THỨ SÁU SAU CHÚA NHẬT 1
MÙA CHAY
BÀI ĐỌC: Ed 18, 21-28
21 Đức Chúa Thiên Chúa
phán thế này: “Nếu kẻ gian ác từ bỏ mọi tội lỗi mình đã phạm mà tuân giữ mọi
quy tắc của Ta, cùng thi hành điều chính trực công minh, thì chắc chắn nó sẽ
sống, nó không phải chết. 22 Mọi tội phản nghịch nó phạm, người ta
sẽ không còn nhớ đến; nó sẽ được sống vì đã thi hành lẽ công minh. 23
Chẳng lẽ Ta lại vui thích vì kẻ gian ác phải chết - sấm ngôn của Đức Chúa là
Chúa Thượng - Ta lại không muốn cho nó từ bỏ đường lối của nó mà được sống sao?
24 Nhưng nếu người công
chính từ bỏ lẽ công chính của mình mà theo đòi kẻ gian ác làm mọi điều ghê tởm:
nó làm thế mà được sống sao? Tất cả những việc công chính nó đã làm sẽ không
còn được nhắc đến; vì tội bất trung và tội lỗi nó đã phạm, nó sẽ phải chết. 25
Các ngươi lại nói: "Đường lối của Chúa Thượng không ngay thẳng.” Vậy hỡi
nhà Ít-ra-en, hãy nghe đây: Phải chăng đường lối của Ta không ngay thẳng hay
đường lối của các ngươi mới không ngay thẳng?26 Khi người công chính
từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính mà chết, thì chính vì điều
bất chính nó đã làm mà nó phải chết. 27 Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ
điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được
mạng sống mình. 28 Nó đã thấy và từ bỏ mọi tội phản nghịch nó phạm, thì
chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết”.
ĐÁP CA: Tv 129
Đ. Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có
ai đứng vững được chăng? (c 3)
1 Từ vực thẳm, con kêu
lên Ngài, lạy Chúa, 2 muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con. Dám
xin Ngài lắng tai để ý nghe lời con tha thiết nguyện cầu.
3 Ôi lạy Chúa, nếu như
Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? 4 Nhưng Chúa vẫn rộng
lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài.
5 Mong đợi Chúa, tôi hết
lòng mong đợi, cậy trông ở lời Người. 6a Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn
lính canh mong đợi hừng đông.
6b Hơn lính canh mong đợi hừng đông, 7 trông cậy Chúa
đi, Ít-ra-en hỡi, bởi Chúa luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan
chứa. 8 Chính Người sẽ cứu chuộc Ít-ra-en cho thoát khỏi tội khiên
muôn vàn.
TUNG HÔ TIN MỪNG: Ed 18, 31
Đức Chúa
phán: Hãy quẳng khỏi các ngươi mọi tội phản nghịch các ngươi đã phạm. Hãy tạo
cho mình một trái tim mới và một thần khí mới.
TIN MỪNG: Mt 5, 20-26
20 Một hôm, Đức Giê-su nói
với các môn đệ rằng: "Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công
chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
21 "Anh em đã nghe
Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà.
22 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng
bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng
Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục
thiêu đốt. 23 Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực
nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, 24 thì hãy để
của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại
dâng lễ vật của mình. 25 Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi
còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan
toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. 26
Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu
cuối cùng”.
TA ĐƯỢC HÒA GIẢI NHỜ HY TẾ CỦA CHÚA KITÔ
Đức Giêsu
khẳng định: “Ai muốn vào Nước Trời, phải công chính hơn Ký lục và Biệt phái”
(x Mt 5, 20: Tin Mừng).
Dựa vào Tin
Mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy ta ba điều phải sống Đạo hơn Ký lục và Biệt phái:
1/ TA PHẢI
CÔNG CHÍNH HƠN KÝ LỤC VÀ BIỆT PHÁI.
Các Ký lục
và Biệt phái là loại người tự mãn, vì họ rất thông suốt Luật Môsê, nên tự tin
mình là người công chính, lên mặt khinh dể người khác (x Lc 18, 9t).
Nhưng chúng
ta phải xác tín như ông Phaolô cũng là một Biệt phái, khi đã trở lại tin theo
Chúa Giêsu, ông nói: “Không có sự công chính ngoài Chúa Kitô Giêsu,
vì công chính do lòng tin vào Chúa Kitô Giêsu chứ không do việc làm dựa trên
Luật dạy” (Gl 2, 16). Tin vào Chúa Giêsu để được công chính thì phải
thể hiện bằng năm việc làm sau (x Gc 2, 17. 22):
a- Ta phải sám hối tội mình xin Chúa xót thương để
được theo Ngài (x Lc 18, 13-14; Lc 23, 40-43).
b- Tin vào Đức Giêsu là
Thầy dạy duy nhất, nên chỉ nghe và thực
hành Lời Ngài dạy mà thôi (x Mt 23, 10).
c- Để trở thành môn đệ của
Đức Giêsu, ta phải lãnh Bí tích Thánh
Tẩy để gia nhập Hội Thánh (x Ga 3, 5; Mc 16, 16; Mt 28, 19-20).
d- Ta cần được rước Lễ
chính là ăn Chúa Giêsu Phục Sinh (x
Ga 6, 32t).
e- Ta phải làm gương sáng bằng các việc lành để quy hướng
đồng loại về cho Chúa Giêsu (x Mt 5, 13-16; Rm 15, 16).
Năm điều trên
đây Luật sĩ và Biệt phái quyết liệt từ chối, thì làm sao họ được công chính
trước mặt Chúa.
2/ DIỆT
NGUYÊN NHÂN GÂY RA TỘI.
Các Luật sĩ
và Biệt phái dạy rằng: “Kẻ giết người vì tư thù (Hy-ngữ là Râsah) chứ
không phải giết người vì chiến tranh (Hy-ngữ là Hârag), thì bị can án” (Mt
5, 21: Tin Mừng).
Đức Giêsu
đòi ta phải giữ Luật Môsê hơn Biệt phái dạy, nghĩa là không được giết người vì
tư thù (x Xh 20, 13; Lv 24, 17), nhưng còn phải diệt nguyên nhân đưa đến giết
người. Ngài nói: “Các ngươi không được tức giận ai, không được mắng ai là khùng là ngốc”
(Mt 5, 22: Tin Mừng). Thế mà những người giữ Luật Môsê lại dám kết án Đức Giêsu
là khùng điên! (x Mc 3, 21); là kẻ lạc đạo như bọn Samari (x Ga 8, 48); là
tướng quỷ (x Lc 11, 15). Đó là nguyên nhân chúng giết Đức Giêsu.
3/ KHÔNG
DÂNG LỄ “HỀ” NHƯ LUẬT SĨ VÀ BIỆT PHÁI.
Các Luật sĩ
và Biệt phái cậy dựa vào việc dâng lễ: giết chiên, cừu, bò, lừa, dâng cho Chúa
theo Luật Môsê dạy, tưởng thế là đẹp lòng Chúa. Trong khi đó họ lại giết Con
Thiên Chúa! Tin Mừng Gioan cho biết: lúc người Do Thái giết chiên ở Đền Thờ vào
12 giờ trưa để dâng cho Chúa, thì cũng chính vào giờ ấy nơi tòa án Roma, họ đòi
Philatô ra lệnh giết Đức Giêsu (x Ga 19, 12-16), chỉ vì họ bất hòa với Ngài (x
Mt 5, 23: Tin Mừng).
Bởi thế Đức
Giêsu đòi ta sống Đạo phải hơn Luật sĩ và Biệt phái, Ngài dạy: “Hãy
để của lễ nơi bàn thờ mà đi làm hòa với người anh em, rồi mới đến dâng Lễ”
(Mt 5, 24: Tin Mừng). Tức là ta phải hiệp dâng Lễ với Chúa Giêsu: khi Ngài bị
treo trên thập giá, Ngài đã làm hòa cùng
kẻ giết Ngài với Chúa Cha: “Lạy
Cha, xin tha thứ cho chúng vì chúng lầm không biết việc chúng làm” (Lc
23, 34). Vì thế, lúc ta dâng Lễ, ta phải “cầu nguyện cho kẻ hại mình, để ta nên giống
Con Cha trên trời, Đấng làm cho mặt trời mọc lên trên kẻ dữ cũng như người lành,
và làm mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương” (Mt 5, 43-45).
Chúng ta
phải sống ba điều trên đây cách thường
xuyên trong từng giây phút hiện tại, mới hơn cách sống của Luật sĩ và Biệt
phái. Thực vậy, Chúa dùng miệng ngôn sứ Êzêkiel nói cho mọi người biết rõ về sự
xét xử của Ngài: “Nếu kẻ ác hôm nay, lúc
này, phút hiện tại bỏ lối sống gian ác mà thực hành công chính, thì nó được
sống, vì nó đã được Chúa tha thứ tội lỗi; trái lại người công chính hôm nay, lúc
này, phút hiện tại lại bỏ đời sống công chính mà theo lối sống gian ác, nó phải
chết, và Chúa không nhớ đến công đức của nó đã làm” (Ed 18, 21-28: Bài đọc)
Thế nên ngay
bây giờ, chứ không ngày mai, ta phải thực hành ngay Lời Chúa phán: “Hãy quẳng khỏi các ngươi mọi tội phản nghịch
các ngươi đã phạm. Hãy tạo cho mình một trái tim mới và một thần khí mới”
(Ed 18, 31: Tung Hô Tin Mừng).
Vậy “ngày hôm nay, nếu các bạn nghe tiếng Chúa, thì
đừng cứng lòng nữa” (x Tv 95/94, 7-8), đó là lời Thánh vịnh giáo đầu chúng
ta vẫn đọc trong giờ Kinh Phụng Vụ ban Sáng. Nghe tiếng Chúa hôm nay, cụ thể là
mau mắn, sốt sắng hiệp dâng Thánh Lễ với Hội Thánh, trong Thánh Lễ, Chúa muốn ai
cũng phải xin được ơn tha tội cho mình, vì đã nhiều lần ta sống giả hình như
Luật sĩ và Biệt phái, đồng thời xin Chúa tha thứ cho kẻ đã xúc phạm đến ta. Vì
“ôi lạy chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào
có ai đứng vững được chăng?” (Tv 130/129, 3: Đáp ca). Có thế ta mới được
hưởng hiệu quả Hy Tế Thập Giá của Đức Giêsu, như lời thánh Gioan nói: “Ta được lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác”
(Ga 1, 16).
Bà B, người
Công Giáo, sáng nào trước khi gánh xôi đi bán, bà cũng ra giếng trước nhà giặt
một thau quần áo và phơi lên dây ở gần đó. Lát sau có bà C, ngoại giáo, nhà sát
bên cạnh bà B, sáng sáng cũng đem quần áo giặt nhờ giếng của bà B. Một ngày nọ,
sau khi giặt xong, bà ngẩng lên thấy dây phơi đã đầy kín quần áo, bà liền đưa
tay kéo hết quần áo đang phơi còn nhỏ nước về một bên, rồi phơi quần áo nhà bà lên!
Vừa lúc ấy, bà
B từ trong nhà đi ra, thấy thế liền chửi bà C kia thậm tệ! Bà hàng xóm cũng đanh
đá không kém, bà dùng những lời lẽ chẳng hay ho gì để đấu khẩu với đối phương!
Bà B tức quá xông đến giật tất cả quần áo của bà C xé ra! Bà con lối xóm thấy
thế chạy đến cản ngăn…!
Ít ngày sau
đó, bà B đi dự lễ Chúa nhật, khi nghe cha đọc bài Phúc Âm: “Khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà
sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại
đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình”
(Mt 5, 23-24). Bà cảm thấy hối hận vì hành vi của mình hôm trước, bà liền ra
khỏi Nhà Thờ và đi một mạch tới chợ mua một số bộ quần áo đưa đến nhà bà ngoại
giáo ôn tồn nói:
-
Chị à, tôi thật lòng xin
lỗi chị, mấy hôm trước vì quá nóng nên tôi đã nói những lời không hay với chị, nhất
là tôi đã xé quần áo của các cháu, bây giờ tôi xin chị tha thứ và nhận số quần
áo này cho các cháu mặc đỡ!
Trước cử chỉ
đó, bà C đứng sững người ra, nước mắt rưng rưng, bà không dám nhận số quần áo
đó, nhưng bà B cứ nài ép mãi bà mới chịu nhận. Thế rồi cả hai bà ôm nhau khóc!
Từ ngày ấy
về sau, hai gia đình trở nên thân thiết, có gì cũng chia sẻ cho nhau. Hai bà sống
như thế đã diễn tả lời thánh Phaolô dạy: “Kẻ
thù ngươi đói, hãy cho nó ăn; nó khát, hãy cho nó uống. Làm thế, như ngươi đã
chất than hồng trên đầu nó. Chớ để dữ thắng được ngươi, nhưng hãy lấy lành mà
thắng dữ!” (Rm 12, 20-21).
Chẳng bao
lâu sau, gia đình bà C xin theo đạo Công Giáo, tình nghĩa xóm làng càng thêm
thắm thiết đậm đà!
THUỘC LÒNG.
Kẻ thù ngươi đói, hãy cho nó ăn; nó khát, hãy cho nó uống. Làm
thế, như ngươi đã chất than hồng trên đầu nó. Chớ để dữ thắng được ngươi, nhưng
hãy lấy lành mà thắng dữ! (Rm 12, 20-21).
Lm GIUSE ĐINH QUANG
THỊNH
THỨ NĂM SAU CHÚA NHẬT 2
MÙA CHAY
Gr
17, 5-10; Lc 16, 19-31
BÀI ĐỌC: Gr 17, 5-10
5 Đức Chúa phán như sau:
Đáng nguyền rủa thay kẻ tin ở người đời, lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa, và
lòng dạ xa rời Đức Chúa! 6 Người đó sẽ như bụi cây trong hoang địa
chẳng được thấy hạnh phúc bao giờ, hạnh phúc có đến cũng chẳng nhìn ra, nhưng
sẽ ở mãi nơi đồng khô cỏ cháy, trong vùng đất mặn không một bóng người. 7
Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa , và có Đức Chúa làm chỗ nương thân. 8
Người ấy như cây trồng bên dòng nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng
có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng
chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh hoa trái. 9 Không gì nham hiểm
và bất trị như lòng người, ai dò thấu được?10 Ta là Đức Chúa, Ta dò
xét lòng người, thử thách mọi tâm can. Ta sẽ thưởng phạt ai nấy tuỳ theo cách
nó sống và việc nó làm.
ĐÁP CA: Tv 1
Đ. Phúc thay người đặt tin tưởng nơi Chúa. (Tv
39, 5a)
1 Phúc thay người chẳng
nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn
với phường ngạo mạn kiêu căng, 2 nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm
đi nhẩm lại suốt đêm ngày.
3 Người ấy tựa cây trồng
bên dòng nước, cứ đúng mùa là hoa quả trổ sinh, cành lá chẳng khi nào tàn tạ. Người
như thế làm chi cũng sẽ thành.
4 Ác nhân đâu được vậy:
chúng khác nào vỏ trấu gió thổi bay. 6 Vì Chúa hằng che chở nẻo
đường người công chính, còn đường lối ác nhân đưa tới chỗ diệt vong.
TUNG HÔ TIN MỪNG: x Lc 8, 15
Hạnh phúc
thay người thành tâm thiện chí, hằng ấp ủ Lời Chúa trong lòng, nhờ kiên nhẫn mà
sinh hoa kết quả.
TIN MỪNG: Lc 16, 19-31
19 Khi ấy, Đức Giê-su nói
với người Pha-ri-sêu dụ ngôn sau đây: "Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn
lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. 20 Lại có một người
nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, 21
thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy
con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. 22 Thế rồi người nghèo này chết,
và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người
ta đem chôn.
23 "Dưới âm phủ, đang
khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và
thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. 24 Bấy giờ ông ta kêu lên:
"Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu
ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ
lắm!25 Ông Áp-ra-ham đáp: "Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con
đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất
hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. 26
Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này
muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng
không được.
27 "Ông nhà giàu nói:
"Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, 28
vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại
cũng sa vào chốn cực hình này!29 Ông Áp-ra-ham đáp: "Chúng đã
có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó. 30 Ông nhà
giàu nói: "Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có
người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối. 31 Ông
Áp-ra-ham đáp: "Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người
chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.”
THỰC TẠI ĐỜI NÀY CỨU TA
HAY THIÊN CHÚA?
Lời Chúa hôm nay soi
sáng ta cần phải tránh những ngộ nhận:
·
Không phải ai giàu có là bị Chúa kết án.
·
Không phải ai được ăn sung mặc sướng là mắc tội.
·
Đây không phải là định luật bù trừ: Đời này khổ là tất yếu đời
sau sướng và ngược lại. Vì có khi khổ đời này là dấu khổ muôn đời; hoặc đời này
sung sướng có khi lại là dấu hạnh phúc đời sau!
·
Lời Chúa hôm nay cũng kết án kẻ giàu có bởi cách thu vén bất
lương.
Giáo huấn Lời Chúa qua các Bài đọc hôm nay chỉ nhằm so sánh hai
loại người:
-
Những kẻ chỉ trông cậy vào thực tại đời này làm thỏa mãn nhu cầu
thân xác sẽ phải khổ muôn đời.
-
Người đặt niềm tin nương tựa nơi Chúa sẽ được sống hạnh phúc
vĩnh cửu.
I. NHỮNG
KẺ CHỈ TRÔNG CẬY VÀO THỰC TẠI ĐỜI NÀY LÀM THỎA MÃN NHU CẦU THÂN XÁC SẼ PHẢI KHÔ
MUÔN ĐỜI.
Qua miệng
ngôn sứ Giêrêmia, Chúa nói: “Đáng nguyền
rủa thay kẻ tin ở người đời, lấy sức phàm nhân làm nơi nương tựa, và lòng dạ xa
rời Đức Chúa! Người đó sẽ như bụi cây trong hoang địa chẳng được thấy hạnh phúc
bao giờ, hạnh phúc có đến cũng chẳng nhìn ra, nhưng sẽ ở mãi nơi đồng khô cỏ
cháy, trong vùng đất mặn không một bóng người” (Gr 17, 5-6: Bài đọc).
Ai tin tưởng
nơi người đời, lấy ý phàm nhân dựa vào tiền của làm nơi nương tựa, nó sẽ trở
nên ngu đần và gây ra tội ác:
-
Tôn thờ cái bụng thay Thiên Chúa.
-
Dùng của vô ý thức, gây đau khổ thêm cho người nghèo.
-
Chỉ lo đến cái tôi.
-
Tìm cách kết án Chúa để chạy tội.
1/ Tôn thờ cái bụng thay Thiên
Chúa.
Đây là loại phú hộ “ngày
ngày ăn mặc gấm vóc, yến tiệc linh đình” (Lc 16, 19b: Tin Mừng). Đúng là nó
đã “lấy cái bụng làm chúa, vinh quang đặt
nơi điều đáng phải xấu hổ” (Pl 3, 19).
Kẻ chỉ cậy dựa vào tiền của để hưởng thụ thì lên mặt khinh kẻ
nghèo, trọng người giàu. Cụ thể:“Có người đi vào đoàn hội, tiệc tùng, vàng
bạc châu báu vấn đầy cổ, vòng đeo tai, lắc vàng xếp hàng nơi cổ tay, y phục
bảnh bao, lại có người nghèo cùng đi vào, y phục lem luốc. Người ta chỉ trố mắt
nhìn người giàu mà nói: “Xin mời ngài lên an tọa chỗ danh dự này”, còn người
nghèo, người ta chỉ: “Hãy đứng đó, kia”, hay “hãy ngồi dưới bệ chân người ta, thì anh em đã chẳng tỏ ra kỳ thị và trở
thành những thẩm phán đầy tà tâm đó sao?”
(Gc. 2, 2-4).
2/ Kẻ dùng
tiền của vô ý thức, tăng thêm đau khổ cho người nghèo.
Anh Ladarô nghèo khổ vì tam cùng:
-
Bần cùng: Nghèo của, nghèo tình, không
ai cho một viên thuốc, chịu để lở loét khắp mình, cũng không một ai thí cho mẩu
bánh thừa ăn đỡ đói.
-
Khốn cùng: Con chó thỉnh thoảng
đến liếm ung nhọt trên thân thể anh: bạn tâm giao của anh chỉ có vài con chó
hoang (Lc 16, 20. 21b: Tin Mừng); người Do Thái coi dân ngoại như loài chó, đáng
bị khinh dể (x Mt 15, 21-27), như thế anh Ladarô thấy “người ngoại” còn biết tỏ
lòng thương giúp: “Chó đến liếm máu mủ của anh”. Trong khi đó người có Đạo giàu
của như ông phú hộ lại không thèm ngó ngàng tới anh, bánh thừa vất xuống đất, không
vất cho anh.
-
Cùng đinh: Bị người ta vất bỏ
trước cổng nhà giàu, không có thân nhân đưa về nhà. Anh cảm thấy tủi nhục, xem
ra như Thiên Chúa cũng dồn anh vào tam cùng: “Chốn tử vong Chúa đặt con vào, quanh con bầy chó đã bao chặt rồi”
(Tv 22/21, 16-17).
Ngôn sứ Amos khiển trách kẻ giàu đối với người nghèo: “Giàu nằm trên giường ngà, y phục bảnh bao, dầu
thơm nặc mùi, yến tiệc đầy cao lương, rượu nồng hảo hạng, ca hát inh ỏi suốt
ngày đêm, nhưng chẳng quan tâm đến đồng loại mình đang đau khổ” (Am 6, 4-5).
Đức Giêsu mô tả kẻ nghèo thê thảm hơn: Chỉ ước được ăn mẩu bánh từ bàn ông phú
hộ vất xuống. Đó là những miếng bánh người giàu dùng để lau chén đĩa, lau tay
thay vì dùng khăn! Làm như thế để tỏ ra mình thuộc hạng quý tộc! Cho nên “phần
lớn nỗi thống khổ của người nghèo, là do họ nhìn thấy người giàu dùng của phung
phí vô ý thức”. Thực vậy, có những người nghèo, ta biết y phục của họ
may ráp nối từng mảnh, kiếm ăn bữa no bữa đói, lúc lâm bịnh, cỏ cây hoang dùng
làm thuốc, nhà ở chui rúc như hang chuột, lại sống bên cạnh nhà trọc phú, thấy
người giàu rửa tiền vào những chuyện vô bổ, chỉ nội trong một ngày đi chơi, họ
tiêu số tiền hơn lương trả cho một ôsin còng lưng phục vụ chủ suốt cả năm; hoặc
người nghèo nhìn thấy người giàu đốt từng bao thuốc đắt tiền, trị giá bằng cả
tháng lương của họ; có khi người nghèo nhìn thấy khẩu phần của con chó nhà giàu,
mà ước được ăn như nó cũng chẳng ai cho!
Những kẻ xài tiền của vô ý thức như thế, thánh Giacôbê nguyền
rủa: “Giờ đây, hỡi những kẻ giàu có, các
người hãy than van rên rỉ về những tai hoạ sắp đổ xuống trên đầu các người. Tài
sản của các người đã hư nát, quần áo của các người đã bị mối ăn. Vàng bạc của
các người đã bị rỉ sét; và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các người; nó
sẽ như lửa thiêu huỷ xác thịt các người. Các người đã lo tích trữ trong những
ngày sau hết này” (Gc 5, 1-3).
Kẻ dùng tiền vô ý thức đã tự đào vực thẳm sâu rộng ngăn cách
giữa giàu và nghèo, người giàu vào lúc lâm nguy mới kêu cầu thần thánh cứu giúp,
cụ thể như tên phú hộ khi bị dìm sâu trong Hỏa ngục, hắn van xin tổ phụ Abraham
sai Ladarô nghèo khổ đang ở trên Thiên Đàng, nhỏ cho hắn một giọt nước để làm
dịu lưỡi, vì lửa Hỏa ngục quá nóng, nhưng bị tổ phụ Abraham khước từ: “Con ơi, hãy nhớ lại suốt đời của con, con đã
nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt đời chịu toàn những bất hạnh. Bây
giờ Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khổ. Hơn nữa, giữa chúng
ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn,
đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không thể được, mà bên đó có qua bên
chúng ta đây cũng không được” (Lc 16, 25-26: Tin Mừng).
3/ Kẻ chỉ
lo đến cái tôi.
Tên
phú hộ lúc sống chỉ biết làm vui thỏa cái TÔI trong yến tiệc linh đình … Chính
vì cái TÔI to phình ấy, nên bị quăng tùm xuống đáy Hỏa ngục, trong lò lửa ác
nghiệt hắn vẫn không biết thương xót ai, lửa không làm teo cái TÔI của hắn, mà
dường như còn phình to hơn, như lời hắn kêu van: “Lạy cha Abraham, xin
thương xót TÔI , và sai Ladarô nhúng một chút nước vào đầu ngón tay mà nhỏ vào
lưỡi TÔI, vì TÔI đang quằn quại trong ngọn lửa này” (Lc. 16, 24: Tin Mừng).
Trong Hỏa ngục thiếu gì người khổ quanh hắn, thế mà hắn chỉ xin
MỘT giọt nước nhỏ trúng tọa độ lưỡi TÔI mà thôi! Sao hắn không xin mấy thùng
nước tạt xuống khắp Hỏa ngục, ít là mỗi người cũng đuợc một chút nước làm dịu
mát!? Hắn xin một giọt nước không ai cho, hắn lại “xin tổ phụ Abraham sai Ladarô về răn dạy năm anh em TÔI, để chúng đừng
bắt chước sống như TÔI mà phải khổ” (Lc 16, 27-28: Tin Mừng). Như thế hắn
vẫn dừng lại cái TÔI nơi năm anh em, sao hắn không xin Ladarô về báo tin cho
tất cả mọi người giàu trên thế gian biết cách dùng tiền của đúng ý Chúa? Cái
TÔI nó là bản năng con người xuất hiện ngay khi còn trong bụng mẹ. Điều này đã
được minh chứng trong truyện bà Rêbêcca (x St. 25, 19-27), và truyện bà Thamar
(x St. 38, 27-30). Cả hai bà này đều mang thai đôi, hai đứa con đánh nhau trong
bụng, đứa nào cũng đòi tranh ra trước, vì làm anh được hưởng 2/3 gia tài của
cha mẹ (x Dnl 21, 17). Các bà quá đau vì chúng đánh nhau trong bụng, nên đã dặn
cô đỡ: “Cháu nào ra trước, xin cô lấy chỉ đỏ buộc vào tay cháu, kẻo hai đứa
sinh cùng khuôn, rất khó phân biệt đứa nào là anh, đứa nào là em!” Một đứa nghe thế liền thò tay ra khỏi cửa
mình mẹ, để được buộc chỉ đỏ, đứa kia tức khí đạp cho đối phương một phát, vì
bị đạp đau, nó thụt tay vào, đứa kia chui vọt ra!
Bởi thế, vua thánh Đavid nói: ‘Từ trong thai mẫu, tôi đã là
kẻ bất chính, ngày mới sinh, tôi đã mắc tội rồi!” (Tv 51/50, 7)
Có đôi vợ chồng kia bất hòa với nhau
đòi chia gia tài. Chồng nghĩ rằng mọi đồ dùng trong nhà đều do tiền mình làm ra
mua sắm, nên anh nắm chắc mình phải được phần nhiều hơn. Trong khi đó vợ lại
nghĩ của chồng công vợ, mình không cần kiệm gìn giữ thì nhà chẳng có gì, cho
nên mình phải được chia nhiều hơn chồng. Do đó, chị nói với chồng:
-
Đồ gì trong nhà là CÁI,
thuộc phái nữ, đó là của tôi. Và chị bắt đầu đếm: cái tủ, cái giường, cái tivi,
cái xe, cái nhà…
Chồng nghe thế, thì trong nhà này
chẳng còn vật gì là của anh, anh vội đứng lên chụp con dao rựa dùng chặt cây, và
quát:
-
Mẹ mày, ĐỰC rựa đây!
4/ Kẻ giàu
tìm cách kết án Chúa để chạy tội.
Tên phú hộ xin tổ phụ Abraham cho Ladarô hiện về răn dạy năm anh
em hắn, không phải vì hắn có lòng thương muốn cứu anh em, nhưng đó chính là mánh lới hắn muốn tìm cách chạy tội, nếu
tổ phụ Abraham nhận lời đề nghị này của hắn, chắc chắn hắn có cớ quy tội cho
Chúa: Tôi nay bị khổ dưới Hỏa ngục là do lỗi của Chúa đã không cho người chết
hiện về báo cho tôi, Ngài đã không làm mọi cách để giáo dục người ta. Tôi đây
là nạn nhân!? Thực tế thì Chúa đã cho anh Ladarô, em của Matta và Maria, thuộc
gia đình giàu có sống lại, để với trải nghiệm dùng tiền của người giàu mới biết
mà dạy người khác (x Ga. 11). Nhưng người ta lại muốn giết luôn anh Ladarô này,
chứ nào có ai muốn nghe người giàu sống lại dạy đâu!? (x Ga 12, 10).
Mặt khác, nếu tổ phụ Abraham nhận lời phú hộ cho Ladarô nghèo
khó sống lại về răn đời, thì người nghèo làm sao có kinh nghiệm dùng của để dạy
người giàu? Và nếu chỉ nghe lời người chết về dạy, thì Chúa tự hạ giá lời các
ngôn sứ thấp hơn lời kẻ chết sống lại sao? Do đó tổ phụ Abraham đã trả lời cho
tên phú hộ: “Chúng đã có Môsê và các ngôn sứ, chúng phải nghe các ngài” (Lc 16, 29: Tin Mừng). Vậy xưa tên
phú hộ xin cho Ladarô nghèo sống lại để dạy người còn sống biết dùng tiền của, làm
sao sánh bằng hôm nay ta đi dâng Lễ, được gặp chính Con Thiên Chúa Phục Sinh từ
Trời đến dạy (x Dt 1, 2), nhưng liệu ta có nghe không?
Vì thế thánh Phaolô lên tiếng cảnh giác: “Nếu chúng ta cố tình phạm tội sau khi đã học biết sự thật, thì không
còn hy lễ nào đền tội được nữa, mà chỉ còn phải sợ hãi đợi chờ cuộc phán xét và
ngọn lửa nóng bừng thiêu huỷ các đối tượng của Thiên Chúa. Ai khinh thường luật
Môsê, theo lời chứng của hai hay ba người, thì sẽ bị xử tử thẳng tay. Phương
chi kẻ đã chà đạp Con Thiên Chúa, đã xúc phạm đến Máu Giao Ước đã thánh hiến
mình và nhục mạ Thần Khí ban ân sủng, thì anh em thử nghĩ xem, kẻ ấy đáng chịu
hình phạt ghê gớm hơn biết mấy! (Dt 10, 26-29).
II. NGƯỜI
ĐẶT NIỀM TIN NƯƠNG TỰA NƠI CHÚA SẼ ĐƯỢC SỐNG HẠNH PHÚC MUÔN ĐỜI.
Đức Giêsu
chúc phúc cho người nghèo đặt niềm tin nơi Thiên Chúa, chỉ mong được Nước Trời
làm gia nghiệp (x Mt 5, 3). Họ nghèo vật chất nhưng lại giàu Lời Chúa, giàu
lòng nhân ái, đó mới thực là nghèo giống Chúa Giêsu (x 2 Cr 8, 9). Vì thế ngôn
sứ Giêrêmia nói: “Phúc thay kẻ đặt niềm
tin vào Chúa, và có Chúa làm chỗ nương thân. Người ấy như cây trồng bên dòng
nước, đâm rễ sâu vào mạch suối trong, mùa nóng có đến cũng chẳng sợ gì, lá trên
cành vẫn cứ xanh tươi, gặp năm hạn hán cũng chẳng ngại, và không ngừng trổ sinh
hoa trái” (Gr 17, 7-8: Bài đọc). Rõ ràng ngôn sứ mô tả người đặt niềm tin
nương tựa nơi Chúa là người đang thực hành lời kinh: “Ai vui thú với Lề Luật Chúa, nhẩm đi nhắc lại suốt đêm ngày, người ấy
tựa cây trồng bên suối nước…” (Tv 1, 2-3). Thật “hạnh phúc thay người thành tâm thiện chí, hằng ấp ủ Lời Chúa trong lòng,
nhờ kiên nhẫn mà sinh hoa kết quả” (Lc 8, 15: Tung Hô Tin Mừng). Như thế
người nghèo được Chúa thương chúc phúc, và được hưởng Tín điều Các Thánh Cùng
Thông Công.
1/ Người
nghèo được Chúa thương chúc phúc.
Thực
vậy, Chúa Giêsu không nói gì về công đức của anh Ladarô, vì chính Ngài lấy tên
Ladarô đặt tên cho người nghèo khổ, tên ấy có nghĩa là “người được Chúa thương xót”.
Như
vậy lý do chính người ta được cứu độ là
do lòng thương xót của Chúa, đó mới gọi là ơn, nếu do việc ta làm thì đó là
công. Bởi vậy, ơn cứu độ được gọi là ơn nhưng không. Đúng như lời kinh ta vừa
đọc: “Phúc thay người đặt niềm tin tưởng
nơi Chúa” (Tv 40/39, 5a: Đáp ca)
2/ Được
hưởng Tín Điều Các Thánh Cùng Thông Công.
Đức Giêsu có
ý lấy tên Ladarô đặt cho anh nghèo khổ này, chắc chắn Ngài muốn cho mọi người
phải nhớ đến anh Ladarô em của hai chị Matta và Maria, là gia đình giàu có, Ladarô
đã chết thối bốn ngày được Đức Giêsu cho sống lại (x Ga 11), là để thưởng công
cho chị Maria chỉ để tâm nghe Lời Đức Giêsu, và chị Matta mải miết dọn tiệc
thiết đãi Đức Giêsu để bồi dưỡng nghị lực đi phục vụ (x Lc 10, 38-42). Mà chính
Đức Giêsu tự nhận mình sống tinh thần ngôn sứ Êlya và ngôn sứ Êlysê (x Lc 4, 25-27),
thì Ngài không thể thua hai ông này:
-
Ngôn sứ Êlya cho con bà góa Sarepta sống lại, vì bà góa nghèo
khó này chỉ có một chiếc bánh đã nhường cho ngôn sứ Êlya ăn (x 1 V 17, 7t).
-
Ngôn sứ Êlysê cho con bà lớn thành Shunem sống lại, vì bà vẫn
giúp ông có nơi trú ngụ (x 2 V 4, 18-37).
-
Kìa ông Giakêu lấy nửa gia tài chia sẻ, liền được Đức Giêsu
tuyên bố: “Cả nhà ông được cứu độ” (x
Lc 19, 9), huống chi cả hai chị Matta và Maria, người thì để tâm nghe Lời Chúa,
người thì lo dọn bàn ăn mời Đức Giêsu dùng, mà Ngài không cứu em họ khỏi chết hay
sao?
Bởi đó, ơn
cứu độ ta được trước nhất là do lòng thương xót của Chúa, thứ đến ta được hưởng
nhờ Tín Điều Các Thánh Cùng Thông Công.
Qua dụ ngôn
phú hộ và Ladarô trên đây đã làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmia: “Không gì nham hiểm và bất trị như lòng người,
ai dò thấu được? Ta là Đức Chúa, Ta dò xét lòng người, thử thách mọi tâm can. Ta
sẽ thưởng phạt ai nấy tuỳ theo cách nó sống và việc nó làm” (Gr 17, 9-10:
Bài đọc).
Do đó thánh
Phaolô viết thư cho môn đệ Giám mục Timôthê nhằm khuyên hết mọi người: “Chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì
cũng chẳng mang gì ra được. Vậy nếu có cơm ăn áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ”
(1Tm 6, 7-8). Như Lời Kinh Thánh ta vẫn đọc: “Dù sống trong danh vọng, con người cũng không thể trường tồn, thật nó
chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết. Vì khi chết nó đâu mang được cả,
kiếp vinh hoa chẳng theo xuống mộ phần!” (Tv 49/48, 12. 18).
Sau khi
chúng ta tìm hiểu dụ ngôn phú hộ và Ladarô, điều cần chú ý hơn cả là: người
giàu có về của cải mà không biết chia sẻ, chỉ ăn sướng mặc sang, lo cho bản
thân, tội ấy còn nhẹ hơn loại “người
nghèo của lại nghèo cả Chúa”, loại người này chẳng bao giờ đi tìm của nuôi
linh hồn, nó dồn hết thì giờ vào việc tìm kiếm của cải vật chất để lo hưởng thụ,
làm ít ăn nhiều, có tiền là tiêu phung phí vào việc ăn chơi vô bổ, chẳng bao
giờ giúp ai được điều gì, thấy người giàu hơn mình thì bất mãn và trách Chúa
bất công: đã cho kẻ vô đạo giàu hơn kẻ có đạo như mình! Loại nghèo này luôn mơ
ước làm giàu, nhưng đời này vẫn nghèo vẫn khổ, chắc chắn đời sau khổ hơn nữa!
Xuống Hỏa ngục còn bị tên phú hộ giàu của ngồi trên đầu nó!
Ông Alfred
Adler nói: “Kẻ nào không quan tâm tới
người khác, chẳng những nó gặp nhiều khó khăn trong đời, mà còn là kẻ gây tai
họa cho xã hội”.
Một người
phụ nữ có danh là Bà Chằng, mọi người vẫn gọi như thế vì nó hợp với bản tính dữ
dằn của bà. Khi bà chết, quỷ liền lôi ngay bà đi, vì nó cho rằng bà này sống
ích kỷ và rất khó nết với mọi người, chắc chắn sẽ xuống Hỏa ngục không cần đợi
Chúa xét xử nữa!
Thiên thần
bản mạnh của bà giằng co với quỷ và kêu nài với Chúa:
-
Xin Chúa xét xử cho bà
này theo lòng thương xót của Ngài. Không thể để quỷ lôi bà đi ngay được!
-
Con hãy mở sổ Nhật Ký
xem bà có làm một điều tốt nào cho ai không?
Thiên thần
mau mắn lật từng trang nhật ký về đời sống Bà Chằng, lật cả mấy ngàn trang rồi
mà chẳng thấy có việc tốt nào cả… À, may quá, Thiên thần reo lên và thưa với
Chúa:
-
Lạy Chúa, có một lần bà
này đã cho người lối xóm một cọng hành ạ!
-
Thế thì con hãy dùng
cọng hành ấy mà kéo bà ấy lên!
Thiên thần mau
mắn làm ngay. Bà Chằng bám vào cọng hành và được Thiên thần kéo lên. Thấy vậy
nhiều người dưới Hỏa ngục vội bám theo bà mong được “ăn theo”, Bà Chằng vừa
giãy đạp, vừa chửi …! Thế là cọng hành đứt, cả chùm người lại rơi xuống Hỏa
ngục!!
Hãy nhớ lời
các Tông Đồ dạy:
“Đức ái phủ lấp muôn vàn tội lỗi!” (1 Pr
4, 8). Vì “ai có lòng nhân ái thì được
thắng án, án xử chỉ tàn nhẫn cho kẻ bất nhân!” (Gc 2, 13).
THUỘC LÒNG.
Chúng ta đã không mang gì vào trần gian, thì cũng chẳng mang gì
ra được. Vậy nếu có cơm ăn áo mặc, ta hãy lấy thế làm đủ. Còn những kẻ muốn làm
giàu, thì sa chước cám dỗ, sa vào cạm bẫy và nhiều ước muốn ngu xuẩn độc hại! (1Tm 6, 7-9)
Lm GIUSE ĐINH QUANG
THỊNH