GIÁO LÝ CÔNG GIÁO - 10 ĐIỀU RĂN

Bài 18. XÂY DỰNG XÃ HỘI
ĐIỀU RĂN THỨ BỐN
126.          Ngoài bổn phận giữa cha mẹ và con cái, điều răn thứ bốn còn dạy những bổn phận nào khác?
Mục đích của điều răn thứ bốn là gìn giữ các thể chế trong xã hội, nên ngoài những bổn phận giữa cha mẹ và con cái, điều răn thứ bốn còn đề cập đến các bổn phận giữa họ hàng, anh chị em, vợ chồng, lối xóm, thầy trò, chủ tớ, giữa nhà cầm quyền và dân chúng, trong đạo cũng như ngoài đời. . .  
127.          Vợ chồng có bổn phận thế nào với nhau?
a. Bổn phận sống chung: Vợ chồng, bởi giao ước hôn nhân, có bổn phận phải sống chung với nhau để yêu thương và giúp đỡ nhau.
- Vợ chồng không được tự ý ly thân (không sống chung với nhau nữa), nếu không sẽ mắc tội nặng, trừ khi được giáo quyền cho phép bởi những lý do chính đáng, hay tạm thời ly thân do một bên trở nên nguy hiểm cho bên kia.
- Cũng không được từ chối việc vợ chồng, vì đó là sự vi phạm hôn ước, và có nguy cơ cho bên kia ngoại tình, trừ khi vì lý do sức khỏe và ích lợi chung.
b. Bổn phận của chồng: Chồng có bổn phận điều hành gia đình, lo liệu cơm áo, nhà cửa. . . Chồng có lỗi nếu lơ là với đời sống gia đình, hoặc bắt vợ làm những công việc không hợp với sức vóc phụ nữ.
c. Bổn phận của vợ: Vợ là người chăm sóc gia đình, giáo dục con cái, và đi làm để thêm thu nhập gia đình, nếu cần. Vợ có lỗi nếu chểnh mảng việc nội trợ, chi tiêu hoang phí, hay lơ là việc chăm sóc, dậy dỗ con cái.
128.          Họ hàng có bổn phận thế nào đối với nhau?
Những bổn phận giữa cha mẹ và con cái được mở rộng ra trong đại gia đình ở những mối tương quan họ hàng:
- Kẻ bề dưới phải yêu mến, kính trọng, lắng nghe và giúp đỡ các bậc bề trên, đặc biệt là cha mẹ chồng hoặc vợ.
- Đối lại, các bậc bề trên, là ông bà, cha mẹ đôi bên, chú bác, cô dì. . . phải chăm sóc con cháu trong khả năng của mình, nhất là khi cha mẹ chúng vắng bóng.
129.          Anh chị em có bổn phận thế nào đối với nhau?
Trong gia đình, sau quan hệ giữa cha mẹ và con cái là mối quan hệ ngang hàng và gắn bó giữa anh chị em với nhau; đến nỗi chính Chúa Giêsu đã lấy tình anh em như là kiểu mẫu cho tình bác ái.
Anh chị em phải sống thân mật, hòa thuận, quan tâm đến nhau và làm gương sáng cho nhau. Các em phải biết kính trọng anh chị, còn anh chị phải làm gương sáng và góp phần săn sóc, đùm bọc các em.
Thật là tốt đẹp, đáng mến, và hạnh phúc cho gia đình nào mà hết thảy anh chị em đều cùng một trái tim, một tâm hồn; vui cùng vui, buồn cùng buồn; không hề có chút bóng dáng sự bất hòa, giận ghét: “Anh em sum họp một nhà, bao là tốt đẹp, bao là an vui”. (Tv 133,1)
130.           Bổn phận của cha xứ và giáo dân là gì?
Cha xứ là người đã dâng hiến cuộc đời để phụng sự Thiên Chúa nơi mọi người, cách riêng là giáo dân trong một giáo xứ, nên không có gì là nhu cầu, là âu lo của giáo dân mà lại ở ngoài sự quan tâm của cha xứ. Bổn phận chính yếu của cha xứ đối với giáo dân là dạy dỗ, làm gương sáng, và cầu nguyện cho giáo dân.
Đối lại, các tín hữu phải yêu mến cha xứ như là vị đại ân nhân của mình, phải kính trọng các ngài vì chức vụ cao trọng và thánh thiện của các ngài, và vâng lời các ngài trong hết thảy những gì có liên quan đến phần rỗi của mình. Chúa Giêsu đã nói rất rõ ràng, là ai nghe các ngài là nghe Chúa, ai từ chối các ngài là từ chối Chúa. (Lc 10,16).
131.           Bổn phận của nhà cầm quyền và dân chúng là gì?
“Chính quyền phải tôn trọng các quyền lợi căn bản của con người. Phải thực thi công bình với lòng nhân đạo khi tôn trọng quyền của từng người, nhất là quyền của các gia đình và những người khốn cùng”, [1] sao cho những quyền lợi căn bản của người dân được bảo đảm và đời sống vật chất, tinh thần của họ được nâng cao.
Còn dân chúng thì phải biết ơn các anh hùng dân tộc, yêu thương đồng bào; với nhà cầm quyền, hãy kính trọng, biết ơn và cộng tác “để mưu ích cho xã hội trong tinh thần tôn trọng chân lý, công bằng, liên đới và tự do” [2]
“Sự cộng tác trung thực của người công dân bao hàm quyền, đôi khi là bổn phận, phải lên tiếng phê phán những gì họ cho là có hại cho nhân phẩm và lợi ích của cộng đồng” [3] để xây dựng xã hội trong sự thật, công bằng và tự do.
132.          Đâu là bổn phận giữa thầy và trò?
Nghề giáo là một nghề cao quí, vì giáo dục trẻ em và dạy cho chúng biết kiến thức phổ thông và những nguyên tắc cơ bản của đời sống là một sứ mệnh thiêng liêng, không kém phần vất vả, khó khăn:
Người thầy chân chính là người có thể giáo dục trẻ nên người bằng kiến thức đúng đắncuộc sống gương mẫu của mình. Người thầy đó phải rất liêm chính để gắn bó với lý tưởng trong sáng và làm trọn ơn gọi của mình, rất nhiệt thành để nhẫn nại dạy bảo những em kém cỏi, rất kiên trì để dạy dỗ, sửa sai tính lười biếng và nhiều tính xấu đang phát sinh hằng ngày trong tâm hồn các em, rất hy sinh để chiụ đựng những sự khó nhọc, thiếu thốn của nghề giáo.
Còn học sinh, trước tấm lòng cao thượng của thầy cô, phải biết đáp lại bằng sự ngoan ngoãn, vâng lời, bằng lòng kính trọng, biết ơn và sự chuyên cần học hỏi.
Phần cha mẹ học sinh, phải hỗ trợ các thầy cô và đừng bào chữa cho các lỗi lầm của con cái. Thói bênh con, như đã nói, sẽ làm tê liệt mọi phương pháp giáo dục.
133.          Bổn phận của chủ và người làm công là gì?
Công nghiệp càng phát triển, quan hệ giữa chủ và thợ càng trở nên phổ biến. Bởi đó, sự hiểu biết và thực hiện tốt đẹp những bổn phận trong mối quan hệ chủ - thợ là một yếu tố quan trọng giúp cho xã hội được phát triển.
a. Luật tự nhiên và mạc khải dạy người chủ phải:
- Đối xử công bằng với thợ: Trả lương hợp lý, đầy đủ và đúng hạn; không được dựa vào những lý do bất hợp lý để cắt giảm lương, đuổi việc, vì “ai cướp đoạt bánh làm ra bởi mồ hôi, giống như kẻ giết người láng giềng” (Gv 34,26).
- Đối xử nhân đạo với thợ: Không thô bạo, lỗ mãng; không bắt ép công nhân làm việc trong những điều kiện mất vệ sinh, có hại cho sức khỏe, và không xứng với nhân phẩm con người.
b. Đối lại, người làm công phải:
Tôn trọng, vâng lời, phụng sự và trung tín với chủ trong những việc mình đã nhận làm, nghĩa là người thợ phải thực hiện đúng hợp đồng, biết làm đúng ý chủ, cốt làm lợi cho chủ trong mọi việc, và không làm điều gì có hại cho chủ và công việc của chủ.
Thợ cũng có quyền đình công để đòi hỏi chủ trả lương hợp lý, cải thiện điều kiện lao động, nhưng phải giữ luật công bằng và bác ái, như không vu cáo, không dùng thủ đoạn làm hại công việc của chủ. . .
134.          Lối xóm có bổn phận gì với nhau?
Lối xóm là những quan hệ gần gũi nhất sau những quan hệ trong gia đình. Tục ngữ có câu “Bán anh em xa, mua láng giềng gần” cho thấy việc cư xử với những người sống gần gũi trong lối xóm là rất quan trọng.
Để cho lối xóm được êm đẹp và đem lại hạnh phúc cho nhau, chúng ta phải thực tâm tôn trọng nhau trong lẽ công bằng và bác ái:
a. Công bằng: là tôn trọng những quyền lợi căn bản của nhau, đó là:
- Giữ vệ sinh chung: có nhiều điều phải giữ tuỳ nơi tuỳ lúc, như không vứt rác, chuột chết. . . ra đường phố; tránh làm cho không khí nên hôi hám; không mở máy to tiếng, chơi nhạc ầm ĩ trong những giờ nghỉ trưa hay ngủ tối …
- Giữ gìn tiếng tốt và của cải lẫn nhau: Không nói hành, nói xấu nhau; không trộm cắp vặt, gian lận, không lấn nhà, lấn sân, lấn đất. . . ; không phá phách, quấy nhiễu nhau …
b. Bác ái: Giúp đỡ và tha thứ cho nhau.
- Giúp đỡ: Giúp đỡ nhau trong những lúc túng cực; chữa cháy, chữa lụt giúp nhau; làm việc từ thiện, bác ái, thăm viếng . . . (xem “Thương người có mười bốn mối”). Ai từ chối cứu giúp người khác trong lúc túng cực có thể mắc tội nặng.
- Tha thứ: Sẵn lòng bỏ qua những điều có thể gây xích mích kể trên. Người tha thứ đem lại an vui cho chính mình và những người chung quanh, còn người không tha thứ thì sẽ không được tha thứ tội lỗi (Mt 7,2).
Vì thế, thánh Phaolô dặn dò cẩn thận: Chớ để mặt trời lặn mà còn giận hờn” (Ep 4,26-27).


[1] GLCG, 2237
[2] GLCG, 2239