MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
Tại sao tôi mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội? Tôi mừng một đặc ân chỉ dành riêng cho một mình Mẹ chăng? Hay để tôi chúc mừng một trường hợp biệt lệ có một không hai Thiên Chúa đã làm nơi Mẹ? Hay để làm vui lòng Mẹ, và nhờ đó tôi sẽ được Mẹ thương ban cho nhiều ân huệ khác nữa? Lễ Mẹ Vô Nhiễm có liên quan gì tới tôi? Mục đích có phải chỉ là để khích lệ tôi sống trong sạch, thánh thiện hơn không?... Những câu hỏi tương tự như thể đã lởn vởn trong đầu tôi từ lâu lắm rồi, nhưng chỉ không tiện công khai nói ra thôi. Và thú thực, tôi vẫn né tránh đi tìm được một giải đáp thỏa đáng.
Thế nhưng âm thầm tôi vẫn tin rằng tín điều Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội phải là một điều gì liên quan rất chặt chẽ tới niềm tin của mình. Trong câu chào của Sứ thần: “Mừng vui lên, hỡi đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà!” tôi vẫn thấy có một cái gì đó chạm tới chính bản thân mình, và tới từng người một. Phải, Đức Maria đâu phải là người duy nhất đầy ân sủng, vì Thiên Chúa đã ban ân sủng cách sung mãn cho hết thảy mọi người. Đức Chúa đâu chỉ duy nhất ở cùng Đức Maria, vì ngài “ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
Trong thư gửi giáo đoàn Rô-ma, Thánh Phao-lô khảng định nhiều lần một tư tưởng rất căn bản: “Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã, mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là đức Giê-su Ki-tô, lại còn lớn lao hơn biết mấy. Quả vậy, những ai được Thiên Chúa ban ân sủng đồi dào và cho trở nên công chính, thì được sống và được thống trị” (Rm 5, 17, và toàn chương 5). Như vậy, giữa một bên là A-đam phạm tội để mọi người bị nhiễm tội tổ tông, và bên kia là đức Giê-su Ki-tô cứu chuộc để mọi người được trở nên công chính, ta phải làm nổi bật (highlight) bên nào? Theo Phao-lô thì vế thứ hai phải được nhấn mạnh hơn, vì nó “lớn lao hơn biết mấy”. Không những cần làm nổi bật Giê-su Cứu Chúa hơn là Tổ tông A-đam lỗi phạm, mà còn cần phải đề cao “ân sủng … còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người” hơn là trên “muôn người phải chết”. Thật vậy theo Phao-lô “Sự sa ngã của A-đam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa” (Rm 5, 15).
Dưới nhãn quan đó, tôi sẽ chiêm ngắm Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội như thế nào? Nếu chủ yếu nhìn lên Mẹ như một trường hợp được đặc ân miễn trừ khỏi vế thứ nhất ‘mọi người mắc tội nguyên tổ’, thì dù rất cao đẹp, những vẫn là rất đơn độc nghèo nàn, theo lối nhìn thuần nhân loại. Còn nếu dùng con mắt Tin Mừng nhận ra đây là trường hợp điển hình (prototype chứ không phải unique) của ‘muôn người được trở nên công chính nhờ ân sủng’, thì mới thật sự là khám phá ra được ‘cái lớn lao’ mà Phao-lô muốn nhắc nhở. Nếu tâm trí chỉ tập trung vào Maria như người nữ con cháu E-va, độc đáo vì không bị vướng mắc tội nguyên tổ, để rồi nhạt nhòa hình ảnh của một Giê-su - A-dam mới hoàn lại sự sống, sự công chính cho muôn người cách rất căn cơ và mạnh mẽ, thì đúng là ta chọn lấy cái yếu hơn cái mạnh, cái nhỏ mọn hơn cái lớn lao, cái tiểu tiết hơn cái tổng thể. Trong Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, tôi tìm thấy có cả hình ảnh một Maria Mad-da-la sám hối, một tên cướp bị án phạt đóng đinh kêu cầu được Chúa xót thương; có cả hình ảnh của tôi khi quì gối ăn năn sám hối, của hết thảy mọi người trong cuộc sống ngụp lặn nơi dương thế… và nói chung của toàn thể nhân loại tội lỗi. Vô Nhiễm Nguyên Tôi không mang một nội dung loại trừ (exclusive: chỉ Maria thôi chứ không một ai khác), mà phải mang tính bao hàm (inclusive: Maria và mọi tín hữu, trong đó có cả tôi nữa). Vô Nhiễm Nguyên Tôi phải nói được cho tôi rằng: ‘Mừng vui lên, hỡi người được đầy ân sủng, Đức Chúa xót thương và cứu độ luôn ở với bạn!’.
Mẹ Vô Nhiễm phải là ngày đại lễ của tôi và của mọi người! Chỉ vì Maria đã gắn kết bền chặt với một người duy nhất là Giê-su Ki-tô, đấng mà cả tôi và mọi Ki-tô hữu cùng được gắn kết qua phép thánh tẩy đã lãnh nhận. Vô Nhiễm làm cho mối kết dính này càng bền chặt hơn.
Lạy Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cho con được cùng Mẹ không ngừng cất lời ca tụng Đức Chúa xót thương và cứu độ như Mẹ đã từng cất lên trong bài Magnificat. Nếu trinh trong/vô nhiễm đối với Mẹ trước hết là không ngừng rộng mở cõi lòng đón lấy ân sủng hải hà của Thiên Chúa, thì xin cho con cũng được bắt chước Mẹ là không ngừng đón nhận lòng thương xót vô biên đó. Amen
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB.