TRUYỀN GIÁO

KHẢO LUẬN VỀ SỨ MỆNH TRUYỀN GIÁO

II.        GỢI Ý VỀ MỘT GIÁO XỨ TRUYỀN GIÁO
2. Về vai trò của linh mục:
Trong bối cảnh một giáo xứ, để thực hiện sống theo định hướng truyền giáo, vai trò của một linh mục là hết sức quan trọng trong việc huấn luyện và điều phối các hoạt động truyền giáo nơi người giáo dân trong giáo xứ, với sự hợp tác của các tu sĩ (nếu có) - hay chính các tu sĩ có thể nắm giữ vai trò đó trong những miền chưa có linh mục.
Trong công việc mục vụ thường nhật, các vị có bổn phận mạnh mẽ “cổ vũ và duy trì giữa các tín hữu lòng nhiệt thành đối với công tác rao giảng Tin Mừng”; đối với công việc truyền giáo, các linh mục phải là những người thủ lãnh cho mọi thừa tác viên truyền giáo khác trong giáo xứ do mình đảm nhiệm, là các tu sĩ đang phục vụ trong giáo xứ và toàn thể giáo dân: “các ngài phải ra sức nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng và tông đồ nơi các đoàn thể công giáo đã được trao phó cho các ngài. Các ngài phải hiện diện trong hoạt động tông đồ của các đoàn thể đó bằng ý kiến khôn ngoan và cổ võ những sáng kiến của chúng. Qua những tiếp xức thường xuyên với giáo dân, các ngài phải chú tâm tìm kiếm xem những hình thức nào đem lại kết quả hơn cho hoạt động tông đồ. Các ngài phải cổ võ tinh thần hiệp nhất ngay trong đoàn thể mình phụ trách cũng như giữa đoàn thể này với đoàn thể bạn”  [1]
a. Huấn luyện tông đồ giáo dân: “mọi môn đệ Chúa Kitô đều có bổn phận góp phần vào cuộc gieo vãi đức tin …”, [2] Không thể thực hiện được định hướng đó nếu những Kitô hữu giáo dân không được huấn luyện để họ ý thức và biết cách sống đúng vai trò của họ.
“Vai trò của người giáo dân chỉ đạt tới kết quả mỹ mãn nhờ việc huấn luyện chu đáo và riêng biệt” [3] , mà cốt yếu là làm cho họ đạt tới sự trưởng thành về nhân bản và về Kitô giáo.
-           Trưởng thành nhân bản:
Người giáo dân không thể phát huy được vai trò của mình nếu không có nhân cách trưởng thành và những đức tính nhân bản cần thiết nhờ đó họ có thể giao tế với mọi người, nhất là biết sống chung thân thiện, biết xây dựng công ích, biết cộng tác và đối thoại, với tinh thần cương nghị và tế nhị, lòng thành thực và khôn ngoan, khiêm tốn, bác ái và công bình.
Ngoài ra, họ cũng cần được huấn luyện để có một sự hiểu biết thấu đáo về thế giới hiện đại hầu có thể trở nên phần tử thích nghi với thế giới đó. Do đó, không thể coi thường việc huấn luyện những kiến thức cần thiết và phổ thông về xã hội, văn hoá cũng như khoa học.
Cuối cùng, người giáo dân cần được huấn luyện để có một thế giới quan và một nhân sinh quan đúng đắn, phù hợp với Kitô giáo, đồng thời thích nghi với não trạng hiện đại, nhờ đó họ xem xét, phán đoán mọi sự và hành động dưới ánh sáng đức tin kết hợp với các tri thức tự nhiên.
Và tùy theo những hình thức làm việc tông đồ khác nhau mà nội dung huấn luyện cũng phải có sự thích nghi tương ứng: đối với việc rao giảng Phúc âm, cần nhấn mạnh đến khả năng đối thoại; đối với việc cải tạo trần thế theo tinh thần Kitô giáo, cần huấn luyện nhận thức về ý nghĩa của những thực tại trần thế cũng như cách sử dụng chúng; trong mọi hình thức tông đồ, cần khuyến khích sống bác ái, từ thiện.
-           Trưởng thành Kitô giáo:
Giáo lý là căn bản của đời sống đạo chân chính. Do đó, huấn luyện một nền tảng giáo lý sâu xa và đích thực là công việc quan trọng nhất và là nền tảng vững vàng nhất cho mọi hoạt động tông đồ giáo dân. Bởi thế, nhất thiết phải huấn luyện cho người giáo dân am hiểu giáo lý cũng như biết cách đọc và suy gẫm Lời Chúa.
“Tại châu Á, phương pháp truyền giáo nào đi nữa thì nhất thiết cũng phải hàm dung một khía cạnh thần bí, tức cầu nguyện và chiêm niệm.”  Đời sống tông đồ chân chính là đời sống kết hiệp với Chúa Kitô nên cũng rất cần thiết phải huấn luyện cho người giáo dân có một đời sống thiêng liêng sâu xa, chắc chắn và đúng đắn, biết kết hợp với Chúa Kitô và thực hành các nhân đức trong đời sống gia đình, xã hội, trường học, tập thể v.v...
Họ cũng cần được học hỏi về các phương pháp làm việc tông đồ như giảng dạy giáo lý, đem đạo vào đời v.v...
b. Làm cho mọi khía cạnh của cuộc sống đa dạng trở thành những môi trường đức tin: cuộc sống đa dạng của người giáo dân có rất nhiều môi trường để làm việc truyền giáo, nhưng những môi trường phổ thông và quan trọng nhất cần được biến thành “miền truyền giáo” là:
            -           Gia đình: đời sống chung trong gia đình cần được chăm lo để trở nên trường huấn luyện đầu tiên cho việc tông đồ: cha mẹ dạy con cái ngay từ khi còn thơ ấu nhận biết tình thương yêu của Thiên Chúa đối với hết mọi người, và dần dần, bằng gương sáng, dạy cho chúng biết lo lắng đến những nhu cầu vật chất cũng như tinh thần của người lân cận.  [4]
            -           Trường học: các giáo viên tại các nhà trường, nhất là tại nhà trẻ, cố gắng đưa tinh thần công giáo vào việc giáo dục; mặc dù không được dạy giáo lý, nhưng không ai cấm được một giáo viên giảng đạo cho cả một thế hệ tương lai bằng cách sống niềm tin của mình trong lời ăn tiếng nói, trong cách cư xử, nhất là trong sự liêm chính và lòng cao thượng – những điều đang thiếu nhiều trong giới trẻ hôm nay.
            -           Giáo xứ: cả giáo xứ cũng cần được làm nên một môi trường làm việc tông đồ và huấn luyện tông đồ qua những khoá học tập, những cuộc tĩnh tâm, những buổi thuyết trình, tủ sách, những buổi họp mặt, những tổ chức tông đồ giáo dân v.v...
c. Thiết lập và giữ gìn mối tương quan đích thực với giáo dân: Đã có không ít sai lầm về lý thuyết và thực tế trong cái nhìn về mối tương quan giữa giáo sĩ và giáo dân, dẫn đến những nguy cơ, như “mối tương quan chủ – tớ”, hay lạc vào một trong hai cực đoan là “giáo sĩ hoá giáo dân”, “giáo dân hoá giáo sĩ”, … Mối tương quan đích thực phải dựa trên giáo lý về Giáo hội, theo đó, Giáo hội là một thân thể duy nhất mà mọi người là chi thể của nhau. Giáo hội là một thân thể mà mọi chi thể hiệp thông với nhau và cùng góp phần tham gia và đồng trách nhiệm làm cho thân thể lớn mạnh.
Bởi thế, không có sự chia rẽ trong Giáo hội giữa các chức vụ, phẩm trật; trái lại, chính các chức vụ, phẩm trật đó hàm chứa sự hiệp nhất vì mục đích nội tại của chúng là nhằm phục vụ cho thân thể duy nhất.
- Về phía giáo sĩ: Giáo sĩ là người anh đại diện cho Anh Cả là Đức Kitô. Do đó, giáo sĩ phải yêu mến giáo dân bằng chính tình yêu của Đức Kitô; tránh những tình yêu lệch lạc, thiên vị, dựa trên những lý do có tính trần thế, để yêu thương mọi người như nhau, dù tốt, dù xấu, dù giàu, dù nghèo … Tình yêu đó thúc đẩy các giáo sĩ chu toàn bổn phận ban phát cho giáo dân sự trợ giúp dồi dào từ kho tàng thiêng liêng là Lời Chúa và các bí tích, cũng như thoả mãn những nhu cầu thiêng liêng và khát vọng chính đáng mà họ bày tỏ.
Không chỉ hài lòng với việc ban phát Lời Chúa và các bí tích, mà hơn nữa, các ngài cần tôn trọng phẩm giá và trách nhiệm của người giáo dân: tránh những tư tưởng cũng như cách làm việc coi giáo dân như những trẻ vị thành niên, mà cần biết lắng nghe ý kiến đóng góp của giáo dân, biết trao phó công tác và trách nhiệm phù hợp với khả năng của họ cùng với những phương tiện, quyền hạnsự tự do cần thiết để họ thực hiện: “Sứ vụ cứu độ của Giáo hội trong thế giới được thực hiện không những nhờ các thừa tác viên đã lãnh bí tích truyền chức, nhưng còn nhờ tất cả mọi giáo dân”. [5] Đồng thời cũng biết hỗ trợ bằng cách đề ra các nguyên tắc và giúp các phương tiện thiêng liêng để các việc tông đồ của họ được phối hợp với nhau mà sinh ích chung cho Giáo hội, và đi sát với những chỉ thị và giáo huấn của Giáo hội.
- Về phía giáo dân: Cũng như các giáo sĩ phải yêu mến giáo dân với tình yêu của Chúa Kitô, người giáo dân cũng phải kính trọng, yêu mến và giúp đỡ giáo sĩ như người đại diện cho Anh Cả là Đức Kitô. Bởi thế, họ phải gắn bó hết sức mật thiết với các giáo sĩ trong đức vâng lời, lấy tinh thần Kitô giáo mà mau mắn tuân theo những gì các giáo sĩ đã quyết định với tư cách là thầy dạy đức tin. Tránh thái độ tự ái, kiêu căng vô ích và nguy hiểm, vì ai nghe các ngài là nghe Chúa Kitô, ai chống các ngài là chống Chúa Kitô.
Ý thức về sự liên kết trong Nhiệm thể Chúa Kitô, giáo dân có bổn phận cộng tác với các vị chủ chăn bằng những góp ý chân thành, những sáng kiến hữu ích và những công việc cụ thể. Điều cần thiết là phải biết cộng tác trong tinh thần vâng phục, kính trọng; tránh đả phá, chống đối, lên án, … mà biết thông cảm, giúp đỡ, cầu nguyện cho các ngài, lại khéo léo tạo sự tâm đầu ý hợp trong đường lối làm việc.
Lm. Vianney Trần Vũ Hoàng Chương


[1] TĐGD 25

[2] TG 23a

[3] TĐGD 28

[4] TĐGD 30

[5] Tông huấn Kitô hữu giáo dân, số 23