THỨ NĂM – TUẦN 7 PHỤC SINH
Bài đọc 1
Vì muốn biết chắc người
Do thái tố cáo Phaolô về điều gì, vị chỉ huy tháo xiềng cho ông và ra lệnh cho
các thượng tế và toàn thể Công nghị họp lại, rồi đưa Phaolô từ đồn xuống để ra
trước mặt họ (Cv 22,30).
Năm 1985, Steve Trotter trở thành người thứ bảy trong lịch sử đã
sống sót khi nhảy ở độ cao 50 thước từ thác Niagara
trong một chiếc thùng. Trotter nói anh có cảm tưởng như ở trên một thang máy
không có dây gắn vào. Khi nghĩ về sự can đảm, chúng ta thường nghĩ đến can đảm
thể lý. Một sự can đảm lớn hơn được Phaolô đề cập trong bài đọc hôm nay là sự
can đảm luân lý.
Đó là sự can đảm mà các môn đệ Chúa Giêsu phải thể hiện hằng
ngày trong thế giới hiện nay.
Làm cách nào tôi có thể xây
dựng lại tòa nhà của sự can đảm khi nó suy sụp?
Chúng ta sẽ an toàn vượt
qua giông bão, bao lâu niềm tin của chúng ta còn gắn chặt vào Thiên Chúa (Thánh
Phanxicô Salêsiô).
Bài Tin Mừng _ suy niệm 1
[Chúa Giêsu nói:] “Con
cầu xin cho tất cả nên một, Lạy Cha” (Ga 17,23).
Có một câu truyện về một nhóm người bị đắm tàu trôi dạt trong chiếc
thuyền cấp cứu hẹp và dài. Chiếc thuyền dài đến độ người phía trước nghĩ chính
họ là người “trước hết” và người phía sau tưởng họ là người “sau cùng.” Một
hôm, phía trước thuyền bị rò rỉ không thể nào kìm giữ được. Người đàn ông ngồi
phía sau nói với người phụ nữ kế bên: “Cám
ơn Chúa, thuyền bị rỉ phía trước, nếu nó rỉ phía sau, chắc chúng ta tận số.”
Câu truyện trên hàm chứa một bài học quan trọng cho tất cả chúng
ta. Chúng ta quên rằng tất cả chúng ta cùng ở trên một chiếc thuyền. Một đe dọa
nghiêm trọng nào xảy ra cho một phần thế giới cũng đe dọa nghiêm trọng đến
những phần khác.
Tại sao tôi đồng ý hoặc
không đồng ý với nhận định của John Kennedy: “Nếu một xã hội tự do không giúp
được nhiều người nghèo, nó cũng chẳng cứu được một số ít người giàu?”
Chúng ta phải học chúng
sống với nhau như anh em, hoặc cùng chết với nhau như những kẻ khờ dại (Martin
Luther King).
Bài Tin Mừng _ suy niệm 2
[Chúa Giêsu nói với Chúa
Cha về các môn đệ:] “Con không chỉ cầu nguyện cho họ, mà còn cho những ai nhờ
lời họ mà tin vào con. Con cầu xin để tất cả nên một” (Ga 17,20-21).
Alexis Carrel, người đoạt giải Nobel, viết: “Khi cầu nguyện, chúng ta liên kết chính mình với quyền lực tạo dựng vũ
trụ. Chúng ta nài xin một phần quyền lực ấy được chia sẻ cho nhu cầu của chúng
ta. Ngay lúc nài xin, những khiếm khuyết của chúng ta được lấp đầy, và chúng ta
trở nên mạnh mẽ, tươi mới... Cầu nguyện chân thành là một lối sống. Cuộc sống
đích thực chính là cuộc sống cầu nguyện.”
Việc cầu nguyện tác động thế
nào lên cuộc đời tôi khi tôi thường xuyên cầu nguyện?
Cầu nguyện cũng giống
như bật công tắc điện. Nó không tạo ra dòng điện, nhưng chỉ cung cấp một đường
dẫn cho dòng điện chạy vào. (Max Handel)