Khảo luận về sứ mệnh truyền giáo

KHẢO LUẬN VỀ SỨ MỆNH TRUYỀN GIÁO

I.         NHỮNG YẾU TỐ TÍCH CỰC VÀ TIÊU CỰC TRONG LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO.
1. Hội nhập văn hoá
Lịch sử Giáo hội ghi lại nhiều giai đoạn mà Giáo hội đã gặp một thứ khủng hoảng do quá chú trọng đến niềm tin mà coi thường những giá trị của nền văn hoá tự nhiên, lại cũng có lúc vì quá đề cao đến sự thích nghi với một nền văn hoá mà làm thiệt hại đến những chân lý ban ơn cứu độ. Ngay từ những ngày đầu rao giảng Tin Mừng, khi có một số người cho rằng: “Nếu anh em không chịu cắt bì theo luật Môisen, thì không được cứu độ” (Cv 15,1-2) thì các tông đồ đã nhóm họp và đưa ra quyết định cho mọi Kitô hữu, cách riêng là dân ngoại, không phải chịu phép cắt bì như những người Do thái; mặt khác, thánh Phêrô vẫn nhấn mạnh rằng Giáo hội không chịu lệ thuộc vào thước đo của trần gian, mà phải luôn vững vàng trong con đường theo Chúa: “Anh em hãy ăn ở ngay lành giữa dân ngoại, để ngay cả khi họ vu khống, coi anh em là người gian ác, họ cũng thấy các việc lành anh em làm mà tôn vinh Thiên Chúa trong ngày Người đến viếng thăm” (1Pr 2,12). Giáo hội ở trong trần gian, nhưng vẫn luôn tùy thuộc vào Thiên Chúa: “Vì Chúa, anh em hãy tuân phục mọi thể chế do loài người đặt ra: dù là vua, người nắm quyền tối cao. … Hãy tôn trọng mọi người, hãy yêu thương anh em, hãy kính sợ Thiên Chúa, hãy tôn trọng nhà vua” (1Pr 2,13.17).

ĐHY Paul Poupard
Dù rất tôn trọng nền văn hoá tự nhiên, nhưng Giáo hội cũng vẫn luôn nói lên niềm tin  trong mọi sinh hoạt của mình. Đức Hồng Y Paul Poupard, Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về Văn hóa đã phát biểu: "Khi Tin Mừng đi vào tâm hồn con người thì cùng lúc nó đi vào các nền văn hóa và tôn giáo, bởi vì con người luôn luôn ở trong trung tâm của các nền văn hóa và trong trung tâm của các nền văn hóa có hạt nhân tôn giáo".
Vì thế, một trong những yếu tố có nhiều ảnh hưởng đáng kể đến kết quả của việc truyền giáo là vấn đề hội nhập văn hoá.
Sự thiếu vắng việc  hội nhập văn hoá đã đem lại nhiều hậu quả tiêu cực cho việc truyền giáo: “Khó mà lường được những hậu quả khốc hại do vụ tranh cãi về ‘nghi lễ’ gây nên: ở Trung quốc Kitô giáo bị cấm cách; ở Việt Nam, Đại hàn và Nhật bản việc truyền giáo đã khó khăn còn phải gặp khó khăn chồng chất thêm” [1]
Trong lịch sử Giáo hội Việt Nam, ngay từ những ngày đầu giảng đạo, ngay cả vua Gia long là một vị vua rất gần gũi với các thừa sai mà vẫn còn ngần ngại trước những yêu cầu của các thừa sai xin cho người Công giáo không phải tham gia, đóng góp vào các lễ hội mà các thừa sai cho là mê tín dị đoan. ĐGM Pigneau xin vua Nguyễn Phúc Ánh (sau này là vua Gia long) cho người Công giáo không phải đóng góp với dân làng để làm lễ Kỳ yên, hay để xây đền Khổng tử, nhưng Nguyễn Phúc Ánh đã lẩn tránh.  [2]
Sách Đại Nam Thực Lục Chính Biên có chép rằng: Năm Giáp Tý, Gia long năm thứ 3 (1804), có qui định lại về nhiều vấn đề như ăn uống, lễ mừng, giá thú, tang tế, thờ thần phật, v.v... có viết về Kitô giáo như sau: “Lại như đạo Giatô là tôn giáo nước khác truyền vào nước ta, bịa đặt thuyết thiên đường địa ngục khiến kẻ ngu phu ngu phụ chạy vạy như điên, tiêm nhiễm thành thói quen, mê mà không biết. Từ nay về sau, dân các tổng xã nào có nhà thờ Giatô đổ nát thì phải đưa đơn trình quan trấn mới được tu bổ, dựng nhà thờ mới thì đều cấm” [3]  
Trong một bức thư ngày 20.8.1786, nói về một cuộc bách hại trong vùng Tây sơn, thừa sai Darcet đã nhận định: “Nguyên nhân của cuộc bách hại này là nhiệt tình của các giáo hữu: phần đông họ giống như những người ngoại quốc trên quê hương của họ; họ không đi xem kịch, họ không tham dự vào các lễ hội và cuộc vui chơi rất quen thuộc với người ngoại”  [4]

Cha Ricci
Tại Trung quốc, việc truyền giáo được bắt đầu khi cha Ricci lên tới Bắc kinh năm 1598. Có năng khiếu đặc biệt về ngôn ngữ, cộng với khả năng thích ứng sắc bén, cha Ricci đã thành công trong nỗ lực truyền giáo cho nhiều người Hoa, cả những người trong quan giới cũng theo đạo. Nhưng sau đó có một số thừa sai các dòng cũng đến và truyền giáo, nhưng theo một phương pháp khác hẳn, trong đó phải kể đến việc các thừa sai này từ chối mọi hình thức thích ứng, và vô tình biến Trung quốc thành một chiến trường thần học “tranh luận về lễ chế”, gây hại nặng cho việc truyền giáo.
Đang khi đó, lịch sử truyền giáo tại Triều tiên lại có một nét độc đáo: Sau khi một ít tín hữu người bản xứ đầu tiên đã chết vì đạo ở Nhật bản thì nhóm Kitô hữu đầu tiên đã biến mất hẳn. Giáo hội Triều tiên ngày nay không do các thừa sai sáng lập: khi phái đoàn Triều tiên đi Bắc kinh nộp thuế (1777), một số văn sĩ đã mua được cuốn “Thiên chủ chính ý” do cha Ricci biên soạn; họ đã đọc, học và chấp nhận giáo lý; rồi sau đó, khi một phái đoàn trở lại Bắc kinh (1783), một học giả đã được cha J. de Grammont rửa tội. Trở về Seoul, ông truyền giáo cho thân nhân bạn bè và rửa tội cho họ; công việc truyền đạo thành công đến độ khi cha Chu, người Trung quốc, là linh mục đầu tiên đi qua Triều tiên, thì đã thấy cả một cộng đoàn 4.000 Kitô hữu. Năm 1801, cha Chu và 300 Kitô hữu khác bị giết vì đạo; Giáo hội đã lớn lên với con số 10.000 tín hữu. Họ liên tục bị bách hại cho đến năm 1883. [5]
Trong khi tại Trung quốc, việc truyền giáo được bắt đầu với cha Ricci còn gặp nhiều khó khăn thì tại Triều tiên việc truyền giáo cũng được bắt đầu thật thuận tiện mà không có một thừa sai nào ngoài một cuốn Thiên chủ chính ý cũng do cha Ricci biên soạn. Sau này việc truyền giáo tại Triều tiên có gặp khó khăn thì cũng là từ vấn đề hội nhập văn hoá. Từ đó, ai cũng có thể nhận thấy quyết định ban đầu của Công đồng Giê-ru-sa-lem trước vấn đề cắt bì thật chính đáng: “Thánh Thần và chúng tôi xét rằng: không nên đặt thêm cho anh em gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp này …”
Trong tinh thần đó, Thánh Bộ Truyền Giáo đã đề xuất một huấn thị rất có giá trị vào năm 1659, cho các vị Đại Diện Tông Toà sắp sang Trung hoa và Việt Nam, có đoạn như sau: “… Chư huynh đừng bao giờ tìm cách sửa đổi, cũng đừng tìm lý lẽ để buộc dân chúng sửa đổi những phép xã giao, tập tục, phong hoá của họ, trừ khi có những điều hiển nhiên mâu thuẫn với đạo thánh và luân lý: có gì vô lý thô bỉ hơn là mang theo cả nước Pháp, nước Tây ban nha, nước Ý, hay bất cứ nước nào khác từ bên trời Âu sang cho dân Á đông? Không phải mang những thứ ấy đến cho họ, bèn là mang chân lý đức tin, một chân lý không loại trừ nghi lễ và tập tục của bất cứ một dân tộc nào, cũng không xúc phạm đến những lễ nghi và tập tục ấy, miễn là chúng không xấu; ngược lại, chân lý ấy muốn cho người ta bảo tồn và duy trì chúng là đàng khác.” [6]
Trong tinh thần hội nhập văn hoá, chúng ta cũng phải nghĩ đến câu trả lời cho người tín hữu Việt Nam trong bối cảnh của nước Việt Nam hiện nay. Đức Hồng Y F.X. Nguyễn văn Thuận, trong “Thập Đại Thành Công”, đã chọn “Tôi là người Công giáo Việt Nam sống ở hải ngoại” như là một định hướng đầu tiên của mình; nhưng để sống cái tinh thần “Thập Đại Thành Công” của Đức Hồng Y, chúng ta lại phải nói: “Tôi là người Công giáo Việt Nam đang sống trong nước Việt Nam”.
Là người Công giáo, chúng ta là con Thiên Chúa; chúng ta có sách Tin Mừng hướng dẫn mọi hành động; và chúng ta có mẹ là Giáo hội, trong Giáo hội chúng ta được nâng đỡ, dạy dỗ, lãnh nhận mọi ơn cần thiết cho hạnh phúc hôm nay và mai sau.
Mặt khác, là người công dân Việt Nam, trong môi trường xã hội Việt Nam hôm nay thì để hội nhập văn hoá, nói tiếng “đại đại kết” , chúng ta chỉ cần tự mình biết rõ và làm sáng lên những nét đẹp căn bản của người Công giáo, hầu có thể vừa nói chuyện, hợp tác với mọi người, mọi thành phần, trong việc phục vụ con người, vừa “làm chứng cho đức tin bằng cuộc sống chứng tá”  và truyền giáo cho họ mà không đánh mất chính mình:
-           Về sự liên kết với người khác: Trong niềm tin Kitô giáo, mọi người đều là anh em trong Đức Kitô. Ngay cả những người vô thần, hay những người theo các tôn giáo khác cũng là những người anh em cùng được mời gọi đến ơn cứu độ trong Đức Kitô, như chúng ta. Còn ai khác ngoài chúng ta, những Kitô hữu Việt Nam, phải nói về Đức Kitô với mọi người dân Việt Nam, ít nữa là bằng cuộc sống của mình.
-           Về cứu cánh: Mối quan tâm đầu tiên của chúng ta là phần rỗi của con người mai sau, nhưng vẫn không quên hạnh phúc của con người hôm nay. Hạnh phúc con người hôm nay, do đó, là điểm chung, ít là về mặt lý thuyết, giữa người Công giáo với những nhà cầm quyền, những người làm việc xã hội. Đây chính là điểm gặp gỡ giữa người Công giáo và mọi thành phần xã hội, nhờ đó, họ thấy được chúng ta không phải là những người xa lạ, “những người nước ngoài”, mà là những người có với họ một ưu tư, một tiếng nói, và một thao thức cho hạnh phúc trong đời sống tự nhiên của con người. Khi đó, họ thấy Công giáo gần gũi với cuộc sống hiện sinh của họ, thấy tinh thần Đức Kitô không xa lạ với họ trong cuộc sống bươn chải hằng ngày.
-           Về chỗ dựa tâm linh: Chúng ta có chỗ dựa là niềm tin vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa. Chính niềm tin này hướng dẫn và thúc đẩy toàn bộ cuộc sống của chúng ta. Ngược lại, sâu thẳm trong đáy lòng những người vô thần vẫn luôn tìm kiếm một sự bình an hầu có thể đối mặt được với một thế giới bấp bênh và luôn thay đổi. Tiến sĩ Phạm Bích Hợp, trong bài đề dẫn mở đầu cho cuộc hội thảo vào ngày 20-02-2004 tại Hà nội về tôn giáo tính và đời sống tôn giáo của người Việt Nam đã tỏ ra đồng tình với tư tưởng của Radhakhrisnan, cố tổng thống Ấn độ: “Tôn giáo sở dĩ tồn tại là vì con người chúng ta đã đánh mất sự hài hoà bản nhiên vốn có của mình”, và ông đi đến kết luận “Như vậy, tôn giáo tính là một cơ chế đảm bảo sự hài hoà của con người” [7]  Chúng ta hãy nói với họ về sự bình an bởi niềm tin vào Đức Kitô bằng chính những chọn lựa trong cuộc sống mình.
-           Về phương thức hành động: Chúng ta làm việc không phải là cho mình, hay theo ý mình, mà là cho Chúa và theo ý Chúa, như tinh thần của thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”. Cùng hành động với những người hoạt động cho những thiện ích của xã hội, nhưng làm việc với phương thức hành động theo tinh thần thánh Phaolô này cũng sẽ gián tiếp là một bài truyền giáo sống động và có sức thuyết phục.
Giáo hội, cách riêng là người giáo dân, không coi những hoạt động cho phúc lợi xã hội, ngay cả những việc chính trị là nằm ngoài chương trình cứu độ của Thiên Chúa mà lại là một môi trường cần được thánh hoá, và cũng có thể trở nên một công cụ của tình thương cứu độ: “Cộng đoàn chính trị chỉ hiện hữu là vì công ích. Chính công ích là lý do tồn tại và là căn bản pháp lý cho cộng đoàn chính trị. Công ích nói đây bao gồm tất cả những điều kiện của đời sống xã hội: nhờ những điều kiện này, cá nhân, gia đình, và đoàn thể có thể triển nở cách trọn vẹn và dễ dàng hơn”  [8]
Tóm lại, cũng như Thánh Gia đã về Bêlem theo lệnh kiểm tra dân số, và Đức Kitô cũng đã nộp thuế như một công dân bình thường, nhưng vẫn hướng đến một điều cao quí hơn: “Những gì của Xêda hãy trả cho Xêda, những gì của Thiên Chúa hãy trả cho Thiên Chúa”. Là một công dân, người Kitô hữu có nghĩa vụ tuân theo những qui luật riêng biệt và hợp lý của xã hội trần gian, đồng thời cũng có quyền và bổn phận đòi hỏi cũng như bảo vệ quyền tự do tôn giáo của mình và những quyền chính đáng cho phẩm giá con người, như lập trường của Giáo hội: “Giáo hội cương quyết đòi cho con người quyền không bị hăm doạ để bỏ đạo vì những bách hại bất công”  [9]
Lm. Vianney Trần Vũ Hoàng Chương


[1] Felipe Gomez, Truyền giáo học, 2003, tr. 50
[2] Ns CGvDT 113, tr. 117
[3] ĐNTL (Nxb. KHXH Hà nội 1963)
[4] Ns CGvDT 113, tr. 121
[5] Truyền giáo học, tr. 46
[6] Truyền giáo học, tr. 149
[7] Ns CGvDT 111, tr. 90
[8] Tông huấn Kitô hữu giáo dân, số 42
[9] Ad Gentes 13c