Nhưng Đức
Giêsu đã không tháo bỏ mọi thương tích. Người đã giữ chúng lại... Chúng vẫn là
những thương tích nhưng chất độc đã bị trừ khử, và vì thế không còn làm tổn
thương.
Bốn mươi năm sau khi rời bỏ trại giam Auschwitz, nhà văn Ý Primo Levi vẫn còn mang hình xăm với
con số của ông khi ở đó. Khi người ta hỏi ông tại sao không xóa nó đi, ông đáp:
“Tại sao tôi phải làm thế? Không có nhiều
trong chúng ta được đưa vào thế giới để làm nhân chứng.”
Alexander Solzhenitsyn nói rằng ông vẫn
còn bốn mảnh vải dùng để vá mạng con số mà người ta phát cho ông khi còn trong
nhà tù. Ông không phải là người duy nhất đem chúng ra khỏi trại giam. Không xấu
hổ về những điều đó, ông nói: “Trong một
số gia đình, chúng được phô bày ra như những thành tích.”
Thánh Phaolô cũng không xấu hổ vì những
dấu tích mà ông mang trên mình ông vì Đức Giêsu Kitô. Thật vậy, ông bình thản
lôi kéo sự chú ý về những dấu tích ấy (Bài đọc 2). Ông nói với những tín hữu
Galát: “Những dấu tích trên người tôi là
những dấu tích của Đức Kitô.” Bằng từ “dấu tích”, ông không có ý nói đến những
dấu thánh như Padre Pio và những người khác cho rằng mình được in dấu thánh.
Ông muốn nói đến những dấu tích, vết thẹo mà những gian lao, bệnh tật, sự đánh
đòn, ném đá còn để lại trên thân thể của ông. Đó là những sự trả giá cho việc
ông phục vụ Đức Kitô.
Điều thú vị hơn nữa là sự kiện Đức
Giêsu giữ lại dấu đinh và vết đóng đâm trên thân thể phục sinh của Người. Người
ta có thể hy vọng Người làm mất hết mọi dấu tích để chứng tỏ rằng mọi sự đã qua
cả rồi, đã ở sau lưng Người, và bởi vì Người đã không muốn làm cho các tông đồ
khó xử vì họ đã bỏ rơi Người hoặc những người trực tiếp hay gián tiếp có trách
nhiệm gây ra các dấu tích ấy.”
Nhưng Đức Giêsu đã không tháo bỏ mọi
thương tích. Người đã giữ chúng lại. Đối với Người những vết tích ấy không làm
cho Người xấu hổ hoặc bối rối. Chúng là những chứng cứ sống động của tình yêu
Người, là những dấu chỉ hữu hình và hùng hồn một tình yêu chân thật phải trả
giá như thế nào. Chúng giống như những huy hiệu danh dự, hoặc những huy chương
chỉ sự lỗi lạc mà khó khăn lắm người ta mới giành được. Chúng vẫn là những
thương tích nhưng chất độc đã bị trừ khử, và vì thế không còn làm tổn thương. Bởi
vì các thương tích của Đức Giêsu vẫn còn thấy rõ trên thân thể Phục sinh của
Người, chúng đã trở thành suối nguồn hy vọng cho tất cả chúng ta, đặc biệt cho
những người đã chịu đau khổ và vẫn đang còn đau khổ.
Rất nhiều lần chúng ta muốn che giấu
những thương tích của chúng ta. Chúng ta muốn giấu kín những tổn thương của qúa
khứ. Và cả khi bên ngoài của chúng ta đã lành lặn, chất độc thường vẫn còn lại,
và do đó còn gây thương tổn. Nếu chúng ta yêu, chúng ta phải sẵn sàng chịu
thương tích. Tuy nhiên, điều đó không giúp cho chúng ta đạt đến mục đích cao cả
nếu vì thế mà chúng ta bị đầu độc bởi sự cay đắng và lòng thù hận. Sự cay đắng
là điều tệ hại khủng khiếp. “Người ta có
thể sống qua những gian khổ lớn lao nhưng chết bởi những cảm nghĩ đắng cay.”
(Solzhenitsyn)