Khảo luận về sứ mệnh truyền giáo _ mục lục


KHẢO LUẬN VỀ SỨ MỆNH TRUYỀN GIÁO
I.       NHỮNG YẾU TỐ TÍCH CỰC VÀ TIÊU CỰC TRONG LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO
II.     GỢI Ý VỀ MỘT GIÁO XỨ TRUYỀN GIÁO

***
DẪN NHẬP
Theo thống kê năm 2000, dân số trên toàn cầu là 6.091.351.000 người, trong đó chỉ có 1.053.104.000 là tín hữu Công giáo. Riêng tại Á châu, một đại lục rộng lớn nhất, chiếm hơn một nửa dân số toàn thế giới ngày nay, tức khoảng 3 tỉ rưỡi người, nhưng tín hữu Công giáo chỉ là một nhóm thật nhỏ bé chiếm khoảng 3% dân số. Trong đó, Philippines được coi như là nước dẫn đầu với số tín hữu Công giáo là 58.7 triệu người trong tổng số 70.2 triệu dân, tức 83.6%, kế đến là nước Việt Nam thân yêu của chúng ta với số tín hữu Công giáo là 5.250.354 trong tổng số 80.744.661 dân, tức 6.5%.  [1]
Như vậy, cánh đồng truyền giáo của Giáo hội toàn cầu còn rất mênh mông; riêng tại Việt Nam, mặc dù được coi là Giáo hội lớn thứ nhì tại Á Châu, sau Phi-Luật-Tân, nhưng cánh đồng truyền giáo của Giáo hội quê nhà cũng vẫn còn bao la bát ngát.
Trong tình hình đó, Năm Truyền giáo 2004 là một cơ hội thuận tiện để Giáo hội Việt Nam sống một trong những đặc tính cơ bản của Giáo hội, là tính truyền giáo, như đã được nhắc đến trong Văn thư của Hội đồng Giám mục Việt Nam về lý do của việc tổ chức Năm Thánh Truyền Giáo: "Năm Thánh Truyền Giáo sẽ là thời gian mọi thành phần Dân Chúa Việt Nam dâng lời tạ ơn Thiên Chúa về hồng ân đức tin này, và cũng là dịp để khơi dậy ý thức và hoạt động truyền giáo trong mọi thành phần Dân Chúa.".
Để có thể phác hoạ ra những đường nét cơ bản cho công việc truyền giáo tại một giáo xứ của Giáo hội Việt Nam hôm nay không thể không có một cái nhìn lướt qua lịch sử của công cuộc truyền giáo trên khắp thế giới, đặc biệt là trong Giáo hội Việt Nam, dưới ánh sáng Thánh Kinh và những giáo huấn của Giáo hội; nhờ đó, ta có thể thấy được đâu là những yếu tố tích cực trong tiến trình rao giảng Tin Mừng để chú tâm khai triển chúng, và đâu là những yếu tố tiêu cực đã hạn chế việc đón nhận Tin Mừng để khắc phục phần nào những tác hại của chúng.
Lm. Vianney Trần Vũ Hoàng Chương (03.6.2004)


[1] TÌNH HÌNH  GIÁO HỘI VIỆT NAM (tính đến 10-2000), Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn