Lời Chúa cntn 26a _ đức tin đổi mới cuộc sống

ĐỨC TIN ĐỔI MỚI CUỘC SỐNG
Thánh Matthêô Gẫm đã sa ngã, khi theo đuổi một thiếu nữ khác. Nhưng rồi nghĩ lại, ông nhất quyết từ bỏ mối tình ngang trái. Để bù lại tội lỗi xưa, ông tỏ ra yêu vợ nhiều hơn, và chú tâm vào việc giáo dục con cái.  
Lm. Giuse Đỗ Đình Tiệm
Mở đầu bài tin mừng ta vừa nghe, dụ ngôn Chúa đưa ra hơi khó hiểu và có thể giải thích theo nhiều lối, nhưng đến phần kết luận của bài tin mừng, thì ta thấy rõ ràng, Chúa lưu ý ta đến việc thống hối, sửa đổi lại cách sống. Điều quan trọng trong phần rỗi của chúng ta không phải chỉ là nói, mà là phải làm. Dù chúng ta, do yếu hèn, phạm tội làm mất lòng Chúa, nhưng nếu ta nghe lời Chúa, quyết tâm sửa đổi, sống cuộc đời thánh thiện: thì Chúa luôn luôn tha thứ, và chúng ta vẫn xứng đáng vào nước trời.
Các thánh của Chúa, không phải chỉ là những con người luôn luôn trong sạch, vẹn toàn, mà quả thực cũng có rất nhiều vị cũng đầy khuyết điểm, cũng đã sa ngã nặng nề, nhưng sở dĩ các ngài được chúng ta tôn kính, là vì các ngài đã biết bỏ con người cũ, sống cuộc đời thánh thiện, chấp nhận mọi hi sinh, đau khổ, để đền bù tội lỗi bản thân, và để lập công phúc cho cuộc đời vĩnh cửu.
Trong nghề thương mại, thường phải xa nhà, thánh Matthêô Gẫm (tử đạo ngày 11.5.1847, 34 tuổi) đã sa ngã, khi theo đuổi một thiếu nữ khác. Nhưng rồi nghĩ lại, ông nhất quyết từ bỏ mối tình ngang trái. Để bù lại tội lỗi xưa, ông tỏ ra yêu vợ nhiều hơn, và chú tâm vào việc giáo dục con cái. Trong 4 người con, thì con trưởng và con út qua đời vì bệnh, người thứ hai đứng ra cản việc dốt nhà thờ Cầu Ngang (Trà Vinh) nên bị giết, còn người thứ ba bị bắt vì đạo tại Bà Rịa ngày 7.1.1862.
Trong thời gian bị giam cầm, bị tra tấn và chờ vua phê án tử hình, thánh Gẫm phải mang gông xiềng nặng, nhưng lúc nào cũng giữ được bình tĩnh và tính vui vẻ. Thánh Gẫm thường nói: “Tôi có ăn trộm ăn cướp đâu mà sợ vui buồn. Được chết vì đạo là điều tốt lắm.”
Lê Văn Gẫm sinh năm 1813 tại làng Long Đại, họ Gò Công (Là con đầu lòng trong một gia đình năm anh em trai và một em gái út). Matthêô Gẫm đã thừa hưởng nơi thân phụ. Ông Phaolô Lê Văn Đại và thân mẫu bà Maria Nguyễn Thị Nhiệm, một truyền thống đạo đức thâm sâu. Năm 15 tuổi Gẫm xin phép cha mẹ theo học chủng viện Lái Thiêu để làm linh mục. Nhưng chỉ một tháng sau, song thân đến xin cậu về. Vì là anh cả một đàn em nhỏ dại, cậu đã vâng lời cha mẹ về phụ giúp gia đình lao động kiếm sống. Hồi 20 tuổi, người thanh niên vạm vỡ ấy kết hôn với một thiếu nữ thuộc họ Thành, làng Long Điền, Bà Rịa. Hai vợ chồng sống với nhau rất êm ấm thuận hòa và sinh hạ được 4 người con.
Nhờ tài tháo vát kinh doanh lại có nhiều vốn, công việc buôn bán của ông Matthêô Gẫm ngày càng phát đạt. Ông không tiếc công giúp các giáo sĩ và được các ngài tín nhiệm.
Trong công tác đưa đức cha Lefebvre Ngãi về Sàigòn, ông bị bắt tống giam đề lao từ ngày 8.6.1846.
Vài ngày sau, các quan đưa ông Gẫm ra tòa lấy khẩu cung và kêu gọi khóa quá
- Mi tên gì, khai rõ sự việc.
- Tôi tên là Lê Văn Bửu (tự ý đổi tên Gẫm) 33 tuổi, quê tại Thị Rịa (Bà Rịa) ghe tôi đi ở đi muối ở hòm Phú Quốc sang Hạ Châu (Singapore) bán. Tại Hạ Châu tôi gặp hai giáo sĩ Tây Dương xin theo ghe tôi vào đất Nam Kỳ, lại có những học trò cùng xin quá giang về nước, tôi chở họ để lấy tiền công.
Quan cho lời khai không đúng, ra lệnh căng nọc đánh 30 trương. Vì trận đòn đau quá, ông Gẫm nói:
- Đi Hạ Châu thì khai là đi Hạ Châu bán muối, chở người về rõ ràng trong ghe mà còn đánh đòn nỗi gì chớ!
- Mi chở thầy Tây về đây để làm gì?
- Bởi lòng mộ đạo, nên mới đem hai thầy sang truyền giáo cho thiên hạ cải tà quy chánh.
- Mi chở hai người ấy đi đâu?
- Tôi chở về Chợ Sỏi.
Quan nổi giận nói lớn:
- Chợ Sỏi không có ai đi đạo, vậy mi chở về nhà ai chứa chấp hả?
- Thưa tôi nói Chợ Sỏi mà quan không ưng, biết nói đi đâu bây giờ, xin quan làm phước chỉ dùm, để tôi khai cho vừa lòng quan lớn …
Quan án giận dữ ra lệnh đánh đòn. Sau trận đòn quan nói:
- Nếu mi bỏ đạo ta tha, bằng không ta làm án chặt đầu mi.
- Bẩm quan, tôi giữ đạo từ lọt lòng mẹ, ông cha tôi, gia đình tôi đều quyết giữ đạo, tôi làm sao bỏ được. Nghe lời nói khẳng khái, quan truyền dẫn trở về ngục.
Hôm sau quan thượng là ông đô đốc bộ Trung truyền giải ông Gẫm để tra vấn tiếp:
- Mi chở thầy Tây về để trao cho ai?
- Tôi chở về đất Nam Kỳ, nếu có ai mộ mến thì rước, bằng không tôi sẵn sàng nuôi để các ông ấy đi dạy dạo.
Quan thượng giận, dạy tấn đòn, vì tội khai trịch thượng. Bị đánh đòn dữ quá, ông Gẫm nói lớn tiếng: “Bẩm quan lớn, quan lớn tấn đòn tôi dữ dằn quá, túng thế tôi khai là chở các thầy Tây ấy về trao cho quan lớn vậy.”
Quan giận lắm, nhưng lại khuyên nên bỏ đạo và đem cây Thập Tự đến bảo ông Gẫm khóa quá, quan sẽ tha cho về với vợ con làm ăn tử tế. Nhưng ông Gẫm khẳng định:
- Không bao giờ, tôi thà chịu chết chớ không khóa quá Thập Tự.
Quan dậy tấn đòn nữa, may nhờ có ông tư vụ tên Ngạn làm việc trong đinh quan thượng, người có lòng thương xót, xin quan đình lại vì thấy ông Gẫm đã đuối sức lắm. Quan ưng và ra lệnh dẫn về ngục.
Một lần nữa ra tòa, quan bố chánh tra khảo tấn đòn bắt cung khai chở thầy Tây trao cho ai? Và khuyên bỏ đạo, Người chiến sĩ anh dũng cứ một mực tuyên xưng Danh Chúa và lấy cái chết đó làm vinh hạnh. Qua 20 ngày tra tấn đòn rách thịt thấu tới xương, dụ dỗ khuyên nên nghĩ tới gia đình mẹ vợ con… Ông Gẫm vẫn không lay chuyển đức Tin. Các quan họp lại làm án tâu về triều đình Huế.
Cha Thám ba lần cải trang vào thăm giải tội và trao Mình Thánh Chúa. Cha Phan Văn Minh cũng có lần vào thăm và khích lệ. Các tín hữu Chợ Quán, Thị Nghè, An Nhơn và họ Lang (Chí Hòa) cũng đến thăm viếng người anh hùng của địa phận. Thân phụ ông Gẫm và người em và ông đội Phalô Bằng, vì liên lệ gia đình, cũng bị bắt giam tại Biên Hòa một thời gian ngắn.
Sau 7 tháng ông Gẫm bị giam, bản án được vua Thiệu Trị châu phê, nhưng vì trùng vào dịp cuối năm vua ra lệnh dời qua Tết mới thi hành. Sau Tết, một vài viên quan ở trấn Gia Định có cảm tình với người thương gia hiền lành, đã làm đơn xin vua giảm án cho ông Gẫm thành xá lưu đầy chung thân. Nhà vua quyết định không ân xá cũng không giảm.
Ngày 11.5.1847, ông Lê Văn Giẫm được đưa đến pháp trường Da Còm (Chợ Quán), các tín hữu và lương dân hiện diện rất đông. Ba người em của Ông là Tôma Trọng, Phaolô Bằng, Inê Nguyện, cũng có mặt trong cuộc xử anh mình. Ông đội Bằng và ông trùm Phước phải xô đẩy đám đông để đưa cha Thám đến gần giải tội lần cuối cho anh mình. Ông đội cũng tặng đao phủ ba quan tiền để anh ta chém thật gọn, giúp anh mình đỡ đau đớn. Thế nhưng khi nghe tiếng chiêng trống đổ hồi và thấy thái độ thương tiếc của nhiều người tham dự, viên dao phủ không còn giữ được bình tĩnh, hắn phải chém đến ba nhát, đầu vị tử đạo mới lìa khỏi cổ. Các người em vị tử đạo và tín hữu ùa vào, ráp đầu với thân mình, khâu lại, thay áo trắng, lấy khăn xanh quấn quanh cổ, rồi đặt lên võng khiêng về an táng tại họ Chợ Quán.
Đề tựa của Lm. HK