Tu đức _ tinh thần cầu nguyện của thánh Đaminh

Tinh thần cầu nguyện của  
THÁNH ĐAMINH
Thánh Đaminh đã vượt qua được mọi rào cản của thể lý để đến với Chúa mỗi giờ kinh đêm ngay cả lúc đau bệnh. Con người ấy được gọi là, người của Giáo hội và người của cầu nguyện.
Nt. Scholastica, dòng Đaminh Bùi Chu
Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã viết trong cuốn Đường Hy Vọng: “Một người “thánh” mà không cầu nguyện là thánh giả” (ĐHV 131). Đời sống cầu nguyện là không thể thiếu đối với bất kỳ một kitô hữu. Nhân dịp kính thánh Đaminhn, người viết xin chia sẻ về tinh thần cầu nguyện của ngài với ba nét độc đáo rất phù hợp và có thể áp dụng cho mọi người: (1) Cầu nguyện mọi nơi, mọi lúc. (2) Cầu nguyện không câu nệ hình thức. (3) Mọi người đều có trách nhiệm cầu nguyện và nên thánh, chúng ta cùng tìm hiểu.  
Cầu nguyện mọi nơi, mọi lúc
Thánh Đaminh có thói quen cầu nguyện, khi đi đường, lúc ăn, lúc ngủ, học hành… Điều này rất gần gũi với lời dạy của Thánh Phaolô: “Dù anh chị em ăn uống hay làm bất cứ việc gì, hãy làm vì vinh danh Thiên Chúa” (1Cr 10, 31). Nếu cầu nguyện được ví như hơi thở của thân xác. Vậy dâng một lời tạ ơn lên Thiên Chúa khi cảm nhận luồng khí qua mũi đi vào trong khí quản hoặc khi ngắm một bông hoa đẹp và tận hưởng một làn hương thơm… bạn sẽ thấy chẳng mất một giây là đã có một lời nguyện rất chân thực, xác đáng. Cầu nguyện như vậy cũng tập cho ta thái độ nhìn nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi thời khắc của cuộc đời mình.
Chưa cần phải nại tới những lý do to tát, chúng ta cũng đủ thấy cầu nguyện là một việc có thể làm rất thường xuyên. Qua đời sống cầu nguyện của thánh Đaminh, bất cứ ở đâu: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện” (Mt 26,41) là đã thực thi giáo huấn của Đức Giêsu, làm vinh danh Chúa mọi nơi, mọi lúc. Thánh Đaminh thường hòa lẫn cử điệu thân thể với lời nói (x. chín cách cầu nguyện của thánh Đaminh), tùy trạng thái nội tâm, tùy ý hướng của lời cầu xin, miễn sao lột tả được nét đẹp muôn màu, muôn vẻ của lời cầu nguyện, làm nổi bật lòng thương xót của Chúa cho mình và cho thế giới.
Cầu nguyện không câu nệ hình thức
 Cũng nên nhắc lại, nét chính yếu của cầu nguyện vẫn là tâm tình phụ tử. Vẫn biết nhà thờ, nhà nguyện hay căn phòng sạch sẽ là một nơi xứng hợp để cầu nguyện. Nhưng thời đại này, mọi thứ luôn phải chạy đua cho kịp, thì tìm đến nơi tôn nghiêm mới cầu nguyện đôi khi là một đòi hỏi khắt khe. Đaminh cầu nguyện bằng ngôn ngữ của thân thể như: đứng, quì, ngồi, giang tay hay phủ phục… ca hát, ở lặng lúc đi đường.
Cung cách cầu nguyện của Đaminh có khó quá không? Thưa không! Đâu có gì to tát, chẳng siêu quần bạt chúng, cũng không phi thường. Cũng những cử chỉ đứng lặng trước Chúa Giêsu thập giá, giang tay, hay cúi đầu, bái gối… như bao Kitô hữu khi cầu nguyện. Chỉ có điều thánh Đaminh đã làm bằng cả trái tim: hướng Thiên, yêu thương tha nhân mà lại rất bình dân. Thánh nhân là người thuộc nằm lòng và sống trọn vẹn lời mời gọi của Đức Giêsu “Hãy nên hoàn thiện như Cha Trên Trời” (Mt 5, 48). Đây chính là con đường Chân Phúc. Có nhiều con đường để nên thánh, và có nhiều cách nên thánh, nhưng không thể thiếu “cầu nguyện.”
Trách nhiệm cầu nguyện và nên thánh
Thân xác cần ăn để sống, linh hồn cần lương thực cầu nguyện. Để duy trì lao động thiêng liêng này phải có quyết tâm và lòng mến. Khó khăn có thể đến từ bản thân lúc mệt mỏi, bệnh tật, buồn bực… Thánh Đaminh đã vượt qua được mọi rào cản của thể lý để đến với Chúa mỗi giờ kinh đêm ngay cả lúc đau bệnh. Con người ấy được gọi là, người của Giáo hội và người của cầu nguyện. Đức Grêgôriô IX trong sắc lệnh phong thánh ví ngài như “vận động viên can trường chuyên chăm theo đuổi đường công chính….” Đaminh đã hy sinh thời gian, sức khỏe, mọi nhu cầu cá nhân vì một lý do duy nhất là Vinh danh Chúa và phần rỗi các linh hồn. Đây mới là hồn sống của tinh thần cầu nguyện Đaminh. Trước khi thành thánh, Đaminh cũng là người như chúng ta chỉ khác là ngài có thể sống thánh ngay trong đời thường.
Thánh Augustino đã nói một câu rất thời danh: “Ông nọ bà kia nên thánh được, còn tôi, tại sao không?” Sống thánh và làm thánh là bổn phận, trách nhiệm của mọi người. Thánh Giêrađô đã viết một mảnh giấy để lại cho mẹ trước khi đi tu rằng: "Mẹ ở lại, con đi làm thánh!” Trước khi là thánh, các thánh cũng là những người tội lỗi, là người con trong gia đình. Việc nên thánh là trách nhiệm của chúng ta, và cũng là đòi hỏi của Thiên Chúa: “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Lêvi 19,2).
 Cuối cùng, trong một xã hội đang chạy đua với kinh tế thị trường, một xã hội lan tràn hưởng thụ và khoái lạc dẫn đến tình trạng vô cảm, vô tâm, vô tình... Nên thánh trong thời đại của chúng ta ngày hôm nay chính là khẳng khái triệt để không sống theo lối sống hưởng thụ, lối sống dẫm đạp lên nhau, lối sống nín thở qua cầu, lối sống chỉ biết lo cho cái bụng mà quên đi trái tim. Thánh Đaminh khi xưa đã hoàn toàn khước từ những gì là mau qua chóng hết để tìm cho mình một kho tàng trên Trời là niềm vui, bình an và hạnh phúc vĩnh cửu bằng tinh thần cầu nguyện.
Nt. Scholastica, dòng Đaminh Bùi Chu