HÃY TÌM CHÚA KHI CÒN TÌM ĐƯỢC
Trước tình yêu bao la của Chúa, tôi
đừng chần chừ hay trả giá: “Hãy tìm Chúa khi còn tìm được, hãy kêu cầu Người
khi Người còn ở gần.” (Is 55,6)
Khi một rabbi già bị mù loà không còn thấy mặt những người đến thăm được nữa, một lương y tài danh, trước đây là
môn đệ của ông, đã ngỏ lời: “Nếu thầy cho phép, con sẽ chữa cho thầy được sáng mắt trở lại.” Nhưng vị rabbi
trả lời: “Không cần đâu, thầy
vẫn thấy được những gì cần phải thấy.”
Nếu coi đời người là một hành trình thì có sự khác biệt cơ bản giữa các hành trình, tuỳ thuộc vào niềm tin.
Niềm tin làm cho người ta có những cái
thấy khác nhau về cái được và cái mất. Có người “chẳng lấy Chúa làm nơi ẩn náu, nhưng chỉ
tin cậy vào đống tiền đống của và khoe khoang mưu độc của mình.” (Tv 52,9);
ngược lại, với người sống niềm tin: “Ít của ít
tiền mà biết kính sợ Chúa hơn có cả kho tàng mà cứ phải âu lo. Thà bữa rau bữa
cháo mà yêu thương nhau còn hơn mâm cao cỗ đầy mà bất hoà bất thuận.” (Cn
15,16-17)
Với người không có niềm tin, mọi giá trị của cuộc sống được đo bằng một thước đo hữu hạn theo những giá trị trần tục. Theo đó, hạnh phúc của con người bị giới hạn trong
các chiều kích đo đạc được, hoặc là sống lâu, hay giàu có, hoặc là khoẻ mạnh, hay
đông con nhiều cháu theo cái nhìn của người xưa. Cho dù có thoả mãn được mọi sự ước mong,
tương lai của người không có niềm tin cũng chỉ là một nỗi thất vọng.
Bertrand Russel, một triết gia vô thần, đã nói
rằng: “Nguồn gốc con
người, phát triển, hy vọng, lo âu, tình cảm
và tín ngưỡng, tất cả chỉ là kết quả của sự sắp đặt ngẫu nhiên của các hạt
nguyên tử. Bất luận là tinh thần hăng say, thái độ anh hùng, cường độ tư tưởng,
hay cảm tình, đều không thể giữ cho con người khỏi chết; biết bao công trình
lao lung tận tâm, sáng kiến, tư lự, tất cả đều được dành cho số mạng là tiêu diệt;
bao nhiêu công trình vĩ đại của loài người cũng chắc chắn sẽ bị chôn vùi dưới
những đổ nát của vũ trụ điêu tàn. Nền tảng vững chắc cho tâm hồn chỉ có thể là
một nỗi thất vọng cố định mà thôi.”
Với người có niềm tin, vốn được dựng nên theo hình ảnh Chúa
nên vận mệnh Chúa dọn sẵn cho con người khác xa và vượt trên tất cả mọi toan
tính phàm trần: “Như trời cao hơn
đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta
cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thể ấy.” (Is 55,9)
Thế nhưng, chỉ là một thụ tạo hèn mọn,
ai lại dám nghĩ đến vận mệnh của mình được gắn liền với Thiên
Chúa?
Vậy mà đó là vận mệnh của con người: Là tình yêu, Chúa đã bước vào đời sống nhân
loại: “Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và
sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là
"Thiên Chúa ở cùng chúng ta." (Mt 1,23); Thiên Chúa đã “ở cùng
chúng ta” ở mức độ cao nhất của tình yêu, là chết vì tội lỗi chúng ta. Đó là Tin
Mừng thánh Phaolô xác tín: “Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận,
đó là: Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta.” (1Cr 15,3)
Chúa tìm kiếm con người?! Đúng,
Chúa tìm kiếm từng người một với một sự kiên nhẫn khôn tả: “Đến khoảng giờ
thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: “Sao các
ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?” (Mt 20,6)
Ông chủ muốn tìm điều gì nơi những người thợ vào giờ cuối cùng của một ngày làm việc? Điều ông muốn tìm
không phải là cái lợi cho ông, mà là hạnh phúc
cho họ.
Đó là tình yêu Thiên Chúa dành cho con người! Thấm đượm tình yêu đó, Phaolô đang ngồi tù mà
vẫn cảm thấy mình là người hạnh phúc, hạnh phúc
trong mọi hoàn cảnh: “Anh em thân mến,
dù tôi sống hay tôi chết, Đức Kitô sẽ được vẻ vang trong thân xác tôi. Vì đối với
tôi, sống là Đức Kitô, còn chết là một mối lợi.” (Pl 1,20)
Mọi sự thiệt thòi đều chẳng đáng chi với mối lợi tuyệt vời là tình yêu Chúa đang sống trong
mình: “Cho đến giờ này, chúng tôi vẫn chịu
đói khát, trần truồng, bị hành hạ và lang thang phiêu bạt; chúng tôi phải vất vả
tự tay làm lụng. Bị nguyền rủa, chúng tôi chúc lành; bị bắt bớ, chúng tôi cam
chịu; bị vu khống, chúng tôi đem lời an ủi. Cho đến bây giờ, chúng tôi đã nên
như rác rưởi của thế gian, như phế vật đối với mọi người.” (1Cr 4,11-13)
Mọi khốn
cực đều trở nên nhẹ nhàng trước kho báu không thể mất được: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là
gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?” (Rm 8,35)
Thiên Chúa đã đến với tôi với một tình
yêu đích thực, một tình yêu xoá bỏ hết khoảng cách
xa vời vợi giữa Thiên Chúa và con người, một tình yêu nhân hậu và hết lòng
kiên nhẫn tìm kiếm hạnh phúc cho tôi, “tình
yêu của người hiến mạng vì người mình yêu.”
Những người đến làm trước đã lẩm bẩm. Sự trả giá đó đã
thu hẹp lòng họ lại trước kho báu vô hạn của tình yêu Chúa. Vì thế mà “kẻ trước hết lại nên sau hết.” Trước tình
yêu bao la của Chúa, tôi đừng chần chừ hay trả giá: “Hãy tìm Chúa
khi còn tìm được, hãy kêu cầu Người khi Người còn ở gần.” (Is 55,6)