Lời Chúa cntn 19b _ hy lễ tạ ơn

HY LỄ TẠ ƠN
Mỗi lần đi dự thánh lễ, ta hãy nhớ đây là công việc xứng hợp nhất, để ta cảm tạ Chúa.
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Chúa lập bí tích Thánh Thể với nhiều mục đích: Một trong những mục đích đó là chính Chúa biến thành của lễ vẹn tuyền để chúng ta dâng lên Chúa Cha, mà ngợi khen, cảm tạ Chúa Cha.
Bí Tích mình máu Chúa, ngay từ hồi giáo hội sơ khai, được gọi là Eucharistia (eucharistia do nguyên tự Hi Lạp eukharistia: cảm tạ, tạ ơn): Bí tích tạ ơn. Rồi để dễ nhớ, dễ hiểu ta mới gọi Bí Tích tạ ơn là Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích Mình Máu Thánh Chúa. Thánh lễ Misa, thánh lễ trong đó thực hiện bí tích thánh thể, ta thấy luôn luôn nhắc tới từ tạ ơn, cảm tạ. Trong phần quan trọng nhất của thánh lễ, phần truyền mình và máu thánh Chúa, ta thấy linh mục đọc: “Khi bị nộp và tự hiếu chịu khổ hình người cầm lấy bánh TẠ ƠN… cùng một thể thức ấy, vào cuối bữa ăn, người cầm lấy chén rượu, cũng TẠ ƠN.” Sau khi đã dâng mình máu Chúa lên, để chúng ta tôn thờ, linh mục lại đọc tiếp: “Vì thế, lậy Cha, giờ đây tưởng nhớ con Cha đã chịu chết, và sống lại, chúng con dâng lên Cha bánh trường sinh và chén cứu độ này để TẠ ƠN Cha….”
Nghe xong bài thánh thư, ta thưa: tạ ơn Chúa. Trước khi nghe tin mừng, ta nói: Lậy Cha vinh danh Chúa. Nghe xong bài tin mừng ta lại thưa: Lậy Chúa Kitô: ngợi khen Chúa. Kết thúc thánh lễ, ta cũng thưa: Tạ ơn Chúa.
Trong thánh lễ, trước phần lễ quy (ta quen gọi là phần truyền phép), linh mục có đọc bài kinh ca tụng Chúa gọi là kinh tiền tụng. Mở đầu bản kinh này, linh mục chào các tín hữu: “Chúa ở cùng anh chị em,” rồi linh mục nói: “Hãy nâng tâm hồn lên”, Chúng ta thưa: “Chúng con đang hướng về Chúa.” – Hướng về Chúa để làm gì? Linh mục giải thích: “Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta.” Chúng ta thưa: “Thật là chính đáng.” Chưa đủ. Linh mục lại giải thích thêm: “Lậy Cha chí thánh là Thiên Chúa toàn năng hằng hữu chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo, và sinh ơn cứu độ cho chúng con …”
Ta tự hỏi: “Tại sao lại phải tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc, khi nào Chúa ban ơn thì ta tạ ơn Chúa, chứ cần gì phải tạ ơn Chúa mọi nơi, mọi lúc?” – Thực ra, chúng ta phải tạ ơn Chúa mọi nơi, mọi lúc, là vì mọi nơi mọi lúc, ta đang hưởng ơn huệ Chúa ban. Giả như bây giờ, một người chúng ta bị ngã xuống giếng sâu, sắp bị chết ngộp, người đó mới nhận ra, khí trời đang thở thật là cần thiết và quan trọng .
Nhưng chúng ta đang thở khí trời, thì đâu ra có chịu nghĩ khí trời là hồng ân Chúa ban cho ta.
Rikenbaker và mấy người bạn bị rớt máy bay, lênh đênh trên chiếc phao giữa Thái Bình Dương, dòng dã 17 đêm ngày, đồ ăn thì có, nhưng nước uống lại thiếu. Khi tất cả sắp chết khát, vì không còn giọt nước nào, thì được tầu đến cấp cứu. Về tới đất liền, người ta có phỏng vấn Rikenbaker cảm tưởng ông ra sau khi ông sắp chết khát, giữa trùng dương mênh mông nước mặn. Rikenbaker trả lời ngay: “Tôi nghĩ là nếu tôi được cứu thoát, trở về nhà, mỗi ngày tôi có nước lã để uống, thì đã là hạnh phúc rồi, không còn lý do gì để kêu ca, phàn nàn nữa.” Cho dù cuộc đời ta tới nay, toàn thấy rủi ro, không may mắn, không hạnh phúc, thì cũng phải nghĩ ngay tới sự sống ta đang hưởng trong giây phút này. Giả như trong giây phút này, Chúa hiện ra với mỗi người chúng ta, và hỏi ta còn muốn sống hay muốn chết, thì, nếu không phải là tất cả, chắc chắn hầu hết chúng ta sẽ trả lời với Chúa là chúng ta còn muốn sống; ta sẽ viện lý do nọ, lý do kia để biện bạch ý muốn của ta: như để có dịp ăn năn đền tội, để có dịp lập công phúc, để lo lắng cho con cái, hoặc là lo cho cha mẹ già yếu v.v. Vậy ngay lúc này Chúa cho ta đang sống, sao ta không cảm tạ Chúa?
Để thêm rõ sự sống quý đến mức độ nào, Lã Phụng Tiên đã sáng tác bài dụ ngôn: “GÃ TIỀU PHU VÀ TỬ THẦN” Một bác tiều phu vào rừng đốn củi, rồi lom khom, mệt nhọc vác bó củi về nhà. Dọc đường, bác bỏ củi xuống, ngồi nghỉ, miên man hồi tưởng lại dĩ vãng. Từ nhỏ tới già, cuộc đời bác hoàn toàn là đau khổ: nào là nghèo đói, bệnh tật, nào là cảnh sống thấp hèn, dốt nát, nào là tuổi già cô đơn, tất tưởi… Rồi nổi hưng lên, bác mong cuộc đời bác chóng chấm dứt. Bác kêu lớn: “Ôi Tử Thần ôi, xin mau đến.” Bỗng Tử Thần xuất hiện trước mặt. Tử Thần hỏi: “Nhà ngươi gọi ta, ta đến đây, nhà ngươi muốn gì ?” Nghĩ đến những bất hạnh, thì không muốn sống, nhưng khi sự chết gần kề, thì con người cảm thấy được sống là hạnh phúc lớn lao, sống vẫn hơn là chết. Bác tiêu phu nói với Tử Thần: “Tôi kêu Ngài tới để xin Ngài giúp tay chất bỏ củi lên vai tôi, và cho tôi về nhà bình an.”
Chúng ta có thể thắc mắc: “Cảm tạ Chúa, ta có thêm gì cho Chúa không?”
Chính Giáo Hội đã trả lời câu hỏi này trong kinh tiền tụng chung thứ IV: Thật ra Cha không cần chúng con ca tụng, nhưng được tạ ơn Cha là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Cha, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời…
Đó là một chân lý đặc biệt của đạo: được tạ ơn Chúa là một hồng ân cao cả, Chúa muốn ta cảm tạ Chúa, để Chúa lại ban ơn cho ta, nhất là ơn cứu độ muôn đời, nói cho dễ hiểu :muốn được cứu rỗi, muốn được hưởng hạnh phúc đời đời, ta phải nghĩ tới việc tạ ơn Chúa. Trong gia đình, đứa con hiếu thảo với cha mẹ, biết ơn cha mẹ, bao giờ cũng làm cha mẹ vui lòng, và cha mẹ càng dễ dang cho nhiều ơn khác.
Đạo chúng ta dậy phải luôn luôn nghĩ tới ơn Chúa, chính là dậy chúng ta một bí quyết sống hạnh phúc. Muốn sống hạnh phúc, hãy nghĩ tới cái mình đang có, mình đang hưởng, hãy nghĩ tới những ơn huệ, những may mắn mình đang được. Còn nếu chúng ta muốn sống bi quan, đau khổ, ta chỉ cần nghĩ tới những mất mát, những cái không có, những cái không được.
Khi còn nhỏ tôi có học thuộc lòng một bài thơ, trong cuốn văn phạm pháp văn, và tôi vẫn luôn luôn nhớ bài thơ này, vì bài thơ chứa một bài học thật hay.
Tác giả bài thơ có thuật lại, một buổi nọ, giờ tan học, tác giả ra cổng trường, gặp một em nhỏ đang khóc xướt mướt.
Tôi hỏi (lời tác giả): “Tại sao em khóc?”
Em mếu máo thưa: “Sáng nay, má cho một đồng bạc, mà em đánh mất rồi.”
Động lòng thương, tôi móc túi lấy một đồng đưa cho em và bảo: “Đây đền cho em.”
Em nhỏ câm lấy đồng bạc, nhoẻn miệng cười, vui mừng như tìm lại được cả kho tàng lớn lao. Nhưng rồi, chỉ vài phút sau, tôi lại thấy em òa lên khóc. Tôi hỏi: “Đã được một đồng rồi, sao lại còn khóc?”
Em bé lại mếu máo trả lời: “Nếu sáng nay em không đánh mất một đồng, thì bây giờ em đã có hai đồng rồi!”
Thật là câu truyện trẻ con, nhưng người lớn chúng ta cũng thường cư xử như thế.
Hạnh phúc cho chúng ta, nếu suốt đời, chúng ta biết nghĩ tới những hồng ơn Chúa ban cho ta, mà luôn luôn dâng lên Chúa lời cảm tạ, nhất là mỗi lần đi dự thánh lễ, ta hãy nhớ đây là công việc xứng hợp nhất, để ta cảm tạ Chúa.
Đề tựa của Lm. HK