BÍ
TÍCH RỬA TỘI
Đức Giêsu đến thế gian không bởi vì Người
là một tội nhân. Người đến để giúp các tội nhân theo mọi phương cách mà Người
có thể.
Vào giữa thập niên 1800 bệnh dịch cùi bùng nổ khắp các đảo Hạ Uy Di.
Vào lúc đó y học vẫn còn trong thời kỳ sơ khai, hậu quả là nhà cầm quyền
không cách chi có thể chữa được căn bệnh truyền nhiễm này.
Để ngăn chặn sự lây lan họ phải thi hành một điều dù họ không thích, nhưng
phải làm.
Họ thiết lập một trung tâm người cùi trên hòn đảo Molokai xa xôi. Diễn tả về
tình trạng do sự kiện này tạo nên, Robert Ellsburg viết: "Người Hạ Uy Di… đau khổ vì căn bệnh này bị bắt đi ra khỏi gia
đình và cộng đoàn và gửi tới đảo này… Có thể nói bệnh nhân bị quăng vào sóng biển
và để họ tự bơi vào bờ, tìm chỗ tạm trú trong các hang hoặc căn lều bẩn thỉu và
bám víu lấy sự sống mà họ có thể."
Một linh mục trẻ tuổi người Bỉ, Cha Damien, thật bàng hoàng khi biết về số
phận của các nạn nhân đáng thương này. Do đó, cha đã tình nguyện đến Molokai để
giúp đỡ họ.
Khi đến đảo, người tổ chức họ thành một cộng đồng. Sau đó người dựng một
nhà thờ và bắt đầu giúp đỡ họ theo bất cứ phương cách nào có thể.
Khi thi hành điều này, người hoàn toàn đồng hoá với họ.
Người làm việc với họ, đi lại với họ, và ăn uống với họ. Người trở nên giống
họ về mọi phương cách – để chia sẻ căn bệnh thảm thương của họ.
Sau năm năm chăm sóc người cùi, Cha Damien cũng bị nhiễm căn bệnh đáng sợ
này.
Người tiếp tục chăm sóc họ thêm bốn năm nữa, trước khi căn bệnh này lấy đi
sự sống của cha vào năm 1889. Gần một trăm năm sau, vào năm 1995, Đức Giáo
Hoàng Gioan Phaolô II đã tuyên phong chân phước cho người, chuẩn bị để tuyên
xưng là thánh.
Câu chuyện cảm động của Cha Damien thích hợp với ngày lễ hôm nay, lễ Đức
Giêsu chịu Thanh Tẩy.
Để thấy sự thích hợp đó, chúng ta hãy bắt đầu bằng việc nhớ lại điều dân
chúng thường hỏi: “Tại sao Đức Giêsu lại
xin được thanh tẩy?”
Nói cho cùng, Thánh Phaolô nói, “Phép
rửa của Gioan là cho những người xa lánh tội lỗi.” CVTĐ 19:4
Nếu Đức Giêsu không có tội, tại sao Người lại xin chịu phép rửa? Ông Gioan
cũng tự hỏi như thế. Khi Đức Giêsu xin được thanh tẩy, ngay lập tức ông Gioan từ
chối, nói rằng:
“Lẽ ra tôi phải được Ngài thanh tẩy, nhưng
Ngài lại đến với tôi.” … Đức Giêsu trả lời ông, “Bây giờ
hãy để xảy ra như vậy. Vì chúng ta phải thi hành những gì Thiên Chúa đòi hỏi
theo phương cách này.”
Chính tại đây sự thanh tẩy của Đức Giêsu có liên hệ đến câu chuyện của Cha
Damien.
Cha Damien đến đảo Molokai không phải vì bị bệnh cùi. Người đến đây chỉ vì
muốn giúp đỡ người cùi bằng mọi phương cách có thể.
Và để giúp đỡ họ bằng mọi phương cách có thể, người đã chọn đồng hoá với họ
theo mọi phương cách người có thể.
Người ăn uống với họ, làm việc với họ, cầu nguyện với họ, và người chịu đau
khổ với họ.
Theo một cách tương tự, Đức Giêsu đến thế gian không bởi vì Người là một tội
nhân. Người đến để giúp các tội nhân theo mọi phương cách mà Người có thể.
Và vì thế Người đồng hoá với họ theo mọi phương cách có thể - ngoại trừ tội
lỗi. Đức Giêsu sống với họ, cầu nguyện với họ, ăn uống với họ, và ngay cả tự để
mình chịu cám dỗ giống như họ.
Do đó, thật tự nhiên khi Đức Giêsu nới rộng sự đồng hoá với con người bằng
cách chịu thanh tẩy như họ.
Giống như Cha Damien, Đức Giêsu đồng hoá với loài người đến độ hy sinh mạng
sống mình vì họ.
Điều này đưa chúng ta đến với bí tích rửa tội của chính chúng ta. Qua bí
tích đó, chúng ta được tháp nhập vào Thân Thể Đức Kitô. Qua đó, chúng ta trở
nên các chi thể của thân thể Đức Kitô và chia sẻ sứ vụ cứu chuộc thế gian của Người.
Nói cách khác, qua bí tích rửa tội, chúng ta được mời gọi hãy sử dụng các
khả năng độc đáo Chúa ban để hoạt động với Đức Kitô trong việc cứu chuộc nhân
loại.
Và như vậy, bí tích rửa tội là bước đầu tiên trong hành trình lớn lên trong
Đức Kitô và học cách sử dụng khả năng của mình để làm việc với Người trong sự cứu
độ - cũng như Cha Đamien đã sử dụng tài năng của mình cho mục đích này.
Điều này nêu lên một câu hỏi quan trọng. Chúng ta lớn lên trong Đức Kitô
như thế nào? Chúng ta phải chuẩn bị chính minh như thế nào để chia sẻ công việc
cứu độ của Người?
Thánh Phaolô trả lời câu hỏi này trong Thư gửi tín hữu Côlótsê: “Vì anh chị em đã chấp nhận Đức Giêsu Kitô là
Chúa, hãy sống hiệp nhất với Người. Hãy bám rễ sâu vào Người, xây dựng cuộc đời
anh chị em trên Người… Vậy, anh chị em hãy mặc lấy tâm tình từ bi, nhân hậu,
khiêm cung, ôn hoà, và nhẫn nại.” Col 2:6-7; 3:12-14
Nói cách khác, chúng ta thi hành điều này bằng cách bắt chước Đức Kitô.
Chúng ta cố gắng đối xử từ bi với người khác, như Đức Kitô đã đối xử với
chúng ta.
Chúng ta cố gắng đối xử nhẫn nại với người khác, như Đức Kitô đã đối xử với
chúng ta.
Nói tóm, chúng ta cố noi gương Đức Kitô là Người đã ban sức cho chúng ta để
giúp thi hành điều này bằng cách chia sẻ chính sự sống thánh thiêng của Người
cho chúng ta trong bí tích rửa tội.
Hãy kết thúc với một lời nguyện, xin Chúa Giêsu giúp chúng ta sống bí tích
rửa tội của mình, như Người đã sống:
Xin cánh tay Chúa Giêsu hãy nâng con lên khi ngã quỵ.
Xin tiếng nói của Chúa Giêsu hãy dẫn đưa chúng con về nhà khi lạc lối.
Xin máu Chúa Giêsu rửa chúng con sạch khi chúng con hoen ố.
Xin thân thể Chúa Giêsu nuôi dưỡng chúng con khi chúng con đói khát.
Xin thánh tâm Chúa Giêsu giúp chúng con kết hợp với Ngài, vì tâm hồn của
chúng con được dựng nên cho Ngài, và nó sẽ không an nghỉ cho đến khi an nghỉ
trong Ngài.