TIN MỪNG ĐỨC KITÔ LOAN BÁO
Không
ai mà không được Thiên Chúa yêu mến và săn sóc. Đó là Tin Mừng Đức Kitô tử nạn
và phục sinh loan báo.
Henrik Sienkiewikz, trong tác phẩm nổi
tiếng “Quo vadis”, đã tường thuật lại sức mạnh của niềm tin nơi các Kitô hữu thời
sơ khai khi phải trải qua cuộc bách hại đầy cam go bởi Nêrô, hoàng đế của đế quốc
La mã, kẻ tìm kiếm vinh quang cho mình với hai bàn tay đẫm máu.
Trong vài dòng mô tả cuộc gặp gỡ bất
ngờ giữa Nêrô và sứ đồ Phêrô, ông đã toát lược đại ý của cả cuốn sách: “Trong một chớp mắt hai con người ấy nhìn
nhau, song không một ai - cả kẻ ở trong đám rước tuyệt vời kia lẫn người đang ở
trong đám người đông đảo nọ - lại nghĩ rằng đó là giây phút đọ nhãn quang của
hai vị chúa tể trái đất, một kẻ ngay sau đó sẽ biến đi như một giấc mơ đẫm máu,
còn người kia - chính cụ già mặc chiếc áo thô kệch nọ - sẽ chiếm lĩnh đến muôn
đời sau cả thế gian lẫn cái thành đô này.”
Chính niềm tin vào Đức Kitô phục
sinh đã làm cho Phêrô, một người đã trốn chạy khi Chúa chịu tử nạn với những lời
chối Chúa, được trở nên mạnh mẽ đến nỗi không gì có thể làm ông sợ hãi.
Ông đã từng ở gần bên Chúa, cùng ăn,
cùng uống với Ngài, nhưng vẫn chưa nhận ra Ngài: “vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống
lại từ cõi chết”; sau này, khi nhìn thấy mồ trống, khi được cùng ăn, cùng uống
với Đức Kitô phục sinh, trong ơn Chúa Thánh Thần, ông đã tin, và khi đó tâm
hồn ông ngập tràn trong một niềm vui vô biên.
Còn gì vui hơn khi ông, qua mầu nhiệm
phục sinh, xác tín rằng mình đã gặp được chính Con Thiên Chúa, Đấng yêu thương
con người đến nỗi đã đến để gánh lấy mọi tội lỗi của nhân loại, ngay cả khi chịu
đóng đinh vào thập giá mà vẫn cầu nguyện cho hạnh phúc của những kẻ xúc phạm đến
Ngài?
Đức Kitô đã mở ra một con đường đem lại
hạnh phúc khác hẳn với những gì người đời thường
làm: Ngài không tìm cách hạn chế hay giảm bớt cái khổ mà, vâng ý Cha, bước vào
gian khổ: “Người đã làm một việc thích
đáng, là cho Đức Giêsu trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn
đưa họ tới nguồn ơn cứu độ” (Dt 2,10).
Đó cũng sẽ là con đường cho những ai
muốn theo Ngài: “Ai muốn theo Thầy, phải
từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).
Một con đường khó được chấp nhận! Nhưng
sự phục sinh của Đức Kitô đã làm cho nó trở nên cao đẹp, và có sức thuyết phục.
Hãy ngắm nhìn cuộc gặp gỡ đầu tiên của
Đức Kitô Phục Sinh, vẫn được coi là dành cho Đức Mẹ: khi đó, cả hai Mẹ Con cùng
chiêm ngắm lại con đường thập giá. Một niềm vui êm đềm nhưng đầy sức mạnh đổ
tràn vào tâm hồn Mẹ.
Niềm vui đó xoá
tan hoàn toàn và tuyệt đối mọi nỗi buồn đau trước đây;
việc Chúa sống lại đã biến tất cả mọi nỗi khổ nhục thành niềm vui, nên cả hai Mẹ
Con cùng hát những bài ca vịnh ngợi khen tình yêu Chúa: “Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở.”
Niềm vui êm đềm mà mãnh liệt đó cũng
chính là điều Phêrô cảm nhận được khi gặp Đức Kitô Phục Sinh. Niềm vui đó không
để ông ngồi yên, mà buộc ông phải đứng lên rao giảng: “Phần chúng tôi, những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể
không nói ra” (Cv 4,20).
Ông không ngần ngại lập lại những lời
Chúa dạy mà ông từng phản đối: “Nếu làm
việc lành và phải khổ mà anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, thì đó là ơn Thiên Chúa
ban. Anh em được Thiên Chúa gọi để sống như thế. Thật vậy, Đức Ki-tô đã chịu
đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người.” (1Pr
2,20-21)
Đúng thế! Còn ai vui sướng hơn người
đã gặp được Đức Kitô phục sinh nhờ niềm tin của mình? Hạnh
phúc của họ là được sống trong niềm vui êm đềm nhưng mãnh liệt của niềm tin. Kho báu của họ đã sẵn có trên trời: “anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa.”
Với niềm tin, họ thấy tất cả là hồng ân, kể cả mọi nỗi cùng cực trong cuộc sống.
Đức Mẹ và các tín hữu thời sơ khai đã đi viếng đường thánh giá, không phải để
nhớ lại một kỷ niệm đau buồn, mà để thấy lại được mình đã được yêu như thế nào;
cũng thế, niềm tin vào Đức Kitô phục sinh chiếu một luồng sáng mới vào mọi nỗi
khốn cực trong đời con người, và làm cho mọi sự nên tốt đẹp: “Khi Đức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy
giờ anh em sẽ xuất hiện với Ngài trong vinh quang.”
Một hôm, Mẹ Têrêxa xuống phố, chợt
thấy một vật gì động đậy trong rãnh nước, Mẹ gạt bùn đi và thấy đó là một người,
ông ta bị sâu bọ rúc rỉa. Mẹ đưa ông về nhà, cả nhà phải mất ba giờ lau lọt cho
ông.
Sau cùng, ông đã nói: “Tôi đã sống như một con vật trên đường phố,
nhưng tôi sẽ chết như một thiên thần, được yêu mến và được săn sóc.” Rồi
ông chết, trên mặt ông nở một nụ cười mà Mẹ nói: “Tôi chưa hề thấy một nụ cười nào giống như thế”…
Không ai mà không được Thiên Chúa
yêu mến và săn sóc. Đó là Tin Mừng Đức Kitô tử nạn và phục sinh loan báo.
“Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ, lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là
công trình của Chúa, công
trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.” (Tv 118,22-23)