TRUYỀN GIÁO

KHẢO LUẬN VỀ SỨ MỆNH TRUYỀN GIÁO

I. NHỮNG YẾU TỐ TÍCH CỰC VÀ TIÊU CỰC
TRONG LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO.

3. Tính cách trần thế của Giáo hội
Tính cách trần thế là một tính cách thuộc về bản tính Giáo hội vì những thực tại trần thế cũng góp phần tạo nên bản tính của Giáo hội. Bản tính mang tính cách trần thế này bắt nguồn từ mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Ngôi Lời đã mặc lấy bản tính loài người như một bản tính thứ hai để trong và nhờ bản tính ấy mà Ngài cứu chuộc mọi thụ tạo. Do đó, Chúa Kitô đã mang nơi ngôi vị Thiên Chúa của Ngài hai bản tính: thiên tính và nhân tính; và cả hai đã góp phần tạo nên một Đấng Cứu thế. Bản tính nhân thần đó của Chúa Kitô được tiếp tục trong nhiệm thể của Ngài là Giáo hội, làm cho Giáo hội không chỉ là một thực tại đơn thuần xã hội hay thiêng liêng, nhưng cũng trở nên một thực tại phức tạp và duy nhất một cách kỳ diệu trong bản tính nhân thần của mình.
Cũng như Đức Kitô vừa là Thiên Chúa vừa là con người, Giáo hội cũng vừa thần thiêng vừa trần thế. Mỗi tính cách đó đều cùng làm nên bản tính của Giáo hội, và đều cùng được biểu hiện trong mọi phương diện hoạt động của Giáo hội, và đều có ảnh hưởng lớn lao đến sứ mệnh của Giáo hội. Hai tính cách ấy tác động lẫn nhau và tạo nên khuôn mặt của Giáo hội, hoà nhập và quyện lẫn vào nhau đến nỗi không thể có một hoạt động nào của Giáo hội mà không mang dấu ấn đồng thời của cả hai; đến nỗi chỉ có thể phân biệt mà không thể tách biệt chúng, và không ai có thể quy một thành phần, một sinh hoạt nào của Giáo hội cho chỉ một tính cách thuần túy là thần thiêng hay trần thế. Mặt khác, hai tính cách đó không biến mất trong nhau, nghĩa là chúng kết hợp, tác động hỗ tương với nhau, nhưng vẫn tuân theo những quy luật phát triển riêng của mình và đồng thời tự biểu hiện ra trên mọi nét mặt của Giáo hội.
Công đồng Vativan II đã diễn tả mầu nhiệm này trong Hiến chế Ánh Sáng Muôn Dân như sau: “… Giáo hội là xã hội có quy củ, và Nhiệm thể Chúa Kitô, đoàn thể hữu hình và cộng đoàn thiêng liêng, Giáo hội tại thế và Giáo hội dư tràn của cải trên trời không được quan niệm như hai thực thể, nhưng chỉ là một thực thể phức tạp, duy nhất, do yếu tố nhân loại và thần linh kết thành. Vì thế, nhờ loại suy xác thực, chúng ta có thể ví Giáo hội với mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Thực vậy, nhân tính mà Ngôi Lời mặc lấy phục vụ Người như cơ quan cứu rỗi sống động và kết hợp với Người cách bất khả phân ly; cũng thế, toàn thể cơ cấu xã hội của Giáo hội phục vụ Thánh Thần Chúa Kitô, Đấng làm cho Giáo hội sống động để tăng triển Thân Thể (x. Ep 4,16)”. [1]
Nếu như tính cách kết hợp với Chúa Kitô dễ đạt được sự nhất trí, thì tính cách trần thế của Giáo hội lại thường đưa đến những sai lầm và ngộ nhận trong quan niệm cũng như hành động. Xác định rõ ràng thế nào là trần thế, và tính cách trần thế là gì, là rất quan trọng vì không thể có một cái nhìn xác thực về hoạt động của Giáo hội nếu không có một sự hiểu biết đúng đắn  và đầy đủ về tính cách trần thế.
* Từ ngữ trần thế:
Trước hết ta cần hiểu từ ngữ trần thế ở đây như thế nào? Từ ngữ trần thế ở đây không được hiểu theo kiểu ngôn ngữ tu đức thông dụng, như là một thực tại đối nghịch với thánh thiện, đạo đức, là thế lực của tội lỗi chống lại chương trình cứu độ.
Trần thế ở đây cũng không chỉ nói về các thực tại vật chất, thuộc về vật chất, hay có liên quan đến vật chất, mà phải được hiểu như là tất cả những gì có liên quan trực tiếp và góp phần tạo nên đời sống tự nhiên của con người, và gián tiếp tác động lên đời sống siêu nhiên. Như vậy, từ ngữ trần thế ở đây gồm chứa từ những thực tại rất vật chất như cơm bánh, nhà cửa,… cho đến những thực tại thuộc về lãnh vực tinh thần như văn hoá, nghệ thuật, khoa học,…; từ những thực tại tích cực , thiện hảo như giáo dục, phát triển… đến những thực tại tiêu cực, đen tối như nạn thất nghiệp, chiến tranh, phân biệt chủng tộc, thiên tai, và nhiều tệ nạn xã hội khác.
* Tính cách trần thế:
Nhận thức một cách đúng đắn ý nghĩa của từ ngữ trần thế, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu được thế nào là tính cách trần thế một cách chính xác hơn: Tính cách trần thế là một tính cách thuộc bản tính của Giáo hội, là lấy những thực tại trần thế làm môi trường, phương tiện và làm đối tượng cho sứ mạng cứu độ của mình.
Giáo hội luôn sống trong các thực tại trần thế, và dùng các thực tại đó để đưa tất cả đến cứu cánh của chúng là ơn cứu độ, mà Thiên Chúa, Đấng Sáng tạo và Cứu độ, đã tiền định cho chúng. Về tính cách trần thế của Giáo hội, sự hiểu lầm, ngộ nhận trong quan niệm và hành động dẫn đến nhiều ảnh hưởng bất lợi cho công việc truyền giáo. Các sai lầm đó có thể tóm lại trong các tư tưởng cực đoan sau:
a. Quá nhấn mạnh đến tính cách thần thiêng: Một trong những sai lầm dẫn đến nhiều thiệt hại cho công việc truyền giáo trong thời xưa là quá nhấn mạnh đến tính cách thần thiêng mà quên mất tính cách trần thế của Giáo hội, quá nhấn mạnh đến phần rỗi của linh hồn đến nỗi nhiều khi như quên đi giá trị tự thân của các thực tại trần thế, mà dư âm vẫn còn thấy được hôm nay nơi những người lầm tưởng rằng các hành vi trao hiến vợ chồng là một điều gì tội lỗi. Sự quên đi tính cách trần thế làm cho Giáo hội trở nên xa lạ hơn với cuộc sống hiện sinh của con người, và một cách nào đó đang làm họ chịu nhiều thiệt hại khi coi tất cả những gì làm nên đời sống tự nhiên của họ như cơm bánh, học hành, việc làm, tình cảm yêu thương trong gia đình v.v. chỉ là tạm bợ, không hề có giá trị tự thân cũng như một giá trị nào cho hạnh phúc đời đời của họ.
b. Quá nhấn mạnh đến tính cách trần thế: Ngược lại với điều nguy hại trên, một cám dỗ đáng kể trong đời sống Giáo hội hôm nay là quá nhấn mạnh tính cách trần thế. Cám dỗ này dễ dẫn đến một lối sống “tục hoá”. 
Trong xã hội hôm nay đang rộ lên tư tưởng “tục hoá”, là lý giải tất cả theo những qui luật tự nhiên về xã hội, tâm lý, khoa học, và không hướng đến một điều gì còn lại sau khi tất cả đã qua đi theo thời gian, không biết gì đến đời sống tâm linh - một đời sống vượt trên đời sống tự nhiên, có thể làm cho con người thực sự là con người. Tục hoá có thể công khai mà cũng có thể âm thầm len lỏi vào đời sống con người và đời sống Giáo hội. Đó là một trong những trào lưu tư tưởng đang làm cả thế giới hôm nay hụt hẫng, một ngăn trở đáng kể cho sự đón nhận Tin Mừng, và cũng là một cám dỗ nguy hiểm cho mọi hoạt động truyền giáo trong Giáo hội, những cám dỗ mà chính Đức Kitô đã gặp khi bắt đầu sứ mệnh. Đức Kitô đã nói: "Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi." (Mt 4,10).
Tác hại của tư tưởng tục hoá có thể được thấy rõ trong công cuộc truyền giáo tại Nhật bản. Công cuộc truyền giáo tại Nhật bản từ sau Thế chiến II đã không đạt được nhiều kết quả tốt đẹp chủ yếu là vì dân Nhật lúc đó “mới bắt đầu biết tự do là gì; cũng vì thế mà họ không cảm nhận ra được hấp lực và tầm thiết yếu của tôn giáo. Dù có nhiều thừa sai đến hăng say hoạt động, có nhiều cơ sở, cũng như đã từng có nhiều ơn gọi, thì đến cuối thế kỷ 20, Giáo hội cũng chỉ có 16 giáo phận trong ba giáo tỉnh, với con số vẻn vẹn không đầy một nửa triệu tín hữu, tương đương với 0.36% dân số”
Tư tưởng tục hoá này có thể làm cho người ta quên đi một thế giới linh thiêng để chỉ còn nhìn thấy và tìm kiếm một thế giới trần tục, theo cách trần tục:
- Đi tìm một cứu cánh trần thế: người truyền giáo có thể bị cám dỗ quan tâm đến cơm no áo ấm, đến hạnh phúc đời này cho người khác mà không để ý đến cái nhu cầu tâm linh nơi họ;  và còn nguy hiểm hơn, là có  những người lợi dụng tôn giáo như một cái cần câu cơm, để tìm một vị thế xã hội. Tội Simonia đã có ngay từ những ngày truyền giáo đầu tiên và còn mãi đến nay. Đức Kitô đã trả lời cho cám dỗ này: "Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra." (Mt 4,4).
- Cậy dựa chủ yếu vào các phương tiện trần thế: ngay cả khi lo việc nhà đạo, người truyền giáo cũng bị cám dỗ cậy dựa chủ yếu vào những sự trợ giúp của những thế lực trần thế, như tiền bạc, uy thế, v.v... hoặc chạy theo những tính toán của sự khôn ngoan trần gian hơn là trông cậy vào ân sủng Thiên Chúa; hay bị cám dỗ tạo ra những áp lực tâm lý, xã hội để lôi kéo người khác theo đạo hơn là chỉ đơn giản trình bày chân lý và đặt trọn niềm tin nơi tác động của Chúa Thánh Thần, như việc truyền giáo thời hoàng đế Thêôđôxiô (379-395): “Phương pháp của thời ấy là ép buộc dân chúng theo tôn giáo chính thức”.  Ma quỉ đã cám dỗ Chúa Giêsu: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá." (Mt 4,6), và câu trả lời của Chúa là: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi." (Mt 4,7). Công đồng Vaticanô II đã nói rõ ràng: “Giáo hội cấm ngặt không ai được ép buộc hay dùng những mánh lới bất xứng để dụ dỗ hay lôi cuốn người ta theo đạo … Theo thói quen lâu đời của Giáo hội, phải cứu xét những động lực tòng giáo, và nếu cần, phải thanh luyện những động lực đó nữa”. [2][2] 
c. Thần quyền và thế quyền lẫn lộn với nhau: Trong lịch sử Giáo hội cũng có những lúc thần quyền và thế quyền lẫn lộn với nhau. Cùng với đà phát triển của Kitô giáo trong những quốc gia Tây phương, thần quyền ngày càng lớn mạnh và dần dà đã lấn át cả thế quyền. Những vị giáo hoàng như Innocentiô III cũng là những vị vua đầy quyền lực trên thế giới Kitô giáo. Có thể coi đó là những lúc đời sống Giáo hội cũng bị tục hoá một cách nào đó. Mới nhìn thì thấy Giáo hội trong những lúc đó có vẻ cường thịnh, nhưng đó lại chính là những lúc Giáo hội bị suy yếu do những mầm chia rẽ từ bên trong, khi những Kitô hữu bảo vệ và xây dựng một Giáo hội “của mình và cho mình” để bảo vệ và phát triển những lợi ích trần thế của mình. Trái lại, cũng có lúc thế quyền lấn át thần quyền để tạo nên một tôn giáo “của mình và cho mình”; có những sự kiện không nên nói lên vì tinh thần đại kết nhưng đó vẫn là sự thật, như Giáo hội công giáo tự trị tại Trung quốc hiện nay, hay Anh giáo, một sự ly khai khỏi công giáo mà một trong những lý do lớn cho sự ly khai đó là để thoả mãn những ước muốn nhất thời của vua Henri VIII. 
Công đồng Vatican II, trong Hiến chế Ánh sáng Muôn dân, đã minh định thái độ của Giáo hội trước những thực tại trần thế qua thái độ phải có của người giáo dân: “giáo dân có bổn phận tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và xết đặt chúng theo ý Thiên Chúa. Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận của trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội; … với lòng tin cậy mến sáng ngời, và nhất là với bằng chứng đời sống, họ tỏ lộ Chúa Kitô cho người khác, vì thế họ có nhiệm vụ đặc biệt soi sáng và xếp đặt những thực tại trần gian có liên hệ mật thiết với họ, để chúng không ngừng phát triển và bành trướng theo thánh ý Chúa Kitô, hầu ca tụng Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Độ”  [3][3]
Lm. Vianney Trần Vũ Hoàng Chương


[1] GH 8a
[2] TG 13