CHÚ GIẢI LỜI CHÚA - CNTN 25A


1. Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt

DỤ NGÔN THỢ LÀM VƯỜN NHO
CHÚ GIẢI CHI TIẾT
“Về Nước Trời thì cũng in như một gia chủ”: Bây giờ ta đã quen với loại công thức này rồi. Thực vậy, Nước Trời không giống như gia chủ, nhưng giống như toàn thể câu chuyện trong đó gia chủ đóng vai trò chính.
“Sau khi đã thuận giá với thợ là một quan tiền”: Quan tiền tương đương với một phật lăng vàng và lượng trưng tiền công bình thường của một ngày làm việc thời Chúa Giêsu. Việc ghi nhận hợp đồng tiên quyết giữa chủ và thợ đây sẽ thấy là quan trọng vào cuối dụ ngôn: khi chỉ nhận một quan tiền, toán thợ đầu tiên không hề bị thiệt thòi gì cả, vì đó là tiền lương đã thỏa thuận với nhau.
“Giờ thứ ba, ông ra.. “: Dù theo qui định, một ngày bắt đầu từ lúc hoàng hôn (xem “việc thánh hóa hưu nhật” bắt đầu từ chiều thứ 6), người ta vẫn chỉ tính giờ kể từ lúc mặt trời mọc. Như thế giờ thứ 3, thứ 6, thứ 9 và thứ 11 tương ứng với 9 giờ, 12 giờ trưa, 15 giờ và 17 giờ; ngày làm việc chấm dứt lối 18 giờ.
“Tôi sẽ tính phải chăng cho các anh”: Qua câu nói đó, các người thợ sau phải hiểu rằng tiền công của họ sẽ là một phần quan tiền.
“Khởi từ cuối hết cho đến đầu hết”: Đây là một việc dị thường đối với tập tục đương thời, nhưng trình thuật cố ý kết cấu như vậy để làm cho ra vẻ thực các lời kêu trách của những người thợ chứng kiến lòng tốt lạ lùng của gia chủ đối với những kẻ lãnh đầu tiên.
“Đã vác nặng cả một ngày trường, với nắng nôi thiêu cháy”: Theo toán thợ giờ thứ nhất, họ đã bị thiệt thòi trong hai chuyện: vất vả suốt 12 giờ, trong lúc các kẻ khác chỉ làm việc có một tiếng, và hơn nữa đã phải hái nho dưới cơn gió nóng cháy trong lúc những kẻ đến sau lại được hưởng khí trời mát mẻ ban chiều. Thời hạn và điều kiện làm việc khó khăn cho họ quyền được trả lương cao hơn.
“Này bạn”: Toán thợ giờ thứ nhất đã chẳng xưng hô với gia chủ bằng tên hay tước hiệu của ông, và đây ông ta làm cho họ hổ ngươi khi bắt đầu câu trả lời của mình như thế (x. Lc 15, 31). Người ta vẫn thường dùng lối gọi này lúc nói với kẻ không biết tên; ở đây nó vừa đầy nhân hậu vừa đầy trách móc: “bồ ơi...”. Trong 3 đoạn Tân ước có lối gọi này (Mt 20,13; 22,12; 26, 50), kẻ mà người ta nói với là kẻ có phạm lỗi gì đó.
“Hay bạn ghen tương (Nguyễn Thế Thuấn: hay mắt bạn lườm nguýt) vì tôi tốt lành”: Câu này là kết luận thật sự của dụ ngôn, như ta sẽ thấy dưới đây, do đó phải nặc cho nó tất cả tầm quan trọng. Quả thế, thường thì câu kết luận của dụ ngôn là chìa khóa để hiểu dụ ngôn. Chữ “ghen tương”, nếu dịch cho sát sẽ là: “mắt ác cảm”, “mắt dữ tợn”, một thành ngữ cổ xưa của Kinh Thánh thường xuất hiện trong Châm ngôn và Huấn ca, để diễn tả, như ở đây, cơn tức giận và ghen tương của cả con người. Nếu đặt thành ngữ “mắt dữ tợn” vào lại trong nguyên bản, thì sự tương phản giữa các hạn từ mới nổi bật, và bài học của dụ ngôn trở nên rõ ràng hơn: “Hay mắt bạn dữ lợn vì tôi tốt lành?”. Cách cư xử của gia chủ chẳng phải là hậu quả của một tính khí chướng kỳ, một bất công hữu ý, nhưng chỉ là kết quả của tâm địa tốt lành nơi ông: chính đó mới quan trọng. ông không muốn gây thiệt hại cho người này, ông chỉ muốn làm điều thiện cho người kia.
“Thế đó, những kẻ cuối hết sẽ nên đầu hết, và kẻ đầu hết sẽ nên cuối hết”. Vài tác giả xem châm ngôn này như một phần tất yếu hay hơn nữa, như mộ phần chủ yếu của dụ ngôn. Nghĩ như thế tất nhiên buộc lòng phải ép lối giải thích dụ ngôn sao cho ăn khớp với câu kết luận đó. Thánh Gioan Kim Khẩu đã tỏ ra sáng suốt hơn khi tuyên bố trong bài giảng thứ 64 của ngài: “Chúa Giêsu không diễn dịch châm ngôn này từ dụ ngôn đâu. Những người đầu tiên chẳng trở thành kẻ cuối hết; trái lại tất cả đều được thướng như nhau” (PG 58,614). Khiếu chú giải của ngài đã chỉ cho ngài giải pháp đích thực: châm ngôn không phát xuất từ dụ ngôn, nhưng đã được thêm vào do loại suy mà thôi.
Thực vậy, nếu thử liên kết câu tục ngữ với dụ ngôn mà nó được coi như là lại giải thích. Ta thất ngay rằng câu tục ngữ không thể nào phát xuất từ dụ ngôn, và cả hai chẳng có thể đi không với nhau được. Theo châm ngôn, thì các kẻ cam kết phải thực sự nên đầu hết và những kẻ đầu hết phải trở nên rốt cùng. Thánh Gioan Kim Khẩu ghi nhận một cách chí lý là bản văn hiện thời không thỏa mãn hai yêu sách ấy. Cùng lắm và theo một nghĩa nào đó, ta có thể chấp nhận rằng các người cuối hết đã nên đầu hết vì họ là những kẻ đầu tiên được gọi đến nhận tiền lương. Nhưng việc xếp hạng này chỉ có tính cách bề ngoài. Kỳ thực, tất cả đám thợ, lãnh cùng một phần thướng, đều ngang hàng như nhau. Đối với họ, chỉ có tiền mới đáng kể. Trẻ em có thể hưởng lợi lộc hơn khi được kêu đầu, nhưng người lớn lại xem việc trả lương trước hay sau cũng chả ăn thua. Vì thế, nếu dụ ngôn xem ra biện minh cho câu tục ngữ, thì đó chỉ là bề ngoài và theo lối chơi chữ mà thôi, chứ thực tế không phải vậy. Tục ngữ nói đến sự đảo ngược vị trí, còn dụ ngôn lại nói về việc đối xử đồng đều.
Chính bản văn giúp ta xác quyết lối giải thích vừa nêu. Các người thợ đầu tiên, khi tỏ ra ghen tương về quyền lợi đến độ căm tức, đã phàn nàn về chuyện gì? Về việc lãnh lương sau cùng ư? hay về chuyện bị đẩy lui vào hàng cuối? Chắc chắn là không! Chẳng thay họ phàn nàn, chống đối gì điểm này. Xin nói lại điều đó không ăn thua gì với họ cả; họ chỉ cần được trả lương đầy đủ, còn trước hay sau đôi chút không quan trọng. Họ phàn nàn ở chỗ là: dù đã lao công nhiều hơn kẻ khác, họ vẫn lãnh cùng một đồng lương như những kẻ đến làm việc sau cùng.
Trước giọng phàn nàn ấy, gia chủ đã đưa ra câu trả lời duy nhất thích hợp: “Này bạn, tôi đâu xử bất công với bạn, bạn đã chẳng thuận giá một quan với tôi sao? Bạn hãy lấy phần bạn mà đi. Còn việc cho người cuối hết này bằng bạn, tôi muốn thế. Há tôi lại không được phép làm như tôi muốn về của cải tôi sao?”. Tất cả ý nghĩa của dụ ngôn đều nằm nơi câu nói ấy của ông chủ vườn nho. Thế mà trong đó chẳng có vấn đề ngôi thứ, mà chỉ là sự bình đẳng trong đồng lương. Các chữ dứt khoát thật rõ ràng: “Này bạn, tôi đâu xử bất công với bạn...Việc cho người cuối hết này bằng bạn, tôi muốn thế... Há tôi lại không được phép.... sao?”
Thành thử dụ ngôn không ăn khớp với câu châm ngôn cuối cùng. Câu này chẳng có tương quan nào khác với dụ ngôn ngoài một tương tự (loại suy) có tính cách ngôn từ về đề tài mà thôi. Đó là một câu kết luận bề ngoài. Như trong nhiều trường hợp tương tự, kết luận bề ngoài này hẳn đã được thêm vào câu chuyện, có lẽ do chính Chúa Giêsu, hoặc do chính tác giả Tin Mừng hay do truyền khẩu bằng cách vay mượn câu nói đó ở một văn mạch khác. Dù sao, các câu kết luận bề ngoài phải được giải thích dưới ánh sáng dụ ngôn (chứ không ngược lại?), nhưng với sự tự do uyển chuyển phù hợp với một loại văn thể như thể. Vì đã được gắn vào phần cuối câu chuyện (19, 16), nên có lẽ câu kết luận đó cũng được ghi lại ở đầu (19, 30) để làm khung văn chương cho dụ ngôn và để thay thế cho câu nhập đề lịch sử.
KẾT LUẬN
Mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa thuộc bình diện ân sủng. Đó là đối tượng đích thực, là giáo huấn căn bản của dụ ngôn. Thật vậy, dụ ngôn đưa ra một mặc khải chủ yếu về Thiên Chúa và cách Ngài nhìn xem sự vật, hay như dụ ngôn người mắc nợ bất nhân (18, 23-33). Trong lúc đó, các giáo sĩ thường tính toán phần thưởng mà người ta có quyền lãnh nhận, xác định phần thưởng mà Thiên Chúa ban cho mỗi việc lành. Cách quan niệm sự vật này hoàn toàn bị dụ ngôn đạp đổ. Ta còn có thể hy vọng gì khi phần thưởng tương ứng với công nghiệp của ta? Trái lại, nếu ta chờ đợi tất cả từ lòng tốt của Thiên Chúa và không nại tí gì vào sự công bằng của Ngài, thì đó chẳng phải là niềm hy vọng của ta sao?
Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG
1) Ta không thể dựa vào trình thuật này để kết luận rằng Thiên Chúa chẳng ân thưởng cho mỗi người tùy theo công việc của họ. Như thế sẽ đi ngược với Thánh Kinh. Nhưng đúng hơn phải kết luận rằng: ngay cả lúc Thiên Chúa ân thưởng mỗi người tùy theo công việc của họ, Ngài cũng chỉ làm vì lòng tốt chứ không vì bất cứ một sự công bình giao hoán nào cả. Mỗi liên hệ của ta với Thiên Chúa chẳng phải là một cái gì khả dĩ đo lường được cũng như giản lược được vào thứ ngôn ngữ công bằng. Hai cái đều là ân sủng.
2) Đó là một sự thật trước tiên có tính cách hạ con người xuống vì nó bảo với con người rằng: ngươi không phải là kẻ có thể thực sự nói tay đôi với Thiên Chúa vĩnh cửu, nhân danh quyền lợi mà ngươi đã chiếm hữu nhờ sức mạnh của riêng ngươi, không phải là kẻ có thể tính sổ với Ngài được. Vì theo sự thật đó, tất cả đều được bao phí bởi lòng nhân ái tự do của Thiên Chúa, bởi những ý định khôn dò của Ngài. Nhưng đối với chúng ta, đó cũng là một sự thật đầy an ủi phấn khích, một sự thật giải phóng ta khỏi một gách vô cùng nặng nề. Vì nếu ta đòi tính sổ với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa cũng sẽ đòi tính sổ với ta, và bấy giờ chắc chắn ta là kẻ thiệt thòi. Tốt nhất là phó mặc tất cả vào lòng nhân ái của Thiên Chúa! Vì nếu như vậy, thì dù bắt đầu phục vụ Thiên Chúa sớm hay muộn, dù khi có cảm tưởng như Giáo Hội đòi hỏi nhiều ở ta, ta vẫn có thể luôn luôn an tâm và nói: Chúa là Thiên Chúa của mọi niềm an ủi và từ bi, Chúa là Thiên Chúa thi ân và trả cho mỗi người một quan tiền mà bản thân họ không thể tự sức mình làm ra được, Chúa là Thiên Chúa ân thưởng chúng con, ngay cả lúc chúng con thực sự chỉ là những tôi tớ mọn hèn và tội nhân nghèo khó.
3) Ta không được phẫn uất nếu, ngay từ đời này, ta nhận thấy những kẻ là la coi như là những đại tội nhân (nhưng ta có được quyền phê phán giá trị thiêng liêng của họ không?) được mạnh khoẻ, thông minh hơn, giàu có hơn ta v.v... Thiên Chúa ban ơn cho những ai Ngài muốn. Ngài thích tỏ ra nhân hậu ngay cả đối với những kẻ vô ơn với Ngài.
4) Chỉ Thiên Chúa mới có thể hoàn toàn yêu thương, tha thứ con người, yêu thương trên hết mọi sự và như thế làm đảo lộn mọi tính toán đê tiện của con người. Ngài là Đấng yêu thương một cách sung sướng vì Ngài chẳng để ý đến các công nghiệp nhỏ bé của ta cho bằng đến tình yêu bao la của Ngài.
5) Nếu nhìn kỹ hơn thì những kẻ được ưu đãi thực sự trong dụ ngôn có lẽ là những người thợ giờ thứ nhất. Dĩ nhiên, họ đã “vác nặng cả một ngày thường với nắng nôi thiêu cháy”, song chủ đã làm họ khỏi nỗi sợ thất nghiệp, khỏi mối lo về cơm bánh là những thứ hẳn từng dày vò các người khác, những kẻ mà buổi chiều mới được mướn làm công. Cũng vậy các tín hữu đã anh dũng trung thành với đức tin suốt đời là những người được ưu đãi so với những kẻ chỉ đến với Chúa vào cuối cuộc sống, những kẻ có lẽ chưa bao giờ kinh nghiêm được sự bình thản nội tâm, kinh nghiệm được niềm vui và sự an lòng vì biết mình ở trong tay Thiên Chúa.

2. Chú giải của Fiches Dominicales

TÌNH YÊU VƯỢT XA CÔNG LÝ
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI:
1. Bảo vệ quyền lợi và đặc quyền
Sau khi Phêrô tuyên xưng đức tin tại Xêsarê Philipphê, Đức Giêsu trước khi lên Giêrusalem, đã loan báo lần đầu tiên về cuộc khổ nạn sắp tới, Ngài không quên cảnh báo các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, hãy bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Thầy”. Tại Caphanaum, Ngài đã phác hoạ khuôn mặt của cộng đoàn mà Ngài sáng lập phải có, nếu cộng đoàn ấy muốn phản ánh hình ảnh của “Cha trên trời”. Một cộng đoàn biết quan tâm tới “những kẻ bé mọn”; một cộng đoàn huynh đệ biết giúp đỡ thương xót và tha thứ cho nhau.
Hôm nay Ngài đến Giuđêa, bên kia sông Giođăng (19,1) tại đó Ngài bắt đầu dạy cho những kẻ theo Ngài biết sự đảo nghịch mà họ phải đi tới. Sự đảo nghịch có trong mọi lãnh vực đời sống, đời sống vợ chồng, thái độ với trẻ em, mối liên hệ với của cải vật chất (19, 3-39). Dụ ngôn những người thợ làm vườn nho giờ thứ mười một -Phúc âm Chúa nhật XXV Thường niên- cho ta một minh hoạ về sự đảo nghịch Phúc âm này. Thoạt tiên, dụ ngôn này gây phẫn nộ nơi công chúng quen có mặt trong các buổi quy tụ ngày Chúa nhật, vẫn nhạy cảm với việc bảo vệ quyền lợi xã hội và với vết thương do nạn thất nghiệp gây ra. Đức Cha L. Daloz tự hỏi: “Dụ ngôn đó không chống lại tất cả những quy tắc về công bình phân phối và về quản lý tốt đẹp đó sao. Ai đời đi thuê mướn thợ vào các giờ giấc khác nhau rồi cuối cùng trả lương cho người cuối cùng cũng bằng người đầu tiên! Tự nhiên ta dễ đồng ý với những người mong được trả nhiều hơn, lẩm bẩm kêu trách chủ: “Những người đến sau cùng chỉ làm việc có một giờ mà ông đối xử cũng thư chúng tôi, trong khi chúng tôi phải chịu vất vả, nóng nực suốt ngày”. Nếu dụ ngôn muốn dạy ta rằng đó là cung cách hành xử của Thiên Chúa, thì chúng ta phải thất vọng. Trong Phúc âm, có những lời của Đức Giêsu rất bí hiểm, nếu không nói là gây vấp phạm ta cảm thấy đồng ý với phản ứng của người anh của đứa con phung phá khi nó trở về, người cha dọn tiệc ăn mừng, dù nó đã phung phí hết tiền bạc. Ta không hiểu làm sao những phường trộm cắp, đĩ điếm lại vào Nước Trời trước chúng ta. Ta khó mà chấp nhận cung cách hành xử của người chủ vườn nho. Để kết thúc dụ ngôn, Đức Giêsu đã rút ra, một kết luận: “Vậy những kẻ sau cùng sẽ trở lên trước hết, và những kẻ trước hết sẽ trở lên sau cùng”. Ta muốn la lên: không công bình! Vậy thì trung tín, chung thuỷ có ích gì? Tội gì mà chịu cực giữ luật Thiên Chúa, nếu Ngài ban Nước Trời cho những kẻ đến sau cùng, chẳng chịu nắng nôi khó nhọc gì, ta cần phải tìm hiểu dụ ngôn này.”
Việc quan trọng nhất là phải xác định cử tọa mà dụ ngôn nhằm nói với. Ở đây Đức Giêsu nói với người Do Thái, đúng hơn, với những thành phần ưu tuyển trong tôn giáo của họ: những biệt phái và luật sĩ vừa tức giận vì thái độ của Đức Giêsu đối với những người thu thuế, những người tội lỗi, vừa ghen tương vì sự quan tâm mà Đức Giêsu bày tỏ với họ. Một bối cảnh rất gần với dụ ngôn người cha và hai con trai ở Lc 15 mà dụ ngôn này có nhiều điểm tương đồng. Đức Giêsu không hề muốn đụng chạm tới lãnh vực công bình xã hội. Điều Ngài tìm kiếm là, qua dụ ngôn nghịch lý này, dẫn các thính giả tới chỗ tự tra vấn về mối tương quan của họ với Thiên Chúa và với anh em: cả họ nữa, họ đã chẳng bị cám dỗ co lại trong đặc quyền đặc lợi của họ, không còn biết kinh ngạc trước lòng quảng đại kỳ diệu của Thiên Chúa đối với mọi người và hoa trái của ân sủng Người nơi anh em họ đó sao?
Câu chuyện khởi đầu rất bình thường. “Nước Trời giống như ông chủ vườn nho sáng sớm ra chợ thuê người làm...”? ông chủ vườn nho này “ra đi” nhiều lần (cũng như người cha. trong dụ ngôn của Luca 15 ra nhiều lần) vào những giờ khác nhau để nhắc lại lời mời gọi: “Hãy vào làm vườn nho cho ta”, chẳng có gì đặc biệt khiến ta phải chú ý, cho tới lúc, bất chấp những luật lệ sơ đẳng về lợi nhuận, ông còn ra chợ “vào lúc 5 giờ chiều”, trong khi mặt trời sắp lặn nhường chỗ cho bóng đêm? Ta vẫn còn chưa hết ngạc nhiên! Vào lúc chiều tối, thay vì trả công cho người làm sớm nhất và để cho họ ra về, ông chủ lại ra lệnh cho viên quản lý trả lương 'bắt đâu từ những người làm sau hết và kết thúc bằng những người làm đầu tiên”, họ sẽ là chứng nhân cho cử chỉ của ông? Những người được thuê vào lúc 5 giờ chiều tiến đến và nhận “mỗi người 1 đồng bạc”. Những người đầu tiên, đã chịu cực khổ suốt ngày, tò mò quan sát cảnh tượng và hy vọng sẽ được trả “nhiều hơn”. Nhưng khi đến phiên họ, họ cũng chỉ nhận được một đồng bạc như hợp đồng lúc thuê mướn. Từ im lặng, ngạc nhiên đến “lẩm bẩm kêu trách”: “Họ lẩm bẩm kêu trách ông chủ”. Những tiếng lẩm bẩm khiến ta nhớ lại tiếng lẩm bẩm của đứa con trưởng khi cha long trọng đón tiếp đứa con phung phá trở về (Lc 15). Những tiếng lẩm bẩm hoà nhịp với tiếng lẩm bẩm của con cái Israel suốt thời gian băng qua sa mạc, và tiếng lẩm bẩm của bọn biệt phái và luật sĩ khi nhìn thấy thái độ của Đức Giêsu đối với nhưng người thu thuế và tội lỗi họ lẩm bẩm kêu trách Ngài: “Người này tiếp đón kẻ tội lỗi là ăn uống với họ” (Lc 15). Điều khiến những người thợ đầu tiên bất mãn đó là thấy những kẻ “chỉ làm việc một giờ” lại được đối xử ngang hàng với họ: “ông đối xử với họ cũng như chúng tôi”. Việc làm đã xong, những điều kiện trong đó họ làm việc chẳng đem lại cho họ đặc quyền đặc lợi nào, so với những người khác, “những người cuối cùng này” mà họ nói đến với sự khinh miệt y như đứa con trưởng trong dụ ngôn ở Luca 15: “Thằng con trai cha đó” (Lc 15,30) hoặc người biệt phái trong Luca 18: “tên thu thuế kia”.
2) … hay ngây ngất vì ơn Thiên Chúa ban nhưng không cho mọi người.
Ông chủ vườn nho nói với người phát ngôn của những người thợ bất mãn: “Hay là bạn bất bình vì tôi nhân lành”. Giống như anh cả của đứa em hoang đàng, những người thợ làm giờ đầu tiên là biểu tượng cho tất cả những ai nhân danh quyền lợi tự cho là nhận được từ Thiên Chúa, nhân danh cái gọi là đặc quyền, ngạc nhiên và vấp phạm vì thái độ của Đức Giêsu đối với những người tội lỗi: đó là những người biệt phái và luật sĩ của hôm qua… và cả hôm nay nữa. Làm như ơn cứu độ không phải là ân huệ ngoại thường và nhưng không, vượt xa sự xứng đáng của ta muôn trùng. Đức Giêsu tự đứng về phía ông chủ vườn nho cũng như về phía người cha đón tiếp đứa con trai đã mất mà nay lại tìm thấy. Thái độ của hai nhân vật này phản ánh lối sống của họ, lối sống bị người ta chê trách. Với những người phản đối thái độ của Ngài đối với người tội lỗi Ngài dám tuyên bố: Thiên Chúa không hành động khác hơn! Thiên Chúa giống như người Cha ăn mừng đứa con trở lại, như ông chủ vườn nho trả lương cho người thợ làm sau cùng cũng bằng người thợ làm đầu tiên. Chắc chắn khi thuật lại dụ ngôn này của Đức Giêsu, Matthêu muốn áp dụng nó vào Giáo Hội thời đó: “Những người đầu tiên” là những người Do Thái; “những người cuối cùng”, dân ngoại đã nhận được cái mà Israel coi như đặc quyền. Claude Tassin kết luận: Vậy, dụ ngôn nhắm tới những người có phản ứng giống như phản ứng của đứa con trai cả trong truyện người con phung phá. Thiên Chúa đã quyết định tỏ sự âu yếm đối với những người tội lỗi đó là lý do tại sao Đức Giêsu, sứ giả của Ngài, lại thích gần những người này đến thế, điều đó gây phẫn nộ cho một số người công chính vì họ tự coi mình có quyền được Thiên Chúa quan tâm hơn những phường chẳng ra gì kia, đâu quan tâm gì đến phục vụ Trời - làm như thể khi cứu vớt những người tội lỗi, Thiên Chúa đã lấy đi điều gì của những kẻ trung thành. Trái với bài học mà tác giả Phúc âm rút ra. Dụ ngôn không hạ “những người đầu tiền” xuống hàng “những người sau cùng”, nhưng dụ ngôn chỉ nhấn mạnh đến sự bình đẳng làm phát sinh ơn phúc lạ thường cho người tội lỗi.
BÀI ĐỌC THÊM:
1. Công bình kỳ cục (G. Boucher, La terre parle au ciel) Công bình! Ta gọi ngươi bằng tất cả khát vọng. Ta đấu tranh vì một thế giới công bình hơn. Ta phát động cách mạng để đập tan bất công. Thậm chí ta còn nói tới thật là ghê tởm- cuộc chiến tranh chính nghĩa. Các toà án của ta đó để thực thi công bình. Lời cầu nguyện của ta kêu lên tới Chúa để cho người nghèo, người bị bóc lột được lắng nghe. Niềm vinh dự của các xã hội, các quốc gia là tạo lập được một hiến pháp, nhưng luật lệ và những cơ chế giúp cho trật tự công bình tiến bộ. Do đâu dụ ngôn Phúc âm bắt ta làm ngược lại? Do đâu khi đọc dụ ngôn lần đầu ta khó chịu như những người thợ làm đầu tiên dã khó chịu, họ tự cho mình và nạn nhân của một sự bất công. Đối với con người, thực thi công bình không phải là trả cho mỗi người điều gì thuộc về họ, theo sức lao động và giả trị của họ sao? Nhưng trong khuôn khổ Nước Trời lại là chuyện khác: có một Đấng tên là Thiên Chúa, là sự viên mãn? ban cho mọi người những gì chính đáng. Thiên Chúa công chính hoá những ai mong muốn. Ngay từ giờ đầu tiên. Ngay từ phút khởi đầu. Nhưng cũng có khi ở nữa đời người, thâm chí cả ở phút chót của cuộc đời nữa. Thiên Chúa kêu mời mọi người hãy đến để được công chính hoá như người ta nhận một quà tặng, một ân ban. Có người trả lời ngay tức khắc từ lúc rạng đông. Có kẻ chỉ nghe được lời đề nghị ở giữa ngày. Đôi khi mãi đến cuối ngày có người mới nhận ra cơ may Chúa ban mà theo ngôn ngữ bác học, ta gọi là ân sủng. Thiên Chúa làm cho nên công chính như ta trở nên trong suất khi ta ở trong ánh sáng. Thiên Chúa biến ta nên công chính như chính Ngài là Đấng công chính, điều đó không có gì giống với những mô hình nhân loại. Bởi vậy ai nhận biết mình được Thiên Chúa công chính hoá sẽ chỉ có thể mừng vui khi thấy ân phúc đó đến với người láng giềng, người đối thủ, người đối địch... vì lối sống của Thiên Chúa đã thấm nhập đời anh. Thời giờ chẳng có gì quan trọng. Ta chỉ có thể cầu mong cho mọi người biết nắm lấy cơ may của mình, những người cùng sống trong chung cư những bạn đồng nghiệp, những người thân và cả những người không thân nữa. Sự công bình theo nghĩa của Thiên Chúa chỉ được thực hiện khi ta biết nắm bắt cơ may của mình, như người thợ giờ thứ 11 đã chọn đi làm việc. Và qua kinh nghiệm, ta biết rằng, để lãnh được lô độc đắc của Thiên Chúa, không có gì bằng một biến cố thúc bách ta, một chứng từ chất vấn ta, phần ta hãy biết đón nhận ân sủng mà Thiên Chúa ban cho và sống sao cho mọi người chung quanh ta khao khát được ân sủng ấy, lương bổng ấy.
2. Một ví dụ khiêu khích bắt ta phải tự vấn (MGT. L. Daloz, Le Règne des cieux siest approché DDB).
Đức Giêsu lấy làm gương thái độ của người chủ đối với thợ của mình, thực là một ví dụ khiêu khích, chứng minh điều Thiên Chúa không là, không giống như ta tưởng. Ngài hành động không theo cách ta làm. Ngài tốt lành vượt xa các ông bố trần gian muôn trùng. Nhờ đó, Đức Giêsu cho ta chứng nghiệm được tình yêu của ta hẹp hòi biết bao: “Bạn bất bình vì tôi nhân lành ư?”. Dụ ngôn này dạy ta biết Thiên Chúa, nhưng cũng biết chính mình. Nếu ta thấy đồng tình với những người thợ lẩm bẩm kêu trách, không phải vì ta đã tưởng tượng Thiên Chúa theo thước đo của ta, và muốn đóng khung Ngài trong những quan niệm chật hẹp của tình yêu giới hạn của ta sao? Dụ ngôn của Đức Giêsu trước hết là nói với dân Do Thái, họ là những người được kêu gọi trước hết, rồi mới tới dân ngoại. Dụ ngôn soi sáng tình trạng các cộng đoàn đầu tiên, trong đó những người từ đa thần giáo tới sau cũng có cùng quyền lợi như các tín hữu gốc Do Thái. Ngày nay, vấn đề vẫn còn đó, tuy hoàn cảnh có khác Giáo huấn của Đức Giêsu vẫn luôn có cùng mục đích, cùng hiệu quả: Ngài mạc khải sự cao thượng của tình yêu Thiên Chúa “chiều cao, chiều rộng và chiều sâu của tình yêu ấy”. Tình yêu ấy thay đổi đường lối của ta, mở rộng lòng ta. Phản ứng của ta thường là giới hạn tình yêu ấy theo khuôn thước của ta. Nhưng “giới hạn của tình yêu là yêu không giới hạn”! Sau cùng, sứ điệp của dụ ngôn phải chăng không nằm trong những từ ngữ đơn sơ này, chúng nói với ta về Thiên Chúa: “Ta nhân lành”. Hơn cả lương bổng, điều quan trọng là tiếng gọi, luôn luôn đổi mới từng ngày, từng giờ, ở mọi thời trong lịch sử cũng như ở mọi lứa tuổi của đời người, tiếng gọi này không gạt ai ra ngoài lề đó là ân sủng cho những người đầu tiên cũng như cho những người cuối cùng, tiếng gọi của Thiên Chúa nói với con người mà Ngài yêu thương không mỏi mệt và Ngài muốn rằng không ai bị bỏ quên: “Nào, cả anh nữa, hãy đến làm vườn nho cho tôi”.

3. Chú giải của Noel Quesson

NHỮNG NGƯỜI THỢ LÀM VƯỜN NHO
Dụ ngôn “những người thợ làm vườn nho vào giờ sau hết” rất nổi tiếng. Người ta thường phê bình dụ ngôn này, đưa ra những phán đoán chỉ trên bình diện con người theo sự công bằng xã hội và theo kinh tế. Về phương diện này, thái độ của vị Thầy chí thánh ít ra cũng rất kỳ lạ và khác thường. Một ông chủ xí nghiệp sẽ nói với bạn rằng theo gương ông chủ vườn nho chỉ có nước làm phá sản xí nghiệp. Một “công nhân” sẽ nói với bạn rằng không tôn trọng một tháng lương hợp lý căn cứ vào công việc thực tế được hoàn thành là việc không bình thường; và một ông chủ độc đoán như thế thật là bất xứng. Nhưng tất cả những lời giải thích này thì quá phiến diện chưa đạt đến sự thật. Rõ ràng Đức Giêsu không đề cao sự bất công xã hội. Phải có một cách đọc khác trang Tin Mừng nổi tiếng này, xứng đáng là một Tin Mừng!
Chúng ta hãy nhớ rằng “dụ ngôn” là một thể loại văn chương rất xác đáng mà người ta không thể đọc bằng bất cứ cách nào cũng được. Trong một dụ ngôn, khác với lối văn phúng dụ, mọi chi tiết cụ thể không chứa đựng bài học: Phải tìm kiếm cao điểm của câu chuyện, ý nghĩa trung tâm của nó. Những chi tiết còn lại chỉ để tạo ra sự mạch lạc trong câu chuyện, tô điểm cho câu chuyện thêm thú vị đôi khi với sự hóm hỉnh khiến người ta phải chú ý, quan tâm.
Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình.
Giờ đây, mọi sự bắt đầu như một câu chuyện có thật. Chúng ta đang ở Pa-lét-tin trời vừa tảng sáng. Những “thợ làm công nhật” trên quảng trường của ngôi làng chờ đợi người ta đến thuê làm công nhật, ngày này qua ngày khác. Tình trạng sống lây lất qua ngày ấy thật thảm hại. Chúng ta phải ghi nhận điều đó nơi những con người không có việc làm ổn định: tình trạng này vẫn còn là tình trạng của hầu hết các người cha trong gia đình ở các nước thế giới thứ ba.
Tuy nhiên, dù phần mô tả đoạn đầu có thực tế đến đâu thì chúng ta cũng được báo cho biết ở đây điều quan trọng không phải là một bài học xã hội, nhưng là một mạc khải về Nước Trời. Vậy chúng ta hãy coi chừng.
Sau khi đã thỏa thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc Khoảng giờ thứ ba ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. Khoảng giờ mười một ông trở ra và thấy còn có những người khác đang đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đấy suốt ngày không làm gì hết?”. Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi”. Ông bảo họ: “Cả các anh nữa hãy đi vào vườn nho!”
Nếu tính ra giờ hôm nay ông chủ đi ra tìm thợ từ sáng sớm, rồi lúc 9 giờ sáng lúc giữa trưa, lúc 3 giờ và lúc 5 giờ chiều. Vì thế chúng ta phải đoán ra rằng đây không phải là một ông chủ bình thường: không ai lại đi thuê thợ làm vườn trước lúc nghỉ việc chỉ có một giờ! Đây là một “ông chủ” quan tâm sâu sắc đến bi kịch của những kẻ thất nghiệp ấy: “Tại sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?”. Câu chuyện mà Đức Giêsu kể lại nhắc chúng ta rằng vấn đề thất nghiệp trầm trọng, than ôi, không chỉ là vấn đề của ngày hôm nay. Và nếu chúng ta dừng lại ở phần đầu của dụ ngôn này không để cho các thiên biến của ý thức hệ chi phối, thì chúng ta thấy Đức Giêsu mô tả một người đã nhân từ một cách tuyệt vời rồi: năm lần trong một ngày, ông không mệt mỏi, lo lắng đem lại việc làm, đồng lương, nhân phẩm, cho những người nghèo bị rơi vào cảnh khốn cùng.
Chúng ta không quên ghi nhận điệp khúc được nhắc lại: “Hãy đi vào vườn nho” trong toàn bộ Cựu Ước, và do đó đối với các thính giả đầu tiên của Đức Giêsu, vườn nho là biểu tượng của “Dân Thiên Chúa” (Is 5,1-7; Gr 2,21; Ed 17,6; Hs 10,1; Tv 78, 9-16). Theo nghĩa này, vườn nho là nơi hạnh phúc, nơi Giao ước với Thiên Chúa, nơi mà Thiên Chúa không ngừng mời gọi chúng ta bước vào. “Hãy đi vào vườn nho của tôi... Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!” (x. Mt 25, 21-23).
Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: “Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất”.
Nói theo kiểu của con người thì chỉ bắt đầu từ lúc này trở đi, câu chuyện xem ra không có thật. Đây là dấu chỉ chúng ta phải đến gần “cao điểm” của dụ ngôn. Một cách rõ ràng hơn, ông chủ rất kỳ lạ này muốn rằng những người có công nhiều nhất với vườn nho phải làm chứng nhân cho điều mà ông sắp làm cho những người vào sau hết: họ sẽ chứng kiến việc ông chủ trả lương cho những người khác. Tại sao? Sẽ rất đơn giản nếu như ông chủ trả công cho người làm nhiều trước và để họ ra về trước.
Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một (5 giờ chiều) tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt!”
Bản văn Hy Lạp dùng một chữ có nghĩa chính xác: “họ lẩm bẩm”. Đó là từ ngữ trong Kinh Thánh nói về những tiếng lẩm bẩm, cằn nhằn của dân Israel trong sa mạc (Xh 16,9; Tv l06,25), nó diễn tả thái độ rất thường gặp của chúng ta khi chúng ta không hiểu những thử thách đang ập xuống chúng ta; khi chúng ta phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt; khi chúng ta lên án Thiên Chúa. Những kẻ lẩm bẩm, cằn nhằn ấy trong dụ ngôn này vào thời Đức Giêsu, rõ ràng là các kinh sư và biệt phái
Họ không ngừng lẩm bẩm chống lại Đức Giêsu khi Người tiếp đón những “kẻ thu thuế, kẻ tội lỗi và gái điếm”. Vào thời của Matthêu, những người “sau cùng” được đặt ngang hàng với những người “đầu tiên”, đó là những dân ngoại được đưa vào trong Giáo hội ngang hàng với những người Do Thái bản địa. Ngày nay cũng thế, chúng ta còn nghe Đức Giêsu nói lại với chúng ta một cách mạnh mẽ rằng với Thiên Chúa, không có những người được ưu đãi, có đặc quyền. Những “người thợ của giờ sau cùng” được đối xử bình đẳng với những người đầu tiên hưởng nhờ vườn nho của Thiên Chúa. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu thường đề cao giá trị của những người nghèo, những kẻ bị loại trừ, những người sau hết, những người tội lỗi! Đối với những người cảm thấy khó chịu, lẩm bẩm, Đức Giêsu nói rằng đó chính là thái độ của Thiên Chúa “giàu lòng thương xót” ‘dives in miséricordia’ theo một tước hiệu đẹp của một Thông điệp của Đức Gioan Phaolô II.
Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?”
Không, chúng ta không còn ở trong một hoàn cảnh bình thường để rút ra những nguyên tắc về công bình xã hội chúng ta lắng nghe một ‘mạc khải thần học về những thái độ của Thiên Chúa’. Đây là một chân dung tuyệt vời mà Đức Giêsu vẽ lại Cha Người cho chúng ta:
Một Thiên Chúa yêu mến mọi người, đặc biệt những người bị bỏ rơi, và muốn đưa họ vào “Vườn nho” của Người, trong hạnh phúc của Người.
Một Thiên Chúa tuôn đổ những ân huệ một cách dồi dào, Người “mời mọc” và “kêu gọi” mọi lúc, mọi tuổi, trong mọi hoàn cảnh.
Một Thiên Chúa mà lòng “nhân từ” không bị giới hạn bởi công nghiệp của chúng ta, và Người cho chúng ta nhiều hơn cái mà chúng ta có được bởi những nỗ lực của riêng mình. Một Thiên Chúa gạt bỏ người nào cho rằng mình đặc quyền và ngăn cản người khác được hưởng những quyền lợi ấy.
Như thế Tin Mừng hôm nay công bố với chúng ta một chân lý chủ yếu của đức tin chúng ta mà Thánh Phaolô đã triển khai rộng ra trong các thư Rôma và Galát: “Tất cả những ai tin đều được như thế… Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không. Vậy thì hãnh diện ở chỗ nào? Chẳng còn gì để hãnh diện... Thật vậy, chúng tôi nghĩ rằng: người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì luật dạy (Rm 3, 22-31).
“Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức?”
Dụ ngôn này phải đem lại một niềm hy vọng lớn lao cho biết bao bậc cha mẹ hôm nay nhìn thấy con cái họ từ bỏ đức tin. Đối với Thiên Chúa, không có gì mất đi mãi mãi, Người còn đi ra thuê thợ cho đến phút chót. Không bao giờ Người đến quá muộn. Vả lại, chúng ta, hãy nhớ rằng Đức Giêsu không chỉ bằng lòng với việc “kể lại” câu chuyện này. Người còn áp dụng câu chuyện này vào cuộc sống khi ban Thiên đàng vào giây phút chót cho người trộm bị đóng đinh với Người.
Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.
Thay vì giữ chặt chúng ta trên vẻ bề ngoài bất công, giờ đây chúng ta được mời gọi hãy vui mừng chỉ vì lòng nhân từ tuyệt vời của Cha chúng ta. “Anh em hãy có lòng thương xót như Cha anh em trên trời là Đấng xót thương”. Từ vài thập kỷ, yêu sách về sự công bình hay công lý trên thế giới đã có nhiều tiến bộ. Dĩ nhiên là không có vấn đề quay lại đàng sau. Nhưng việc thế giới tiến bộ về hướng tình yêu thương và tấm lòng há chẳng cần thiết sao? Đó là một chủ đề mà Đức Giáo Hoàng diễn tả trong một thông điệp của ngài:
“Trong thế giới hiện đại, ý thức về công lý trên bình diện rộng đã trỗi dậy... và Giáo Hội chia sẻ với nhân loại ở thời đại chúng ta ước muốn mãnh hệt, sâu xa và một đời sống công bằng ở mọi phương tiện. Tuy nhiên, người ta dễ dàng nhận ra những chương trình xây dựng trên ý tướng công bằng khi đem ra thực hiện nhiều khi phải chịu sự biến dạng... bởi lòng oán hận, thù nghịch mà cả sự tàn ác. Kinh nghiệm của quá khứ và của thời đại chúng ta chứng tỏ chỉ có công lý mà thôi không đủ, nếu người ta không cho phép một sức mạnh sâu xa hơn là tình yêu thương xây dựng đời sống con người.
Thế thì, chúng ta được trả về với sự chiêm ngắm lòng thương xót của Thiên Chúa: “Lòng nhân hậu là một sức mạnh đặc biệt của tình yêu còn mạnh hơn tội lỗi và sự bất trung. Trong một nghĩa nào đó, lòng nhân hậu ở vị trí đối lập với công lý của Người, và trong nhiều trường hợp tỏ ra mạnh hơn, căn bản hơn công lý” (Gioan Phaolô II).