Tìm hiểu Lời Chúa _ cntn 26a


CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN
NĂM A
Ed 18, 25-28; Pl 2, 1-11; Mt 21, 28-32
BÀI ĐỌC I: Ed 18, 25-28
25 Có lời Đức Chúa phán như sau: “Các ngươi nói: "Đường lối của Chúa Thượng không ngay thẳng.” Vậy hỡi nhà Ít-ra-en, hãy nghe đây: Phải chăng đường lối của Ta không ngay thẳng hay đường lối của các ngươi mới không ngay thẳng?26 Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính mà chết, thì chính vì điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết. 27 Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình. 28 Nó đã thấy và từ bỏ mọi tội phản nghịch nó phạm, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết.
ĐÁP CA: Tv 24
Đ. Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu của Ngài. (c 6a)
4 Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con. 5 Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con. Sớm hôm con những cậy trông Ngài, bởi vì Ngài nhân ái.
6 Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời. 7 Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến, nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng.
8 Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân, 9 dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính, dạy cho biết đường lối của Người.
BÀI ĐỌC II: Pl 2, 1-11
1 Nếu quả thật sự liên kết với Đức Ki-tô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, 2 thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau. 3 Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. 4 Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. 5 Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Ki-tô Giê-su. 6 Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, 7 nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. 8 Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. 9 Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. 10 Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; 11 và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa".
TUNG HÔ TIN MỪNG: Ga 10, 27
Hall-Hall: Chúa nói: Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi; tôi biết chúng và chúng theo tôi. Hall.
TIN MỪNG: Mt 21, 29-32
28 Khi ấy, Đức Giêsu nói với các thượng tế và kỳ mục trong dân rằng: “Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: "Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.”29 Nó đáp: "Con không muốn đâu! " Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. 30 Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: "Thưa ngài, con đây! " nhưng rồi lại không đi. 31 Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha? " Họ trả lời: "Người thứ nhất.” Đức Giê-su nói với họ: "Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. 32 Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.”

SÁM HỐI THỂ HIỆN BẰNG LÀM LÀNH
Người Do Thái tự hào cho mình mới là “người con cả của Thiên Chúa”, vì họ dựa cùng dòng giống các tổ phụ Abraham, Isaác, Giacob, các vị đã được Chúa chọn và lập Giao Ước với, nhất là giới Biệt phái, họ càng tự hào hơn, bởi lẽ họ đã cẩn thủ giữ Luật Môsê, Giao Ước cũ, và tin là đã được nên công chính! Họ không biết rằng, Cựu Ước chỉ có giá trị chuẩn bị lòng người đón nhận Con Một Thiên Chúa và, phải tin rằng chỉ nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô, con người mới được cứu độ làm vinh hiển Chúa (x. Rm 11, 36), vì đã trở nên con Thiên Chúa (x. 1Ga 3, 2). Nhưng các thánh Giáo Phụ lại xác định người con cả trong Tin Mừng hôm nay đã chối không đi làm vườn nho theo lệnh cha, rồi sau đó nó lại làm. Đây là hình ảnh dân ngoại trước không được biết Thiên Chúa (chối không đi làm vườn nho), nhưng sau khi được nghe các Tông Đồ rao giảng về Chúa Giêsu Phục Sinh, họ đã ồ ạt vào Hội Thánh (đi làm vườn nho), như thế trước mặt Chúa họ mới thực là người con cả; trái lại, những người Do Thái lại là đứa con thứ, dù họ tự hào thờ Chúa qua Luật Môsê (hình ảnh người con nói vâng đi làm vườn nho cho cha), nhưng trong thực tế, lại quyết liệt chống đối Đức Giêsu, không gia nhập Hội Thánh (không đi làm vườn nho).
Giáo huấn qua các Bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay dạy: Ai đáng được danh là “người con thứ I” của Thiên Chúa thì phải biết nhận định về nguyên nhân Phúc hay Họa, để ngay hôm nay chỉ cần đi hai bước là lên tới Thiên Đàng.
I. NGUYÊN NHÂN GÂY RA PHÚC HAY HỌA!
1/ Mối Phúc do ta chọn.
 “Nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình.” (Ed 18, 27: Bài đọc I).
2/ Mối Họa cũng do ta chọn.
 “Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính mà chết, thì chính vì điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết” (Ed 18, 26: Bài đọc I).
Như vậy phúc hay họa là do bản chất việc hôm nay ta chọn. Muốn được Chúa chúc phúc thì “hôm nay sống từng giây hiện tại đẹp làm nên phút hiện tại đẹp; từng phút hiện tại đẹp làm nên giờ hiện tại đẹp; từng giờ hiện tại đẹp làm nên một ngày hiện tại đẹp; từng ngày hiện tại đẹp đan kết thành một cuộc đời đẹp”; Kẻ mang họa vào thân là do hôm nay tự chọn lối sống nghịch điều tốt đẹp!
Vì thế “Có lời Đức Chúa phán như sau: “Các ngươi nói: "Đường lối của Chúa Thượng không ngay thẳng.” Vậy hỡi nhà Ít-ra-en, hãy nghe đây: Phải chăng đường lối của Ta không ngay thẳng hay đường lối của các ngươi mới không ngay thẳng?” (Ed 18, 25: Bài đọc I).
Trước nhất chúng ta phải tìm hiểu về “ngày hôm nay” trong Tin Mừng Luca có một nội dung thúc bách quyết liệt.
Tác giả Luca ghi bảy lần: “HÔM NAY Thiên Chúa đem ơn cứu độ đến cho loài người”:
·     Thiên thần công bố:
     “Hôm nay Đấng Cứu Thế sinh ra cho các ngươi” (Lc 2, 11).
·     Chúa Cha phán:
     “Hôm nay Cha sinh ra Con” (Lc 3, 22).
·     Đức Giêsu nói:
*           Hôm nay ứng nghiệm đoạn Sách Thánh tai các ngươi vừa nghe: Kẻ bị giam cầm biết họ được tha, người mù biết họ được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, công bố năm hồng ân của Thiên Chúa (Lc 4, 18-19. 21).
*           Hôm nay tội con đã được tha, tức khắc người bại liệt được lành (Lc 5, 26).
*           Hôm nay Ta hoàn tất ơn cứu độ, cứ về nói với Hêrôđê như thế (Lc 13, 32).
*           Hôm nay cả gia đình ông Giakêu được cứu độ (Lc 19, 9).
*           Hôm nay anh trộm lành được vào Thiên Đàng với tôi (Lc 23, 43).
(dĩ nhiên trong Tin Mừng Luca còn hai lần ghi nhận “hôm nay”, nhưng hai lần đó không sinh ơn cứu độ, vì dân Do Thái chối từ Đức Giêsu – Lc 19, 42, và ông Phêrô chối Thầy ba lần – Lc 22, 34).
Thánh sử Luca có ý ghi bảy lần “hôm nay” với mục đích làm nổi bật sứ mệnh của Đức Giêsu thực hiện ơn cứu độ loài người, Ngài không hẹn chúng ta đến ngày mai, ngày mốt… mà ngay “hôm nay” Ngài thực hiện trong một tuần Sáng Thế Mới (7 lần hôm nay), là Ngài muốn mọi người ngay hôm nay phải gia nhập Hội Thánh, để chỉ đi hai bước là về tới Thiên Đàng.
Bước thứ I: Ngay hôm nay phải SÁM HỐI tội
Vì không ai vô tội, không ai công chính, chỉ duy Đức Maria được Chúa đặc cách gìn giữ vô nhiễm tội ngay khi còn trong lòng mẹ, còn “hết thảy đều lầm lạc, hư đốn cả lũ” (x. Rm 3, 9-13). Vua thánh Đavid nói: “Tôi đã tin cả khi mình đã nói: "Ôi nhục nhã ê chề!” Đã thốt ra trong cơn hốt hoảng: "Mọi người đều giả dối!" (Tv 116/114-115, 10-11). Bởi đó trong giờ Kinh Phụng Vụ ban sáng thứ sáu nào Hội Thánh cũng muốn ta phải nhớ đến tội mình đã làm cho Đức Giêsu bị giết chết, nên phải sám hối và xưng thú: “Ngài thấy cho lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51/50, 7). Thế thì trước mắt Chúa, người con thứ I hay II đều phải tự nhận biết mình là người yếu đuối bất lực trước đòi hỏi nên Thánh của Tin Mừng, vì đã nhiều lần nói không với cha (phạm tội).
Ta biết sám hối là việc tốt nhất và đứng hàng đầu trong các việc lành để ta được Chúa xót thương. Chính vì vậy mà:
-         Hai người đến Nhà Thờ cầu nguyện, một người khoe công đức, người kia chỉ thú nhận tội lỗi, thì người khoe công đức bị đuổi về tay không; còn người thú nhận tội ra về được trở nên công chính (x. Lc 18, 9-14).
-         Người đầu tiên được Chúa mở cửa Thiên Đàng cho vào, không phải là người lương thiện mà là tên trộm cướp, chỉ vì anh sám hối, và xin Đức Giêsu thương xót (x. Lc 23, 40-43).
Vì thế, trong Thánh Lễ lời cầu nguyện sám hối của cộng đoàn cũng như của chủ tế được lặp đi lặp lại tới 14 lần.
Tâm tình sám hối quan trọng đến thế, nên Đức Giêsu đã nói với các thượng tế và các kỳ mục: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông, vì họ đã tin vào tôi, còn các ông thấy vậy các ông đã không chịu sám hối mà tin” (Mt 21, 23. 31-32: Tin Mừng).
Bước thứ hai: ngay hôm nay LÀM LÀNH thể hiện lòng sám hối
Giáo lý Công Giáo dạy ta phải xác tín: Một việc được đánh giá là việc lành, có giá trị cứu độ và tồn tại muôn đời, làm vinh danh Chúa, phải là “nhờ Chúa Giêsu, với Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu” (Rm 11, 36; Cv 5, 39); trái lại, việc nào do tài sức con người làm, mà không thuộc về Chúa Kitô, thì trước sau sẽ ra tro bụi (x. Cv 5, 38). Thậm chí “có đem hết gia tài sự nghiệp chia sẻ, hay nộp cả thân xác để chịu thiêu đốt, mà không có Đức Mến, thì cũng chẳng sinh ích gì cho ai” (1Cr 13, 3). Đức Mến ở đây không phải là phẩm tính mà là Chúa Giêsu, thánh Gioan nói: “Thiên Chúa là Đức Mến” (1Ga 4, 8). Vì thế thánh Tông Đồ nói: “Nếu quả thật sự liên kết với Đức Kitô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, thì xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng một cảm nghĩ, cùng một lòng mến, cùng một tâm hồn, cùng một ý hướng như nhau.” (Pl 2, 1-2: Bài đọc II). Sự liên kết với Chúa Kitô và những người anh em trong Hội Thánh chỉ thể hiện một cách đầy đủ và chính xác mỗi khi chúng ta hiệp dâng Thánh Lễ. Do đó thánh Phaolô nhắc nhở: “Chúng ta hãy để ý đến nhau mà làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt. Chúng ta đừng bỏ các buổi hội họp (hiệp dâng Thánh Lễ) như vài người quen làm; trái lại phải khuyến khích nhau, nhất là khi anh em thấy Ngày Chúa đến đã gần” (Dt 10, 24-25).
Thực ra chỉ nhờ ơn Chúa trợ lực, ta mới có thể làm lành như Tông Đồ Phaolô chỉ dạy: “Đừng làm vì ghen tỵ hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi kẻ khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác nữa! Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Giêsu Kitô. Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vì ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên rằng:“Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2, 3-11: Bài đọc II).
Ai biết làm lành giống Chúa Giêsu, cho dù thân xác yếu đuối còn vương vấn trong tội, hãy sám hối và thể hiện bằng việc lành (x. Mt 3, 8), thì đã diễn tả người con cả chối không đi làm vườn nho cho cha, nhưng sau lại hối hận đi làm! (x. Mt 21, 28-29: Tin Mừng)
Vì vậy “Chúa nói: Chiên của tôi thì nghe tiếng tôi, tôi biết chúng và chúng theo tôi” (Ga 10, 27: Tung Hô Tin Mừng). Nghe tiếng Chúa để theo Ngài, cụ thể phải là ý thức sống: Quá khứ chỉ còn là một trải nghiệm, tương lai ngoài tầm tay ta, chỉ có HÔM NAY mang theo mình một trách nhiệm. Trách nhiệm đó là: “SÁM HỐI, thể hiện bằng LÀM LÀNH trong vườn nho của Chúa là Hội Thánh. Vì: “Lạy Chúa, nghĩa nặng với ân sâu của Ngài” (Tv 25/24, 6a: Đáp ca).
THUỘC LÒNG.
Hãy làm việc lành, xứng với lòng hối cải! (Mt 3, 8)
Lm GIUSE ĐINH QUANG THỊNH