáo hội chưa thực sự được thiết lập, chưa sống đầy đủ, cũng chưa là dấu chỉ tuyệt hảo giữa Chúa Kitô và loài người, nếu chưa có từng lớp giáo dân đúng với danh nghĩa và nếu từng lớp giáo dân này chưa cùng làm việc với hàng giáo phẩm”   [1]
Khôi phục lại phẩm giá của người giáo dân cũng là khôi phục lại một sức sống mãnh liệt xưa nay thường bị bỏ quên trong Giáo hội, và đưa người giáo dân vào đúng địa vị tầm cỡ của họ trong hoạt động tông đồ. Bởi vì những vai trò, trách nhiệm và hoạt động trong Giáo hội đều bắt nguồn từ phẩm giá duy nhất là được liên kết với Chúa Kitô trong Nhiệm thể Ngài. Trong sự liên kết này, người giáo dân không chỉ được tham dự vào địa vị làm con và thừa tự Nước Trời, mà còn được cùng tham dự vào sứ mệnh của Đức Kitô trong công cuộc cứu chuộc thế giới.
Cuộc sống thực tế càng ngày càng nâng cao vai trò quan trọng của người giáo dân đến mức độ cấp thiết, đặc biệt là trong những hoàn cảnh mà không có họ thì Giáo hội sẽ không trở thành muối thế gian được. [2] Tông huấn “Kitô hữu giáo dân” đã nhấn mạnh vị trí quan trọng này trong số 7: “Tự căn bản, người giáo dân có một vị trí không thể thay thế được. Nhờ giáo dân mà Giáo hội Đức Kitô hiện diện trong mọi lãnh vực của thế giới, như là dấu chỉ và nguồn mạch của hy vọng và tình yêu”.
Vì thế, Giáo hội hôm nay đã không ngần ngại kêu gọi người giáo dân cộng tác vào chính những công việc đích danh của hàng giáo sĩ. Họ có thể được dùng vào cả một số phận vụ thuộc về hàng giáo sĩ có mục đích thiêng liêng dù, xét theo bản tính, những công việc đó không phải là ơn gọi riêng của họ. Theo bộ giáo luật mới, trong một số trường hợp giáo dân được phép tham gia thừa hành gánh nặng mục vụ với cách thức khác nhau, tùy hoàn cảnh và nhu cầu địa phương.  [3]
Dựa trên nền tảng này, nhiều nơi đã thực sự phát sinh và phát triển mạnh mẽ những hình thức tông đồ giáo dân đặc sắc, những hoạt động rất có hiệu quả: Giáo hội Đại hàn được thừa nhận là được phát sinh và phát triển chủ yếu bằng việc tông đồ giáo dân, còn tại Phi châu đang hình thành một kiểu hình “giáo dân có trách nhiệm với giáo xứ”, một kiểu chức vụ gọi là Mokambi (animateur pastoral): “không phải là linh mục, cha xứ, nhưng được bổ nhiệm một chức vụ rất quan trọng sau khi đã được huấn luyện kỹ càng, là đảm nhiệm phần lớn trách nhiệm điều hành tổng quát giáo xứ, mà trước đây vẫn được giao cho linh mục”.
Người giáo dân thực hiện sứ mệnh truyền giáo của mình qua sự tham dự vào vai trò tư tế, ngôn sứ, và vương giả của Giáo hội. Thánh Phêrô, Giáo hoàng tiên khởi của Giáo hội đã nhắn nhủ mọi Kitô hữu tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ, và vương giả của Giáo hội: “Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1Pr 2,9)
a. Tham dự vào chức vụ tư tế: cốt yếu của hành vi hiến tế là sự hoàn toàn qui phục thánh ý Thiên Chúa trong mọi sự như chính Chúa Kitô đã thực hiện qua việc chấp nhận chịu chết trên cây thánh giá theo ý Chúa Cha: “Cha không ưng máu chiên bò và lễ vật toàn thiêu, này Con xin đến để thi hành ý Cha”. Kết hiệp mật thiết với Đức Kitô, giáo dân chu toàn chức vụ tư tế của mình trong việc tham dự các bí tích và thánh hoá đời sống:
-           Tham dự các bí tích và các sinh hoạt phụng vụ của Giáo hội: Đây không phải chỉ là những kỷ luật phải giữ, hay những thói quen đạo đức đem lại ích lợi cho bản thân, mà là những hành vi tuyệt hảo để tôn thờ Thiên Chúa và thánh hoá nhân loại. Đó là điều mà nhiều giáo dân do không biết đến hay không quan tâm mà vô tình đã đánh mất bao nhiêu giá trị siêu nhiên có thể đạt được. Bởi thế, Hiến chế về Phụng vụ thánh đã cẩn thận nhắc nhở: “Phải làm cho các tín hữu tham dự phụng vụ một cách ý thức, linh động và hữu hiệu”. [4]
Hơn nữa, tùy theo hoàn cảnh, người giáo dân có thể được chỉ định đảm trách một phần công việc giáo sĩ đích danh: tham gia những trách nhiệm mục vụ, cử hành một số bí tích, tổ chức nhóm họp ca ngợi Chúa trong những vùng thiếu vắng linh mục, tổ chức những dạng cử hành ngoài phụng vụ v.v...  [5]
-           Thánh hoá đời sống: ngoài việc tham dự các bí tích, mọi hoạt động của người tín hữu đều có thể trở nên những của lễ sống động dâng lên Chúa Cha qua Đức Kitô, khi những hoạt động đó được chu toàn trong Chúa Thánh Thần là Thần Khí của Đức Kitô.
Là chi thể Đức Kitô, mọi hành vi người tín hữu làm trong Thần Khí Đức Kitô đều trở nên hành vi tế lễ liên tục dâng lên Chúa Cha: cố gắng sống trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa trong từng giây phút, lúc vui cũng như lúc buồn, khi làm việc cũng như khi nghỉ ngơi, khi tiếp xúc với mọi người cũng như khi cầu nguyện v.v... Tất cả những hy lễ đó sẽ trở thành những của lễ toàn thiêu không ngừng dâng lên Chúa Cha và nhờ đó, muôn hồng ân sẽ tuôn đổ xuống cho bản thân, cho gia đình, cho tổ quốc, cho Giáo hội, và cho thế giới.
b. Tham dự vào chức vụ ngôn sứ: Cũng như Đức Kitô đã rao giảng Tin Mừng công bố Nước Trời bằng chứng tá đời sống và sức mạnh của lời nói, người giáo dân cũng dùng đời sống và lời nói để loan báo Phúc âm cho mọi người.
-           Bằng đời sống: khi họ trung thành diễn tả niềm tin ta bên ngoài trong mọi hoàn cảnh sống của mình, trong đời sống cá nhân, gia đình, xã hội, trong thái độ cư xử trước những biến cố của cuộc sống, và trong cách sử dụng mọi phương tiện trần thế này, sao cho mọi người, qua đời sống của họ, có thể nhìn thấy một chân dung Đức Kitô đích thực, phong phú và tuyệt hảo, chứ không phải là một hình ảnh méo mó, sai lệch đã từng là một nguyên nhân dẫn đến chủ nghĩa vô thần. “Họ (người giáo dân) được kêu gọi làm sáng lên nét mới mẻ và sức mạnh của Tin Mừng trong cuộc sống thường ngày, trong gia đình và ngoài xã hội, cũng như diễn tả niềm hy vọng của họ vào vinh quang mai ngày, với lòng kiên trì và can đảm, trong những khó khăn của thời hiện tại, qua cả những cơ cấu của cuộc sống trần gian”  [6]
Việc rao giảng bằng chứng tá đời sống tuy có vẻ bất toàn và tiêu cực vì nó đặt vấn đề hơn là giải quyết vấn đề, nó gợi cảm và làm cho người ta yêu thích muốn tìm hiểu sứ điệp của Chúa hơn là giải thích sứ điệp đó. Nhưng thực ra, nó rất hiệu quả, nhất là khi được bổ túc với sự rao giảng bằng lời nói: “ lời nói hay bay, gương bày lôi kéo”. Hơn nữa, nó có thể được thực hiện trong mọi hoàn cảnh, mọi môi trường, và là một lời mời gọi tinh tế gửi đến mọi tâm hồn thành tâm tìm kiếm chân lý.
-           Bằng lời nói: khi họ mạnh dạn tuyên xưng đức tin, giải thích giáo lýkhuyên bảo người khác sống theo tinh thần Phúc âm: “Cùng với việc tông đồ bằng lời nói mà trong một số hoàn cảnh lại rất cần thiết người giáo dân rao giảng Chúa Kitô, cắt nghĩa và phổ biến giáo lý của Người tùy theo hoàn cảnh và tài năng của mỗi người, đồng thời họ cũng phải trung thành tuyên xưng giáo lý của Người nữa” [7]
Loan báo Tin Mừng bằng đời sống và lời nói đều có những mặt giá trị tích cực và hiệu quả riêng, khó có thể so sánh. Vì thế, phải sử dụng cả hai phương pháp một cách triệt để, không thể nhấn mạnh bên này mà xao nhãng coi thường bên kia, càng không thể có sự mâu thuẫn giữa hai cách rao giảng: đời sống không đi đôi với lời nói. Một đời sống chứng tá đem lại sức thuyết phục hết sức lớn lao cho lời rao giảng Phúc âm; trái lại, một đời sống trái ngược với lời rao giảng là một phản chứng nguy hiểm nhất.
Cùng với những nỗ lực của con người, Thiên Chúa không bao giờ thiếu ân sủng trong sứ mệnh Người đã trao phó cho người tín hữu giáo dân. Thực vậy, Ngài ban cho họ Thần Khí Đức Kitô, trong Thần Khí đó họ lãnh nhận ơn cảm thức về đức tin, ơn dùng ngôn từ (Cv 2,17-18), và nhiều đoàn sủng khác mà Giáo hội trân trọng gìn giữ, hướng dẫn để đem lại lợi ích cho Dân Chúa. Các phong trào công giáo tiến hành, tông đồ giáo dân hiện đại ngày càng làm sáng tỏ hoạt động kỳ diệu của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội, cách riêng là thành phần giáo dân, những người tuy thường không có trình độ cao về kiến thức tôn giáo nhưng lại không thiếu đức tin và lòng nhiệt thành cũng như những ơn đoàn sủng, đã loan báo Nước Trời một cách hết sức khéo léo và không kém hiệu quả theo những cách thức riêng của họ.
Nhưng nói thế không phải là phủ nhận việc huấn luyện tông đồ giáo dân. Trái lại, người giáo dân còn có bổn phận “tìm hiểu sâu xa hơn chân lý Chúa mạc khải trong khi không ngừng tha thiết nài xin Thiên Chúa ban ơn khôn ngoan cho mình.” [8]
Cuối cùng, không thể không nói đến những môi trường riêng biệt trong đó người giáo dân được kêu gọi rao giảng Tin Mừng. Khác với các giáo sĩ và tu sĩ, người giáo dân rao giảng Tin Mừng trong một môi trường rất bao quát, đa diện và phong phú; đó là môi trường gia đình và xã hội mà họ luôn luôn gắn liền với nó (chính điểm đặc thù này làm cho việc rao giảng Tin Mừng của giáo dân ngày càng trở nên quan trọng và khẩn thiết, nhất là trong thời đại hiện nay. Người giáo dân hôm nay có một vai trò không thể thay thế được trong sứ vụ của Giáo hội). Trong môi trường này đời sống hôn nhân và gia đình lại là “một môi trường hoạt động và trường học tuyệt diệu cho việc tông đồ giáo dân. Từ gia đình, Kitô giáo thấm nhập vào tất cả các tổ chức trong cuộc sống và dần dần biến đổi các tổ chức ấy; nơi gia đình, vợ chồng tìm thấy ơn gọi riêng của mình là làm chứng cho nhau và cho con cái lòng tin vào tình yêu Chúa Kitô. Gia đình lớn tiếng loan truyền sức mạnh của Nước Thiên Chúa và niềm cậy trông vào một đời sống hạnh phúc. Như thế, bằng gương lành và chứng tá, gia đình Kitô giáo làm cho thế gian nhận biết tội lỗi mình, đồng thời sáng soi những kẻ đang tìm kiếm chân lý.” [9]
Ngoài môi trường chủ chốt là gia đình, người giáo dân đều có thể và có bổn phận trở nên người rao giảng sống động Tin Mừng Chúa Kitô cho hết mọi người trong mọi sinh hoạt chính trị, xã hội, khoa học, nghệ thuật, truyền thông, giáo dục, nghề nghiệp v.v...
Một bằng chứng cho thấy tầm mức quan trọng và hữu hiệu không thể phủ nhận của ơn gọi ngôn sứ của người giáo dân là sự kiện thánh nữ Catherine de Sienne, một phụ nữ giáo dân, đã góp phần không ít vào kho tàng giáo thuyết của Giáo hội, và với ân sủng khôn ngoan của Chúa, đã nên một vị cố vấn khôn ngoan cho Giáo triều trong một thời đại rối ren nhất của Giáo hội, và đã được tôn phong làm tiến sĩ Hội Thánh ngày 04/10/1970.
c. Tham dự vào chức vụ vương giả: Chức vụ đó được thi hành bằng đời sống chiến đấu với tội lỗi, phục vụ tha nhân, xây dựng các thực tại trần thế theo tinh thần Phúc âm, qua việc cộng tác mục vụ với hàng giáo sĩ để xây dựng Nước Chúa.
-           Chiến đấu với tội lỗi: được lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy, người tín hữu giáo dân phải sống mầu nhiệm phục sinh của Chúa Kitô: chết đi cho tội lỗi mà sống lại cho Thiên Chúa; và suốt đời, người giáo dân phải lấy cuộc sống mới này làm mục tiêu phấn đấu và thước đo giá trị của mọi cố gắng. Chính trong khi chiến đấu cho Nước Chúa Kitô, cho chiến thắng cuối cùng của Chúa Kitô trên sự dữ và sự chết, cho sự thống trị vĩnh cửu của Chúa Kitô trên trần thế này.
Hơn nữa, được lãnh nhận bí tích Thêm sức, người giáo dân càng có bổn phận trở thành chiến sĩ Chúa Kitô, mở mang Nước Chúa bằng đời sống chứng tá của mình. Chính sự thánh thiện của tín hữu là sự thống trị đích thực của Chúa Kitô trên trần thế này.
-           Phục vụ tha nhân: Sống chức vụ vương giả cũng là sống tinh thần phục vụ tha nhân như chính Chúa Kitô, Đấng đã hiến thân để phục vụ mọi người. Sống phục vụ là không được chỉ sống cho riêng mình mà sống là sống cho Chúa Kitô và cho mọi người, trong Chúa Kitô. Mỗi người phải có trách nhiệm đối với ơn cứu độ của người khác. Bổn phận này là một động lực thúc đẩy mọi tín hữu, không trừ ai, tham gia công tác tông đồ giáo dân, hầu đưa dẫn mọi người đến cùng Chúa Kitô, Đấng mà phục vụ Ngài là thống trị.
Một cách đặc biệt tùy theo hoàn cảnh, người giáo dân còn được kêu gọi để cộng tác vào công việc mục vụ của Giáo hội địa phương, nhất là của các giáo xứ. Cộng tác với các linh mục, giáo dân có thể tham gia việc điều hành giáo xứ, việc cử hành phụng vụ, tham gia các phong trào và tổ chức tông đồ giáo dân, hiệp hội giáo dân.
Phúc âm hoá trần thế: Cuối cùng, người giáo dân thi hành chức vụ vương giả trong việc xây dựng trần thế theo tinh thần Phúc âm và làm cho mọi sự được Phúc âm hoá: “Hẳn thật, ý định của Thiên Chúa về thế giới là loài người đồng tâm canh tân liên tục làm cho trật tự trần thế thêm tốt đẹp”  [10]
Các tạo vật trần thế này không phải là những sản phẩm của sự dữ như thuyết Nhị nguyên chủ trương mà, trái lại, đều là công trình tốt lành của bàn tay Thiên Chúa. Chúng không chỉ có mục đích phục vụ con người mà còn có mục đích tự thân là ca tụng Chúa trong trật tự hoàn hảo của chúng. Do đó, người tín hữu ngày nay chẳng những không được có những quan niệm lỗi thời coi trần thế chỉ như những phương tiện tạm bợ, hay thậm chí là những kẻ thù nguy hiểm. Những quan niệm đó dẫn đến thái độ thụ động, đôi khi thù nghịch, trước mọi sự phát triển của các thực tại trần thế. Người tín hữu với sứ vụ vương giả phải có trách nhiệm dấn thân vào mọi thực tại trần thế để làm cho tất cả trần thế này đạt tới cứu cánh của chúng là ca tụng Thiên Chúa trong chính hiện hữu của chúng và trong việc hợp tác với con người tôn vinh Thiên Chúa.
Trong những công việc quan trọng nhất phải kể đến việc xây dựng và phát triển về của cải vật chất cũng như tinh thần, đồng thời sử dụng chúng theo tinh thần Chúa Kitô, nghĩa là làm cho chúng phục vụ con người trong công bình và bác ái.
-           Về của cải vật chất: Trật tự của công trình sáng tạo là lý do cho sự san sẻ của cải với nhau mà chính Chúa Kitô đã làm gương mẫu trong đời sống khó nghèo và yêu thương tha nhân, nhất là yêu thương những người nghèo khó. Do đó, người giáo dân phải coi việc san sẻ của cải vật chất và sử dụng chúng để phát triển xã hội hoàn thiện như là việc Kitô hoá thế gian, tức là làm cho trật tự mà Đức Kitô đã tái lập được ngự trị trên trần gian, làm cho luật công bằng và bác ái của Ngài được thực hiện một cách hoàn hảo.
-           Về của cải tinh thần: Đức tin của người Kitô hữu phải là một đức tin nhập thế, nghĩa là người Kitô hữu không thể và không được đứng ngoài các nền văn hoá, trái lại, họ phải sống và biểu lộ đức tin trong chính nền văn hoá của mình, thích nghi với nền văn hoá ấy, đồng thời góp phần phát triển một nền văn hoá lành mạnh, hướng thiện, hầu chuẩn bị tất cả cho Phúc âm Chúa được lan rộng: “Thật vậy, nếu đức tin không thấm nhuần vào văn hoá thì chẳng ai tiếp nhận, chẳng ai hiểu đúng, cũng chẳng ai đảm nhận cái đức tin ấy cả”  [11]
-           Về khoa học kỹ thuật: Khoa học kỹ thuật cũng là một gia sản quí báu của xã hội mà người giáo dân có trách nhiệm cộng tác phát triển chúng theo tinh thần Kitô giáo, nghĩa là trong khi tìm tòi phát minh, người Kitô hữu sử dụng khoa học kỹ thuật để phục vụ nhân phẩm, và ngăn cản những gì có nguy hại đến phẩm giá con người, những gì xâm phạm đến những quyền căn bản của con người hay những nguyên tắc luân lý lành mạnh. Có thể đan cử ra một vấn đề vẫn còn sôi bỏng là vấn đề điều hoà sinh sản: người giáo dân không thể dùng những thành tựu khoa học kỹ thuật để làm những gì trái với giáo lý của Giáo hội mà, ngược lại, họ được kêu gọi: “các vị thông thạo khoa học, nhất là các khoa sinh vật học, y học, xã hội học, và tâm lý học, có thể giúp ích rất nhiều cho hôn nhân gia đình cũng như sự an bình lương tâm nếu họ hiệp lực nghiên cứu và cố gắng làm sáng tỏ hơn nữa về những điều kiện khác nhau giúp con người điều hoà sinh sản một cách lương thiện” [12] hay như trong vấn đề chiến tranh, người giáo dân phải cộng tác làm cho khoa học kỹ thuật phục vụ hoà bình, và đề kháng mọi tư tưởng, mọi chương trình dùng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phục vụ chiến tranh phi nghĩa; cũng có thể nói tương tự như thế về một vài vấn đề sôi bỏng khác như cái chết êm dịu, thay đổi giới tính v.v...
Các sinh hoạt chính trị, kinh tế, xã hội: cũng là những môi trường quan trọng mà người giáo dân cần tham gia để làm “nhân chứng trong sáng cho Tin Mừng, nhất làvề mặt công bình trong công ăn việc làm, nhất quán giữa những nguyên tắc đức tin với quan niệm Kitô giáo về thế giới, về con người. Mục tiêu hàng đầu là nâng cao phẩm giá con người, thực hiện công ích và cải tạo cơ cấu xã hội, kinh tế và pháp lý theo ý hướng và luật của Thiên Chúa” . [13] Nhất là “khi các thể chế và cảnh sống của thế giới gây nên dịp tội, giáo dân phải góp sức làm cho các thể chế và hoàn cảnh sống đó trở nên lành mạnh để chúng phù hợp với các tiêu chuẩn của đức công bình, và giúp phát huy việc luyện tập các nhân đức hơn là ngăn trở chúng” [14]
Lm. Vianney Trần Vũ Hoàng Chương


[1] TG 21

[2] x. GH 33

[3] GL đk. 517

[4] PV 11

[5] Kiến nghị 11, THĐGM thế giới 1987

[6] Tông huấn Kitô hữu giáo dân, số 14

[7] TĐGD 16d

[8] GH 35

[9] GH 35

[10] TĐGD 7

[11] Diễn từ của ĐGH Gioan Phaolô II tại Bỉ, ngày 20/5/1985

[12] MV 52

[13] THĐGM thế giới 1987