GIÁO LÝ CÔNG GIÁO - 10 ĐIỀU RĂN

Bài 18. XÂY DỰNG XÃ HỘI
(ĐIỀU RĂN THỨ IV)
133.          Bổn phận của chủ và người làm công là gì?
Công nghiệp càng phát triển, quan hệ giữa chủ và thợ càng trở nên phổ biến. Bởi đó, sự hiểu biết và thực hiện tốt đẹp những bổn phận trong mối quan hệ chủ - thợ là một yếu tố quan trọng giúp cho xã hội được phát triển.
a. Luật tự nhiên và mạc khải dạy người chủ phải:
- Đối xử công bằng với thợ: Trả lương hợp lý, đầy đủ và đúng hạn; không được dựa vào những lý do bất hợp lý để cắt giảm lương, đuổi việc, vì “ai cướp đoạt bánh làm ra bởi mồ hôi, giống như kẻ giết người láng giềng” (Gv 34,26).
- Đối xử nhân đạo với thợ: Không thô bạo, lỗ mãng; không bắt ép công nhân làm việc trong những điều kiện mất vệ sinh, có hại cho sức khỏe, và không xứng với nhân phẩm con người.
b. Đối lại, người làm công phải:
Tôn trọng, vâng lời, phụng sự và trung tín với chủ trong những việc mình đã nhận làm, nghĩa là người thợ phải thực hiện đúng hợp đồng, biết làm đúng ý chủ, cốt làm lợi cho chủ trong mọi việc, và không làm điều gì có hại cho chủ và công việc của chủ.
Thợ cũng có quyền đình công để đòi hỏi chủ trả lương hợp lý, cải thiện điều kiện lao động, nhưng phải giữ luật công bằng và bác ái, như không vu cáo, không dùng thủ đoạn làm hại công việc của chủ...
HOME