THỨ NĂM - TUẦN 25
Bài đọc 1 Năm lẻ
Có lời Thiên Chúa phán
qua trung gian ngôn sứ Khagai: “Bây giờ có phải là lúc để các ngươi ở trong nhà
có ghép gỗ đóng trần, còn Đền thờ thì lại hoang tàn đổ nát không? Các ngươi hãy
để tâm suy cho kỹ về lối sống của các ngươi. Các ngươi gieo vãi nhiều nhưng thu
hoạch chẳng bao nhiêu… Hãy lên núi, đưa gỗ về tái thiết Đền thờ cho Ta (Kg 1,
3-9).
Dân Do Thái được thoát cảnh lưu đày trở về Giêrusalem là để tái
thiết Đền thờ. Lúc đầu họ ưu tiên cho việc xây dựng lại nhà cửa và có cuộc sống
thoải mái hơn. Ngôn sứ Khagai có một sứ mệnh khó khăn là phải nói cho dân về ưu
tiên sai lầm của họ. Rất may là lời nói của ông đã thắng thế và dân chúng đổi
việc ưu tiên của họ lại.
Ưu tiên gì trong cuộc sống
mà tôi cần đổi lại? Cái gì ngăn cản tôi làm điều đó?
Không bao giờ quá muộn
để làm điều gì đúng đắn.
Bài đọc 1 Năm chẵn
Điều đã có, rồi ra sẽ
có, chuyện đã làm, rồi lại sẽ làm ra: dưới ánh mặt trời, nào có chi mới lạ. (Gv
1, 9)
“Trẻ con có những tính
xấu. Khi người lớn vào phòng, chúng không còn đứng dậy chào nữa. Chúng cãi lại
cha mẹ, bướng bỉnh với giáo viên.” Những đánh giá đáng
buồn này về trẻ em được viết ra không phải chỉ trong thời đại chúng ta, mà là
bởi triết gia Socrates cách đây 2.500 năm.
Nhận xét của Socrates là
bằng chứng cho quan điểm của bài sách Giảng viên hôm nay. Đến mức độ nào tôi có
khuynh hướng nhìn cuộc sống hay con người một cách bi quan, và đôi khi còn tự
hỏi không biết Thiên Chúa có còn quan phòng hướng dẫn nữa không? Đây là dấu
hiệu của điều gì?
Chúng ta đã không dám
thở ra một lời cầu nguyện hay dám có một mục đích cho nỗi đau khổ của mình! Có
một cái gì đó đã chết trong chúng ta, và cái đó chính là niềm Hy Vọng (Oscar
Wilde).
Bài Tin Mừng
[Khi vua Hêrôđê nghe
biết những gì Chúa Giêsu đã làm, thì nói:] “Ông này là ai mà ta nghe đồn những
chuyện như thế?” (Lc 9, 9).
Một số người đề nghị nhạc sĩ dương cầm Fats Waller định nghĩa về
nhạc Jazz. Fats nói: “Điều bạn hỏi tôi có
nghĩa là tôi cũng không thể trả lời được.” Điều Fats nói về nhạc Jazz cũng
đúng trong trường hợp Chúa Giêsu. Nếu có ai hỏi chúng ta Chúa Giêsu là ai, thì
điều đó có nghĩa là chúng ta không thể trả lời cho họ được.
Trong số những câu hỏi mà người khác không thể cho chúng ta lời
giải đáp, có câu hỏi: “Chúa Giêsu là ai?”
Không ai có thể trả lời câu hỏi này, ngoại trừ Cha trên trời (Mt 16, 17). Tất
cả những gì chúng ta có thể làm là mở rộng lòng để đón nhận.
Điều này gợi lên câu hỏi:
Tôi có thể làm gì để giúp người khác mở rộng lòng đón nhận lời giải đáp của Cha
trên trời cho câu hỏi: Chúa Giêsu là ai?
Hãy cầm tay tôi và cùng
tôi tiến bước. Đừng đi trước tôi, nếu không, tôi không thể nào theo bạn được.