Các bài suy niệm
CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN - C
CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN - C
CHÚA NHẬT 29 THƯỜNG NIÊN
1.
Cầu nguyện.
Có một bác nông phu ra tỉnh, chẳng may bị đụng xe, và trở
nên mù loà. Các bác sĩ chuyên môn về mắt cho biết: Không thể nào chữa lành được
nữa. Lúc đó, bác vừa tròn năm mươi tuổi và là cha của một gia đình gồm bà vợ và
bảy đứa con. Dầu vậy bác không mất lòng cậy trông, trái lại bác luôn tin tưởng
vào tình thương và quyền năng của Chúa, đồng thời kiên tâm cầu nguyện... Trong
suốt ba năm liền, mỗi ngày bác đều tham dự thánh lễ và rước lễ. Ngày kia, sau
khi rước lễ, bác cảm thấy vui mừng trong lòng và khi đứng dậy ra về, thì bỗng
bác được khỏi, cặp mắt nhìn rõ mọi vật như khi trước. Nước mắt trào dâng, bác
chạy lại bàn thờ quỳ gối tạ ơn Chúa.
Từ mẩu chuyện trên, chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng hôm nay. Chúa
Giêsu nói với chúng ta rằng cần phải cầu nguyện luôn và đừng ngã lòng. Ngài đưa
ra hình ảnh một ông quan toà không kính sợ Thiên Chúa mà cũng chẳng kiêng nể
người ta. Thế rồi một bà goá đến tìm ông và đòi cho được xét xử công bằng lần
này qua lần khác. Vị quan toà từ chối bà lần này, thì bà lại đến vào một lần
khác. Sau cùng để khỏi bị quấy rầy, vị quan toà đã nghe bà và minh oan cho bà.
Rồi Ngài đã kết luận: Thiên Chúa sẽ lắng nghe và nhận lời chúng ta nếu như
chúng ta biết kiên tâm cầu nguyện.
Có một sự khác biệt sâu xa giữa vị quan toà bất lương và Thiên
Chúa, Cha chúng ta ở trên trời là Đấng đầy lòng thương xót, đó là vị quan toà
vì không muốn bị quấy rầy mà phải thuận theo lời yêu cầu để người goá phụ không
tới nữa. Thiên Chúa thì khác, Ngài hằng khao khát và luôn lắng nghe lời chúng
ta van xin, cho dù Ngài thường để họ phải tiếp tục kêu cầu trong một thời gian
nào đó. Và như thế, kiên trì vốn là một yếu tố căn bản của lời cầu nguyện. Đừng
bỏ cuộc, trái lại hãy tiếp tục cầu xin, ngay cả khi không còn hy vọng. Đó là
bài học quý giá Chúa Giêsu muốn đưa ra cho chúng ta hôm nay.
Nhiều người trong chúng ta giống như chàng thanh niên đến
gặp vị linh mục, khi gặp phải điều khó khăn. Vị linh mục hỏi anh đã cầu nguyện
chưa, anh trả lời: Thưa cha con đã cầu nguyện. Được mấy lần rồi. Thưa cha được
một lần. Vị linh mục mới nói với anh hãy tiếp tục cầu nguyện.
Cầu nguyện luôn mãi đừng nản lòng như Chúa Giêsu đã dạy. Đó là lý do hối thúc
người công giáo chúng ta cầu nguyện hằng ngày. Chúng ta cầu nguyện vào ban
sáng, ban tối và trước mỗi bữa ăn. Chúng ta thường xuyên đọc kinh Kính Mừng như
muốn nhờ Mẹ Maria cầu nguyện thay cho chúng ta lúc này và trong cơn hấp hối.
Chúng ta đọc kinh Lạy Cha mỗi ngày để xin Chúa ban xuống cho chúng ta những ơn
lành hồn xác. Chúng ta đi tham dự Thánh lễ ngày thường cũng như ngày Chúa nhật.
Thế nhưng chúng ta đừng quên rằng: Cầu xin chỉ là một trong những tâm tình của
việc cầu nguyện mà thôi, bởi vì khi đến với Chúa trong tâm tình cầu nguyện,
chúng ta còn phải thờ lạy và cảm tạ Chúa nữa.
Sự cầu nguyện được ví như một chiếc máy vô tuyến thiêng liêng,
nhờ đó chúng ta được liên hệ trực tiếp với Thiên Chúa mà lãnh nhận được những
trợ giúp cần thiết.
2.
Cầu nguyện
Cô giáo trẻ, phụ trách một lớp học, trong đó có một em thật
ngang bướng ngỗ nghịch, tựa hồ như một con ngựa chứng trong sân trường. Sáng
hôm ấy, cô giáo đến sớm và đang ngồi viết, thì Bình, tên em học trò ngang bướng
ấy, xuất hiện và hỏi: Cô viết cái chi vậy? Cô trả lời: viết lời nguyện gởi cho
Chúa đây. Ngài có thể làm được mọi sự, kể cả việc nhận lời cầu xin này. Cô giáo
kẹp lời nguyện ấy vào trong một cuốn vở. Lợi dụng lúc cô giáo viết bài, Bình đã
chớp mẩu giấy ghi lời cầu nguyện bỏ vào trong cuốn vở của mình.
Mười hai năm sau, tình cờ trong lúc dọn nhà, Bình tìm lại
được mẩu giấy ngày xưa với nét chữa đã bị nhạt nhoà...Thế nhưng, vì cô giáo
dùng loại tốc ký, nên Bình không thể đọc được. Anh bỏ mẩu giấy ấy vào trong ví
rồi đi đến công sở. Tại đây anh nhờ cô thơ ký đọc giùm. Cô thơ ký nói: Tôi sẽ
đánh máy và để trên bàn giấy của anh vì tôi nghĩ đây là chuyện riêng tư.
Trên đường về và suốt buổi tối hôm đó, anh cứ đọc đi đọc
lại lời cầu nguyện của cô giáo: Lạy Chúa, xin đừng để con bị thất bại trong
nghề nghiệp con đã chọn lựa... Nhưng con không thể nào thành công nếu như em
Bình cứ phá bĩnh hoài. Xin Chúa hãy thúc giục tâm hồn em, để em trở nên một
người rất tốt hoặc là rất xấu.
Lời cầu nguyện này đã đánh động anh để rồi anh xoá bỏ một
số hành động mờ ám mà anh đã định thực hiện. Anh tìm đến cô giáo cũ và nói cho
cô hay là lời cầu nguyện năm xưa của cô đã làm thay đổi cuộc đời anh.
Từ câu chuyện trên và nhất là từ đoạn Tin Mừng hôm nay chúng ta
rút ra được hai điểm liên quan đến việc cầu nguyện của chúng ta:
Điểm thứ nhất đó là lời cầu nguyện có một năng lực to lớn,
ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đời chúng ta. Bác sĩ
Carel, người đã từng đoạt giải Nobel, đã viết như sau: Cầu nguyện là hình thức
năng lực hùng mạnh nhất mà con người có thể phát sinh ra, ành hưởng trên tâm
hồn và thân xác chúng ta, không khác gì hấp lực của trái đất.
Điểm thứ hai đó là hãy kiên trì trong lời cầu nguyện của
mình. Hình ảnh của Maisen qua bài đọc thứ nhất đã
là một mẫu gương cho chúng ta noi theo, mặc dù mệt mỏi, Maisen vẫn cứ kiên trì
cầu nguyện, nhờ sự giúp đỡ của bè bạn ông. Một em nhỏ đã kể lại cho bè bạn
biết sở dĩ cậu ta có thể kiên trì cầu nguyện mỗi ngày là vì có bà mẹ giúp đỡ.
Họ đồng ý với nhau là: mỗi sáng cả hai cùng thức dậy cùng một giờ, rồi mỗi
người cầu nguyện riêng 15 phút trong phòng mình, đoạn cùng nhau ăn sáng, rồi bà
mẹ thì đi lo công việc của mình, còn cậu thì đi đến trường. Cậu bé nói điều đã
giúp cho cậu rất nhiều, đó là biết được rằng đang khi cậu cầu nguyện trong phòng
mình, thì mẹ cậu cũng đang cầu nguyện trong phòng của bà.
Để thực hiện sự kiên trì trong việc cầu nguyện, chúng ta cần có
một thời khoá biểu, một chương trình sống, ấn định những giờ giấc cầu nguyện
đều đặn mỗi ngày, giống như hai mẹ con cậu bé đã làm.
Để kết luận, chúng ta ghi nhận một hình ảnh về sự cầu nguyện.
Chúng ta có thể nói: Cầu nguyện chính là một chiếc máy vô tuyến thiêng liêng,
nhờ đó mà chúng ta liên hệ trực tiếp với Thiên Chúa, để lãnh nhận được những sự
trợ giúp cần thiết.
3.
Cầu nguyện – ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt.
Đây là một dụ ngôn dễ hiểu. Chúa Giêsu đưa ra hai tình ảnh trái
ngược. Một bên là bà goá nghèo khổ, bé nhỏ, không có tiếng nói trong xã hội.
Một bên là ông quan toà bất nhân, chẳng sợ trời mà cũng chẳng nể người. Thật là
một hoàn cảnh tuyệt vọng cho người phụ nữ không có tiếng nói. Nhưng nhờ kiên
trì, bà đã đạt được ý nguyện. Chúa kể dụ ngôn này với mục đích: dạy các môn đệ
hãy noi gương bà goá, cầu nguyện luôn không được nản chí. Bà goá nêu gương cầu
nguyện cho ta ở 4 thái độ sau:
1. Thái độ khiêm nhường. Người đàn bà
này rất khiêm nhường vì bà tự biết mình bé nhỏ nghèo hèn. Bị người ta ức hiếp
mà chẳng thể tự bảo vệ. Không có sức khoẻ để chống lại người ác. Không người
bênh vực chống lại bất công. Không có cả tiền bạc để mua lấy sự bình an. Bà mất
tất cả. Chẳng còn gì. Chẳng có gì. Nói gương bà, khi cầu nguyện ta phải rất
khiêm nhường. Khiêm nhường vì biết mình nghèo nàn yếu đuối, biết mình chỉ là
thân phận tro bụi. Khiêm nhường biết mình đã cùng đường, không còn nơi nương
tựa. Khiêm nhường biết mình bất tài bất lực không thể thoát khỏi hoàn cảnh bi
đát này.
2. Thái độ phó thác. Bà goá này không còn
nơi nương tựa. Chỉ còn trông cậy vào ông quan toà như lối thoát duy nhất. Bà
đặt niềm tin vào ông quan toà. Đó là niềm hy vọng duy nhất và cuối cùng. Bà bám
víu lấy ông quan toà. Bà phó thác vận mạng trong tay ông quan toà. Sự sống của
bà ở nơi ông quan toà. Cũng thế, khi ta cầu nguyện, hãy hoàn toàn phó thác vận
mệnh cho Chúa. Chúa là lối thoát duy nhất. Chỉ có Chúa mới có thể cứu giúp ta.
Hơn nữa Chúa là người Cha toàn năng và giầu lòng thương xót. Ta là đứa con bé
nhỏ, yếu ớt. Hãy đặt vận mệnh ta trong tay Chúa. Hãy tin tưởng Chúa sẽ sắp xếp
cho ta những gì tốt đẹp nhất.
3. Thái độ kiên trì. Chỉ còn một con
đường duy nhất để sống, nên bà kiên trì theo đuổi cho đến cùng. Thất bại không
làm bà nản lòng. Bị hất hủi không làm bà bỏ cuộc. Niềm tin của bà thật lớn lao.
Sự kiên trì của bà thật bền bỉ. Bà đã đi đến cùng và bà đã thành công. Cũng
thế, khi cầu nguyện ta hãy kiên trì. Kiên trì chứng tỏ sự phó thác trong tay
Chúa. Kiên trì chứng tỏ ta hoàn toàn yếu hèn chỉ biết trông cậy vào Chúa. Kiên
trì chứng tỏ lòng ta yêu mến Chúa tha thiết. Chắc chắn Chúa sẽ dủ lòng thương
ta.
4. Thái độ khao khát. Bà khao khát
vì đó là con đường sống duy nhất. Bà khao khát được sống. Bà không ngồi đó chờ
đợi. Nhưng làm hết cách, hết sức mình để đạt được khao khát đó. Bà không chán
nản an nghỉ. Nhưng bà làm việc liên lỉ cho ước nguyện của mình. Cũng thế, khi
cầu nguyện ta phải có lòng khao khát cháy bỏng. Lòng khao khát đó được biểu lộ
trong hành động. Ta không ngồi chờ, nhưng đứng lên, ra đi và bắt tay hành động.
Không lùi bước trước khó khăn, nhưng tìm hết cách để đạt được ước nguyện. Lòng
khao khát chứng tỏ ta tha thiết với lời cầu nguyện. Lòng khao khát cùng với nỗ
lực phấn đấu sẽ được Chúa thương chấp nhận.
Chiêm ngắm tấm gương của bà goá, ta nhận thấy rất nhiều khi ta
chưa cầu nguyện cho đủ. Chưa thực hiện sự khiêm nhường nhận biết sự thực về
mình. Chưa hoàn toàn phó thác vận mệnh trong tay Chúa. Chưa biết kiên trì đủ.
Và nhất là chưa tha thiết tới mức ta tích cực làm hết sức mình cho nguyện ước
đó. Hôm nay với bài học của Chúa, ta sẽ biết cầu nguyện hơn. Khi biết cầu
nguyện hơn, chắc chắn lời cầu nguyện của ta sẽ đẹp lòng Chúa và đem lại nhiều
lợi ích cho linh hồn ta hơn.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Kể ra những thái độ của bà goá mà ta cần noi theo khi cầu
nguyện.
2. Đối với bạn Chúa là gì? Có phải là nguồn hy vọng duy nhất?
Hay chỉ là một chỗ cậy nhờ như những chỗ khác?
3. Bạn có phấn đấu làm việc cho ước nguyện của mình không? Hay
bạn chỉ ngồi chờ Thiên Chúa ban tặng?
4. Trong 4 thái độ cần có, bạn thiếu thái độ nào nhất?
4.
Tâm hồn phải sâu rộng, cầu nguyện mới đắt lời.
(Trích dẫn từ ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật’ – Achille Degeest)
Trong Phúc âm theo thánh Luca, dụ ngôn này đi liền sau một bài
giảng của Đức Kitô về ngày tận thế, có lẽ vì vậy câu cuối đoạn Phúc Âm hôm nay
là “Tuy thế, Con Người đến sẽ còn gặp được niềm tin trên trái đất nữa không?”.
Có lẽ nhân vật thẩm phán bạc ngược được dùng để làm nổi bật một sự tương phản.
Bên này là một kẻ không có tình người, bên kia là Đấng Thượng Đế tuyệt đối nhân
hậu. Nếu như kẻ bạo ngược chán chê mới nhận lời nài xin của bà goá chỉ vì muốn
được yên thân với lòng ích kỷ của mình, tại sao Thiên Chúa, Đấng vô cùng nhân hậu,
không tức khắc nhận lời cầu xin của con cái Người? Theo nhận xét bề ngoài, dụ
ngôn nếu vấn đề thời hạn Thiên Chúa đặt ra để nhận lời chúng ta cầu xin. Vấn đề
khác sâu sắc hơn: Thiên Chúa nhận lời, điều ấy nghĩa là gì? Khi chúng ta xin
Thiên Chúa một điều rõ rệt, chẳng hạn xin lương thực hằng ngày, chúng ta có
biết rõ tính chất sâu sắc bí ẩn của điều chúng ta xin không? Chúng ta có nhận
thức không về tầm mức điều Thiên Chúa nhận lời ban cho, vì Thiên Chúa bao giờ
cũng nhận lời? Chúng ta là những sinh vật sống trong giới hạn thời gian chúng
ta đo bằng ngày giờ, bằng hiện tại và tương lai. Những ước vọng của chúng ta,
tức là những lời cầu nguyện, hướng lên Thiên Chúa. Chúng ta sốt ruột nến phải
chờ đến ngày mai, chúng ta muốn được thoả mãn ngay hôm nay, ngay tức khắc. Vậy
mà Thiên Chúa nhìn chúng ta ở ngoài giới hạn thời gian ấy, Người nhận lời chúng
ta tuỳ theo viễn ảnh toàn bộ định mệnh chúng ta, bây giờ và trong tương lai.
Thiên Chúa vượt ra ngoài cái hiện tại trước mắt. Chúng ta ghi nhận hai điều
sau:
1) Tại sao Thiên Chúa luôn luôn nhận lời?
Bởi vì Người là Cha vô cùng nhân lành. Niềm tin chắc Thiên Chúa nhận lời cầu
khẩn chính là một trong những cột trụ vững chắc nhất đời sống Kitô giáo. Nghi
ngờ điều ấy là tội phạm đến đức cậy. Điều ấy quá đúng đến nỗi lời cầu nguyện
của chúng ta không cần dài dòng vì Thiên Chúa biết trước biết rõ hơn chúng ta
điều gì cần cho chúng ta. Thế mà Thiên Chúa là Cha chúng ta, luôn luôn sẵn sàng
ban cho rất hậu tất cả những điều chúng ta cần. Toàn bộ Phúc Âm khẳng định sự
thật ấy. Nếu vậy tại sao phải cầu nguyện? Cầu nguyện phải chăng là không cần
thiết?
2) Bởi lẽ Thiên Chúa dựng nên chúng ta, những tạo vật có tự
do, Người không bắt buộc chúng ta nhận lãnh ân huệ của Người cách miễn cưỡng.
Thiên Chúa chỉ đáp ứng những nguyện vọng bày tỏ cách tự do. Lượng nhân hậu của
Thiên Chúa đáp ứng quá lời cầu xin của chúng ta, nhưng Người muốn chúng ta phải
cầu xin. Tại sao chúng ta thấy hình như Thiên Chúa rất nhiều phen để lâu mới
trả lời. Sở dĩ như vậy vì nguyện vọng nung nấu và cầu nguyện bền bỉ mở rộng khả
năng lòng trí chúng ta. Cầu nguyện hữu ích trước hết cho chúng ta, cầu nguyện
đào sâu mở rộng tâm hồn. Thế mà Đấng nhân hậu vô biên cần có những tâm hồn sâu
rộng… Hơn nữa, khi thấy Chúa mãi chưa cho, phải chăng Người có tham vọng sẽ ban
chính mình Người cho chúng ta?
5.
Dân chúng và linh mục cùng nhau cầu nguyện
(Trích trong ‘Mở Ra Những Kho Tàng’ - Charles E. Miller)
Thật là dễ dàng để bứt đứt một sợi chỉ nhưng khi đặt một ngàn
sợi chỉ cùng với nhau trong một sợi dây bện thì thật khó mà cắt chúng ra làm
hai. Cầu nguyện thì cũng giống như thế. Khi chúng ta cùng nhau cầu nguyện, đặc
biệt là trong khi cử hành phụng vụ, lời cầu nguyện của chúng ta có một sức mạnh
vô song. Thiên Chúa rất hài lòng với lời cầu nguyện này. Khi chúng ta cùng nhau
cầu nguyện, Thiên Chúa là Cha của chúng ta sẵn sàng đoái nhìn chúng ta trong
Con yêu dấu của Người, là Đầu của Thân Thể, Giáo Hội của Người. Lời cầu nguyện
cùng nhau trong phụng vụ như là thân mình của Đức Kitô, là lời cầu nguyện tốt
đẹp nhất.
Bài đọc đầu tiên của ngày hôm nay biểu hiện được lời cầu nguyện
phụng vụ chung này, Môsê cần sức mạnh để tiếp tục cầu nguyện trong cuộc chiến
đấu với người Amalếch. Bao lâu Môsê đưa hai tay lên cầu nguyện thì dân Israel
chiến thắng, nhưng khi ông buông tay xuống thì người Amalếch lại phản hồi và
chiến thắng. Tiếp đó, Aaron, người anh em của Môsê và Hur bạn của ông đã giúp
ông giữ cánh tay luôn luôn ở trong tư thế cầu nguyện, bởi đó dân Israel đã
chiến thắng cuộc chiến.
Môsê và đôi tay giơ lên trong tư thế cầu nguyện thì giống như
linh mục ngày hôm nay với đôi tay dâng lên cầu nguyện trong phụng vụ của Thánh
Lễ. Linh mục sẽ không còn mệt mỏi như Môsê đã mệt mỏi xưa kia vì mọi người
trong Thánh Lễ đã cùng hiệp lòng, cùng nâng bàn tay và cánh tay của linh mục.
Giáo dân và linh mục đã cùng cầu nguyện với nhau. Linh mục sẽ không cầu nguyện
cho chính ngài, ngài là vị lãnh đạo, là chủ tịch, là người thay thế và đại diện
cho giáo dân, cho toàn dân. Đó là thời gian mà linh mục và giáo dân nói hoặc
hát cùng với nhau như trong kinh Vinh danh hoặc trong những lời tuyên xưng.
Tiếp đó giáo dân đáp lại những lời cầu nguyện mà vị linh mục đã xướng trên mọi
người. Giáo dân lắng nghe cách chăm chú và cầu nguyện trong tâm hồn họ, đặc
biệt là trong suốt kinh nguyện Thánh Thể.
Tư tế linh mục là dấu hiệu hợp nhất của phụng vụ, điều đó được
tỏ hiện qua lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa như là một dân duy nhất. Tất cả
chúng ta như hằng ngàn sợi chỉ đã hình thành trong một sợi dây thừng. Không chỉ
vị linh mục nơi Thánh Lễ, nhưng là mọi người đều cần thiết và xứng đáng để nâng
đỡ những người bạn Công giáo, đặc biệt là sự trung thành trong lời cầu nguyện
khi chúng ta cảm thấy Thiên Chúa không đáp lời chúng ta. Chúng ta tin rằng sự
giúp đỡ của chúng ta đến từ Thiên Chúa nhưng có lúc khó mà hành động theo như
niềm tin của chúng ta.
Chúa Giêsu hiểu sự yếu đuối của chúng ta. Đó là lý do vì dao
Ngài đã nói với chúng ta về dụ ngôn sự cần thiết của cầu nguyện luôn luôn và
đừng bao giờ mất hy vọng. Người góa phụ trong dụ ngôn là môt bằng chứng. Một
bằng chứng về sự bền bỉ, bà đã bị từ chối, bị bỏ rơi. Chúa Giêsu đã không muốn
chúng ta bỏ cuộc, không có vấn đề gì khó, hay mất bao lâu để chúng ta cầu
nguyện cho một điều gì. Để chúng ta cùng nhau cầu nguyện trong suốt Thánh Lễ.
Chúng ta đến với Thánh Lễ với nhiều lý do, và có thể mọi người
trong chúng ta đều được thúc đẩy bởi lý do riêng của mỗi người mà chúng ta cho
là quan trọng nhưng trên hết chúng ta phải được cảnh báo để thực hành bài học
của phụng vụ trong ngày hôm nay.
Là một người Công giáo, một thành phần của Giáo Hội, chúng ta có
trách nhiệm hướng đến người khác. Aaron và Hur đã không bỏ rơi Môsê trong lúc
ông mệt mỏi. Họ không nghĩ rằng Môsê cầu nguyện một mình hoặc họ phải chú ý tới
những lời cầu nguyện riêng của họ. Thiên Chúa hài lòng với lời cầu nguyện đầy
mạnh mẽ bởi vì chúng ta cầu nguyện với tất cả không phải như những cá nhân độc
lập, nhưng là cùng nhau như những người Công giáo, những người của Giáo Hội
được hợp nhất trong tinh thần và trong thân thể của Đức Kitô.
6.
Cầu nguyện với đôi tay rộng mở - McCarthy
Đức Giêsu nói với các môn đệ và với chúng ta hôm nay “Hãy cầu
nguyện không ngừng và không bao giờ nên chán nản”. Từ khi còn thơ ấu, chúng ta
được dạy rằng khi cầu nguyện phải chắp tay lại. Tuy nhiên, trong các kinh
nguyện lớn của thánh lễ, vị linh mục mở rộng và dang thẳng đôi tay. Hai cách
cầu nguyện đều tốt và có chỗ của chúng. Nhưng những cử chỉ khác nhau ấy có
nghĩa là gì? Khi chắp tay lại, có nghĩa là trong lúc ấy chúng ta ngừng lại các
hoạt động bình thường của chúng ta và dành thời gian để cầu nguyện Thiên Chúa.
Điều này phù hợp với sự cầu nguyện riêng tư. Cầu nguyện với bàn tay mở rộng phù
hợp với sự cầu nguyện chung. Cầu nguyện như thế là nhận rằng trước mặt Thiên
Chúa, chúng ta nghèo khó. Vì thế, chúng ta hướng bàn tay trống rỗng về Thiên
Chúa như một người ăn mày hướng cái bát trống rỗng về những người khách bộ
hành. Thật vậy, chúng ta đang nói: “Lạy Chúa, trước mặt Chúa, con nghèo khó như
một người ăn mày. Con cầu Chúa làm đầy sự trống rỗng của con”. Cử chỉ cầu
nguyện với đôi tay mở rộng tạo nên một tình trạng mạnh mẽ. Tự nó là một bài
thuyết giáo. Cử chỉ ấy có từ xa xưa trong Kinh Thánh. Có một ví dụ về điều đó
trong bài đọc 1 của thánh lễ hôm nay. Chúng ta thấy Môsê ở trên đỉnh đồi cầu
nguyện với đôi tay dang rộng trên dân Do thái, trong cuộc chiến đấu một mất một
còn với quân Amalếch. Khi cánh tay ông hạ xuống, quân Amalếch thắng thế. Nhưng
khi ông giữ tay giương cao, quân Do thái thắng thế. Điều đó có ý muốn diễn tả
quyền lực của sự cầu nguyện. Chừng nào mà dân Do thái còn đặt niềm tin vào
Thiên Chúa, họ còn tiến lên. Chừng nào họ quên không nhìn đến Thiên Chúa, họ
buộc phải rút lui.
Đức Giêsu khuyên chúng ta cầu nguyện luôn và không nản chí. Nếu
chúng ta ngưng cầu nguyện, chúng ta hầu như mất nhiệt tình và bỏ cuộc. Nếu chúng
ta cầu nguyện liên tục, chúng ta sẽ không bao giờ mất nhiệt tình. Cầu nguyện có
nghĩa là đặt chính mình và số phận của mình trong đôi tay của Thiên Chúa. Chúng
ta cầu nguyện có nghĩa là chúng ta trông cậy vào sức mạnh của Thiên Chúa chứ
không phải sức mạnh của chúng ta. Khi chúng ta cầu nguyện một thứ quyền lực
khác trở thành có hiệu lực đối với chúng ta.
Linh mục đọc Kinh nguyện trong thánh lễ với đôi tay rộng mở.
Giống như Môsê, ông cầu nguyện không chỉ nhân danh ông mà nhân danh một cộng
đoàn thờ phượng. Cho dù chính chúng ta không cầu nguyện giống như thế, chúng ta
có thể có cùng một thái độ trước Thiên Chúa như kinh nguyện ấy gợi ý: một thái
độ khiêm nhường và tín thác.
Một lời cầu nguyện được đáp lại, không phải khi chúng ta có được
điều chúng ta cầu xin, nhưng khi chúng ta được ban cho cảm thức về sự cận kề
của Thiên Chúa. Lời cầu nguyện của một bệnh nhân được đáp lại không phải bởi bì
bệnh của người ấy biến mất, nhưng bởi vì người ấy có được một cảm thức về sự kề
cận của Thiên Chúa, sự bảo đảm rằng căn bệnh của người ấy không phải là một
hình phạt của Thiên Chúa và Thiên Chúa không bỏ rơi người ấy. Cầu nguyện có thể
không làm thay đổi thế giới cho chúng ta, nhưng nó có thể cho chúng ta lòng can
đảm đối diện với thế giới.
Khi chúng ta học cách cầu nguyện, chúng ta không chỉ học cách
đọc lời kinh mà còn học cách mở rộng lòng mình. Chỉ cần ngồi thật im lặng và mở
lòng mình và để Thiên Chúa bước vào.
7.
Cầu nguyện không ngừng - McCarthy
Đức Giêsu nói với các môn đệ và với chúng ta hôm nay “Hãy cầu
nguyện không ngừng và không bao giờ nên nản chí”. Một số người không nhận thấy
giá trị của việc cầu nguyện thường xuyên. Họ nghĩ rằng chỉ cần cầu nguyện khi
họ cảm thấy hứng thú. Và câu chuyện sau đây được kể lại cho những người như
thế.
Trước đây có một thị trấn nhỏ có đủ mọi cơ sở của một thành
phố tự trị: một nhà tắm, một nghĩa trang, một bệnh viện và một toà án. Nó cũng
có mọi loại thờ thủ công: thợ may nam nữ, thợ giày, thợ mộc, thợ nề, vân vân…
Tuy nhiên, thiếu một ngành nghề: không có thợ đồng hồ.
Giờ đây, nhiều năm trôi qua, nhiều năm trôi qua, nhiều đồng
hồ không còn chính xác nữa đến nỗi các người có đồng hồ để cho đồng hồ họ ngưng
chạy và hoàn toàn quên chúng. Tuy nhiên, có những người khác vẫn không vất bỏ
đồng hồ, và để cho chúng chạy chừng nào chúng còn chạy được. Vì thế, họ đã lên
dây đồng hồ mỗi ngày dù họ biết rằng chúng không còn chạy chính xác nữa.
Một ngày nọ, một tin lan ra khắp thị trấn: một người thợ
đồng hồ đã đến. Mọi người chạy đến ông ta với những chiếc đồng hồ của họ. Nhưng
chỉ những đồng hồ người ta còn để cho chạy, người thợ ấy mới sửa được. Những
đồng hồ bị bỏ xó bụi bặm bám đầy, ông ta không thể làm gì với chúng.
Tại sao cầu nguyện lại quan trọng?
Nó làm được điều gì? Cầu nguyện làm cho hy vọng và những ý định của chúng ta
trở nên trong sáng. Nó giúp chúng ta phân biệt giữa điều quan trọng và tầm
thường. Nó giúp chúng ta khám phá những khát vọng chân thật của chúng ta, những
ray rứt mà chúng ta không biết, những ước mơ mà chúng ta quên lãng. Cầu nguyện
là một hành động thanh luyện bản thân.
Cầu nguyện dạy chúng ta phải khao khát điều gì.
Nó giúp vun đắp trong chúng ta những lý tưởng mà chúng ta phải trân trọng. Sự
trong sạch của miệng lưỡi hiện ra như một ý tưởng trong trí óc chúng ta, nhưng
ý tưởng trở thành một sự quan tâm, một điều gì đó phải được theo đuổi, một mục
tiêu phải được đạt đến, khi ấy chúng ta cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin giữ miệng
lưỡi con không nói điều xấu và môi con không nói lời xảo trá”.
Cầu nguyện không thay thế cho hành động.
Đúng hơn, cầu nguyện giống như một luồng ánh sáng từ chiếc đèn ở phía trước
chúng ta chiếu vào đêm tối. Nó giúp chúng ta tiến lên phía trước, nó khuyến
khích chúng ta hành động.
Cầu nguyện không trốn tránh cuộc đời nhưng là một hành
trình đi vào trung tâm của đời sống. Chúng ta học đứng
vững trên đôi chân mình trước Thiên Chúa và thế giới, và chấp nhận mọi trách
nhiệm về đời sống chúng ta.
Mục đích chính của đời sống ấy là nuôi dưỡng tương quan
chúng ta với Thiên Chúa. Đây là điều quan trọng nhất trong mọi sự việc,
chứ không phải việc chúng ta làm. Đó là cái neo trong đời sống tâm linh của
chúng ta. Đời sống tâm linh không phải là một sự khác thường. Nó là đời sống
của bản thân chân thật. Vấn đề không phải chỉ là đọc kinh.
Cầu nguyện không phải là một chiến thuật dùng khi hữu sự,
một nơi trú ẩn được dùng đến khi sự việc trở nên tồi tệ. Nó là nơi cư trú được
thiết lập cho cái tôi thâm sâu nhất. Cầu nguyện không phải là cầu xin Thiên
Chúa cái này cái nọ mà nhận lãnh điều mà Người muốn ban cho chúng ta.
Cầu nguyện tự nó là một phần thưởng.
Nó làm chúng ta trở nên phong phú và có khả năng sống không những tâm linh hơn
mà sâu xa hơn, viên mãn hơn và đích thực hơn.
CÂU CHUYỆN KHÁC
Một lần kia, có một người thợ giày rất coi trọng việc cầu
nguyện mỗi ngày. Khách hàng của ông ta đều là dân nghèo, và họ chỉ có mỗi một
đôi giày. Người thợ giày phải nhận các đôi giày cần sửa vào chiều tối, sửa chữa
chúng suốt đêm và sáng sớm giao hàng để các chủ nhân của chúng sẵn sàng sử dụng
chúng lúc đi làm.
Điều này làm phát sinh một vấn đề: Ông sẽ đọc kinh sáng vào
lúc nào? Có nên cầu nguyện thật nhanh vào sáng sớm và sau đó trở lại với công
việc? Hoặc cứ để giờ cầu nguyện đã định trôi đi và mỗi lần như thế, ông ngừng
tay búa đóng giày và thở dài: “Khốn cho tôi, tôi chưa cầu nguyện được”.
Chúng ta cũng thường gặp sự nan giải ấy vì phải lựa chọn hoặc sự
hối tiếc trong lòng hoặc cầu nguyện đại khái chiếu lệ. Nhiều người trong chúng
ta cố nén việc cầu nguyện thường ngày với lòng hối tiếc để chờ có được những
điều kiện lý tưởng.
Nhưng sự kiềm chế, trì hoãn mãi có thể dễ dàng trở thành một
thói quen. Khi giờ cầu nguyện đến, dường như miệng lưỡi chúng ta mệt mỏi, trí
óc chúng ta trì trệ và cái nhìn nội tâm của chúng ta mờ tối. Vì thế, chúng ta
không cầu nguyện. Chúng ta không từ khước cầu nguyện; chúng ta kiềm chế. Sự
nuông chiều bản thân phù phiếm này ngăn cản chúng ta dìm mình vào sự tĩnh mịch
bao quanh thế giới, sự tĩnh mịch trước lúc chúng ta sinh ra và đi theo chúng ta
khi chúng ta chết.
Tại sao chúng ta không dành một giờ sống thân mật với Thiên Chúa
và quay về với sự thính lặng tĩnh mịch ấy? Chúng ta ở trên ranh giới của sự mầu
nhiệm mà mình không biết.
8.
Kiên nhẫn trong lời cầu
Qua đoạn tin mừng hôm nay, chúng ta cùng nhau chia sẻ hai điểm,
đó là hãy cầu nguyện và cầu nguyện trong kiên nhẫn.
Trước hết là hãy cầu nguyện.
Người xưa có câu:
- Hữu cầu tất hữu ứng.
Câu này thực đúng với lời Chúa Giêsu đã nói:
- Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy và hãy gõ cửa thì sẽ
mở cho.
Chỉ cần đọc lại Phúc âm, chúng ta sẽ thấy được sự thật ấy.
Ngày kia, có một viên đội trưởng đến xin Chúa chữa lành cho đứa
con đau yếu tại nhà. Chúa bảo:
- Ta sẽ đi chữa nó.
Nhưng viên đội trưởng liền thưa lại:
- Lạy Thầy, con chẳng đáng Thầy ngự vào nhà con, nhưng xin Thầy
phán một lời, tức thì đứa nhỏ nhà con sẽ lành mạnh.
Chúa Giêsu đã khen ngợi đức tin của ông và đã chữa lành cho đứa
con của ông.
Cũng trong lúc ấy, có một người phong cùi đến quỳ dưới chân Chúa
mà van xin:
- Lạy Thầy, nếu Thầy muốn, Thầy có thể làm cho con được sạch.
Và Chúa Giêsu đã nói với anh:
- Ta muốn, con hãy nên lành sạch.
Thái độ dễ dàng của Chúa Giêsu không có chi là khó hiểu vì Ngài
là Đấng quyền năng và giàu lòng thương xót.
Thực vậy, là một người giàu có, sẵn tiền trong tay, đồng thời
lại là người quảng đại và bác ái, nếu gặp một kẻ nghèo khổ đến xin giúp đỡ, hẳn
chúng ta sẽ không ngần ngại bố thí.
Là con người xấu xa, chúng ta còn biết đối xử với nhau như vậy,
huống nữa là Thiên Chúa. Ngài vừa giàu về quyền năng, lại vữa giàu về lòng
thương xót. Chính Chúa Giêsu cũng đã nói cho chúng ta biết điều ấy:
- Ai trong các ngươi lại cho đá thay vì bánh, cho rắn thay vì cá
khi con cái các ngươi van xin. Là những kẻ xấu xa, các ngươi còn biết đem của
tốt mà cho con cái, phương chi là Cha các ngươi ở trên trời, là Đấng tốt lành
vô cùng.
Và rồi Ngài đã kết luận:
- Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy và hãy gõ cửa thì sẽ
mở cho.
Điều cần thiết đó là chúng ta có xin, có tìm và có gõ cửa hay
không?
Tuy nhiên, Chúa còn đòi hỏi chúng ta phải kiên nhẫn trong
lời cầu của mình.
Thực vậy, người đời thường bảo:
- Ngồi lâu câu bền, năng nhặt chặt bị.
Chính Chúa Giêsu cũng nói:
- Ai bền đỗ đến cùng thì sẽ được cứu rỗi.
Hẵn chúng ta còn nhớ câu chuyện về người đàn bà xứ Canaan. Bà
tới xin Chúa Giêsu làm phép lạ cho đứa con gái bị quỉ ám. Lần thứ nhất, Chúa
yên lặng. Lần thứ hai, Chúa cũng vẫn yên lặng đến nỗi các môn đệ phải can
thiệp:
- Xin Thầy làm phứt đi cho bà kẻ bà cứ lải nhải đi theo chúng
ta,
Thế nhưng, Chúa đã đáp lại bằng một câu không ai ngờ tới:
- Đừng lấy bánh của con cái mà ném cho chó.
Dầu vậy, bà vẫn không thất vọng nản chí, bà thưa lên cùng Chúa:
- Ít nữa là chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn rơi
xuống.
Và Chúa Giêsu đã khen ngợi sự kiên nhẫn của bà và đã cứu chữa
đứa con gái của bà.Thánh nữ Monica cũng đã từng kiên nhẫn cầu nguyện trong nức
mắt và khổ đau suốt nhiều năm, cuối cùng Augustinô đã làm lại cuộc đời và trở
nên một vị thánh. Hãy cầu xin và cầu xin trong kiên nhẫn, chắc chắn Chúa sẽ
nhận lời chúng ta.
9.
Kiên nhẫn cầu nguyện – Lm. Jos. Tạ duy Tuyền
Người có tôn giáo luôn gắn liền với cầu nguyện. Cầu nguyện là
hơi thở, là sự sống của người tín hữu. Vậy cầu nguyện là gì?
Cầu nguyện theo thánh Augstinô là thưa chuyện với Chúa, như một
người con hiếu thảo thưa chuyện với cha mẹ, hoặc như hai người bạn chân tình
tâm sự với nhau.
Vâng, nếu hiểu cầu nguyện là một cuộc tâm sự, là một cuộc trò
chuyện, thì quả thực cầu nguyện là một điều rất dễ dàng và dành cho mọi người,
chứ không phải chỉ dành riêng cho các linh mục, tu sĩ hay những người trí thức.
Mỗi người trong chúng ta cũng đều có kinh nghiệm về những lần
trò chuyện, trao đổi tâm sự với người khác. Vậy chúng ta đã thường hay nói
những gì?
Tôi xin thưa:
- Nếu là bè bạn thân thích, chúng ta có thể nói tới mọi sự: sự
vui cũng như sự buồn, sự trong nhà cũng như sự ngoài ngõ, sự quan trọng cũng
như sự tầm phào. Nói chung nếu là bạn bè chúng ta có rất nhiều điều để tâm sự
với nhau, để kể cho nhau...
Khi đến với Chúa, chúng ta cũng có thể trình bày về những niềm
vui, những nỗi buồn, những đắng cay và những băn khoăn lo lắng chúng ta đã gặp
phải. Và chắc chắn khi niềm vui được chia sẻ, thì niềm vui sẽ được nhân rộng
hơn lên. Nỗi buồn được chia sẻ, nỗi buồn sẽ vơi đi. Chính những lời kinh xuất
phát từ giữa lòng cuộc đời, từ những biến cố xảy ra hằng ngày, sẽ dễ làm cho
chúng ta cầm trí và tránh đi thói quen máy móc chiếu lệ trong cầu nguyện.
Tuy nhiên, lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện
trong kiên trì và tín thác. Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi những ai kêu cầu Người,
nhất là những người thấp hèn, bé nhỏ, miễn là biết đặt niềm tin tưởng vào Chúa.
Thánh nữ Monica đã luôn cầu xin Chúa cho đứa con hoang đàng
của mình là Augustinô. Hằng ngày bà khóc lóc, ăn chay và hãm mình. Một hôm quá
thất vọng, bà đã đến hỏi ý kiến thánh Ambrôsiô và thánh giám mục đã trả lời:
- Bà hãy yên trí, đứa con của biết bao nhiêu nước mắt sẽ
không thể nào hư mất.
Mười tám năm đằng đẵng, sau cùng Augustinô mới trở lại.
- Như vậy, cầu nguyện là một việc rất dễ dàng mà bất cứ ai cũng
đều có thể và phải làm được. Nhưng cầu nguyện không phải là chúng ta đòi Thiên
Chúa làm theo ý chúng ta mà là để xin được theo ý Chúa với một lòng tin tưởng
cậy trông tuyệt đối vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Đức Hồng Y Jaime Sin, Tổng giám mục Manila, Phi Luật Tân, thường
trích dẫn bài thơ của một tác giả vô danh trong các bài giảng của Ngài. Bài thơ
ấy như sau:
Tôi đã xin Chúa cất khỏi sự kiêu hãnh của tôi và Chúa trả lời:
"Không". Ngài nói rằng không phải Ngài là người cất khỏi mà chính tôi
mới là người phấn đấu để vượt thắng nó.
Tôi đã xin Chúa làm cho đứa con tàn tật của tôi được lành lặn và
Chúa trả lời: "Không". Ngài nói rằng tinh thần mới lành lặn, còn thể
xác chỉ là tạm bợ.
Tôi đã xin Chúa ban cho tôi sự kiên nhẫn và Chúa đã trả lời:
"Không". Ngài nói rằng kiên nhẫn là hoa trái của thử thách. Ngài
không ban cho tôi trái ấy mà để tôi tự tìm lấy.
Tôi đã xin Chúa ban cho tôi được hạnh phúc và Chúa đã trả lời:
"Không". Ngài nói rằng Ngài ban ân phúc cho tôi, còn hạnh phúc hay
không là tùy tôi.
Tôi đã xin Chúa gia tăng tinh thần cho tôi và Chúa đã trả lời:
"Không". Ngài nói rằng tôi phải tự lớn lên, nhưng Ngài sẽ cắt tỉa để
tôi mang nhiều hoa trái.
Tôi đã xin Chúa đừng để tôi đau khổ và Ngài đã trả lời:
"Không". Ngài nói rằng đau khổ là cho tôi được xa cách với những
vướng bận trần gian và mang tôi đến gần Ngài.
Tôi đã hỏi: "Liệu Ngài có yêu tôi không" và Ngài đã
trả lời rằng: "Có". Ngài nói rằng Ngài đã ban cho tôi Người Con Một,
Đấng đã chết vì tôi và một ngày nào đó, tôi sẽ được lên Thiên đàng vì tôi đã
tin.
Tôi đã xin Chúa giúp tôi yêu mến tha nhân như Ngài yêu thương
tôi và Chúa nói: "Cuối cùng con đã xin đúng điều ta chờ đợi".
Nguyện xin Chúa ban thêm lòng tin để chúng ta luôn kiên nhẫn
trong lời cầu nguyện và tín thác vào sự quan phòng của Chúa. Amen.
10.
Cầu nguyện
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn về một vị
thẩm phán không liêm khiết khi có một bà góa đến xin ông xử việc cho mình. Kết
luận của dụ ngôn là nếu vị thẩm phán bất lương đã không quan tâm gì đến bổn
phận, không kính sợ Thiên Chúa và cũng chẳng sợ ai, nhưng sau cùng phải xét xử
cho bà góa để khỏi bị quấy rầy nhiều lần. Chỉ có Chúa là Đấng thánh và công
bình, chắc chắn Ngài sẽ nghe lời cầu xin thiết tha của con cái mình.
Một câu hỏi người thời nay thường đặt ra đối với việc cầu nguyện
là: “Cầu nguyện có ích gì không?” Nếu hiểu cầu nguyện là xin ơn mà thôi thì có
thể nói cầu nguyện không cần thiết. Thiên Chúa không thay thế chúng ta trong
những gì chúng ta phải làm vì bổn phận và trong những gì chúng ta có thể làm
được. Việc xin các ơn huệ như sức khỏe, hạnh phúc, thành công, giàu có không
phải là mục đích và lý do hay nhân tố duy nhất của việc cầu nguyện. Nếu chỉ
nhấn mạnh đến các khía cạnh như vậy mà thôi thì không hiểu chút gì về cầu
nguyện, tức là đánh giá việc cầu nguyện theo tư lợi và ích kỷ.
Khi Chúa Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện trong kinh Lạy Cha, Ngài
dành phần thứ nhất gồm lời cầu xin cho Thiên Chúa: “Nguyện cho danh Cha được
hiển vinh, nước Chúa được lan rộng và thánh ý Ngài được tuân theo”. Sang phần
thứ hai dành cho chúng ta, lời cầu xin có tính cách vật chất và tinh thần như
xin cơm bánh hằng ngày để nuôi thể xác và xin bánh Lời Chúa và Bánh Thánh Thể
để nuôi linh hồn. Còn tất cả những lời cầu xin khác đều thuộc phạm vi thiêng
liêng như xin tha thứ các tội nhân, xin ơn trung thành trong các cơn thử thách
và cám dỗ, nhất là trong giờ sau hết. Sau cùng là xin ơn chiến thắng sự dữ và
tà thần.
Cầu nguyện theo lời Chúa dạy không những có ích mà còn cần thiết
nữa, bởi vì lời cầu nguyện như vậy là của nuôi linh hồn, bồi bổ đức tin và
thánh hóa trần thế. Lời cầu nguyện đích thực là lời cầu nguyện Chúa Giêsu đã
thực hành và dạy lại cho mỗi người chúng ta. Lời cầu nguyện này phát xuất bởi
đức tin sống động được bày tỏ ra bên ngoài bằng các việc lành, đồng thời nuôi
sống đức tin bên trong. Tất cả đời sống đức tin của người Kitô hữu phải là một
việc cầu nguyện không ngừng. Vì thế, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta rằng: “Hãy cầu
nguyện luôn, đừng bao giờ nhàm chán”.
Qua việc cầu nguyện liên lỉ này, chúng ta tiếp tục hiệp thông
với nguồn mạch sự sống. Chính Thiên Chúa là Cha chúng ta, Ngài sẽ không bao giờ
bỏ rơi chúng ta trong các khó khăn, chán nản, cô đơn, thất vọng, miễn sao chúng
ta cứ tin tưởng vững chắc vào Ngài.
Lạy Chúa, Chúa là Cha chúng con, Chúa luôn trung thành với lời
Chúa hứa và Ngài luôn luôn nhận lời những ai cầu xin với lòng tin vững chắc.
Xin hãy lắng nghe tiếng van xin của chúng con, nhất là trong cơn thử thách của
cuộc đời trần thế này.
Lạy Chúa Giêsu nhân lành, chúng con xin thú thực rằng,
chúng con không biết cầu nguyện. Xin Chúa dạy chúng con cầu nguyện như Chúa đã
dạy các môn đệ của Ngài xưa. Xin ban Thánh Linh cho chúng con, để Ngài giúp
chúng con và chỉ dạy cho chúng con biết cách phải cầu nguyện như thế nào cho
hợp thánh ý Ngài.
11.
Cầu nguyện
Để giúp hiểu rõ hơn đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe qua của Chúa
nhật 29 quanh năm hôm nay và cũng là Chúa nhật Truyền Giáo, chúng ta hãy nhớ
lại đoạn Tin Mừng này được đặt nằm trong viễn tượng cánh chung là viễn tượng
Chúa trở lại trong vinh quang vào giây phút cuối cùng của lịch sử khi mọi sự
được nên trọn trong Chúa Kitô.
Cuộc đời của người tín hữu Chúa trên trần gian này là một cuộc
hành trình khó khăn giữa nhiều thử thách, và để an toàn đạt đến cùng đích của
cuộc lữ hành thì mỗi môn đệ Chúa phải kiên trì, phải trung thành trong đức tin
cho đến khi Chúa lại đến. Và để kiên trì trong đức tin cho đến cùng thì mỗi đồ
đệ của Chúa cần thực hành điều căn bản và quan trọng, đó là cầu nguyện. Chính
vì thế mà vào khởi đầu của đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe thấy Chúa Giêsu
nói về việc cầu nguyện: “Hãy cầu nguyện luôn”. Nhưng rồi vào cuối đoạn Phúc âm
thì chúng ta lại nghe Chúa chất vấn: “Liệu khi Con Người là chính Chúa ngự đến
thì thử hỏi còn đức tin, còn ai tin vào Chúa trên trần gian này nữa hay không?”
Cuộc sống đức tin không phải là không có những nguy hiểm, những
gian nan thử thách, không ngừng chất vấn và thách thức con người, khi con người
chiều theo những lợi lộc mà bỏ quên Thiên Chúa. Dù ai, dù trong địa vị nào
trong xã hội cũng như trong Giáo Hội, dung mạo tinh thần của mỗi người chúng ta
có thể được so sánh như dung mạo của người đàn bà góa nghèo. Hình ảnh người đàn
bà góa nghèo trong văn chương Do thái cũng như trong nếp sống cụ thể của người
Do thái là hình ảnh của một con người cô thế, yếu đuối, không phẩm giá, không
địa vị, bị bỏ rơi, bị loại ra bên ngoài xã hội, không có gì để vinh danh hay
khoe khoang, nhưng chỉ sống nhờ vào lòng nhân từ của kẻ khác.
Với những tật xấu, những bất toàn của chính bản thân mình, phải
chăng mỗi người chúng ta trước nhan Thiên Chúa cũng là những kẻ yếu đuối thấp
hèn, không công trạng gì, sống nhờ vào lòng nhân từ của Thiên Chúa. Chỉ khi ý thức
về thân phận yếu đuối của mình như người đàn bà góa kia, chúng ta mới khiêm tốn
đủ để chạy đến với Chúa mà cầu nguyện để xin Chúa nâng đỡ trả lại sự công chính
nguyên thủy đã bị mất đi vì tội lỗi.
Con người kiêu ngạo thì không thể sống cầu nguyện đích thực
được. Như người đàn bà góa, mỗi người chúng ta có thể đã và còn đang sống trong
tình trạng bị thiệt thòi trên bình diện cứu rỗi, thiếu ơn Chúa. Tình trạng
không bình thường vì bị làm nô lệ cho những tật xấu của mình, và như người đàn
bà góa chúng ta cần ý thức về những khuyết điểm và qua lời cầu nguyện mà chạy
đến với Chúa để xin Ngài trợ giúp, phục hồi chúng ta lại trong trật tự ân sủng
và trong tình yêu của Ngài.
Hình ảnh quan tòa xấu, quan tòa bất lương không phải là một dung
mạo biểu tượng cho Thiên Chúa, nhưng là một dung mạo được Chúa dùng để so sánh,
để làm nổi bật điều ngược lại là dung mạo khác của một vị Thiên Chúa trọn hảo
hơn. Thiên Chúa là Đấng phán xét công bằng, không phải như quan tòa bất lương
và chỉ mình Thiên Chúa mới là quan tòa chí công vô tư. Ngài xét xử công bằng,
nhưng xét xử với tình thương nhân từ. Thiên Chúa không phải như quan tòa xấu
trong câu chuyện dụ ngôn trong bài Phúc âm hôm nay, Ngài là quan tòa công bằng
và nhân từ. Quan tòa xấu trong dụ ngôn hành động để khỏi bị quấy rầy, còn Thiên
Chúa, Ngài hành động vì yêu thương thôi thúc.
Con người có thể lên tiếng chống đối chối bỏ Thiên Chúa, nhưng
phần Thiên Chúa thì Người không bao giờ ngưng yêu thương con người. Ngài muốn
thi ân trọn vẹn cho đến cùng, Ngài muốn cho mọi người được ơn cứu rỗi.
Trong cuộc sống trên trần gian này, giữa những thử thách chúng
ta còn đủ khiêm tốn và sáng suốt chạy đến nhờ vào lòng nhân từ của Thiên Chúa
hay không? Chúa khuyến khích chúng ta hãy cầu nguyện luôn, hãy giữ liên lạc với
Ngài, tiếp xúc với Ngài qua việc cầu nguyện để đức tin được cũng cố, được kiên
trì, được trung thành cho đến cùng, cho đến khi Chúa trở lại Chúa còn gặp chúng
ta tỉnh thức trong đức tin, còn gặp chúng ta trung thành với đức tin vào Ngài.
Trong khung cảnh của ngày Chúa nhật truyền giáo hôm nay, đoạn
Tin Mừng chúng ta vừa chia sẽ có giúp chúng ta sống sứ mạng Chúa trao phó cho
mỗi người trong Giáo Hội hay không? Dĩ nhiên là có. Cầu nguyện để kiên trì
trong đức tin, vì càng cầu nguyện, đức tin chúng ta càng được cũng cố, được trưởng
thành hơn và do đó chúng ta mới trở nên chứng nhân của Tin Mừng.
Chính vì lý do này mà việc cầu nguyện luôn luôn được Đức Thánh
Cha nhắc đến trong các sứ điệp truyền giáo của Ngài. Năm nay cũng vậy, sứ điệp
truyền giáo của Đức Thánh Cha nhắc nhở mỗi người chúng ta rằng, người tín hữu
nào đã chiêm ngắm Chúa Giêsu, đã cầu nguyện thì không thể, không cảm thấy bị
lôi cuốn bởi ánh sáng của Chúa mà dấn thân minh chứng niềm tin của mình vào
Chúa Kitô, Đấng cứu chuộc duy nhất của loài người.
Đức Thánh Cha đã giải thích thêm như sau: Sự truyền giáo là việc
loan báo vui tươi về một ân huệ cống hiến cho tất cả và phải được đề nghị cho
tất cả, nhưng tôn trọng hết sức sự tự do của mỗi người. An huệ mạc khải của
Thiên Chúa tình yêu, Đấng đã đến trong thế gian, Đấng đã yêu thương thế gian
đến nỗi ban Con Một của Người. Như vậy, Giáo Hội không thể lẩn tránh sinh hoạt
truyền giáo đối với các dân tộc và điều không kém quan trọng là nhiệm vụ đầu
tiên của sứ vụ truyền giáo là loan báo rằng, chính trong Chúa Kitô, Đấng là sự
thật và là sự sống mà cầu nguyện được ơn cứu độ.
Sứ vụ đó đòi hỏi phải cầu nguyện và dấn thân cụ thể, đó là những
lời của Đức Thánh Cha được trích từ sứ điệp của ngài cho Ngày Quốc Tế Truyền
Giáo hôm nay. Bài Phúc âm một lần nữa mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện luôn để
được trung thành trong đức tin, được kiên trì cho đến cùng trong tình yêu Chúa.
Chúng ta hãy dốc lòng sống đời sống cầu nguyện bắt đầu từ Chúa nhật hôm nay,
ngày truyền giáo, ngày chúng ta không phải nghĩ đến truyền giáo cho anh chị em
mà truyền giáo cho chính bản thân của mỗi người chúng ta. Ước chi nhờ lời cầu
nguyện mà chúng ta nhờ ơn Chúa để cải tạo mỗi người chúng ta trở thành con
người mới, trở thành đồ đệ trung thành của Chúa, trung thành với đức tin mà giờ
đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua kinh tin kính.
12.
Cầu nguyện
Ngay câu mở đầu bài Tin Mừng đã cho biết chủ đích của Chúa Giêsu
muốn dạy các môn đệ của Ngài, đó là phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.
Rồi Chúa minh họa bằng dụ ngôn ông quan tòa bất lương gặp bà góa kêu nài.
Một viên quan tòa bất lương, không sợ trời đất nào, cũng chẳng
sợ ai. Một bà góa đến kêu nài. Bà góa trong xã hội Do thái là người cô thế cô
thân, bị mọi thứ thiệt thòi, không ai bênh vực. Bà chỉ còn biết kêu đến quan
tòa để bênh vực bà chống lại kẻ đang ức hiếp bóc lột bà. Nhưng ông quan tòa này
đã chẳng sợ trời lại không nể người thì ông đâu coi chuyện oan ức của bà góa
này ra gì. Bởi vậy ông cứ giả điếc làm ngơ. Nhưng bà góa kia không đầu hàng. Bà
cứ kiên trì kêu nài mãi. Cuối cùng, để khỏi bị quấy rầy, ông quan tòa đành
quyết định xét xử bênh vực quyền lợi cho bà.
Kể dụ ngôn xong, Chúa Giêsu kết luận: “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa
lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với
Người sao?”. Viên quan tòa bất chính còn biết hành sử như vậy, chẳng lẽ Thiên
Chúa, là Đấng nhân lành và công bằng lại không lắng nghe lời cầu nguyện liên lỉ
của những con cái Ngài hay sao? Như vậy, câu đầu tiên và câu cuối cùng của bài
Tin Mừng cho chúng ta thấy ý tưởng chính là cần phải cầu nguyện luôn, đừng nản
chí.
Có hai lý do thúc đẩy chúng ta phải cầu nguyện luôn: Thứ
nhất, vì chúng ta luôn thiếu thốn và cần mọi sự. Tự bản chất con người
ta bất toàn, thiếu thốn. Hầu hết các động vật khác, vừa sinh ra đã có đủ điều
kiện sinh sống, còn con người sinh ra trong tình trạng thiếu thốn mọi sự. Về
tâm hồn cũng thế. Những gì bất toàn đòi phải được kiện toàn, những gì thiếu
thốn đều đòi phải được đầy đủ. Thế nên, muốn kiện toàn những bất toàn, muốn lấp
đầy những thiếu thốn, muốn thỏa mãn những ước vọng chính đáng thì phải cầu
nguyện luôn.
Thứ hai, chúng ta phải cầu nguyện luôn bởi vì tự sức riêng
chúng ta không thể làm gì được. Nói cách khác,
chúng ta hoàn toàn bất lực trong việc kiện toàn những khiếm khuyết, trong việc
lấp đầy những thiếu thốn, nhất là đối với những bất toàn và thiếu thốn siêu
nhiên. Những thứ đó vượt hẳn khả năng của con người, chúng ta không thể tự làm
cho mình có được, như Chúa Kitô đã nói: “Không có Thầy, các con không thể làm
gì được”. Tuy nhiên, lòng tự ái đã ngăn cản người ta không chấp nhận mình thiếu
thốn, khuyết điểm và bất lực. Cần phải có một tâm hồn đơn sơ khiêm tốn mới tự
công nhận mình như thế. Có công nhận mới tín nhiệm chạy đến cầu nguyện với
Chúa.
Ngoài ra. Cũng có hai lý do chính giúp chúng ta không nản chí:
Thứ nhất, Chúa rất tốt lành và đầy lòng yêu thương, đồng thời Ngài lại là
Thiên Chúa toàn năng. Nếu một quan tòa bất lương và vô tín ngưỡng còn
biết nghe theo lời người thưa kiện, huống nữa là Thiên Chúa tốt lành vô cùng.
Nhưng Thiên Chúa tốt lành ấy đâu phải là người dưng nước lã mà là chính Đấng
tác thành nên ta, là Cha yêu thương ta hết tình, đến nỗi như lời thánh Phaolô
dạy: “Đã ban chính con Chúa cho ta, thì lẽ nào lại không ban mọi cái khác cho
ta cùng với người con ấy”. Hơn nữa, Thiên Chúa lại là Đấng toàn năng, Ngài làm
được mọi điều Ngài muốn. Nếu Ngài là đấng tốt lành yêu thương ta và muốn cho ta
được mọi sự tốt lành, thì dĩ nhiên Ngài sẽ làm những điều đó cho ta.
Thứ đến, chúng ta không thể ngã lòng nản chí vì Chúa đã
long trọng hứa rằng sẽ nhận lời ta cầu xin. Tuyệt đối mà xét thì Thiên
Chúa chẳng mắc nợ ai, cho nên dầu Ngài tốt lành và yêu thương ta, nhưng chẳng
ai bắt buộc Ngài phải làm điều nọ điều kia được. Tuy nhiên, khi hứa sẽ nhận lời
mọi người kêu xin, thì Chúa đã tự đặt mình vào thế bắt buộc phải nghe lời ta.
Điều cần thiết và quan trọng Chúa Giêsu dạy các môn đệ phải cầu
nguyện luôn là để được trung thành với đức tin. Cuộc sống mỗi người Kitô là một
cuộc sống trong đức tin và nhờ đức tin. Vì thế mỗi người đừng để mất đức tin
hay giảm sút lòng tin. Nói một cách khác tích cực hơn là để trung thành với đức
tin và phát triển đời sống đức tin. Chính việc cầu nguyện sẽ giúp chúng ta sống
được như thế.
Quả thực, cuộc đời người tín hữu Chúa trên trần gian là một cuộc
hành trình khó khăn giữa nhiều thử thách, và để an toàn đạt đến cùng đích của
cuộc lữ hành thì mỗi môn đệ Chúa phải kiên trì, phải trung thành trong đức tin
cho đến khi Chúa lại đến. Và để kiên trì trong đức tin cho đến cùng thì mỗi môn
đệ của Chúa cần thực hành điều căn bản và quan trọng, đó là cầu nguyện. Cũng
thế, cuộc sống đức tin không phải là không có những nguy hiểm, những gian nan
thử thách, không ngừng chất vấn và thách thức con người, khi con người chiều
theo những lợi lộc mà bỏ quên Thiên Chúa. Dù ai, dù ở địa vị nào trong xã hội
cũng như trong Giáo Hội, dung mạo tinh thần của mỗi người chúng ta có thể được
so sánh như dung mạo của người đàn bà góa nghèo. Hình ảnh của người đàn bà góa
nghèo trong văn chương Do thái cũng như trong nếp sống cụ thể của người Do thái
là hình ảnh của một con người cô thế, yếu đuối, không phẩm giá, không địa vị,
bị bỏ rơi, bị loại ra bên ngoài xã hội, nhưng chỉ sống nhờ vào lòng nhân từ của
kẻ khác. Với những tật xấu, những bất toàn của chính bản thân mình, phải chăng
mỗi người chúng ta trước nhan Thiên Chúa cũng là những kẻ yếu đuối thấp hèn,
không công trạng gì, sống nhờ vào lòng nhân từ của Thiên Chúa? Chỉ khi ý thức
về thân phận yếu đuối của mình như người đàn bà góa kia, chúng ta mới khiêm tốn
đủ để chạy đến với Chúa mà cầu nguyện xin Chúa nâng đỡ. Chúa khuyến khích chúng
ta hãy cầu nguyện luôn, hãy giữ liên lạc với Ngài, tiếp xúc với Ngài qua việc
cầu nguyện để đức tin được cũng cố, được kiên trì, được trung thành cho đến
cùng, cho đến khi Chúa trở lại Chúa còn gặp chúng ta tỉnh thức trong đức tin,
còn gặp chúng ta trung thành với đức tin vào Ngài.
13.
Thiên Chúa sẽ ban cho tôi điều tốt nhất
Lời cầu “xin” là thái độ của người nghèo, của tạo vật cần Thiên
Chúa. Đây là thái độ đúng đắn diễn tả thân phận con người, nên đẹp lòng Thiên
Chúa. Lời cầu nguyện không chỉ là xin ơn, nhưng còn là lời cảm tạ và ca khen
Thiên Chúa. Tuy vậy, thái độ “cần” Thiên Chúa, được diễn tả qua lời cầu “xin”,
là nền tảng của lời cầu nguyện.
Lời “Xin” trong Kinh Chúa dạy
“Lạy Cha chúng con ở trên trời, nguyện danh Cha cả sáng, Nước
Cha trị đến, Ý Cha thể hiện…Xin Cha cho chúng con…”. Lời trong kinh Lạy Cha nói
lên khao khát ước vọng của con người, về nhu cầu thiêng liêng và về nhu cầu vật
chất.
Xin Cha làm cho Danh Cha cả sáng, xin Cha làm cho con người tin
nhận quyền Cha, để Danh Cha cả sáng. Xin Cha làm cho Nước Cha trị đến, bằng
cách làm cho con người biết yêu thương, biết sống theo luật của Đức Yêsu. Xin
Cha cho chúng con lương thực cần dùng. Chúng con cần Chúa, để chúng con có
lương thực hằng ngày, để chúng con được ơn tha thứ, để chúng con khỏi sa ngã
phạm tội. Chúng con cần Chúa để nên thánh, để sống bình an và hạnh phúc.
Chúng ta bất lực. Chúng ta cần Chúa để làm tất cả, thế nên chúng
ta xin Chúa để làm tất cả mọi điều chúng ta phải làm, ngay cả những điều như
thể chỉ tuỳ thuộc nơi chúng ta. Xin Chúa cho chúng con luôn luôn tuỳ thuộc vào
Chúa trong mọi chuyện.
Môsê giơ tay cầu nguyện
Sách Xuất Hành cho thấy hiệu lực lời cầu nguyện của Môsê: khi
ông giơ tay lên cầu nguyện, Yosua và binh lính Israel thắng trận, khi ông hạ
tay xuống, bên đối nghịch Amalek thắng trận. “Bè để qua sông, qua sông hãy quên
bè”. Đừng vác bè mà đi! Hãy đón nhận sứ điệp, đừng bận tâm quá những điều không
cần thiết, hoặc làm mình quên mất điều chính. Sứ điệp của đoạn Lời Chúa: lời
cầu xin thật hữu hiệu.
Đức Yêsu kể dụ ngôn về ông thẩm phán, không sợ Thiên Chúa, không
sợ con người, nhưng chỉ sợ người ta làm phiền, nên phải làm theo lời thỉnh cầu
của bà goá. Nếu con người, vì sợ bị phiền mà phải làm theo điều người ta xin,
thì huống chi là Thiên Chúa, Đấng luôn luôn yêu thương con người, và sẵn sàng
làm tất cả cho con người khi họ cầu xin Ngài.
Thái độ cầu xin, là thái độ của người khiêm tốn. Vì người ta chỉ
xin điều mình rất muốn, mà mình không thể có được, vì nó không tuỳ thuộc mình,
nó là một ơn “nhưng không” của Thiên Chúa ban cho mình. Xin cho chúng ta tin
tưởng Chúa yêu thương mình, tin Ngài luôn sẵn sàng làm tất cả những gì tốt lành
cho chúng ta, để chúng ta chạy đến cầu xin với Ngài.
Hãy dùng Kinh Thánh để cầu nguyện
Kinh Thánh là Lời Chúa cho con người, là sách gợi hứng và ý
tưởng giúp người ta cầu nguyện. Kinh Thánh giúp người ta hiểu biết về Đức Yêsu
hơn. Một thánh giáo phụ nói: không biết Kinh Thánh là không biết Đức Yêsu. Sở
dĩ vậy, vì Kinh Thánh nói về Đức Yêsu, Kinh Thánh cho thấy những hành động Thiên
Chúa làm trong lịch sử, vì yêu thương con người. Qua những hành vi hoạt động
của ai, chúng ta biết hơn về người đó. Cũng tương tự như vậy, qua Kinh Thánh
ghi lại những gì Thiên Chúa làm cho dân tộc Israel và loài người, chúng ta biết
về Thiên Chúa hơn.
Kinh Thánh được viết trong một thời gian nhất định, bởi những
người có một nền văn hoá riêng, nên cần biết những phong tục tập quán của họ để
hiểu được những điều họ muốn diễn tả, những điều Thiên Chúa muốn diễn tả hoặc
nói với con người qua họ.
Kinh nghiệm về Thiên Chúa của những người được linh ứng, là kinh
nghiệm đặc biệt và được diễn tả trung thực, để những người thời sau học hỏi.
Kinh nghiệm Thiên Chúa ban cho những người xưa, có thể con người ngày nay cũng
được khi họ đọc và suy niệm Lời Chúa (Kinh Thánh). Khi đọc Tin Mừng của Đức
Yêsu, chúng ta hãy nhìn nghe và xem Ngài sống, để mình trở nên giống Ngài hơn.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
1. Lời cầu nguyện của bạn có thường được nhậm lời không? Xin bạn
chia sẻ kinh nghiệm về những lần cầu nguyện, mà được nhận lời.
2. Những điều bạn xin, bạn có thấy đó thực sự là điều cần thiết
đối với bạn không? Tại sao bạn xin điều không thực sự cần thiết đối với bạn?
3. Theo bạn, điều nào là cần thiết nhất đối với bạn, mà bạn phải
cầu xin? Tại sao đây lại là điều cần thiết nhất đối với bạn?