TRUYỀN GIÁO

KHẢO LUẬN VỀ SỨ MỆNH TRUYỀN GIÁO

I. NHỮNG YẾU TỐ TÍCH CỰC VÀ TIÊU CỰC
TRONG LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO.

4. Sự phân cấp trong Giáo hội
Trong Giáo hội sơ khai được thuật lại trong sách Tông đồ công vụ thì Giáo hội là một gia đình mà mọi người cùng là con cái Thiên Chúa, cùng là môn đệ Chúa Kitô, cùng thừa kế Nước Trời như nhau, có cùng nghĩa vụ truyền giáo, tuy vẫn có sự khác biệt trong cách thi hành.
Năm 313, hoàng đế Cônxtăntinô chấp nhận Kitô giáo là religio licita, tôn giáo hợp luật, và được tự do sinh hoạt. Và năm 380 hoàng đế Thêôđôxiô đặt Kitô giáo làm tôn giáo chính thức. Các quyết định ấy không phải là không có hậu quả đối với việc truyền giáo:
Trước hết, Giáo hội bắt đầu sống công khai và tiến hành việc thiết đặt tổ chức cơ cấu có hệ thống. Cho đến thập kỷ đầu thế kỷ 4, Kitô giáo chỉ hiện diện và sinh hoạt giống một phong trào thiêng liêng, ít quan tâm đến việc tổ chức phẩm trật, phụng vụ, giáo luật v.v...”
Cũng rất phải lẽ khi Giáo hội đã phát triển về nhân số thì đòi buộc phải có sự tổ chức cao hơn với những cơ cấu, cấp bậc, chức vụ đặc biệt hơn, có tầm ảnh hưởng lớn lao hơn đối với cộng đoàn. Những vai trò đó cần phải có quyền lực chính đáng để duy trì và phát triển Giáo hội theo đúng mục tiêu ban đầu. Đây là một điều tốt đẹp và hợp lý, vì Giáo hội cũng mang tính cách của một cộng đồng xã hội, và do đó cũng phải chịu chi phối bởi những qui luật xã hội. Hơn nữa, chính Đấng Cứu thế cũng muốn thiết lập Giáo hội như một cộng đoàn mang tính cách xã hội khi Ngài ban riêng cho các tông đồ, đặc biệt là cho thánh Phêrô, những vai trò riêng biệt và quyền lực đi theo những vai trò đó: “Con hãy chăm sóc chiên con … chiên mẹ của Ta”, “Điều gì con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc”.
Giáo hội được phát sinh và lớn lên trong một xã hội phong kiến kéo dài gần 20 thế kỷ. Do đó, hệ tư tưởng phong kiến đã ảnh hưởng không ít trên cơ cấu, tư tưởng, và sinh hoạt của Giáo hội: “cấp trên nắm quyền và có sáng kiến, cấp dưới cứ răm rắp vâng theo” 
Nhưng bị ảnh hưởng của hệ tư tưởng phong kiến luôn quan niệm về một thứ cấp bậc và quyền lực “bẩm sinh” của người cầm quyền hơn là lệ thuộc vào lợi ích và mục đích xã hội của chức vụ: “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa” (Quan niệm đó được dùng trong xã hội như một công cụ để thống trị, và được thêu dệt thêm bằng những truyền thuyết, những câu truyện, từ ngữ xưng hô, kiểu nói, chỗ ngồi v.v...  nhằm củng cố cho tính cách cao sang ấy), Cộng vào đó là ảnh hưởng của những tham vọng cá nhân muốn tự bảo vệ hay tìm kiếm lợi danh cho mình bằng niềm tin ấu trĩ của người giáo dân. Từ đó dẫn đến sự kiện phẩm giá và vai trò của các thừa tác viên được nhấn mạnh một cách quá đáng và thường xuyên đến nỗi phẩm giá và vai trò của người giáo dân dần dần bị quên lãng và trở thành thứ yếu trong Giáo hội. Về phẩm giá, người giáo dân trở nên bậc cuối cùng trong “bậc thang phẩm giá” của Giáo hội (THĐGM 1987); còn về vai trò thì “giáo dân trở thành đơn thuần là đối tượng mục vụ, thay vì là người chen vai sát cánh với những thừa tác viên trong việc tông đồ” (THĐGM 1987).
Do đó, không ai lạ gì khi nghe Bismark, thủ tướng Đức, nói rằng: “Giáo hội Công giáo dựa trên nền tảng giáo sĩ, Giáo hội Tin lành dựa trên nền tảng giáo dân.” Tình trạng này ngày càng ăn sâu trong sinh hoạt của Giáo hội và não trạng của mọi người, giáo sĩ cũng như giáo dân. Hậu quả là một cái vòng luẩn quẩn dẫn đến một sự suy thoái trầm trọng: Do coi thường giáo dân nên chỉ chú trọng huấn luyện giáo sĩ và tu sĩ, còn người giáo dân thì được hướng dẫn rất ít ỏi và phiến diện về tu đức cũng như việc tông đồ. Sự suy thoái tiến dần đến tột điểm là sự độc quyền tôn giáo: về sứ mệnh, Giáo hội dường như chỉ còn là giáo sĩ và tu sĩ có trách nhiệm cứu rỗi giáo dân; về phẩm giá, giáo sĩ và tu sĩ chiếm độc quyền về sự thánh thiện. Hậu quả là: “Thời ấy, cơ cấu phẩm trật của Giáo hội gồm có hai giới: giáo dân và giáo sĩ, thường được quan niệm như là giới thụ động và giới chủ động”.  Đến thế kỷ thứ XIII cũng mới chỉ có hai tổ chức tương đối quy mô cho giáo dân là Dòng Ba thánh Đaminh và Dòng Ba thánh Phanxicô, trong khi đó con số các dòng tu gia tăng nhiều quá đến nỗi có lúc Giáo hội phải cấm không cho thiết lập các dòng tu mới. Theo chiều ngược lại thì càng ít được huấn luyện, người giáo dân càng thiếu khả năng sống đạo và làm việc tông đồ, do đó càng bị coi thường và càng trở nên thứ yếu trong việc truyền giáo.
Chính vì thế, trong Công đồng Vatican II, như Đức Giáo hoàng Gioan XXIII gọi là “Cuộc Hiện xuống mới”, Giáo hội đã nhìn lại đời sống mình và xác định vai trò của người giáo dân: “Giáo hội chưa thật sự được thiết lập, chưa sống đầy đủ, cũng chưa là dấu chỉ tuyệt hảo của Chúa Kitô giữa loài người, nếu chưa có từng lớp giáo dân đúng với danh nghĩa và nếu từng lớp giáo dân này chưa cùng làm việc với hàng giáo phẩm,   và có hẳn một Sắc lệnh về Tông đồ Giáo dân.
“Giáo hội do Chúa thiết lập được tổ chức và điều khiển theo nhiều thể thức khác biệt rất lạ lùng. ‘Vì như trong một thân thể, chúng ta có nhiều chi thể, nhưng mọi chi thể không có cùng một nhiệm vụ; cũng vậy, chúng ta tuy nhiều người song là một thân thể trong Chúa Kitô, nên mỗi người chúng ta là chi thể lẫn nhau’ (Rm 12,4-5)”  [1]
Lm. Vianney Trần Vũ Hoàng Chương