Hiển thị các bài đăng có nhãn phục sinh. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn phục sinh. Hiển thị tất cả bài đăng

Lời Chúa cntn 32c _ Giáo lý Phúc Âm

Giáo Lý Phúc Âm
Chúa Nhật XXXII Quanh Năm _ C
2Mcb. 7, 1-2.9-14; 2Tx. 2,16–3,5; Lc. 20, 27-38

SỐNG ĐẠO - PHỤC SINH

ĐỂ ĐƯỢC GẶP CHÚA PHỤC SINH

Được gặp Chúa Phục Sinh là một ân huệ lớn lao. Các môn đệ Chúa xưa đã được ân huệ đó. Khi Chúa Phục sinh đến gặp họ, họ cảm nhận được rằng: Họ được Chúa yêu thương, được Chúa cứu độ, được Chúa chọn và được Chúa sai đi. Họ xác tín rằng: Không những họ được ơn Chúa yêu thương, mà họ còn được ơn biết yêu mến Chúa và yêu thương người khác.
Các môn đệ Chúa đã được gặp Chúa Phục sinh và đón nhận ơn Phục Sinh không phải một cách miễn cưỡng. Thực sự các ngài đã khao khát, đợi chờ. Hơn nữa, Chúa đã dọn lòng các ngài một cách đặc biệt, đó là làm cho các ngài trở nên hết sức khiêm nhường. Ở đây, xin nhìn sâu một chút vào điều kiện quan trọng đó.
1. Khiêm nhường nhận ra sự yếu hèn của bản thân mình
Đứng đầu các môn đệ là thánh Phêrô. Đã một thời, ngài luôn luôn tỏ mình là người trung tín và can đảm. Ngài dám nói công khai trước Chúa Giêsu và các anh em: "Dù mọi người bỏ Thầy, thì con cũng không bỏ Thầy" (Mc 14,29). Ngài tự tạo ra một hình ảnh anh hùng về chính mình, với tất cả sự quảng đại, nhiệt thành, bất khuất. Ngài tự hào về hình ảnh tự tạo đó. Nhưng đàng sau hình ảnh đó là sự yếu đuối, mà ngài không biết. Ngài chỉ nhận ra sự kém cỏi khốn nạn của mình, khi ngài chối Chúa. Hình ảnh vinh quang ngài tự tạo bị sụp đổ trước câu hỏi do một người đầy tớ gái của thầy cả Thượng phẩm: "Ông có phải là môn đệ của ông Giêsu không?" (Mt 26,71). Sự sụp đổ quá dễ dàng đó đã làm cho thánh Phêrô bừng tỉnh. Ngài nhận ra chính mình với tất cả sự khiêm nhường sâu thẳm.
Thánh Giacôbê và thánh Gioan cũng là những môn đệ được Chúa Giêsu thương cách riêng như thánh Phêrô. Hai ngài có lần cũng đã đoan chắc với Chúa là sẽ vui lòng uống chén đắng của Chúa (x. Mc 10,39). Có nghĩa là sẽ chia sẻ cuộc khổ nạn của Chúa, sẽ vác thánh giá đỡ cho Chúa. Các ngài hứa là hứa, chứ không nhận thức được khả năng của mình. Với lời hứa hùng hồn đó, các ngài cũng tự tạo ra cho mình một hào quang quả cảm. Nhưng ở vườn Cầy Dầu, lúc thử thách tới, các ngài đã bỏ trốn. Hào quang tự tạo bị tan vỡ. Các ngài nhận ra sự yếu đuối của mình. Khám phá đau đớn ấy khiến các ngài khiêm nhường sâu thẳm.
Các môn đệ khác trong bữa tiệc ly cũng đã nhận được chức thánh, được Chúa cầu nguyện cho với bao lời ủi an dặn dò, các ngài tưởng mình đương nhiên đã trở thành thánh thiện. Nhưng chỉ vài giờ sau, các ngài cũng vẫn mê ngủ, không đủ sức tỉnh thức cầu nguyện. Các ngài để mặc Chúa cô đơn trong cơn xao xuyến. Khi Chúa bị bắt, các ngài đều bỏ trốn. Có một cái gì đã đổ vỡ trong các ngài. Tưởng mình thánh thiện là ảo tưởng. Sự đổ vỡ ảo tưởng giúp cho các ngài thấy sự yếu đuối hèn hạ của mình. Các ngài trở nên khiêm nhường sâu sắc. Sự khiêm nhường ấy chính là điều kiện để các ngài được gặp Chúa Phục Sinh.
Cùng với sự khiêm nhường nhận biết mình yếu đuối, các môn đệ Chúa còn được chuẩn bị thêm một sự khiêm nhường khác, đó là khiêm nhường vâng phục thánh ý Chúa.
2. Khiêm nhường vâng phục thánh ý Chúa
Hồi đó, nhiều người trong dân tin Chúa Giêsu là Đấng Mêssia. Nhiều người đã gọi Chúa Giêsu là con vua Đavít. Các môn đệ Chúa cũng tin như vậy. Niềm tin ấy dựa theo mong đợi của truyền thống đã vẽ ra một hình ảnh Đấng Cứu Thế với những nét của vua chúa. Theo đó, Chúa Giêsu sẽ gom lại trong tay mình các quyền lực, sẽ dẹp tan các quân thù, sẽ lên ngôi vua, ngồi trên ngai vàng, kế vị vua Đavít. Nước Người sẽ lớn lao, các môn đệ Người sẽ được chia quyền cai trị, với chức cao quyền cả. Những mộng ước như thế được các môn đệ coi là chính đáng.
Nào ngờ Chúa Giêsu lại đi theo hướng khác, đó là hướng hiến thân mình làm của lễ đền tội cho nhân loại. Chúa Cứu Thế đã nói nhiều lần cho các môn đệ biết hướng đó. Nhưng các ngài không hiểu, và như không muốn hiểu, thậm chí không thể hiểu nổi. Đến khi hướng đó được thực hiện bằng cái chết của Chúa trên thánh giá, các môn đệ mới chấp nhận.
Trong các ngài, có một cái gì tan vỡ, hụt hẫng thảm hại. Các ngài nhận ra ý của các ngài không phải là ý Chúa. Ý Chúa rất khác ý các ngài. Vâng phục ý Chúa thì phải bỏ ý riêng. Từ bỏ nào cũng gây đau đớn. Tuy nhiên, các ngài vẫn tin vào Chúa. Đức tin được thanh luyện. Các ngài trở nên khiêm nhường, coi sự vâng phục ý Chúa là một giá trị cao cả, có sức thánh hoá và cứu độ. Chính niềm tin khiêm nhường ấy đã là một điều kiện thích hợp, để các môn đệ được gặp Chúa Phục Sinh.
Thứ khiêm nhường sau cùng rất cần để các môn đệ gặp được Chúa Phục sinh, đó là khiêm nhường sám hối.
3. Khiêm nhường sám hối
Phúc Âm tả sự sám hối của thánh Phêrô bằng việc ngài rút vào thinh lặng và khóc lóc thảm thiết (x. Mt 26,75). Tôi nghĩ các môn đệ khác cũng đều đã sám hối.
Các ngài khiêm nhường nhận ra rằng: Trong các lời hứa trung tín của các ngài đã có mầm bất trung, trong các việc đạo đức của các ngài đã có nhiều vẩn đục, trong tình yêu của các ngài đã có nhiều ích kỷ, trong các việc làm tưởng là hợp ý Chúa đã có pha nhiều ý riêng. Những nhận thức đó khiến các ngài trở nên khiêm nhường.
Điều làm cho các ngài đau đớn là đã làm phiền lòng Chúa. Điều làm cho các ngài hối hận là thấy mình đã không tỉnh thức lắng nghe ý Chúa. Điều làm cho các ngài mến Chúa hơn trước là thấy Chúa đã chịu chết để đền tội cho mình.
Sám hối của các môn đệ Chúa là một sự trở về với tình yêu Chúa. Một sự trở về khiêm nhường, tự đáy lòng, với lời cầu nguyện thiết tha và với sự phó thác triệt để vào lòng thương xót Chúa.
Những suy nghĩ trên đây giúp chúng ta chuẩn bị tâm hồn, để mừng lễ Phục Sinh. Mừng lễ Phục sinh không phải chỉ là tham dự thánh lễ Phục sinh với những lễ nghi phụng vụ và bầu khí hân hoan, nhưng chủ yếu phải là được gặp Chúa Phục Sinh, để đón nhận ơn phục sinh từ chính Chúa Phục Sinh.
Để được thế thì phải khiêm nhường. Khiêm nhường, khiêm nhường, khiêm nhường. Hãy tập trung vào điều kiện đó.
Lạy Chúa Phục Sinh, xin thương ban cho con ơn được gặp Chúa. Con rất bất xứng. Nhưng con tin Chúa giàu lòng thương xót sẽ đoái nhìn đến con. Con hết lòng cảm tạ Chúa. Con xin hoàn toàn phó thác con trong tay Chúa. Lạy Chúa là Đấng Cứu Chuộc vô cùng nhân ái.
ĐGM. GB Bùi Tuần

Lời Chúa lễ phục sinh _ niềm vui phục sinh

 Chúa Nhật Phục Sinh
NIỀM VUI PHỤC SINH
Takashi Nagai sinh năm 1908 tại Isumo, Nhật bản, trong một gia đình có năm anh em theo đạo Shinto. Sau khi vào trường thuốc Nagasaki năm 1928, anh đã bị mê hoặc bởi chủ nghĩa vô thần. Khi mổ xẻ các tử thi, anh thấy cấu trúc cơ thể của con người kỳ diệu đến từng chi tiết nhỏ, nhưng tất cả những điều kỳ diệu đó, anh chỉ thấy là vật chất. Còn linh hồn? Đối với Nagai, đó chỉ là một trò lừa bịp không hơn không kém.

Takashi Nagai
Năm 1930, được điện tín của cha: “Về nhà!”,  anh về ngay với linh cảm có chuyện không lành. Anh đờ người ra khi biết mẹ bị bệnh nặng, không còn nói được nữa. Nagai ngồi bên mẹ và đọc được lời tạm biệt trong mắt mẹ. Sự ra đi của người mẹ làm đời anh thay đổi: “Với cái nhìn sau cùng đó, mẹ tôi đã phá đổ cái khung tư tưởng tôi đã xây nên. Cái nhìn đó cho tôi biết tinh thần con người vẫn còn sau cái chết”.
Rồi Takashi Nagai bắt đầu đọc cuốn Pensées của Pascal, một thi sĩ và học giả nổi danh của Pháp trong thế kỷ 17.
Anh tâm sự: “Linh hồn, cõi vĩnh hằng,… Thiên Chúa. Bậc tiền bối lỗi lạc của chúng ta, nhà vật lý Pascal đã cân nhắc kỹ những điều này... kẻ tài trí hơn người đó đã thực sự tin những điều này! Pascal giải thích rằng chúng ta có thể gặp được Chúa trong niềm tin và cầu nguyện, và ông ta đã nói là cả khi chưa tin, anh cũng đừng coi thường việc cầu nguyện và tham dự thánh lễ”
 
Ai cũng có kinh nghiệm đau đớn về những mất mát. Trên tất cả, cái chết gói ghém hết những mất mát không thể tránh được của một đời người. Cái chết cũng là một tiếng linh thiêng nói với mỗi người về bản tính yếu hèn với nhiều giới hạn của họ trước các vấn nạn từ cuộc sống, về một sự sống khác trong cái thân xác bụi tro mau qua này. Tại sao người ta lại thấy mất mát, hay tuyệt vọng trước một thay đổi nào đó trong cuộc sống, như đau bệnh, gặp tai nạn, v.v… nếu trong đáy lòng họ không có sẵn một mô hình, một kiểu mẫu lý tưởng về cái thành toàn?
Bởi đó, phải cám ơn sự chết và những mất mát, vì chúng giúp người ta thấy rõ thân phận cát bụi, nhờ đó mà họ dễ thấy được đâu là hạnh phúc thật, biết đặt câu hỏi về nơi mình sẽ đến và phải đến. Niềm tin vào Thiên Chúa thường nảy sinh để cứu con người khỏi nỗi tuyệt vọng khủng khiếp khi phải đối diện với những yếu hèn của mình, và chiếu toả ánh hy vọng cho hết những ai muốn đi tìm một ý nghĩa sau cùng cho đời mình.
 Vâng, chính vì yêu thương mà Chúa để Dân Chúa phải sống kiếp nô lệ ở Ai cập, và đặt họ đứng trước Biển Đỏ trên đường chạy trốn ách nô lệ.
Tình cảnh tuyệt vọng đó giúp họ thấy rõ sự bất lực của mình và thấy rõ không còn con đường nào khác để lựa chọn ngoài niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa để có được sự sống và hạnh phúc. Đó là con đường duy nhất người ta phải theo để có được hạnh phúc đời đời.
Niềm tin đó tỏa sáng mạnh mẽ hơn nơi ba bạn trẻ của Đanien, vượt lên trên những tính toán của đời thường để lý luận bằng những luận lý của niềm tin. Trước lò lửa hừng hục, họ  trả lời nhà vua về chọn lựa của mình: “Nếu Thiên Chúa chúng tôi thờ có sức cứu chúng tôi thì tâu đức vua, Người sẽ cứu chúng tôi khỏi lò lửa đang cháy phừng phực và khỏi tay ngài. Còn nếu Người không cứu, thì xin đức vua biết cho rằng chúng tôi cũng không phụng sự các thần của ngài, và cũng không thờ lạy pho tượng vàng ngài đã dựng đâu!” (Đn 3,17-18).
Niềm tin đó được đẩy lên đến tột đỉnh nơi Đức Kitô trong cuộc tử nạn: khi đối mặt với sự bất lực của bản tính con người, bị mất tất cả những gì được trần gian coi trọng, mà vẫn hướng về Chúa: “Lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con”. Đó là niềm tin tinh tuyền, là sự sống mà Đức Kitô muốn phục hồi trong thế giới đã chết trong tội. Như thế, ngay trong cái chết của Đức Kitô đã có sự phục sinh của ơn gọi làm con Thiên Chúa: “anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3,1).
 
Có đủ ánh sáng cho ai muốn tin, và đủ mờ mịt cho ai không muốn tin. Vì thế mà niềm tin cần trải qua thử thách, để ai tin vào Chúa sẽ xứng đáng được cảm nghiệm niềm vui của cuộc sống mới khi phó thác tất cả cho Chúa, chấp nhận theo Chúa dù có mất tất cả.
Niềm tin đó như ánh nắng ban mai xoá sạch dấu vết của bóng đêm tuyệt vọng, ngay cả trong những hoàn cảnh bi lụy nhất. Abraham sẵn lòng hy sinh đứa con duy nhất và nên cha của các dân tộc, còn Đức Kitô - Ađam mới - đã chết để làm sống lại một nhân loại mới.
Tờ nội san của tu viện St.Joseph ở Pháp đã trích lời một linh mục nói về bác sĩ Nagai: “Nếu chúng ta có được một chút niềm tin của Takashi Nagai vào sự quan phòng của Cha Hằng hữu và vào giá trị phổ quát của cái chết của Đức Kitô, chúng ta có thể đối diện với mọi biến cố trong bình an”.
Ai tin vào Đức Kitô phục sinh thì không thể tuyệt vọng.       
Lm. HK

PHỤC SINH

CHÚA ĐÃ PHỤC SINH

Chúa Giêsu Ki-tô đã Phục Sinh…. Thánh Gioan đã tường thuật trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay như một nhân chứng mắt thấy tai nghe. Ngài diễn tả hành trình mà các tông đồ, cụ thể là Maria Mácđala, Phêrô và Gioan đã trải qua để tiến đến niềm tin "Chúa đã Phục Sinh".
Thánh Phaolô quả quyết: "Nếu Chúa Kitô không sống lại thì niềm tin của chúng ta là điều vô ích,… chúng ta là những người khờ dại nhất vì chúng ta tin tưởng vào một điều hão huyền" (1Cr 15,12-19).
Vậy Phục Sinh là gì ? Đâu là ý nghĩa của biến cố Phục Sinh ?