ĐAU KHỔ MỞ RỘNG CHÚNG TA
CHO TÌNH YÊU THIÊN CHÚA
CHO TÌNH YÊU THIÊN CHÚA
Đau khổ đến từ bên ngoài, tôi phải chịu đựng nó. Nhưng điều
mà tôi có thể làm là đưa đau khổ vào bên trong và biến đau khổ thành hành vi tự
hiến và vì tình yêu. Khi đó đau khổ trở thành cứu độ cho chính tôi và cho tha
nhân.
... Cha Anselm Gruen
là đan sĩ Biển-đức của đan viện Muensterschwarzach thuộc bang Bavière ở miền Nam nước Đức.
Cha là Linh Mục trị liệu tâm linh và là vị đồng hành thiêng liêng vô cùng cao
quý. Cha cũng là tác giả của nhiều sách báo rất được độc giả yêu thích. Tác phẩm
mới nhất của Cha mang tựa đề: ”Trời Cao nơi chính bạn. Hành Trình tự do nội
tâm”. Xin nhường lời cho Cha nói về cách thức sống mầu nhiệm đau khổ trong cuộc
đời tín hữu Công Giáo.
Mùa Chay rồi đến Tuần
Thánh không ngừng đặt trước mắt chúng ta hình ảnh Đức Chúa Giêsu Kitô chịu đau
khổ. Và cứ mỗi lần chúng ta tuyên xưng Đức Tin chúng ta lập lại rằng chính Người
cứu chuộc chúng ta bằng cái chết của Người trên Thánh Giá. Thế nhưng chúng ta vẫn
luôn luôn nêu thắc mắc:
-
Tại sao lại phải cứu
chuộc bằng đau khổ?
Ban đầu, hai môn đệ
trên đường Emmau cũng không hiểu tại sao Đức Chúa Giêsu - vị đại tiên tri mà họ
từng mong đợi cứu thoát và giải phóng - đã bị đóng đinh trên Thánh Giá! Nhưng Đức
Chúa Giêsu giải thích cho họ hiểu rằng: ”Nào
Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của
Người sao?” (Luca 24,26). Câu giải thích của Đức Chúa Giêsu như muốn chỉ
cho chúng ta thấy một hướng đi. Thật vậy, đau khổ đập vào Người đến từ bên
ngoài, không thể tiêu diệt Người. Trái lại, đau khổ chỉ là cuộc vượt qua đưa
Người vào vinh quang.
Đối với chúng ta, mỗi
khi đau khổ đổ ập trên chúng ta, chúng ta có thể nhìn thẳng vào nó và hiểu rằng:
nó cho phép chúng ta bẻ gãy các biểu tượng giả mạo hầu làm nổi bật sáng ngời
nơi chúng ta hình ảnh nguyên vẹn thưở ban đầu của Thiên Chúa.
Dưới nhãn quan Kitô
Giáo thì chỉ có hai phương cách. Hoặc là tôi để cho đau khổ bẻ gãy các biểu tượng
mà tôi tự làm ra về tôi, về cuộc sống và về Thiên Chúa thì khi ấy đau khổ sẽ đập
vỡ cái vỏ cứng của tôi để tôi mở rộng lòng tôi cho chính tôi cũng như cho các
khả năng nhận thức mới về cuộc đời và về mầu nhiệm Thiên Chúa. Hoặc là tôi cứ
bám chặt vào các tầm nhìn nhỏ bé riêng tư để rồi tự bị bẻ gãy tan tành.
Đây cũng là điều chúng
ta cử hành trong bí tích Thánh Thể. Rước Lễ diễn ra sau nghi thức bẻ bánh. Chúng
ta bẻ Thân Mình Đức Chúa Giêsu Kitô đã tự bẻ ra cho chúng ta trên Thánh Giá, hầu
cho chúng ta không bị bẻ gãy và bị đè bẹp bởi các khốn khổ chúng ta gặp trên đường
đi, nhưng nó đập vỡ cái vỏ bọc chúng ta và mở rộng chúng ta cho chính chúng ta
và cho mầu nhiệm Tình Yêu của Đức Chúa Giêsu, Đấng chiếu tỏa rạng ngời trước mắt
chúng ta trên Thánh Giá.
Thánh Gioan cống hiến
cho chúng ta một giải thích khác. Đau khổ đập vào Đức Chúa Giêsu từ ngoại tại
đã biến thành nội tại khi Người dâng hiến chính mình: ”Không có tình yêu nào
cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Gioan
15,13). Và trong bài giảng về Vị Mục Tử Nhân Lành, Đức Chúa Giêsu phán: ”Thầy
hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Gioan 10,15). Cho dẫu phải chịu một cái
chết tàn bạo thảm khốc, Người vẫn nói: ”Mạng sống của Thầy không ai lấy đi được,
nhưng chính Thầy tự ý hy sinh mạng sống mình” (Gioan 10,18).
Thân mẫu tôi nhìn thấy
trong bệnh tật của người một cơ hội để dâng hiến đau khổ của người cho con cái
và cháu chắt của người. Chính vì sự kiện này mà các anh chị em tôi, các cháu của
tôi rất thích đến thăm mẹ tôi. Mỗi người cảm nhận được tình thương mẹ tôi dành
cho mình.
Từ đó tôi hiểu sứ điệp
của Đức Chúa Giêsu Kitô như sau. Đau khổ đến từ bên ngoài, tôi phải chịu đựng
nó. Nhưng điều mà tôi có thể làm là đưa đau khổ vào bên trong và biến đau khổ
thành hành vi tự hiến và vì tình yêu. Khi đó đau khổ trở thành cứu độ cho chính
tôi và cho tha nhân. Đau khổ thật ra không cần thiết. Chúng ta phải cảm tạ tri
ân Thiên Chúa nếu Người gìn giữ chúng ta khỏi đau khổ. Nhưng nếu đau khổ xảy đến
cho chúng ta, chúng ta hãy bước theo con đường mà chính Đức Chúa Giêsu Kitô đã
đi và Người vạch ra cho chúng ta thấy, đó là: biến đau khổ thành hành động của
tình yêu.
Ngay giữa lòng đau khổ
của mình Đức Chúa Giêsu Kitô đã tự đặt vào vòng tay che chở vững chắc của Thiên
Chúa. Lời cuối cùng Người kêu lên trên Thánh Giá là: ”Lạy Cha, Con xin phó thác
hồn Con trong tay Cha” (Luca 23,46).
Nếu chúng ta cũng tự đặt
mình vào vòng tay phụ tử và từ mẫu của Thiên Chúa, khi chúng ta chìm ngập trong
đau khổ thì đau khổ sẽ được biến đổi. Đau khổ mở rộng chúng ta cho Tình Yêu của
Thiên Chúa. Chính Tình Yêu Thiên Chúa bao bọc gìn giữ chúng ta.
... ”Này đây, Người
tôi trung của Ta sẽ thành đạt, sẽ vươn cao, nổi bật, và được suy tôn đến tột
cùng. Cũng như bao kẻ đã sống sót khi thấy tôi trung của Ta mặt mày tan nát chẳng
ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa... Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn
oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa
thích. Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh
tật. Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không
đếm xỉa tới. Sự thật, chính Người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh
chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng Người bị phạt,
bị Thiên Chúa giáng họa, phải nhục nhã ê chề. Chính Người đã bị đâm vì chúng ta
phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; Người đã chịu sửa trị để chúng ta
được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. Tất cả
chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả. Nhưng Thiên Chúa
đã đổ trên đầu Người tội lỗi của tất cả chúng ta. Bị ngược đãi, Người cam chịu
nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi
bị xén lông, Người chẳng hề mở miệng... Thiên Chúa đã muốn Người phải bị nghiền
nát vì đau khổ. Nếu Người hiến thân làm lễ vật đền tội, Người sẽ được thấy kẻ nối
dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ Người, ý muốn của Thiên Chúa sẽ thành tựu”
(Isaia 52,13-14 / 53,2-7+10).
(”Prier”, l'aventure spirituelle, No 349, Mars
2013, trang 36-37)
Sr. Jean Berchmans
Minh Nguyệt