Hiển thị các bài đăng có nhãn tình yêu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn tình yêu. Hiển thị tất cả bài đăng

Lời Chúa cnmv 4a _ Emmanuel Thiên Chúa ở cùng chúng ta

Emmanuel- Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta
“ở cùng” chính là ngôn ngữ của tình yêu, vì chỉ có yêu ai người ta mới nghĩ đến “ở cùng.”
Lm Phêrô Bùi Quang Tuấn

Quà Giáng Sinh _ hộp sôcôla nhân anh đào


HỘP SÔCÔLA NHÂN ANH ĐÀO
Tôi mong rằng khi gói quà này được mở ra, nó sẽ nhắc bạn nhớ rằng tinh thần của ngày lễ Giáng sinh là được sum họp với gia đình, bè bạn, tạo nên truyền thống, hoặc mở đầu những truyền thống mới, nhưng trên tất cả những thứ tốt đẹp ấy là tình thương yêu.
Đông Phương - Nam Phương

NÓI VỚI TUỔI TRẺ

Tình yêu cũ như trái đất, nhưng vẫn mới như những mùa Xuân. Rất nhiều người nói tới. Rất nhiều người nghĩ tới. Rất nhiều người muốn tránh nó. Nhưng tránh nó là đã gặp nó. Mà tránh nó sao được, khi nó là một yếu tố cần thiết đi liền cuộc sống.
Tình yêu đâu phải là một thứ xa xỉ phẩm. Nó làm nên đời sống, và ở trong cuộc sống. Nó là chuyện của mỗi người. Tuy nhiên, tôi rất ngại đề cặp đến tình yêu. Tất nhiên phải có lý do để lo ngại. Hôm nay tôi muốn nói tới một số những lý do đó.
Nói về tình yêu, mà lại chỉ đưa ra những lý do ngại nói về tình yêu, thì xem ra kỳ cục. Có thể là như thế. Nhưng chưa hẳn là thế. Bởi vì ý thức được những lý do khiến mình ngại, tức là đã thấy được thái độ nên có đối với tình yêu.
Lý do ngại đầu tiên là vì tôi không chắc chúng ta có cùng hiểu tình yêu như nhau không.
Bạn nói tình yêu, họ nói tình yêu, tôi nói tình yêu. Nhưng nếu mỗi người hiểu tình yêu mỗi cách, thì chỉ là sự gặp gỡ danh từ, chứ chưa có sự gặp gỡ tư tưởng. Sẽ không có khởi điểm chung. Sẽ không có vấn đề chung. Sẽ không có căn bản chung. Sẽ chỉ là một cuộc đối thoại hình thức của những độc thoại nội dung. Sẽ có những hiểu lầm và những lạm dụng.
Ngay mấy câu tôi quả quyết trên kia: “Tình yêu không phải là một thứ xa xỉ phẩm. Nó là một yếu tố cần thiết đi liền cuộc sống” đã được bạn hiểu thế nào? Nếu bạn trích những câu đó để biện minh cho thứ tình dâm dật chẳng hạn, thì oan cho tôi rồi.
Không gì dễ hiểu cho bằng tình yêu. Nhưng không gì khó định nghĩa cho bằng tình yêu. Dễ hiểu, bởi vì ai cũng có yêu, không nhiều thì ít. Nhưng khó định nghĩa, bởi vì tình yêu rất phức tạp.
Tình yêu nói chung đã chia thành 3 phía tâm lý, siêu hình và luân lý.
Tình yêu có nhiều loại. Aristote đã chia 3, thánh Thomas chia 2, Max Scheler chia 5, C. Héris chia 8. Đó chỉ là một số tác giả tượng trưng.
Người ta có thể không đồng ý về số loại tình yêu, nhưng người ta không thể cho rằng chỉ có một thứ tình yêu duy nhất. Không thể thì làm gì có vấn đề tốt xấu đặt ra trong tình yêu.
Phân tích tình yêu trong lý thuyết đã là điều không dễ. Nhưng phân tích tình yêu trong chính cuộc sống lại càng khó hơn. Sự kiện đó đưa tới lý do thứ hai khiến tôi ngại nói tới tình yêu. Đó là vì tôi không chắc ta có thể hiểu được tình yêu người khác, nhất là tình yêu của chính ta không?
Nói lý thuyết là để hiểu thực tế. Nhưng tình yêu thực tế rất khó nhận diện. Bởi vì không có tình yêu trống vậy, không có tình yêu hiện thân, nghĩa là không có tình yêu ngoài người đang yêu. Mà tình yêu không có mùi, không sắc, không đo lường được. Nó ở trong con người nên nó cũng phức tạp như con người.
Đã hẳn theo lý thuyết thì tình yêu có thể là một trong những loại sau đây: Tình yêu siêu nhiên với đối tượng siêu nhiên, tình yêu siêu nhiên với đối tượng tự nhiên, tình yêu lý trí tự nhiên, tình yêu tình cảm, tình yêu cảm giác, tình yêu nhục dục, tình yêu tính dục, tình yêu nhân tính, tình yêu thú tính.
Tuy nhiên, trong thực tế không bao giờ có một thứ tình yêu nào được hoàn toàn thuần tuý chỉ thuộc riêng một loại. Tình yêu cao siêu nhất vẫn gây âm hưởng trong thân xác. Tình yêu nhục dục thấp nhất cũng không hoàn toàn chỉ là thú tính.
Khi yêu là yêu với tất cả con người, mặc dầu hướng đi có khác nhau. Tình yêu giống như một hoà âm, nên không dễ phân biệt cung điệu nào là chính.
Nếu tôi đứng ngoài nhìn vào tình yêu của bạn, tôi sẽ rất dễ lầm. Bởi vì tôi là người ngoài cuộc, chỉ nhìn theo bề ngoài khách quan rồi đoán ra, chứ không thấy trực tiếp tình yêu của bạn. Mà tình yêu có hình dáng gì đâu mà thấy được. Tình yêu diễn tả bằng thái độ và ngôn ngữ. Nhưng thái độ và ngôn ngữ là những thứ đa diện, đa năng. Mỗi người đều có thể cho chúng những ý nghĩa tuỳ mình. Nếu căn cứ vào những cái đó để đoán tình yêu người khác, ta thường dễ rơi vào chủ quan ở chỗ “suy bụng ta ra bụng người”. Không khéo khoa phân tâm học lại cho những xét đoán của ta là sự xuất hiện trá hình của những thèm muốn bị dồn ép của chính ta.
Nhưng nếu bạn là người trong cuộc thì bạn cũng khó nhận ra bộ mặt thực của tình yêu bạn. Bởi vì lúc đó bạn sẽ dễ thiên vị, và dễ bị tình cảm, đam mê làm mù quáng. Tình yêu là một kết tinh, như Stendahl nói. Nhiều khi, nó là một thứ pha trộn giữa thực tại và ảo ảnh. Bao lần người ta đã yêu trong mộng ước trước khi gặp người yêu thực. Yêu người trong mộng nên mới dừng lại một người yêu thực, để rồi lại yêu người yêu thực qua hình ảnh trong mộng. Qua mộng đến thực và nhìn thực qua mộng, nhưng lại không phân biệt được thực và mộng ở chỗ nào, thì làm sao hiểu rõ được tình yêu của mình. Chỉ hiểu được rõ khi tình đã chết. Lúc đó đã đứng ngoài cuộc rồi.
Tính cách phức tạp vừa kể của tình yêu lại dẫn tới lý do thứ ba khiến tôi ngại nói về tình yêu, đó là vì tình yêu rất nặng tính cách chủ quan.
Tìm một kết luận khách quan đã là khó lắm. Phương chi lại đứng trong một số vấn đề chằng chịt những tính cách chủ quan.
Đã hẳn, theo thánh Thomas, thì 3 yếu tố tâm lý cần thiết để nhóm lên lửa tình là: biết, tốt và hạp. Nhưng thế nào là biết, là tốt, là hạp, là đẹp? Cho dù ngàn sách dạy về sự tốt, sự đẹp, sự hạp, thì trong thực tế, khi bạn yêu ai, người đó có thể chỉ tốt cho bạn, đẹp cho bạn, hạp với bạn, chứ đâu có phải họ tốt đẹp và hạp cho tất cả mọi người? Họ có thể xấu và không hạp đối với người khác, nhưng tốt và hạp với bạn. Nó gọi là duyên nợ thì duyên nợ là ở chỗ đó. Nó đầy tính cách chủ quan riêng cho từng người và riêng cho từng trường hợp.
Khởi đi là những yếu tố chủ quan vừa kể tình yêu đi về đích điểm nào? Nó dừng lại người yêu, hay lại qua người yêu để trở lại chính ta? Nó cho đi mà không cần nhận lại, hay là tình yêu nào cũng mong mỏi hai chiều. Ước mong nhận lại và hai chiều có phải là vị kỷ hay không?
Bao sách đạo đức đã cho rằng yêu không mong được yêu mới là tốt. Nhưng M. Nédoncelle đã không đồng ý. Tôi nghĩ ông có lý với điều kiện. Thực ra cả hai quan niệm cùng đúng. Nhưng bên nào cũng đúng theo cái nhìn chủ quan của mình. Thế mới nguy.
Nhiều chuyện tình tôi coi như vô lý. Nhưng nó không có lý cho tôi, mà lại có lý cho người khác trong cuộc. Tôi không phải họ, họ đâu phải là tôi. Họ khác, tôi khác. Thế mới rắc rối. Mỗi tình có cái lý riêng của mình. Cái lý riêng của tình không có ai hiểu nổi ngoài người chủ của tình yêu. Nhưng bao lần chính họ cũng chẳng nắm vững được cái lý của tình mình.
Tình yêu có quá nhiều tính cách chủ quan nên lại một lý do nữa khiến tôi ngại nói về tình yêu. Đó là vì tình yêu bao la quá.
Bao la thì dễ hồ đồ. Hồ đồ thì khó xác thực. Tình yêu nghe như vấn đề nhỏ bé, nhưng thực sự nó mênh mông khôn tả.
Bạn thử hỏi một người nghĩ gì về tình yêu? Bạn thử đọc sách nói về tình yêu. Bạn thử khảo cứu những tác giả chuyên về tình yêu. Bạn thử viết một tác phẩm đầy đủ về tình yêu... Bạn thế nào, tôi không rõ. Riêng tôi, tôi nhận là tôi không đọc xuể, không hiểu thấu, và không viết nỗi.
Tình yêu bao la vì tình yêu muôn mặt.
Người tình của Kinh Thánh trong Ca đệ nhất chỉ mới là một mặt tình yêu. Tình của Trọng Thuỷ và Mỵ Nương lại là mặt khác. Tình của Lan và Điệp là một mặt khác nữa. Tình của Roméo và Juliette không giống tình của Tristan và Isolde. Đến chuyện ly kỳ của hoàng đế Edward VIII đã cam lòng từ nhiệm ngôi vua để cưới một người đàn bà không còn trong trắng, thì tình yêu lại xuất hiện với bộ mặt vừa chân thành vừa bi đát lạ thường làm xúc động cả thế giới.
Còn bao nhiêu bộ mặt khác của tình yêu.
Ngay cơ cấu tâm lý của tình yêu cũng đã là vấn đề quá rộng, chứ chưa nói gì tới hàng trăm vấn đề nằm trong tình yêu. Phạm vi bát ngát, mà lại muốn đơn giản thì khó tránh được thiếu sót đáng ngại.
Tình yêu rất bao la và phức tạp. Tìm hiểu nó bằng lý trí và sách vở đã vậy, nhưng thiết tưởng cũng cần phải hiểu nó bằng trái tim và sự trưởng thành của kinh nghiệm. St Exupéry nói: “Chỉ với trái tim, người ta mới thấy được rõ”. Câu đó đúng trong phạm vi tình yêu.
Tình yêu được dựng nên cho con người, và con người được dựng nên cho tình yêu, để tất cả trở về tình yêu nguyên thuỷ và sau cùng là Thiên Chúa. Vì thế, khi nói về tình yêu, tôi vốn lo tôi không cung kính đủ, không nhân loại đủ và không hướng về Chúa đủ.
Nếu bạn chia sẻ với tôi về những lý do kể trên khiến tôi ngại nói về tình yêu, thì bạn sẽ dễ đoán được tình yêu là vấn đề tế nhị thế nào và cần phải dè dặt, cân nhắc, thận trọng lắm để khỏi có những nông cạn, thiếu sót và lầm lẫn.
Nếu đi được tới kết luận đó, thì cũng đã là một kết quả tốt rồi. Tôi chỉ mong có thế.
+ Gm. GB. BÙI TUẦN

LỜI CHÚA DẪN CON ĐI _ lời tha thứ dịu dàng

LỜI THA THỨ DỊU DÀNG

Câu chuyện về người phụ nữ ngoại tình được kể lại trong Tin mừng theo thánh Gio-an 8,1-11 là một trong những câu chuyện nói lên cách ứng xử tuyệt vời của Chúa Giê-su, phát xuất từ tấm lòng khoan dung nhân ái đối với kẻ có tội.           
Bài Tin mừng này mô tả cho chúng ta thấy hình ảnh một Đức Giê-su trầm tư, ít nói; khác hẳn với hình ảnh của một Đức Giê-su dõng dạc hùng hồn trong khi giảng dạy hay khi tranh luận với những kẻ tự xưng là thánh thiện đạo đức, là khôn ngoan thông thái trong dân.  Các thái độ tương phản này phần nào cho chúng ta thấy cá tính của Đức Giê-su: Ngài rất kiên quyết khi quảng bá và đấu tranh cho sự thật, nhưng đồng thời cũng rất dịu dàng và rất khoan dung đối với những ai nhận ra thân phận hèn yếu của mình.           
Khi bị bắt, người phụ nữ ngoại tình đã cầm chắc cái chết trong tay, vì Luật Mô-sê đã qui định hễ ai phạm tội ngoại tình thì phải bị ném đá cho đến chết.  Chị bị bắt quả tang tại trận, không cách gì chối cãi được.  Tội của chị đáng chết.  Đúng ra những kẻ bắt chị đã có thể thi hành án xử mà không cần phải dẫn chị đến với Chúa Giê-su, nhưng đây là một cơ hội hiếm có để họ cho Chúa Giê-su vào tròng, hầu có thể tố cáo Ngài.  Khi bị các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đi, lòng chị vẫn không mảy may hy vọng thoát chết, vì tội của chị đã rành rành.  Và có lẽ chị cũng chẳng biết họ muốn dẫn chị đi đâu nữa.  Chị chỉ biết chắc một điều là mình sẽ phải chết.  Chết ở nơi đây, hay chết ở nơi kia thì có khác gì nhau đâu!  Chị bước đi, chẳng nói chẳng rằng, như một cái xác không hồn.   Mà thật sự chị sắp trở thành một cái xác không hồn trong khoảnh khắc nữa thôi, nếu không có sự xuất hiện của một người đàn ông mà dân chúng gọi là Thầy Giê-su.           
Họ dẫn chị đến trước mặt Ngài, bắt chị đứng ở giữa, rồi bắt đầu phiên xử.  Các kinh sư và người Pha-ri-sêu đã nắm chắc phần thắng trong tay.   Họ hài lòng vì mình bắn một mũi tên mà được cả hai con chim, đáng bõ công cho họ rình rập săn đuổi!  Người đàn bà thì đã nắm chắc phần thua ngay từ đầu trận.  Chỉ còn Chúa Giê-su.  Ngài đang nghĩ gì và Ngài sẽ làm gì trong cái thế gọng kìm này?            
Đối diện với Chúa Giê-su là một phụ nữ tuyệt vọng chờ chết.  Tội chị rành rành ra đấy.  Đối với con người thì đã là vô phương cứu chữa.  Nhưng may mắn thay cho chị, trước mặt chị là Đấng được mệnh danh là “Chiên Thiên Chúa”, là “Đấng xóa bỏ tội trần gian”.  Ngài xót thương cho số phận bi đát của chị.  Ngài muốn cứu chị khỏi án chết trước mắt, và nhất là Ngài muốn cứu chị khỏi án chết muôn đời trong thế giới mai sau.  Ngài sẽ cứu chị, đồng thời Ngài cũng sẽ cho những kẻ muốn ám hại Ngài một cơ hội nhìn lại bản thân họ:  Chị ta xấu thật đấy.  Nhưng không chừng các ông lại còn xấu xa hơn chị bội phần!  Tội chị thì ai cũng thấy, vì chị ta không khéo che đậy.  Còn tội các ông thì thiên hạ ít người nhận ra, bởi các ông khéo tô son trét phấn cho chúng.  Đã đến lúc các ông phải nhìn lại mình rồi đấy!           
Chúa Giê-su im lặng suy nghĩ.  Ngài cúi xuống lấy tay viết lên mặt đất để khỏi đưa ra lời phán quyết.  Ngài không ngây thơ rơi vào bẫy của các kinh sư và người Pha-ri-sêu như họ tưởng.  Chuyện đơn giản, hóa ra chẳng giản đơn tí nào!  Họ nóng lòng thúc giục Chúa Giê-su lên tiếng.  Thôi được, nếu các ông muốn tôi nói, thì hãy nghe đây:  “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.”           
Các kinh sư và người Pha-ri-sêu không ngờ cuộc diện lại thay đổi đột ngột đến thế.  Từ chỗ nắm dao đằng cán, bây giờ họ lại phải nắm lấy lưỡi dao do chính mình đưa ra, không khéo lại đứt tay chảy máu.  Thế là hỏng bét!  Ai khôn hồn thì chuồn sớm.  Họ lần lượt bỏ đi, không kèn không trống!           
Chỉ còn lại hai người trên hiện trường.  Chúa Giê-su và người phụ nữ.  Đấng có quyền tha tội và người đã lỡ lầm phạm tội.  Chúa Giê-su ngẩng nhìn lên.  Người phụ nữ hồi hộp chờ đợi.  Đây là người cuối cùng có thể kết án chị.  Nếu có chết, chị cũng chẳng giận hờn gì.  Nhưng không, không có lời kết án nào cả, mà chỉ là một câu nói dịu dàng: “Này chị, họ đâu cả rồi?  Không ai lên án chị sao?” và một câu nói nhẹ nhàng tiếp theo: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu!  Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa.”   
Lạy Chúa Giê-su, Chúa thật là tuyệt diệu.  Chúa đã không cần nói lời tha tội cho người phụ nữ ngoại tình.  Với tấm lòng nhân ái bao dung và hết sức xót thương, Chúa đã hiểu thấu tình cảnh tuyệt vọng của chị.  Tội của chị đang đè nặng lên chị.  Chị quá thấm thía hậu quả của nó.  Không thấm thía sao được khi vì phạm tội mà phải đứng kề bên cái chết.  Chúa thật là tế nhị khi không xoáy thêm vào nỗi đau của chị.  Đối với kẻ ngoan cố, Chúa thật là cứng rắn.  Còn đối với chị, Chúa thật là dịu dàng biết bao.  Chúa biết chị cần những lời động viên nhẹ nhàng hơn là những lời giáo huấn dài dòng. Chúa đã đáp ứng cho thân xác rũ rượi và con tim tan nát của chị.   
Lạy Chúa, xin ban cho con một trái tim nhạy cảm, một trí óc sáng suốt, những lời nói chân tình và những hành động tế nhị để con có thể giúp đỡ những anh chị em của con trong những lúc họ sa cơ lỡ bước. Xin cho con biết ứng xử một cách linh hoạt tuỳ theo từng đối tượng mà con tiếp xúc, để họ tìm thấy nơi con một sự cảm thông có thể giúp họ đứng lên và tiếp tục tiến bước trên đường đời.  Amen!
Trầm Tĩnh Nguyện

ĐƯỜNG HY VỌNG _ Gandhi và siêu hòa giải


Thánh Gandhi
với bài học siêu hòa giải

Nguyễn Hoàng Đức
Thánh Gandhi được gọi là nhà tư tưởng như cuốn sách “La pensée de Gandhi” của tác giả Camille Drevet đã viết về ông, và như nhà văn Pháp Romain Rolland đã viết: “Ông đã đứng lên trên mảnh đất của chúng ta để dẫn dắt cuộc đấu tranh của Tinh thần” ( Il s’est leve sur notre terre pour mener la guerre de l’ Esprit ). Không giống với hầu hết mọi cuộc chiến là có vũ trang, cuộc chiến của Gandhi là một cuộc chiến của Tinh thần. Vì nó tiến hành bằng cách thả buông khí giới mà để tiến hành mưu cầu và yêu sách Công Lý.

LỜI CHÚA DẪN CON ĐI

Chủ nhật VI thường niên - năm A

 LUẬT MỚI

Có hai vợ chồng thường hay cãi nhau. Một hôm khi hai người đang cãi nhau rất hăng say, thì người chồng đề nghị với vợ: “Thôi, chúng ta đừng cãi nhau nữa. Bây giờ mỗi người hãy lấy giấy, viết ra tất cả những lỗi lầm, những tật xấu của người kia, rồi trao cho nhau”. Người vợ đồng ý. Người chồng cầm lấy tờ giấy, nhìn người vợ và cúi mặt xuống bắt đầu viết.  Người vợ thấy chồng bắt đầu viết, liền hối hả viết liên tục. Người chồng chỉ viết một câu rồi dừng lại nhìn vợ.  Sau vài phút, trang giấy của người vợ đầy những dòng chữ kể ra tất cả những tật xấu của người chồng, và người vợ xem ra hả dạ, vì đã viết nhiều hơn.
Đến lúc không còn gì để viết nữa, hai người trao cho nhau tờ giấy kể tội của nhau. Sau khi nhìn vào tờ giấy của chồng, nét mặt của người vợ bỗng biến đổi vì xúc động. Bà vội vàng đòi lại tờ giấy của mình đã đưa cho chồng. Vì trong tờ giấy của người chồng, bà chỉ đọc được một câu duy nhất: “Anh yêu em!”.
 (Reader’s Digest, số tháng 11 năm 1985)

***

Bạn thân mến! Tình yêu chính là “Luật Mới” mà Đức Giêsu đã nói đến trong bài Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay: “Tôi không đến để bãi bỏ Lề Luật, nhưng là để kiện toàn” (Mt.5:17).  Hôm nay  Đức Giêsu nhắc lại ý hướng nguyên thủy của Thiên Chúa diễn tả qua Lề Luật, đó là Tình Yêu.  Ngài muốn đặt tình yêu làm nền tảng cho mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, và giữa con người với nhau. “Yêu Chúa hết lòng và mến thương tha nhân như chính mình”.
Nếu tình yêu chân thật là nền tảng cho mối tương quan giữa con người với Thiên Chúa, thì con người sẽ không bao giờ dám lên tiếng phàn nàn than trách Thiên Chúa. Nếu tình yêu là nền tảng cho mối tương quan giữa người với người, thì sẽ không còn cảnh tranh giành, xung đột, hận thù lẫn nhau nữa.
Luật Mới sẽ tạo nên những con người mới, xã hội mới, và tạo nên “Nước Trời”: “Anh em hãy trở nên hoàn thiện như chính Thiên Chúa là Đấng Hoàn Thiện”.
Trong một số ví dụ được Đức Giêsu đưa ra như giết người, gian dâm, bội thề… Luật mới không chỉ dừng lại ở những hành động tội ác, mà đòi hỏi phải đổi mới tận chiều sâu của tâm hồn, tận trái tim yêu thương:
- Trước kia, trong luật cũ, có giết người mới được coi là phạm Luật, mới phải ra toà. Nhưng từ đây, trong Luật Mới, chỉ có thái độ giận dữ, hay buông lời nhục mạ anh em là đã được coi là vi phạm Luật rồi. Thậm chí chưa tích cực giải hòa với một người anh em đã gây căng thẳng, bất bình, cũng coi như là phạm Luật, không còn quyền dâng của lễ cho Thiên Chúa nữa.
- Luật cũ xử phạt người có hành động ngoại tình. Từ đây, Luật Mới đòi buộc phải trong sáng từ ánh mắt đến tận tâm hồn. Phải tôn trọng và bảo vệ người bạn đời của mình.
Lời Chúa hôm nay mời gọi ta tránh lối sống giả hình, giữ luật một cách máy móc như các luật sĩ, kinh sư và nhóm Biệt phái Pharisêu. Họ đã bị Chúa Giêsu vạch trần là giả hình, là “mồ mả tô vôi”: Giữ luật rất kỹ, rất chi li chặt chẽ, nhưng là để cho bản thân mình được nổi danh đạo đức trước người khác. Lời Chúa hôm nay khuyên nhủ ta: “Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và nhóm Pharisêu, thì anh em sẽ chẳng được vào Nước Trời”. (Mt.5:20). 
Luật mới là một “Giao Ước Mới”, một “hợp đồng tình thương” với những điều khoản được Chúa “ghi tạc tận đáy lòng, tận trái tim con người” (Gr.31:33). Ngôn sứ Êzêkiel còn diễn tả qua hình ảnh cụ thể hơn nữa: “Ta sẽ ban tặng các con một trái tim mới, Ta sẽ đặt vào lòng các con một tinh thần mới, Ta sẽ lấy trái tim chai đá ra khỏi lòng các con và ban tặng các con một trái tim thịt mềm biết yêu thương. Ta sẽ đặt Thần Khí của Ta vào lòng các con để làm cho các con theo đúng luật của Ta” (36,23-27).

***

Lạy Chúa Giêsu, xin biến đổi con, xin biến đổi con qua cầu nguyện.
Mỗi lần con thấy Chúa, xin biến đổi ánh mắt con.
Mỗi lần con rước Chúa, xin biến đổi môi miệng con.
Mỗi lần con nghe lời Chúa, xin biến đổi tai con.
Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn sau mỗi lần gặp Chúa.
Ước chi mọi người nhìn thấy Chúa trong nụ cười của con, thấy sự dịu dàng của Chúa trong lời nói của con. Amen.

Tổng hợp từ R. Veritas

Một chút suy tư _ kẻ đàng hoàng và tình yêu mù quáng

Kẻ đàng hoàng và tình yêu mù quáng

Nam Đan
Thể thao Văn hóa
   
08:58' PM - Thứ sáu, 23/07/2010

Những khi rỗi, cầm tờ báo trên tay, tôi thường xem các mục giải đáp tâm tình, nhỏ to tâm sự, gỡ rối tơ lòng… do các chuyên gia tâm lý và tình yêu phụ trách, hòng bù đắp cho những lỗ hổng kiến thức khổng lồ của mình về lĩnh vực này. Tôi nhận thấy rằng mỗi chuyên gia đều có một giọng riêng, nhưng khi bàn về tình yêu, đặc biệt là mối tình đầu của các cô cậu mới lớn, những kẻ sắp sửa yêu, thì chung quy họ đều có một nhận định gần như nhau, có vẻ như muốn khuyến cáo những kẻ này hãy liệu hồn, “Hãy yêu một cách sáng suốt, chớ nên mù quáng trong tình yêu!”.