KHẢO LUẬN VỀ SỨ MỆNH TRUYỀN GIÁO
I. NHỮNG YẾU TỐ TÍCH CỰC VÀ TIÊU CỰC
TRONG LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO.
2. Đời sống người Kitô hữu
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Con chim sắp chết kêu tiếng bi ai, con người sắp chết nói lời nói phải”. Trước giờ tử nạn, Đức Kitô không dạy bảo điều gì khác hơn là sống đức mến: “Các con yêu quí, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi. Thầy ban cho các con một giới răn mới là các con hãy yêu thương nhau”. Đức Mến được coi như là dấu hiệu của những ai theo Chúa, và thực sự là một sức mạnh rất lớn trong việc truyền giáo.
Đức Giáo hoàng Piô XII đã nói rằng con người hôm nay muốn thấy những chứng nhân hơn là nghe rao giảng Tin Mừng. Trong THĐGM Á châu năm 1998, các nghị phụ chủ trương rằng việc rao giảng Tin Mừng Đức Kitô tại Á châu phải đặt trọng tâm trước hết vào việc sống trọn vẹn chứng tá yêu thương và nghèo khó của Tin Mừng hơn là diễn giảng những chân lý trừu tượng.
Đức Cha Daniel Acharuparampil đã khẳng định: "Các tôn giáo Á châu muốn rằng các vị đại diện tôn giáo phải thực là những chứng nhân với cảm nghiệm sâu xa về Thiên Chúa. Kinh nghiệm này được chuyển đạt qua con đường suy tư, chiêm niệm, yên lặng trong đời sống đơn sơ khó nghèo và hòa mình người dân. Kiểu mẫu chứng tá này sẽ tác động hữu hiệu vào công cuộc truyền giáo, trong mối quan hệ và đối thoại với các tôn giáo lớn tại lục địa này".
Câu chuyện về gia đình một ông trùm xứ Long châu, giáo phận Nam ninh do TGM Giuse Ngô Quang Kiệt kể lại, trong bài giảng Chủ nhật II Phục sinh, cho thấy rõ điều đó: “Trước đây, chỉ có gia đình ông tin Chúa. Gia đình ông tích cực rao giảng Lời Chúa. Kết quả là 20 năm sau hầu như cả làng gần 500 khẩu đã tin theo Chúa… Tôi hỏi ông nhờ bí quyết nào mà việc truyền giáo của ông có kết quả tốt đẹp như thế. Ngẫm nghĩ một lát, ông trả lời: ‘Nhờ đời sống gia đình’. Bên Trung quốc, đời sống gia đình trong thời đại mới đang gặp khủng hoảng. Vợ chồng bất hoà với nhau. Con cái không vâng lời cha mẹ, có khi còn hành hung cả cha mẹ. số gia đình tan vỡ ngày càng tăng lên. Trong khi đó, gia đình ông trùm vẫn trên thuận dưới hoà, vợ chồng yêu thương đùm bọc lẫn nhau. Thấy thế, người trong làng bảo nhau: ‘Đây là đạo tốt vì có thể gìn giữ được hạnh phúc gia đình’.
Lại một câu chuyện có thực khác về sức mạnh truyền giáo của đời sống yêu mến là câu chuyện về ĐGM Cassaigne: Một ngày vào năm 1973, các tờ báo ở Sài-gòn đồng loạt đưa tin về cái chết của Jean Cassaigne, một Giám Mục Công Giáo, người Pháp, nguyên làm Giám Mục Sài-gòn nhưng lại qua đời tại một trại phong ở Di Linh, một nơi đèo heo hút gió trên đường từ Sài-gòn đi Đà Lạt.
Anh Nguyễn Viết Chung đọc tiểu sử của vị Cố Giám Mục trên báo và không hiểu do đâu anh lại mong muốn được nên giống ngài ở chỗ phục vụ người cùng khổ cho đến hơi thở cuối cùng. Thật kỳ lạ vì gia đình và bản thân anh đều là những Phật tử ngoan đạo. Anh chẳng biết gì về đạo Công Giáo và chưa hề tiếp xúc với những người Công Giáo bao giờ, thế mà Đức Cha Cassaigne lại trở thành thần tượng của anh. Sau khi trở thành bác sĩ, anh đã tìm đến phục vụ tại trại phong Di linh, rồi trại phong Bến Sắn.
Hai mươi năm sau ngày đọc bài báo trên, ngày 28.8.1993, bác sĩ Chung, 38 tuổi, đến gặp cha Hoàng Văn Đạt, Dòng Tên (nay là Giám mục giáo phận Bắc Ninh), để xin theo đạo Công giáo. Ngày 15.3.1994, tại Nhà Nguyện Trại Phong Bến Sắn, bác sĩ Chung được cha Vinh-sơn Nguyễn Thế Thuận, Cha Sở Bến Sắn, làm Lễ Rửa Tội cho anh.
Ngày 15.9.1994, bác sĩ Augustinô Nguyễn Viết Chung vào Nhà tập Dòng Lazariste. Ngày lễ Đức Mẹ Truyền Tin, 25.3.2003, Giáo Hội nhân danh Chúa Giê-su gọi anh lên Bàn Thờ để ban cho anh chức Linh Mục đời đời của Chúa Giê-su tại Nhà Thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài-gòn.
Mẹ của Cha Chung lúc đó đã bị lòa. Cha mẹ của Cha vẫn là các Phật tử tốt lành, họ có nhiều lúng túng khi các người Công giáo cung kính gọi họ là ông bà cố!?
Ngoài hai câu chuyện có thực trên về sức mạnh truyền giáo của Đức Mến diễn ra ngay trên quê hương Việt Nam thân yêu thì mọi người trên thế giới này cũng đều biết đến với lòng kính phục đối với Mẹ Têrêxa Calcutta, một nhà truyền giáo chủ yếu bằng đời sống và bằng việc làm hơn là bằng lời nói. Mẹ vẫn giảng được cho những người theo Ấn giáo và Hồi giáo, không phải bằng lời nói mà bằng đời sống và việc làm.
“Công việc truyền giáo phải để lộ cho thấy những gì cao đẹp nhất của Kitô giáo: một tâm hồn quảng đại sẵn sàng hy sinh mọi sự vì Thiên Chúa và vì nhân loại; đó là yêu mến theo mẫu gương Đức Giêsu.”
Chính Đức Mến đã làm cho một người không tin vào Đức Kitô vẫn thấy được nét linh thánh trong đạo qua đời sống của các tín hữu của Giáo hội sơ khai: Aristides, một người không phải Kitô hữu, đã bênh vực các Kitô hữu trước mặt hoàng đế Hadrian vào thế kỷ thứ II, như sau: “Kitô hữu yêu thương nhau. Họ không bao giờ từ chối giúp đỡ các quả phụ, họ cứu vớt những trẻ mồ côi khỏi người bạc đãi chúng. Nếu một người có chút gì, họ sẵn sàng đem cho người không có … Họ không coi nhau là anh em theo nghĩa thông thường, nhưng là anh em trong Thiên Chúa. Nếu họ nghe thấy một ai trong những người đó bị lao tù hoặc bị bách hại vì danh của Đấng cứu chuộc họ, tất cả đều cung cấp cho người đó những gì cần thiết … Đó quả là một kiểu mẫu người mới. Có một điều gì đó THẦN THIÊNG nơi họ”.
Nhưng … nếu Đức Mến là dấu hiệu mang sức mạnh truyền giáo thật lớn lao thì làm sao có thể nói cho hết được cái phản tác dụng đối với công việc truyền giáo của sự chia rẽ, bất hoà, sự phân biệt đối xử nơi những người Kitô hữu, nhất là nơi những nhà truyền giáo:
Một người Ấn độ hầu như được cả thế giới biết đến là ông Gandhi. Ông được dân Ấn độ yêu quí như một người cha già của dân tộc, và được họ gọi là Mahatma (thánh). Trong một cuốn sách tự thuật, ông đã cho biết là ông đã đọc Phúc âm, đã rất yêu mến Đức Kitô. Con đường “bất bạo động” ông đã dùng để đưa Ấn độ, một dân tộc có dân số hiện nay đã hơn một tỉ người, đến quyền độc lập tự do luôn phản ánh tinh thần Phúc âm của Đức Kitô, nhất là tinh thần của Tám Mối Phúc Thật mà Chúa đã dùng như bài giảng đầu tiên cho sứ vụ truyền giáo của Ngài. Ông theo tinh thần của Đức Kitô mà không trở nên một Kitô hữu chỉ vì ông đã bị cư xử như một “công dân hạng hai” của Nước Trời khi không được vào một thánh đường dành cho người da trắng: “Tôi tin Đức Kitô chứ không tin người Kitô hữu”. Nếu ông trở nên Kitô hữu thì có lẽ ông cũng sẽ là một “vua Constantinô”, hay một “vua Clovis” mới cho hàng tỉ người Ấn độ. Nhưng ông đã không trở nên Kitô hữu!
Đúng thế! Nếu Đức Mến có sức mạnh đưa một người chưa hề được nghe giảng đạo bước vào niềm tin vào Đức Kitô, và trở nên một linh mục trong Giáo hội, thì sự hận thù, ghét bỏ, và phân biệt đối xử v.v... lại là một chướng ngại hết sức lớn lao làm cho một người đã thấy được cái hay và cái đẹp của đạo, đã coi cái hay cái đẹp đó như kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình, mà vẫn đứng bên ngoài Giáo hội.
Cũng có những người lương dân sống giữa các xứ đạo đã lâu năm mà vẫn không theo đạo. Con cái họ khi lập gia đình với người Công giáo thì họ cho theo đạo cách dễ dàng; họ cũng thấy người có đạo thường là người tốt, nhưng chính họ vẫn không theo đạo. Tại sao thế? Một lý do đáng kể nhất vẫn là những gương xấu nghịch Đức Mến họ thấy trong cuộc sống của những người “có đạo”: họ vẫn còn thấy trong đạo có người gian lận, lừa gạt, giận hờn, ghét bỏ, thù oán, phân biệt đối xử, v.v... Họ không thấy người “có đạo” có gì là hay, là tốt hơn hẳn cuộc sống của họ, những người “không có đạo”. Thế cho nên nhiều người rao giảng và sống đạo tốt vẫn gặp phải nhiều khó khăn trong việc làm cho một người theo đạo khi người đó còn bị ngăn cản bởi những gương xấu, mà có thể chính họ đã có kinh nghiệm một cách trực tiếp hay gián tiếp, nhất là khi họ bị gây thương tổn bởi một người truyền giáo hay một người có chức quyền trong đạo.
“Nhân việc Hội thánh Việt Nam lấy năm Giáp thân 2004 làm Năm Truyền Giáo, người công giáo chúng ta cũng nên lưu tâm đến hành vi, cử chỉ, lời nói của mình giữa những người không phải là công giáo. Chúng ta truyền giáo không phải chỉ bằng lời rao giảng, nhưng nhất là bằng thái độ và đời sống, thái độ trọng kính người khác và đời sống phù hợp với những điều đạo dạy, được cụ thể hóa ra bên ngoài, bằng những hành động thiết thực hơn là chỉ đọc kinh cầu nguyện, tổ chức hành lễ, hành hương không thôi.” [1]
Lm. Vianney Trần Vũ Hoàng Chương
[1] LM. Anrê Đỗ Xuân Quế, Vietcatholic News, 04-01-2004