Giáo lý Công giáo - Mười Điều Răn

Bài 23. GIỮ ĐỨC CÔNG BẰNG
(ĐIỀU RĂN THỨ VII & X)
181.           Giữ của người cách bất công là những tội nào?
           Giữ của người cách bất công có những tội như:
           - Không trả nợ: không hoàn trả cho người khác tiền bạc, của cải mình đã vay mượn họ theo đúng hạn kỳ đã ước định, đúng với số lượngphẩm chất của vật được vay mượn. Chạy hụi (bỏ không đóng hụi nữa khi đã nhận tiền) cũng là một hình thức không trả nợ mình đã mượn của những người cùng chơi.
           - Không trả tiền công xứng đáng: Là tội bất công của người chủ khi không trả tiền lương, hay chậm trễ quá lâu, hoặc bắt công nhân làm thêm giờ mà không thêm lương, hoặc bắt chẹt người làm phải làm công việc quá nặng với đồng lương không tương xứng, dù có sự thỏa thuận của hai bên. “Tùy theo nhiệm vụ và năng suất của mỗi người, tình trạng của xí nghiệp và công ích, việc làm phải được trả lương sao cho con người có đủ khả năng xây dựng cho mình một đời sống xứng hợp về phương diện vật chất, văn hóa và tinh thần”. [1]
           - Trốn thuế: Thuế là phần đóng góp do nhà cầm quyền hợp pháp đặt ra cho dân chúng để chi phí vào những việc thiện ích chung, như trả lương cho các viên chức nhà nước, giữ gìn trật tự an ninh xã hội, phát triển văn hoá, giao thông v.v...
           “Không đóng góp lệ phí cho những cơ quan an ninh xã hội do chính quyền hợp pháp quy định là điều bất công”. [2] Người trốn thuế là người lấy cắp của mọi người, hưởng dùng tài sản của mọi người.
           - Đồng loã, là tội của những ai không tự tay mình làm điều bất công, nhưng lại đóng góp vào sự bất công đó qua hành động, lời nói, hay sự bỏ qua: như hiến kế, dẫn đường, đưa thang, canh gác cho kẻ trộm; che dấu kẻ trộm, oa trữ, mua bán đồ bị trộm cắp; biết có kẻ trộm mà không báo cho chủ biết, hay không tìm cách ngăn cản v.v...
           Những người đồng lõa với những hành vi bất công sẽ cùng chịu trách nhiệm với thủ phạm chính trong việc đền trả.
           - Không hoàn lại của lượm được:
           Của cải lượm được, bắt được, hay tìm thấy được, có thể phân làm hai loại: Vật vô chủ và vật có chủ, với cách xử lý khác nhau. Vật có chủ phải được trả về cho sở hữu chủ của nó. Vật vô chủ là vật không có sở hữu chủ, hay là vật có sở hữu chủ nhưng không tìm thấy sở hữu chủ trong một thời hạn quy định, nói chung là cần tham khảo dân luật về vấn đề này. .
          Luật dân sự, điều 247, quy định:
1. Vật vô chủ là vật mà chủ sở hữu đã từ bỏ quyền sở hữu đối với vật đó. Người phát hiện vật vô chủ là động sản thì có quyền sở hữu tài sản đó theo quy định của pháp luật; nếu vật được phát hiện là bất động sản thì thuộc nhà nước.
2. Người phát hiện vật không biết ai là chủ sở hữu phải thông báo hoặc giao nộp cho ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết để nhận lại.
3. Trong trường hợp không biết ai là chủ sở hữu vật là động sản thì sau 1 năm, kể từ ngày thông báo công khai, mà vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu, thì động sản đó thuộc sở hữu của người phát hiện theo quy định của pháp luật; nếu vật là bất động sản, thì sau 5 năm, kể từ ngày thông báo công khai, vẫn không xác định được ai là chủ sở hữu, thì bất động sản đó thuộc nhà nước, người phát hiện được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.