Mark Link _ Lời Chúa thứ bảy tuần 32 thường niên

THỨ BẢY – TUẦN 32
Bài đọc 1 Năm lẻ
Biển Đỏ tách ra và Israel có thể “vượt qua” từ ách nô lệ đến tự do của dân Chúa,] Như ngựa chăn ngoài đồng, như chiên nhảy tung tăng, lạy Chúa, dân Chúa ca tụng tán dương Ngài là Đấng giải thoát họ. (Kn 19,9).
Karl Barth so sánh việc đọc Kinh thánh với việc nhìn ra cửa sổ từ một tòa nhà và thấy người ta đang đi xuống hè phố, nhìn chăm chú vào một cái gì đó trên mái nhà. Dĩ nhiên, bạn không thể biết chuyện gì, nhưng chỉ có thể phỏng đoán dựa trên những biểu lộ của khuôn mặt họ. Việc dân Israel vượt qua Biển Đỏ là một chứng minh có tính thuyết phục cho ý tưởng của Karl Barth. Một điều kỳ diệu đã xảy ra. Chúng ta không thể hiểu được tất cả, nhưng dù sao, nó đã biến đổi dân Israel, và đến lượt mình, dân Israel tiếp tục biến đổi tiến trình lịch sử của nhân loại.
Tôi đọc Kinh thánh để xin Thánh Thần Thiên Chúa hướng dẫn, với tinh thần cầu nguyện, tôn kính, và cố hình dung trong trí óc như thế nào?
Bạn lĩnh hội được Kinh thánh nhiều hay ít tùy ở công sức bạn bỏ ra (Oliver Wendell Holmes).

Bài đọc 1 Năm chẵn
Tôi viết đôi lời cho Hội thánh, nhưng Diotrephes, một con người thích ăn trên ngồi trước, không chịu nhận quyền của chúng tôi (3 Ga 9)
Thư của thánh Gioan ngắn đến độ có thể viết vừa một tấm thiệp. Lá thư được gửi trực tiếp cho Gaiô, người đứng đầu Giaó hội địa phương. Ông là người tốt và hoàn toàn bất đồng quan điểm với Diotrephes, một hạng người khá độc tài. Diotrephes làm ngơ trước những lời chỉ bảo của Gioan và ngầm phá hoại ngài. Lá thư này nhắc nhớ chúng ta rằng trong Giaó hội có cả người tốt lẫn người xấu, cả những người lãnh đạo tốt cũng như những người lãnh đạo xấu. tất cả sống xen lẫn với nhau như cỏ lùng với lúa mì cho đến mùa thu hoạch, như lời Chúa Giêsu đã báo trước.
Có khi nào tôi để cỏ dại trong Giaó hội cản trở lúa mì không?
Việc đi nhà thờ không làm cho bạn trở thành một kitô hữu, cũng như bạn không thể trở thành chiếc xe khi đến gara. (Billy Sunday)

Bài Tin Mừng
[Chúa Giêsu kể dụ ngôn để dạy người ta kiên trì trong cầu nguyện. Một bà góa tiếp tục quấy rầy một quan tòa bất công để đòi hỏi sự công. Cuối cùng, ông ta chạnh lòng và nói:] “Vì bà góa này quấy rầy mãi, ta sẽ bênh vực cho bà ta” (Lc 18,5)
Chờ đợi có thể gây thất vọng, vì chúng ta không chủ động. Cũng thế, cầu nguyện có thể gây thất vọng, vì chúng ta không chủ động, nhưng là Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là con tim cứng cỏi của chúng ta đôi khi lang thang đây đó lúc cầu nguyện. Chúng ta nên làm gì khi điều này xảy ra? Thánh Phanxicô Salêsiô trả lời: “Hãy đưa con tim phiêu bạt trở về một cách yên lặng. Hãy trả con tim nhạy cảm cho chủ của nó. Nếu trong suốt giờ cầu nguyện, bạn chẳng làm gì, ngoại trừ gắn bó con tim với Chủ của nó, bạn đã cầu nguyện tốt đẹp.”
Khó khăn lớn nhất tôi trải qua trong giờ cầu nguyện hằng ngày là gì?
Trong khi cầu nguyện, điều quan trọng không phải là suy nghĩ nhiều, nhưng là yêu mến nhiều. (Thánh Têrêsa Avila)