Mark Link _ Lời Chúa thứ hai tuần 7 phục sinh

THỨ HAI  - TUẦN 7  PHỤC SINH
Bài đọc 1 
Phaolô hỏi: “Anh em đã chịu phép rửa nào?”. Họ đáp: “Phép rửa của Gioan”. Phaolô nói: “Gioan đã làm một phép rửa tỏ lòng sám hối và ông bảo dân tin vào Đấng đến sau ông, tức là Chúa Giêsu”. Nghe nói thế, họ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu (Cv 19,3-5).
Việc cấy ghép các bộ phận bao gồm hai bước: cắt bỏ bộ phận cũ và đưa bộ phận mới vào. Hai bước này giúp chúng ta thấy được phép rửa của Gioan khác với phép rửa Kitô giáo thế nào. Phép rửa của Gioan gồm việc thống hối, từ bỏ đời sống cũ, phép rửa Kitô giáo gồm việc tái sinh, nhân lãnh đời sống mới. Và cũng như những bộ phận mới cần một sự cẩn thận đặc biệt để cơ thể khỏi loại bỏ chúng, chúng ta cũng cần phải đặc biệt cẩn thận để khỏi bỏ đi đời sống mới trong Chúa Kitô.
Tôi cẩn thận thế nào đối với đời sống mới của tôi?
Anh em đã chỗi dậy cùng với Chúa Kitô, anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới (Cl 3,1-2).

Bài đọc 1 Năm chẵn:
[Trước khi cầu nguyện cho các môn đệ trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu nói với họ:] “Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó, nhưng hãy can đảm, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16,33).
Bức tường nhà của một nha sĩ Chicago được trang điểm bằng một cuộn giấy màu với tựa đề: “Tôi muốn nhập bọn”, có tên hàng trăm trẻ em tự tay viết trên đó. Đó là những đứa trẻ hứa không phàn nàn, không khóc lóc, khi nha sĩ chữa răng cho chúng. Nha sĩ nói thật đáng ngạc nhiên: lời hứa đó đã biến những đứa trẻ từ “những bé con” trở thành “những người lính”. Ngụ ý của việc liệt kê tên tuổi này giống với ngụ ý của lời Chúa trong bài đọc hôm nay, nhằm giúp người ta phát huy những gì tốt đẹp trong họ.
Tôi có thể có sáng kiến hơn thế nào trong việc phát huy những gì tốt đẹp trong tôi và nơi người khác?
Ai cũng có cái tôi riêng, miễn là phải hạn chế nó lại (Dr. Rob Gilbert)

Bài Tin Mừng:
[Chúa Giêsu nói:] “Giờ đã đến... tất cả anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngả... Thế gian sẽ làm anh em khốn khó gian nan. Nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian”. (Ga 16,32-33)
Có lẽ Chúa Giêsu đã nhận ra nỗi lo sợ trên khuôn mặt các môn đệ khi Ngài bảo rằng họ sẽ gặp gian nan khốn khó. Tuy nhiên, nỗi lo sợ của các môn đệ không làm Chúa Giêsu lo lắng. Ngài biết nỗi lo âu không phải là điều tệ hại. Nếu được sử dụng cách hợp lý, nó sẽ là điều hữu ích. Phi công thử nghiệm Chuck Yeager nói: “Nỗi lo sợ nuôi dưỡng bạn như thể một viên kẹo nhiều chất bổ dưỡng. Nó giúp bạn tập trung và cảnh giác”. Đó cũng là lập luận của Starbuck trong cuốn “Cá voi trắng” khi nói rằng người duy nhất ông ta cần trên thuyền của mình là người biết sợ cá voi.
Lúc nào tôi thực sự lo sợ trong cuộc sống? Lúc này tôi sợ cái gì nhất?
Can đảm là kinh hoàng vì sợ chết, nhưng lại cỡi lên nó bằng mọi giá (John Wayne).